Phượng Hoàng Đồ Đằng

Chương 13 : Sở phi đường tiền [nỗi đau của vợ lớn trước mặt vợ bé]

Ngày đăng: 22:04 21/04/20


Minh Đức trên danh nghĩa là nằm nhà đọc sách suốt mấy tuần liền, thực tế lại bị giam lỏng ấy thế mà Kiền Vạn Đế vẫn một mực nhẫn nhịn, không triệu y vào cung. Mãi đến khi xuân vi sắp sửa bắt đầu, quan Chánh Chủ khảo là Đinh Hoảng mang danh sách thí sinh đến ngự thư phòng, Kiền Vạn Đế thoáng nhìn thì đã trông thấy bốn chữ ‘Thượng Quan Minh Đức’ nằm trên cùng.



Hắn khẽ đưa tay ve vuốt bốn chữ rất mực thân thương kia, nét mặt vẫn phẳng lặng yên ổn, lát sau mới chậm rãi trầm giọng: “Ái khanh vất vả rồi. Sau khi chấm xong, nhớ đem bài thi [1] của tam giáp Tiến sĩ dẫn đầu đến cho trẫm xem thử.”



Hoàng đế tự mình duyệt bài thi, tiền lệ này không phải là không có, nhưng… cùng lúc duyệt quá nhiều như vậy, trước giờ rõ ràng chưa thấy một ai… Đinh Hoảng nghe xong toát mồ hôi, bèn bạo gan mạnh mồm hỏi lại: “Bệ hạ muốn xem hết toàn bộ sao ạ?? Hay để thần chọn lọc những bài tối ưu, rồi dâng lên cho bệ hạ xem qua?”



Kiền Vạn Đế nhíu mày: “Trẫm không nên tự mình thẩm duyệt lương đống [2] ngày sau của vương triều chúng ta hay sao?”



Đinh Hoảng vội vàng quỳ phịch xuống đất: “Thần tuân chỉ!”



Trương Khoát lặng lẽ thị hầu một bên, đến khi thấy Đinh Hoảng đã hoàn toàn khuất dạng, mới nháy mắt ra hiệu cho bọn cung nữ. Cung nữ vội vã dâng lên một chén canh sâm, lão đón lấy, cẩn trọng bưng đến cạnh án thư mà khẽ khàng cất tiếng: “Bệ hạ.”



Kiền Vạn Đế mới như giật mình sực tỉnh: “Hử?”



Trương Khoát vừa nghiêng người khuấy nhè nhẹ chén canh kia, vừa thỉnh thị ý chỉ của chủ tử: “Bệ hạ đêm nay định lật thẻ bài của nương nương cung nào ạ?”



Kiền Vạn Đế lơ đễnh quét mắt qua mớ thẻ ngà đặt trên chiếc mâm ngọc trước mặt mình. Hoàng đế đang tận hưởng những năm khang cường thịnh trị, lạ kỳ thay hậu cung lại đa phần vắng ngắt vắng tanh. Thời điểm đông đúc nhất cũng chỉ chừng hai mươi người sau khi Minh Duệ Hoàng hậu bị giết, Quý phi bị giết, Hạ Chiêu nghi cũng bị giết, Tứ phi [3]căn bản chưa từng được sắc phong đầy đủ, lớp người cũ ai chạy được đã mất dạng, ai bị giết cũng đã mất xác, hiện tại chỉ còn khoảng mười người.



Mười nữ nhân này cũng chẳng sướng sung gì, kẻ thì thân phận quá đỗi thấp hèn, người lại chưa từng nếm mùi ái ân sủng nịch… Tính đi tính lại, năng được vời tới thị tẩm chỉ chừng một hai người.



“Trương Khoát à…” Kiền Vạn Đế trầm mặc một lúc lâu, rồi bỗng nhếch cười, “Ngươi nói thử xem, nếu trẫm chơi trò tổng tuyển chọn tú nữ trước mặt Minh Đức… thì tên nhóc đó sẽ làm gì?”



Trương Khoát cung kính khom người: “Hồi bẩm bệ hạ, Minh Đức công tử võ công ngày càng tiến bộ vượt bậc, bệ hạ tốt nhất đừng nên mạo hiểm ạ…”



Kiền Vạn Đế phá lên cười ha hả: “Trương Khoát, ngươi hiểu rõ vật nhỏ [4] kia thật đấy… Cũng phải, trước giờ hắn vốn hết mực nâng niu gìn giữ Hoàng hậu mà… Quả là một hiếu tử hiếm có xưa nay…”



Nói đoạn hắn khoan thai đứng dậy: “Nào, chúng ta hãy đi xem thử Hoàng hậu đang làm gì…”



Từ lúc bị cấm túc đến giờ, Hoàng hậu đã thiết lập ngay trong Đông Noãn Các của mình một Tĩnh An Đường, ngày ngày tụng kinh niệm Phật, bảo là để cầu mong thái bình cho toàn thể hoàng triều. Kiền Vạn Đế cùng Hoàng hậu bất hòa, mang tiếng là bí mật nhưng triều đình từ trên xuống dưới ai mà không biết… Hoàng hậu chưa từng sinh nở, thiếu hẳn một thế lực ngoại thích mạnh mẽ chống lưng, lại không còn trẻ trung xinh đẹp, trước giờ đã bị cấm túc vài lần, ai ai cũng cho rằng vị trí này nàng giữ chẳng được bao lâu, thế mà quái lạ thay, dù bị ghẻ lạnh triệt để, chiếc ngai Hoàng hậu kia nàng vẫn ngồi vững vàng từ ngày này qua tháng nọ, nửa điểm xê dịch cũng chả có.



