Ngược Về Thời Minh
Chương 98 : Bàn về phong thủy
Ngày đăng: 13:21 30/04/20
Thông thường chỉ khi xử lý phúc thẩm thì Tam Pháp Ty mới cùng thẩm vấn, song lần này việc Kim Tỉnh ở Đế Lăng tươm nước rất trọng đại, hơn nữa lại liên quan đến nhiều nha môn, nên ba khanh của bộ Hình, Đốc Sát Viện, Đại Lý tự được lệnh vua cùng hội thẩm vụ án này. Lập tức tiếng đồn lan truyền khắp kinh sư.
Hữu thị lang bộ Hình Ngụy Thân vừa áp tải đám Dương Lăng, Nghê Khiêm vào đại lao bộ Hình thì thượng thư bộ Công Từ Quán, thượng thư bộ Lễ Vương Quỳnh liền cùng nhau tới bộ Hình bái phỏng. Hai người tuy không nói chuyện về vụ án, nhưng lại trắng trợn nói về việc long mạch bị hao tổn rất nguy hiểm cho xã tắc, rồi Hoàng Thượng rất coi trọng việc này, v.v… Nghe thế, thượng thư bộ Hình Hồng Chung trong lòng lo sợ không an.
Những người bị giam vào đại lao liên quan tới nhiều nha môn, hơn nữa điều làm cho người ta đau đầu nhất là có cả người của ty Lễ Giám và thậm chí có cả Dương Lăng, người tâm phúc của Hoàng Thượng. Hồng Chung nhất thời cũng không dò được thánh ý rốt cuộc muốn nghiêm trị tới trình độ nào, trong lòng chưa biết phải làm sao. Bây giờ nghe hai vị Thượng Thư đại nhân nói chuyện, tựa như thấy tia sáng khi bị lạc đường giữa đêm, lập tức lão bèn hơi có chủ ý.
Ngụy Thân đem bọn Dương Lăng xuống tù xa, tự mình đưa vào đại lao, thu xếp ổn thỏa xong vừa đi ra khỏi cửa ngục liền thấy hai viên chức Cẩm Y Vệ cầm công văn đang tranh cãi với tên trưởng ngục. Ngụy Thân lập tức bước nhanh tới hỏi:
- Chuyện gì mà tranh chấp trước đại lao bộ Hình như vậy?
Viên trưởng ngục khom người bẩm:
- Ngụy đại nhân! Hai vị này là bách hộ chưởng hình Trấn Hộ ty (cơ quan bảo vệ an ninh trật tự), muốn hỏi cung nghi phạm vụ án Đế Lăng.
Ngụy Thân liếc nhìn hai vị bách hộ Cẩm Y Vệ mặc áo cá chuồn. Bọn họ vừa thấy đây là Ngụy Thân danh chấn kinh sư về tính chính trực, lập tức bao nhiêu dáng vẻ bệ vệ đối với tên trưởng ngục đều bay mất. Một tên tiến lên thi lễ:
- Hạ quan Thôi Đề ra mắt Ngụy đại nhân. Theo luật Đại Minh, phàm có án nào mạo phạm Hoàng Đế bệ hạ và liên quan tới quan chức trong triều, thì Trấn Phủ đều có quyền hỏi cung, thậm chí tra tấn. Nhưng Hoàng Thượng đã giao án này cho Tam Pháp Ty, Trấn Phủ chúng tôi không hề dám tranh giành việc thẩm vấn, nhưng chúng tôi lại phải dự thính vụ án này. Bất kể là đưa ra hỏi cung hoặc tra tấn tù phạm, cũng xin đại nhân kịp thời cáo tri cho chúng tôi biết.
Sớm đã bất mãn về sự ngang bướng của Cẩm Y Vệ, Ngụy Thân nghe thế rất giận, đáp ngay:
- Việc này tuy liên quan đến Đế Lăng và hoàng gia, nhưng lại là việc xử lý quan chức gian lận tham ô, không liên quan gì tới đại án mưu phản. Huống chi Hoàng Thượng đã giao phó vụ án này cho Tam Pháp Ty toàn quyền, Cẩm Y Vệ cũng có thể nhúng tay vào sao?
