Nhất Phẩm Giang Sơn
Chương 4117 : Nỗi đau của đế quốc
Ngày đăng: 01:22 20/04/20
Nói không khoa trương, việc bắc Tống diệt vong, một nửa nguyên nhân cũng chính là do Hoàng Hà gây nên.
Trước thời nhà Tống, từ nhà Hán tới nhà Đường, Hoàng Hà nằm trong “an lưu kỳ” (dòng chảy hiền hòa) suốt một thời gian dài, cơ bản chưa hề xảy ra một trận lũ lụt quy mô lớn nào. Người dân khu vực quanh Hoàng Hà thời đó được hưởng lợi từ Hoàng Hà nhiều hơn là hại.
Thế nhưng từ cuối nhà Tống đến nay, Hoàng Hà đột nhiên thay đổi, từ con sông mẹ hiền hòa biến thành con rồng vàng bạo ngược. Bắt đầu từ lần vỡ đê đầu tiên trong năm đầu Kiến Long, gần như một năm vỡ đê một lần, thậm chí là mấy năm vỡ đê một lần, còn nếu năm nào nước Hoàng Hà không tràn ra thì sử quan thời kỳ đó sẽ viết như thế này “năm sông yên bình”, những ghi chép mang đầy cảm xúc may mắn.
Nước Hoàng Hà mỗi lần tràn lên gây ngập lụt, không chỉ đem đến tai họa về sinh mạng và của cải của rất nhiều bách tính, mà mỗi lần đê vỡ, công tác chống lũ cũng gây tổn hại số lượng lớn nhân vật lực. Tuy nhiên nếu năm nào cũng có thể đối phó và vượt qua nó như vậy thì cũng coi là được, chẳng qua chỉ là quốc gia chịu thiệt một chút, bách tính thống khổ một chút, bởi dù thế nào thì hàng nghìn năm qua, mọi người cũng đã quen với nó rồi.
Tuy nhiên có một điều nguy hiểm là, nếu cứ tiếp tục tu bổ tạm thời như vậy thì không thể giải quyết vấn đề. Chỉ e là những tiêu cực này tích tụ lại với nhau, đợi đến một mức độ nhất định, không thể tiếp tục chịu đựng được nữa, sẽ gây ra thay đổi dòng nước khủng khiếp.
Triều đình nhà Tống thật không may, bởi nó phải một mình giải quyết thanh toán hết tất cả những tổn hại quá mức của nhân dân Trung Hoa trên vùng thượng lưu Hoàng Hà suốt năm triều đại Hán Đường tới nay. Và Triệu Trinh vị quan gia hiện nay lại càng không may mắn, y phải giải quyết vấn đề tạm bợ từ thời lập quốc tới nay.
Năm đầu Cảnh Hữu, đoạn đê Hoàng Lũng ở Kinh Đông vỡ, nước lũ tràn ra cuốn trôi cả người lẫn vật, lại chảy qua ranh giới phủ Đại Danh, sau đó lại chảy theo hướng bắc. Cả nước dốc sức đắp đê nhưng vẫn không có kết quả, chỉ đành làm nhiệm vụ thay đổi dòng nước. Từ đó về sau, trên vùng đất Trung Nguyên nạn sông nước liên tục xảy ra, gần tám mươi năm nay, không năm nào được yên bình....
Nhưng đó mới chỉ là bắt đầu, mười bốn năm sau, vào một ngày đại cát đại lợi mùng sáu tháng sáu năm Khánh Lịch thứ tám, Hoàng Hà lại một lần nữa vỡ đê ở Thiền Châu. Chỗ đê vỡ rộng khoảng gần một dặm, nước đục cuồn cuộn ngập trời, làm ngập cả vùng phía bắc Trung Nguyên.
