Phế Đô
Chương 94 : Lời cuối sách
Ngày đăng: 17:47 18/04/20
(Giả Bình Ao)
Thấm thoát, tôi ở thành phố đã hai mươi năm, nhưng vẫn chưa viết một cuốn truyện nào về thành phố. Càng áy náy, tôi càng không dám viết lấy được, thậm chí ngay đến truyện Thương Châu cũng lười viết. Theo hiểu biết của tôi năm bốn mươi tuổi, văn chương là chuyện thiên cổ…văn chương đâu phải là việc ai muốn viết thế nào thì viết…Nó là một câu chuyện, thuộc trời đất đã có từ lâu, chỉ có điều mình có duyên số được hay không. Chưa vội lấy chuyện nước ngoài làm ví dụ, hãy nói tới "Tây Sương Ký", "Hồng Lâu Mộng", cái đạt khi đọc nói đâu có cảm thấy nó là sự bịa đặt của nhà văn? Lơ mơ như đã trải qua, như trong cõi mộng. Văn chương hay, hoàn chỉnh như một dãy núi, núi không cần phải đẽo gọt cũng chẳng phải khéo léo trồng ở chỗ này một cây bạch hoa, đặt ở chỗ kia một khóm phong lan. Sự hiểu biết này khiến tôi lâm vào cảnh khó xử, tôi coi thường tác phẩm trước kia của mình, tôi cũng mất hết sự kính nể đối với nhiều tác phẩm trên đời, tuy tôi biết rõ loại văn chương này xét cho cùng cũng do con người cầm bút viết ra, nhưng tại sao dưới gầm trời có loại văn chương này, mà tôi lại không thể viết được? Kiểm điểm lại thì trước đây mình ngưỡng mộ nào là văn chương rực rỡ, tình cảm dạt dào, phong cách độc đáo, thật ra lại chính là cản trở sự phát triển của nhân tài. Ma quỷ hung ác, thượng đế cứ im đi. Kỳ tài là tuyết mùa đông sấm chớp mùa hè, đại tài là bốn mùa chuyển đổi. Tôi đã là người bốn mươi tuổi, đến cái tuổi một ngày không cạo mặt là khuôn mặt hoàn toàn khác lạ, không thể nói đầu óc chưa chín chắn nhuần nhuyễn, dòng văn không trôi chảy, cho dù hòn đá thì hòn đá cũng phải mọc một lớp rêu. Tôi đã bỏ đi dịp quan sát phát tài ăn uống chơi bời cờ bạc mà một người thường được hưởng, vậy thì gãi để hói cả tóc, hao tổn cả thân thể vẫn chưa ra áng văn hay quả thật tôi không có duyên số hay sao?
Tôi thấy buồn sâu sắc cho mình. Nỗi buồn này lại không có ai để nói. Cho nên, bước ra khỏi cửa thường có người sau khi biết tôi là ai muốn nói cung kính thì mặt tôi nóng như hòn than. Khi ra hiệu sách hễ nhìn thấy sách của mình ở đó là vội tránh xa. Tôi càng như thế, người ta càng bảo tôi khiêm tốn. Tôi khiêm tốn cái nỗi gì? Quả thật cảm thân mình chơi trò hư danh, mà hư danh này khiến tôi khổ sở khó nói.