Thôi Đề cười không vui:
- Đại nhân làm theo nhiệm vụ cũng phải theo lẽ công bằng mà làm. Đây cũng là nhiệm vụ của Cẩm Y Vệ, ý chỉ Hoàng Thượng không nói là không cho Cẩm Y Vệ giám sát vụ án này mà?!
Ngụy Thân ngửa mặt lên trời cười ha hả, vuốt bộ râu dài nói:
- Đới Nghĩa là người của ty Lễ Giám. Ai chẳng biết Cẩm Y Vệ cùng nhà với Đông Xưởng và ty Lễ Giám! Xin chuyển cáo đến đề đốc Trương đại nhân và Trấn Phủ Sứ Mưu đại nhân: nên tránh khỏi hiềm nghi cho xa!
Vừa dứt lời, Ngụy Thân bèn phất tay áo bỏ đi. Hai vị bách bộ cẩm y nhìn theo hình bóng Ngụy Thân, nhất thời cũng không biết phải làm sao. Thôi Đề nhíu mày nói:
- Bộ Hình giao vụ này cho Ngụy phán quan xử lý, e rằng muốn làm khó Trấn Phủ Sứ đại nhân rồi. Lão thất phu này đến cả hoàng thân quốc thích cũng chẳng để vào mắt, há lại quan tâm tới chúng ta?
Tên bách bộ cẩm y kia là Hoàng Tử Duy cười nói:
Tiền Ninh chân trước mới vừa đi, Ngụy Thân đã trở lại. Ở bốn cửa lao cả ngày lẫn đêm không lúc nào không có ngục tốt trấn thủ. Dù Cẩm Y Vệ chỗ nào cũng có thể nhúng tay vào nhưng nếu muốn đưa tin cũng khó như lên trời. Tiền Ninh cố thử vài lần nhưng suýt khiến cho Ngụy Thân nghi ngờ, gã đành bỏ cuộc, chỉ có nước đem những lời dặn dò của Dương Lăng về bẩm báo với Mưu Bân.
Nha môn Tam Ty đột nhiên hội thẩm hai lần, quả nhiên Cẩm Y Vệ bị gạt ra ngoài. Mắt thấy Cẩm Y Vệ quyền thế lại bị khiêu khích và bỏ qua một bên như vậy, đến cả Trương Tú cũng cảm thấy giận dữ. Lão lập tức tung mật thám Cẩm Y Vệ ra phao những lời đồn đoán, phỉ báng quan chức các bộ Lễ, Công, Hình, đồng thời thu thập những cái đuôi của họ.
Tam Pháp Ty hội thẩm hai lần. Bốn người Dương Lăng cùng nói một giọng mặc cho tên thập trưởng ra mặt làm nhân chứng. Cả bốn chỉ nói hắn vì thù oán bọn họ nên vu cáo hãm hại, khiến cho Tam Pháp Ty hết đường xoay sở.
Thượng thư bộ Hình Hồng Chung bất lực chỉ có nước tâu với Chính Đức Hoàng Đế ở phiên triều sớm:
- Khải bẩm Hoàng Thượng! Thần phụng chỉ cùng Đốc Sát Viện, Đại Lý Tự thẩm tra án Đế Lăng thấm nước. Nhân chứng đối chất với phạm quan (quan phạm tội) ở công đường, nhưng cả bốn phạm quan hoàn toàn không chịu thừa nhận, bảo là tên thập trưởng bị bệnh hoang tưởng, hoa mắt nhìn lầm, chết cũng không thừa nhận. Thần xin phép Hoàng Thượng hạ chỉ cho phép bộ Hình được phép tra tấn bốn phạm quan.
Mặc dù mấy cái thứ ưu đãi ‘Hình không áp dụng cho đại phu’, sớm bị tên Chu Trọng Bát (tức Chu Nguyên Chương, hoàng đế lập nên triều Minh) phá tan hoang rồi, nhưng ngoại trừ khi bị Cẩm Y Vệ hạ ngục, trước giờ chưa từng nghe nói bộ Hình cũng có thể dùng cực hình bức cung với quan chức. Một khi thành lệ, bộ Hình nắm quyền sinh sát trong tay lập tức có thể biến thành Cẩm Y Vệ thứ hai rồi. Bá quan nghe vậy, không khỏi trợn mắt nhìn.
