Ngược Về Thời Minh
Chương 7 : Người đẹp trên lưng ngựa
Ngày đăng: 13:20 30/04/20
Cổ ngữ có câu: "Muốn tới kinh thành phải qua ải Cư Dung, muốn đến ải Cư Dung tất phải đi qua trạm Kê Minh." Trạm Kê Minh cùng với Thổ Mộc bảo cách đó sáu mươi dặm tạo thành thế ỷ dốc, lại kết hợp với Du Lâm hình thành nên ba cửa ải lớn bảo vệ kinh thành.
Dương Lăng và Hàn Ấu Nương đã chuyển nhà ra khỏi vùng núi hẻo lánh. Đầu tiên hai vợ chồng tới thăm vị nhạc phụ đại nhân mà Dương Lăng chưa từng biết mặt, nhưng lại đúng lúc Hàn lão đại dẫn con trai đi săn trên núi chưa về. Hiện giờ tuyết to gió lớn, phụ thân lại vào sâu trong rừng nên Hàn Ấu Nương đoán ít ra cũng phải mươi ngày nửa tháng nữa người mới quay về. Thế là nàng bèn nhắn lại tin mình đã dọn nhà vào trong thành với hàng xóm xung quanh, sau đó cùng Dương Lăng đi Kê Minh.
Dương Lăng chỉ nhớ có nghe qua về cái tên Thổ Mộc bảo. Theo trí nhớ của y, từng có một vị hoàng đế triều Minh dẫn theo năm mươi vạn đại quân đã bị thủ lĩnh bộ tộc Ngõa Lạt (CT: chỉ các bộ tộc ở Tây Mông Cổ, bao gồm phía bắc Tân Cương, Trung Quốc và phía tây nước Mông Cổ ngày nay) đánh cho đại bại ở nơi này, và ông ta đã trở thành một trong số ít các hoàng đế không may bị bắt sống. Nhờ đọc "Bình Tung Hiệp Ảnh" của Lương Vũ Sinh nên y mới biết được chuyện này.
Trong ấn tượng của y, e là chỉ có mấy nơi như Tuyên Đức, Đại Đồng mới đáng được gọi là thành. Tuy nhiên, khởi hành rồi y mới biết giao thông thời này rất bất tiện, còn Kê Minh, mặc dù là một tòa thành nhỏ, nhưng những hàng quán như hiệu buôn, tiệm cầm đồ, hàng dầu, quán trà, quán ăn, loại gì cũng có.
Nơi này là cửa ngõ qua lại giữa kinh thành và vùng Tây Bắc, thương nghiệp phát triển, giao thông tiện lợi, vì thế cũng có thể xem là rất phồn hoa.
Dương Lăng và Hàn Ấu Nương thuê một căn phòng nho nhỏ ở xưởng dầu của nhà họ Tương. Nhà cửa đất đai đều không còn nữa, trên người lại chỉ có khoảng mười lạng bạc, Hàn Ấu Nương sao có thể ngồi không một chỗ! Nàng bèn tới một tiệm may ở đầu phố xin một chân may vá.
Dương Lăng cũng muốn ra ngoài đi lại xem có cách gì để làm giàu không, hoặc ít nhất cũng phải tìm lấy một công việc, chứ để một thiếu nữ mới mười lăm tuổi đầu nuôi, y thật sự cảm thấy không ổn. Nhưng Hàn Ấu Nương lại khăng khăng không chịu, nàng muốn y ở nhà chuyên tâm đọc sách. Dương Lăng cũng đành nghe theo, miệng thì đáp ứng, nhưng nhân lúc nàng không ở nhà liền bắt chước đám học sinh cúp tiết, lẻn ra ngoài đi lăng xăng khắp nơi.
Nào là dịch trạm (CT: trạm truyền đưa văn thư), cửa hàng xe ngựa, tiệm cầm đồ, rồi chùa chiền, mấy chỗ này làm gì có công việc thích hợp với y! Đi cả ngày trời, vắt nát cả óc vẫn không nghĩ ra được cách nào để phát tài, thấy một tiệm rượu, thế là y bước vào kêu ba lạng thịt bò muối, một bình rượu trắng nhỏ, sau đó bắt đầu thưởng thức. Mùi vị của thứ rượu trắng được lên men từ gạo nguyên chất này còn ngon hơn loại rượu cả trăm tệ mà y từng uống tại các nhà hàng lớn. Cho dù có dở thì gã Dương Lăng đáng thương này cũng có biết cách nấu rượu đâu mà phát tài được.
Hỡi ôi, lúc trước đọc tiểu thuyết thấy mấy nhân vật vượt thời gian trong truyện muốn phát tài liền có người vội đưa tiền tới, muốn làm quan lập tức có hoàng thượng chạy ra khóc lóc năn nỉ xin hắn ta ra làm quan, muốn gặp mỹ nữ thì dù chỉ ra khỏi ngõ cũng gặp được vài ba nàng. Liệu có phải là mình quá kém cỏi không nhỉ?
Dương Lăng chán nản uống hết chén rượu chất chứa buồn phiền, sau đó trả bảy văn tiền và rời khỏi quán. Giấu tay vào trong áo, y buồn bực bước đi trên con đường đầy tuyết, tiếng sột soạt vang lên theo từng bước chân. Tòa thành này thật ra rất phồn hoa, lượng người qua lại cũng rất lớn. Nhưng bạn đừng có lấy hình ảnh mọi người đi lại chen chúc của thời nay ra mà tưởng tượng, thời đó không có nhiều người như vậy.
Dương Lăng không am hiểu về nhạc cụ, nhưng mới vừa thấy người ta đã bỏ đi thì cũng không tiện lắm. Cho nên y làm bộ làm tịch cầm lấy một cây sáo trúc lên nhìn nhìn ngắm ngắm, nhưng mắt lại lén nhìn về phía thiếu nữ.
Nàng chỉ cúi đầu nhìn cây đàn. Trông hình dáng cây đàn đó đúng là đồ quý hiếm trong các loại đàn: dáng vẻ cổ xưa, mặt ngoài bóng loáng như vàng mà chẳng phải vàng, hoa văn tinh xảo, chất liệu sử dụng cũng là loại gỗ đồng cổ (CT: tên khoa học Aleurites cordata, là một thứ gỗ dùng để đóng đàn).
Ánh mắt thiếu nữ lộ vẻ vừa ngạc nhiên vừa vui mừng, đưa ngón tay ngọc ra vuốt nhẹ dây đàn, trong phòng vang lên những nốt nhạc êm tai.
- A ha, âm điệu thật không tệ!
Thiếu nữ vui thích reo lên. Một ngón tay ấn lên dây thứ nhất, ngón kia khảy đàn, nốt nhạc hùng hồn bi tráng lan rộng khắp phòng.
- Đàn tốt! Lão bản, cây đàn này bao nhiêu tiền?
Lão bản độ sáu mươi tuổi, cười nói với vẻ bợ đỡ:
- Tiểu thư thật biết nhìn hàng, cây đàn này chính là cổ vật từ triều trước, nếu tiểu thư thích, lão sẽ để lại với giá hai mươi lạng bạc.
Thiếu nữ ngạc nhiên hỏi lại:
- Hai mươi lạng ư? Cây đàn này không tồi, nhưng hai mươi lạng thì hơi đắt, ta thấy... chỉ đáng giá mười lạng thôi.