Pháo Đài Số
Chương 23 :
Ngày đăng: 17:06 18/04/20
Susan ngồi một mình trong Node 3 sang trọng. Vừa uống trà chanh vừa nhìn màn hình chờ đợi.
Là một chuyên gia cao cấp về mật mã, Susan được bố trí một căn phòng ở vị trí đẹp nhất. Nó ở phía sau dãy vi tính, đối diện với Crypto. Từ căn phòng này, cộ có thể quan sát toàn bộ Node 3.
Không những thế cô có thể nhìn thấy phía bên kia của tấm kính quan sát một chiều, TRANSLTR ngay giữa trung tâm của Crypto.
Susan nhìn đồng hồ. Cô đã đợi được một tiếng. Trung tâm kiểm tra thư tín nặc danh (American Remailers Anomymous) rõ ràng đã kiểm tra thư từ của Dakota. Cô thở dài nặng nhọc. Mặc dù đã cố quên cuộc nói chuyện với David sáng nay, nhưng những lời nói vẫn cứ hiện ra trong đầu cô. Cô biết mình đã quá khắt khe với anh. Mong rằng anh sẽ không sao khi ở Tây Ban Nha.
Những ý nghĩ của cô bị ngắt quãng bởi một tiếng động lớn phía cửa kính. Nhân viên mật mã Greg Hale đang đứng ở ngưỡng cửa.
Cao to lực lưỡng, tóc vàng dầy, Greg Hale có chiếc cằm chẻ sâu. Anh ta thích diện quá mức, luôn phô trương những bắp thịt. Đồng nghiệp đặt cho anh biệt danh là “Halite”- một chất muối khoáng.
Hale cứ nghĩ rằng biệt danh này là một chất quý hiếm, tương xứng với trí thông minh và cơ thể cường tráng của mình. Chỉ khi tra tên đó trong bách khoa toàn thư, anh mới phát hiện ra rằng nó chỉ là chất muối cặn còn lại khi nước biển rút đi.
Giống như các nhân viên mật mã khác. Hale cố mức lương cao. Tuy nhiên, anh ta không thể giữ kín thu nhập của mình. Anh ta lái chiếc xe Lotus mui trần, với một dàn âm thanh chói tai. Trông anh ta giống như một tay chơi ngông, và chiếc ô tô của anh ta đầy vẻ phô trương với hệ thống vi tính định vị toàn cầu, cửa xe khoá điều khiển bằng tiếng nói, máy làm nhiễu năm điểm sóng ra đa, và một máy fax, điện thoại di động để không bao giờ bị mất liên lạc. Một đĩa đọc MEGABYTE hảo hạng được đặt trong khung có ánh nê-ông tím.
Greg Hale được Tập đoàn hàng hải Mỹ cứu thoát khỏi một tuổi thơ đầy tội phạm. Năm ba tuổi anh ta học vi tính. Anh ta là một trong những lập trình viên giỏi nhất của Cục Hàng hải, trên con đường sự nghiệp quân sự đầy vinh quang của mình. Nhưng hai ngày trước khi hoàn thành chuyến công tác ba ngày của mình, tương lai của anh ta bỗng nhiên thay đổi. Hale chẳng may giết chết một đồng nghiệp ở Cục Hàng hải trong cơn say. Môn võ tự vệ của Hàn Quốc, Taekwondo, đã không thể giúp anh ta tự bào chữa. Và nhanh chóng, Hale bị đuổi khỏi ngành.
Sau một thời gian ngồi bóc lịch trong nhà tù, Hale bắt đầu tìm kiếm công việc ở các công ty tư nhân với tư cách là một lập trình viên. Bị tai tiếng do vụ tai nạn ở Cục Hàng hải, Hale luôn phải thuyết phục các ông chủ bằng một tháng làm việc không lương để chứng tỏ tài năng. Không thiếu người thuê anh ta và ngay khi họ thấy anh ta có thể làm việc với cái máy tính, họ đã không bao giờ để anh ta đi mất.
Khi trình độ vi tính của mình đã nâng cao, Hale bắt đầu kết nối toàn cầu qua mạng Internet. Anh ta lập ra trào lưu mới của những người say mê mạng máy tính cùng với những người bạn qua thư điện tử trên khắp thế giới, đăng tải những tuần thư điện tử vớ vẩn hoặc các nhóm chát chít ở châu âu. Anh ta đã bị hai ông chủ đuổi việc do lợi dụng công việc để đăng tải những hình ảnh khiêu dâm cho bạn bè mình.
- Cô đang làm gì ở đây vậy? - Hale hỏi, dừng ở ngưỡng cửa và nhìn chằm chằm Susan. Rõ ràng anh ta không muốn gặp ai ở Node 3 ngày hôm nay.
Susan cố gắng tỏ vẻ bình thường.