Đại học sĩ Lưu Kiện lập tức bước ra khỏi hàng tâu:
- Hoàng Thượng! Việc này vạn lần không thể được. Bốn phạm quan thật sự có tội hay không, trước mắt chỉ có một nhân chứng, cũng không vật chứng. Thần nghe nói tên thập trưởng đó từng bị khâm sai Đới Nghĩa trừng phạt. Bởi vì một chút ân oán cá nhân, trước nay cũng có những người dân điêu ngoa, gian ác gan lớn bằng trời dám hãm hại đại thần triều đình rồi. Nếu các vị ấy bị cực hình mà nhận tội, thành ra bức cung, chẳng phải là oan uổng sao?
Từ Quán vội la lên:
- Hoàng Thượng! Cẩm Y thân quân cũng được thiên tử giao cho quyền tra tấn. Nhưng việc này vì có liên quan tới ty Lễ Giám, để tránh hiềm nghi, Hoàng Thượng nên đưa phạm quan cho Tam Ty thẩm vấn. Mấy tên phạm quan đó biết long mạch bị hao tổn ảnh hưởng tới vận mệnh quốc gia, hậu quả rất là nghiêm trọng; ai cũng sợ chết nên đương nhiên ngoan cố, không dùng cực hình là không chịu cung khai. Gặp sự phải tòng quyền, xin bệ hạ ân chuẩn.
Tạ Thiên bước ra, tâu:
- Người không nói loạn về thần linh. Đại Minh ta được thiên hạ, đó là nhờ vào thiên mạng. Chỉ một lần phong thủy cũng có thể có được thiên hạ, cũng có thể mất thiên hạ, chẳng lẽ đó không phải là việc bất chính, quá là hoang đường sao? Thánh nhân từ trước đến nay coi phong thủy là thuật xằng bậy, mê hoặc lòng người. Mấy năm trước, sau vụ án ”Lý Quảng” (*), tiên đế đã từng đuổi mấy ngàn tên đạo sĩ phiên tăng thuật sĩ chuyên dùng tà thuyết mê hoặc dân chúng. Bệ hạ đâu thể chỉ vì một người tố cáo như vậy mà trị tội đại thần chứ?
(*): Xem chương 82: Gạo vàng gạo trắng;
Xem thêm http://bbs.daqi.com/bbs_editor/05/724286719.html (Cám ơn StormRaider)
Đệ tử nho gia chính thống từ trước đến nay không tin phong thủy, cho rằng người có đạo là có thiên hạ, có được lòng dân là có thiên hạ. Họ cho rằng mấu chốt của vận mệnh họa phúc đều do cá nhân tu dưỡng, nếu có thể giữ được lòng lành, nhận thức được thiên tâm là có thể chuyển họa thành phúc, cải tạo vận mệnh. Do đó phần lớn văn võ bá quan trong triều đều phản đối thuật phong thủy.
Nhưng khi Hoàng Đế về trời, hoàng gia tìm một vùng đất an táng, tìm một thầy phong thuỷ tới thăm dò thì cũng không quan hệ gì lắm tới việc triều chính, do đó bọn họ luôn luôn mắt nhắm mắt mở bỏ qua. Nhưng bây giờ bộ Hình muốn dựa vào chuyện này mà lạm quyền, ba vị đại học sĩ cũng hơi bất mãn.
Hơn nữa hiện nay dân gian có lời đồn đoán, bảo là vì dời lăng Tiên đế nên triều đình sẽ phải đánh thuế nặng, phần lớn dân chúng đã hơi hoang mang, lo lắng. Không ở nhà thì chẳng biết củi gạo quý. Ba vị đại học sĩ quản lí triều chính nên biết chi phí tiền lương tuy không tới nỗi phải giật gấu vá vai, nhưng cũng không chịu nổi việc tiêu xài hoang phí như thế. Huống hồ Đại Minh đang chịu thiên tai ở vài địa phương, đã có dấu hiệu dân muốn nổi loạn, lúc này mà tăng thuế thì không khác gì lửa cháy đổ thêm dầu. Do đó ba vị đại học sĩ vốn luôn luôn cùng tiến cùng lùi, lần này nhất trí cho rằng bộ Công, bộ Lễ cứ chuyện bé xé ra to là do người khác có mưu đồ riêng; nên cả ba vị quyết tâm phải phản đối cho bằng được.