Làm một người trong đời sống hiện thực, có tư tưởng này, tôi biết là một dấu hiệu chẳng lành. Sự thực cũng đúng như vậy. Trong những năm này, tai nạn cứ theo nhau ập đến, đầu tiên tôi bị viêm gan B. dai dẳng sống hơn một năm trong bệnh viện như nhà giam trá hình, tập trung các mũi tiêm lại, thì có thể nói đã trải qua một vạn mũi tên đâm vào người, uống thuốc nam hết gói to đến gói nhỏ, số cây thuốc này đủ nuôi sống một con trâu. Sau đó mẹ nhiễm bệnh phải mổ, sau nữa bố mắc bệnh ung thư qua đời, rồi em rể bị chết, cô em gái đáng thương dắt con nhỏ về nhà mẹ đẻ, tiếp theo là vụ kiện cuốn níu bản thân kéo dài lê thê. Tiếp theo nữa là vì người khác mà bị cuốn vào chuyện lôi thôi rắc rối của đơn vị, chịu mọi nỗi oan nhục cho đến khi lại rơi vào một cảnh khốn quẫn đáng sợ hơn, lời đơm đặt tới tấp dội xuống đầu. Tôi không có con trai sau khi bố mất, tôi đã từng nói, tôi trước không có người xưa, sau không có kẻ nối dõi. Bây giờ kẻ nên đi thì chưa đi, người không nên đi thì đã đi cả, mọi thứ đóng dựng trong mấy chục năm phấn đấu đã đổ vỡ liểng xiểng cả, chỉ còn lại cái thân tôi bị nhiễm siêu vi trùng cả phần xác lẫn phần hồn và ba chữ họ tên mà họ tên thì lại thường bị người ta réo người ta viết, người ta dùng và người ta chửi.
Giữa lúc ấy tôi bắt đầu viết quyển sách này.
Phải biết thành phố ấy trong quyển sách này song trong cái thành phố ấy lại không có một cái bàn để tôi viết quyển sách này.
Trong thời tiết oi bức nhất của năm 1992, nhờ có mối quan hệ với người bạn là An Lê, tôi đã trốn khỏi thành phố đến huyện Diệu. Huyện Diệu là quê hương của vua thuốc Tôn Tư Mạc. Tôi rất vui nhìn thấy một bức tượng màu "toạ hổ châm long". Trong hang vua thuốc trên núi, vua thuốc nguyên ý đi tượng màu kể lại ngày xưa vua thuốc đã từng cứu chữa khỏi bệnh cho một con rồng bị ốm. Tôi liền nhận định bệnh của tôi sắp khỏi bởi vì tôi cầm tinh con rồng. Sau đó tôi cùng với anh Cảnh viết kịch được bố trí ở trạm quản lý đập nước. Đây là nơi rất tốt lành. Khỏi cần nói tôi mệnh thuỷ, xưa nay thì lại liên quan đến văn học, mà con mương đó gọi đông Cẩm Dương rất huy hoàng sán lạn. Dập nữ tên địa phương gọi là Dốc Đào Khúc. Khúc có hai nghĩa văn chương. Những điều tôi viết lại phần lớn chuyện đàn bà, thì điều này sẽ càng hay. Ở đó thôn xóm, hiếm gà vắng chói cây xanh rợp bóng, hoa nở giăng giăng, mười mấy nhân viên quản lý đối xử với chúng tôi lại tôn kính mà không thể gần, quả thật là nơi yên tĩnh hiếm có. Trong suốt một tháng không có đài để nghe, không có báo để xem, không có mạt chược, chẳng có tú lơ khơ, mỗi buổi sáng sớm ra rừng cây, tương ra một luồng nước giải vàng óng, xuyên qua thân cây, nhìn thấy sương sớm bay lên trên mặt đập nước xa xa, cho tới khi sóng nước trong vắt óng a óng ánh màu đồng màu bạc, sau đó trở về đánh răng rửa mặt, xuống nhà bếp xách nước sôi và khua đũa bát đi ăn cơm, mùa hè ruồi nhiều vô kể, cơm vừa xới vào bát, ruồi cũng đã bám ở rìa, sau đó nghe nói đấy là một loại ruồi cơm từ đó cứ mặc kệ nó, ăn xong bữa cơm đầu tiên, anh nào anh nấy về phòng mình ngồi viết, quy ước