Susan chợt có một ý nghĩ. Nếu như Hale truy cập vào màn hình chạy của TRANSLTR thì sao? Không có lý do hợp lý nào khiến anh ta làm như vậy, tuy nhiên Susan biết rằng anh ta sẽ không bao giờ tin một câu chuyện ngớ ngẩn về một mật mã làm cho TRANSLTR xử lý trong 16 tiếng. Hale có thể muốn biết sự thật, và Susan không có ý định cho anh ta biết. Cô không tin Greg Hale. Anh ta không phải là nhân viên của NSA. Cô đã phản đối việc thuê anh ta ngay từ đầu, nhưng NSA không có lựa chọn nào khác. Anh ta là một món nợ mà NSA phải gánh sau một phi vụ.
Dự án Skipjack đã thất bại.
Bốn năm trước đây, trong một nỗ lực nhằm tạo ra một tiêu chuẩn mã hoá chung, đơn giản, Quốc hội đã thuê những nhà toán học giỏi nhất trong nước, những người làm tại NSA, viết một siêu thuật toán. Kể hoạch này sẽ được sử dụng cho Quốc hội trong việc thông qua một điều luật về một thuật toán chuẩn trong nước, do vậy các tập đoàn sẽ không phải chịu những rắc rối do sử dụng cac thuật toán khác nhau.
Tất nhiên khi yêu cầu NSA giúp một tay trong kế hoạch phát triển tiêu chuẩn mã hoá chung là một yêu cầu như thể yêu cầu một người tự xây chiếc quan tài cho mình vậy. TRANSLTR lúc đó chưa ra đời, và một tiêu chuẩn mã hoá chỉ giúp đẩy mạnh việc sử dụng mã hoá, điều này sẽ làm cho công việc khó khăn của NSA lại càng khó khăn hơn.
EFF hiểu rõ sự mâu thuẫn quyền lợi này và loan tin NSA sẽ tạo ra một thuật toán kém chất lượng, có thể bị giải mã một cách dễ dàng. Để đối phó với tình huống này, Quốc hội tuyên bố rằng khi nào NSA tạo ra thuật toán, thì công thức đó sẽ được những nhà toán học trên thế giới kiểm tra chất lượng.
Một cách miễn cưỡng, nhóm giải mã của NSA, do ngài Strathmore lãnh đạo, đã tạo ra một thuật toán và họ đặt tên là Skipjack. Skipjack được đưa cho Quốc hội thông qua. Các nhà toán học trên khắp thế giới kiểm tra Skipjack và đã hoàn toàn bị chinh phục. Họ kết luận đó là một thuật toán không thể bẻ khoá, và nó có thể tạo ra một tiêu chuẩn mã hoá siêu việt. Nhưng chỉ ba ngày trước khi Quốc hội bỏ phiếu thông qua, thì một lập trình viên trẻ tại phòng thí nghiệm Bell, Greg Hale đã gây sốc cho toàn thế giới khi thông báo rằng anh ta đã tìm ra lỗ hổng cổng hậu của thuật toán đó.
Lỗ hổng này bao gồm một vài dòng mã lệnh hết sức tinh xảo mà Strathmore đã cài vào trong thuật toán đó. Và phải nói thêm rằng, không một ai ngoại trừ Greg Hale phát hiện ra nó. Và trong lời thú nhận của mình, Strathmore đã nói rằng bất cứ mật mã nào viết bằng chương trình Skipjack đều bị bẻ khoá thông qua một mật khẩu bí mật chỉ có NSA biết. Strathmore sắp biến tiêu chuẩn mã hoá quốc gia trở thành một phương tiện tình báo lớn nhất trong lịch sử NSA; NSA cũng nắm giữ mật khẩu của các mã hoá khác trên nước Mỹ.
Những người hiểu biết về máy tính đều cảm thấy bị xúc phạm.
EFF coi NSA là kẻ trục lợi, chế nhạo sự khờ khạo của Quốc hội và tuyên bố NSA là mối đe doạ lớn nhất cho một thế giới tự do sau kỷ nguyên Hit-le. Dự án tiêu chuẩn mã hoá bị phá sản.
Một điều ngạc nhiên là chỉ hai ngày sau đó. NSA đã thuê Greg Hale. Strathmore thấy để anh ta làm việc cho NSA thì tốt hơn để anh ta ở ngoài và tìm cách phá hoại nó.
Strathmore phải đối mặt với vụ xì căng đan. Ông đã bảo vệ cho hành động của mình. Một cách đầy thuyết phục trước Quốc hội.
Ông tranh luận rằng chính yêu cầu đòi quyền riêng tư của người dân sẽ chống lại chính họ. Ông khăng khăng rằng dân chúng cần một ai đó đứng ra bảo vệ họ; và dân chúng cần NSA bẻ khoá mật mã nhằm duy trì hoà bình. Những nhóm chống đối như EFF lại nghĩ khác, và họ tiếp tục phản đối từ đó đến nay.