Sau hai lần đó Hoàng Hà thay đổi hoàn toàn dòng nước. Dòng chảy của nó thay đổi sang hướng bắc, chảy qua phía đông Nội Hoàng Hà Nam, phía tây Đại Danh Hà Bắc, ngang qua bình nguyên Hà Bắc, sau đó nhập vào Ngự Hà lại chảy qua sông giáp ranh rồi đổ ra biển.
Những kiểu tai họa như thế này, chỉ cần xảy ra một hai lần nữa, thì có thể tiêu diệt cả một quốc gia.
Sau họa lũ lụt, việc cả nước dốc sức trị thủy Hoàng Hà, dường như đã trở thành một nhận thức chung của cả vua quan lẫn bách tính. Sau đó, chỉ xoay quanh vấn đề “làm thế nào để tiến hành trị thủy”, trên có hoàng đế, dưới quân thần đều bị cuốn vào cuộc tranh luận không ngừng nghỉ.
Không có cách nào, với niên đại mà người được gọi là danh thần xuất hiện tầng tầng lớp lớp, người tài có thể trị nước quá nhiều. Mỗi người đều có chủ kiến của riêng mình, mỗi người cũng đều tin tưởng rằng chỉ có chủ ý của mình mới có thể giải quyết được vấn đề, thế là cuộc tranh luận bắt đầu. Các loại lý luận thần tiên đều được đưa ra, cãi vã lẫn nhau, tranh luận tới đỏ mặt tía tai, tranh luận với nhau suốt bốn năm cũng không đưa ra được một phương án nào.
Sau khi thay đổi dòng nước, Hoàng Hà có bốn năm yên bình. Đây chính là thời kỳ hoàng kim thích hợp cho việc trị thủy, nhưng lại bị đám người ngu xuẩn này giành để tranh luận một cách vô ích, làm lỡ mất thời cơ.
Bốn năm sau, Hoàng Hà lại tiếp tục vỡ đê ở Quách Cố khẩu, huyện Quán Đào, phủ Đại Danh. Sau đó cả nước phải dùng tới thời gian năm tháng mới có thể đắp lại đê, nhưng theo như quan sát của quan viên đi thị sát thì lượng bùn và phù sa tích tụ ngày một nhiều trong khu vực lòng sông, mặt nước bất cứ lúc nào cũng có thể tràn qua mặt đê, một lần nữa đứng trước nguy cơ sụp đổ.
- Sư phụ, không thể từ bỏ được!
Đợi tới khi Âu Dương Tu cười xong, Trần Khác mới bình tĩnh nhìn ông ta nói:
- Người thường dạy chúng con, bảo vệ quốc gia, bảo vệ bách tính, bảo vệ lẽ phải là trách nhiệm của người quân tử đó!
- Không sai,
Âu Dương Tu cũng phấn chấn trở lại nói:
- Cứ cho là phải nhảy xuống sông Lục Tháp ta cũng nhất định phải ngăn bọn họ!
- Nhảy sông thì không cần.
Trần Khác cười nói:
- Làm cách nào cho công trình này dừng lại, đối với vần đề này người có chủ ý gì không?
- Nếu có chủ ý ta há lại ngồi đây thở ngắn than dài?
Âu Dương Tu nói:
- Tam Lang con có chủ ý gì không?
- Con cũng không có cách gì gọi là tốt hết.
Trần Khác cười khổ nói:
- Nhưng tổng kết lại thì những giáo huấn của người lần trước thất bại, chẳng qua chỉ là xâm nhập một cách vô duyên, nên mới không tạo được thanh thế. Còn nữa phương án “hà nhập Lục Tháp” được kêu gọi rất nhiều, lại có sự ủng hộ toàn lực của quan gia và đám tướng công, cho nên sư phụ người thất bại là không có gì oan ức hết.
- Ừ.
Âu Dương Tu gật đầu, ra hiệu cho hắn nói tiếp.
- Cho nên sư phụ nhất định phải tìm đủ số lượng và phân lượng người ủng hộ!
Trần Khác nói:
- Như thế mới có khả năng tác chiến!