với nhau không ai được quấy rầy ai, thế là cứ ngồi lì cho đến bốn giờ chiều, ngoài đi đại tiểu tiện, không bao giờ ra khỏi cửa. Khi tôi ngồi viết thích đóng cửa chính cửa sổ, rèm cửa sổ cũng phải kéo kín mít, nếu là một cái hang ngầm thì càng tốt. Thuốc hút liền tù tì, hết điếu này đến điếu khác. Mỗi khi anh Cảnh ở ngoài gọi đi ăn cơm, đẩy cửa gọi thẳng vào, khói trùm cả người anh! Lại ăn xong bữa cơm thứ hai, nên thư giãn một lúc trong ngày, kéo lê đôi dép ra đập nước bơi lội. Mặt trời lúc sáu giờ còn rát rát, chung quanh không một bóng người, tuy dũng cảm cởi trần truồng như nhộng, song chỉ biết kiểu chó bơi, chỉ có thể chân đập loạn xạ ở chỗ nước nông, đập tới mức bùn tanh đùn cả lên. Trong đám cỏ rậm trên bờ có tiếng đùa khà khà, thì ra đã có người ở đó từ bao giờ nhìn trộm. Bọn họ bảo, hơn mươi năm nay, năm nào cũng có ba người chết đuối, năm nay mới chết một người vẫn còn hai chỉ tiêu. Chúng tôi liền sởn tóc gáy, hối hả bò lên bờ mặc quần áo chuồn vội. Không bao giờ còn dám nghịch nước nữa, thời gian sau khi ăn cơm liền vác chiếc sào tre dài lê thê đi đập táo chau vách đá. Khi quả táo chua đầu tiên chín đỏ, chúng tôi đã đập cho nó rơi xuống, những quả táo chua đo đỏ trái cây duy nhất mà chúng tôi được ăn. Sau đó xa lắm, giữ lại được rất nhiều, cứ chờ một cô gái ở đàng sau lưng núi đến ăn. Cô gái đó là bạn học của An Lê, xinh đẹp mà tính cách cũng cởi mở, được An Lê nhờ cô thường đến thăm chúng tôi, cho nào bút, nào mực nào thuốc viên, thỉnh thoảng còn đem đến cái bánh nướng. Đêm đến, đêm ở đây rất tối như mực, quả tình giơ tay ra không nhìn thấy năm ngón, chúng tôi đọc cho nhau nghe những chương đã viết, đọc mãi đọc mãi, chúng tôi thường đói bụng, nhưng chẳng có thứ gì ăn. Chúng tôi đã từng bày mưu đi ăn trộm bí đỏ và khoai tây của nông dân ở bản gần đó, nhưng cuối cùng sợ chó chẳng ai dám đi. Ở cạnh ngã ba trước trạm quản lý có một cây đào hạt mãi tít trên ngọn đào có một quả đào xanh. Tôi đến bảo anh Cảnh, anh Cảnh nói đã nhìn thấy từ lâu. Lúc hoàng hôn, chúng tôi ra đó ném đá cho rụng xuống, nhưng ném mãi không trúng, nghỉ một lúc, rồi nhặt một đống tướng ngói vỡ và gạch đá, ném cho bằng hết mà quả đào vần trơ trơ không di chuyển, ngược lại cổ mỏi cánh tay đau, đành phải vừa quay về vừa ngoái cổ nhìn lại. Đêm ấy đã mười một giờ khuya, anh Cảnh thèm ăn không chịu nổi, bảo có loại ấu trùng anh biết có thể rán mỡ ăn được, đồng thời vác mặt đi mượn nào bếp điện, nào xoong con, mỡ muối, cứ làm như chìa tya ra là bắt được, một bữa thơm ngon sắp sửa đến mồm. Anh dẫn chúng tôi vào rừng cây bật đèn pin soi hết cây này đến cây kia. Trên thân cây có xác ve sầu, song không thấy có một con sâu non nào. Vậy là vì kiếm ăn mà đi trong quá trình kiếm ăn, lại tìm được niềm vui khác. Mỗi buổi tối từ đó về sau, việc này đã trở thành công tác của chúng tôi. Không hiểu sao, vẫn không bắt được con ấu trùng nào song đã bắt được khá nhiều đom đóm. Đom đóm ở đây bay như sao, chỗ nào cũng lập là lập loè và nhễu lắm. Chúng tôi đi qua đường mòn trong rừng cây ngỡ mình đang ở sông Ngân.
Ngày 5 tháng 7 năm 1993
Tâm sự của nhà văn Giả Bình Ao
Tôi biết không phải ai cũng đọc sách của tôi, không phải ai đọc sách của tôi cũng thích tôi, không phải ai thích tôi cũng hiểu tôi. Sở dĩ tôi vẫn say sưa sáng tác, cố nhiên là bởi vì tôi chỉ có thể sáng tác, y như con ong thợ trong đàn ong mật, làm việc là ý nghĩa của tồn tại, còn bởi vì trong thời đại này, rất nhiều câu chuyện trong nhân gian quả thật vẫn cần phải ghi lại. Lúc còn trẻ chưa có nỗi lo thì cứ ép lo, sau khi bước sang tuổi trung niên có nỗi lo thật sự thì lại không muốn nói. Đó là lý do tại sao mấy năm qua tôi rất hiếm có mặt và phát biểu trước đám đông. Đàn bà vì người thích mình mà trang điểm, kẻ sĩ vì bạn tri kỷ mà chết, còn văn học xét đến cùng là gì? Quả thật khiến ta nghi ngờ, chẳng khác gì nghi ngờ mình từ đâu đến và sau khi chết lại đi về đâu. Trong mung mung lung lung tôi đã nhận ra nghệ thuật là tìm tồn tại bằng chinh phục. Nhưng tiếng hô thích ứng cứ vang dồn bốn phía, khiến tôi chao đảo chực ngã trên chiếc cầu bắc qua khe núi. Trong hơn hai mươi năm sáng tác, đã chứng tỏ, xét đến cùng, tôi đâu có quý tộc. Bố mẹ tôi là người nhà quê, tôi vào ở thành phố cũng chỉ là một tiểu thị dân hoặc đúng ra ở diện "thường thường bậc trung". Dù cho tâm linh tôi cao ngạo có định làm phượng hoàng, theo đuổi trình độ văn học phương Tây, nhưng tôi đã nhắc nhở bản thân, định làm phượng hoàng, thì chắc chắn sẽ mọc thành lông gà, nó không chỉ ăn hạt sen, măng tre, mà dứt khóat phải bới sâu bọ, cám gạo, lá rau và sỏi đá trên mảnh đất của làng quê và của thị trấn, phố nhỏ Trung Quốc. Đừng cho rằng tôi là phượng hoàng, thì trên cây ngô đồng không phải là vườn nhà tôi, cũng đừng cho rằng tôi là con gà, thì cứ đặt một nắm rơm ở góc nhà là có thể làm ổ đẻ trứng. Hai điều không phải của tôi đã quyết định sự không kích thích của tôi, quyết định luôn việc khó xử của tôi trong sự khác loại và không cùng hội tụ. Thật đáng đời, tôi tự làm tự chịu. Sáng tác càng làm cho hoà hợp với tầng sâu xã hội, thì sáng tác càng trở thành hành vi cá thể thuần tuý.
Sau khi đã được no cơm có cơm ăn áo mặc, tiếng vỗ tay và hoa tươi mưu đồ xong rồi, không còn mưu đồ nữa, thì yên trí tìm tòi trong sáng tác Hán ngữ hiện đại chân chính, hưởng thụ cô độc và yên tĩnh trong tâm trạng ôn hoà.
Đêm nay bầu trời trong sáng biết bao, mây nhởn nhơ bay qua bay lại. Trăng sáng đến tận cửa sổ. Ghi những dòng nhật ký trên, lại bỗng dưng nghĩ đến người đọc của mình. Đêm nay ai lại đọc sách của tôi nhỉ? Đọc trong phòng văn, ở đầu giường, trong toa tầu, hay trong bếp? được gật gù công nhận hay lắc đầu chê bai, khen hay chửi? Nhưng tôi nghĩ chúng ta đều là bầu bạn có duyên. Tôi phải thành tâm cảm ơn các bạn. Mồ chôn của cá, xây trong bụng người, tấm lòng của tôi vĩnh viễn ở trong sự khắt khe phỉ báng và hào hiệp ca ngợi của các bạn.
Nhật ký 3-8-1998