Kẻ không biết thì tưởng Đế-Hậu hai người tình thâm nghĩa trọng, biết rồi lại suy diễn rằng hậu cung của Hoàng đế không mấy dồi dào chỉ vì ngài chưa tìm được giai nhân nào tâm đầu ý hợp, thế nên vội vội vàng vàng tống tiễn con gái mình vào cung. Quãng thời gian Minh Đức phải bế quan học hành, trùng hợp thay gia đình của Đinh Quý phi đã chết kia lại dâng lên Hoàng đế thêm một nữ tử nữa, trẻ trung xinh đẹp có thừa, không lâu sau liền được sắc phong Chiêu dung. Kiền Vạn Đế vừa bước vào cửa Tĩnh An Đường của Hoàng hậu thì chợt nghe thấy tiếng cười trong trẻo ngọt ngào của Đinh Chiêu dung nọ vẳng ra: “Hoàng hậu nương nương đã chuẩn bị lễ vật gì cho sinh thần của bệ hạ vậy ạ? Đây là gì thế ạ, là một bản chép tay Bàn Nhược Ba La Mật Kinh [5] phải không ạ? Lần đầu tiên thần thiếp được nhìn thấy kinh thư chép tay đấy ạ, nương nương có thể ban cho thiếp xem thử được không ạ?”



Tên tiểu thái giám ngoài cửa vừa định cao giọng thông truyền thì đã bị Kiền Vạn Đế khoát tay miễn thứ, bởi hắn đột nhiên thích đứng bên ngoài nghe lén một phen…



Bên trong khung cửa nguyệt lượng [6] khảm ngọc lưu ly [7] hình phượng hoàng, thanh âm an tĩnh của Hoàng hậu chậm rãi vọng ra: “Nữ tử tuổi còn trẻ như vậy mà lại có hứng thú với những thứ này, thật hiếm thấy. Muội muội muốn xem thì cứ việc tự nhiên.”



Đinh Chiêu dung liền hoan hoan hỉ hỉ cầm quyển kinh thư lên, vừa săm soi ngắm nghía vừa nức nở ngợi khen: “Chữ viết của Hoàng hậu nương nương thật là đẹp mắt quá đi! Muội muội cũng đang luyện thư pháp kiểu trâm hoa tiểu khải [8], nhưng quả tình kém xa chữ viết của nương nương a… Lễ vật nặng tình nặng nghĩa như vậy, nhất định sẽ khiến bệ hạ hài lòng!”



Hoàng hậu cười rất nhạt: “Trong thâm cung này có việc gì để giết thời gian đâu chứ, ngoại trừ viết vài ba chữ, vẽ mấy bức tranh cho qua ngày đoạn tháng… Muội muội nếu rảnh rỗi thì cứ sang đây luyện tập cùng ta… nước chảy mãi rồi đá cũng mòn…”



Đinh Chiêu dung che miệng cười hi hi: “Ây da, nói ra chỉ sợ nương nương chê cười, thiếp làm sao có thời gian thanh tu như người được chứ? Bệ hạ ngày nào cũng tạt qua, khiến thiếp nửa khắc thư thả cũng chả có… Hôm qua sứ thần các nước yết kiến, thiếp cứ tưởng mình sẽ được nhàn nhã một ngày, ai ngờ lại bị bệ hạ triệu đi thị yến…”



Hoàng hậu chau mày, định mở miệng nhưng lại thấy người đối diện dáng vẻ quá đỗi hồn nhiên khờ khạo, bèn giữ nguyên im lặng.


[1] nguyên văn “quyển tử”, “quyển” có nghĩa là “cuốn/cuộn tròn lại”, vì bài thi ngày xưa đều được cuộn tròn lại, bỏ vào một chiếc ống tre, niêm phong rồi mới giao cho các quan ở trường thi. Chi tiết mời tìm đọc tác phẩm “Lều chõng” của Ngô Tất Tố tiên sinh.



[2] lương đống: rường cột nghĩa bóng: người tài đức, trụ cột của nước nhà



[3] Tứ phi: bốn vị phi tử cao nhất trong hậu cung [tất nhiên dưới Hoàng hậu], danh xưng này xuất hiện từ thời Đường, gồm Quý phi, Đức phi, Thục phi và Hiền phi



[4] nguyên văn “tiểu đông tây”, Babel Fish, Google và Babylon đều dịch là “little thing” aka “vật nhỏ” XD



[5] Bàn Nhược Ba La Mật Kinh [tên gốc là “Bàn Nhược Ba La Mật Đa Tâm Kinh”, còn gọi là “Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh” hay chỉ ngắn gọn là “Bát Nhã Tâm Kinh” hoặc “Tâm Kinh”, phiên âm từ tiếng Phạn Prajñā Pāramitā Hridaya Sūtra] là kinh ngắn nhất [chỉ có khoảng 260 chữ] của Phật giáo Đại Thừa và Thiền tông. Nó cũng là kinh tinh yếu của bộ kinh Đại Bát Nhã gồm 600 cuốn. Kinh này được hầu hết các Phật tử tại Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên biết đến, và rất thường được dùng trong việc tụng niệm. 



Sau đây là hai câu mở đầu của Bàn Nhược Ba La Mật Kinh, qua bản dịch của Đường Tam Tạng Pháp Sư Trần Huyền Trang:



Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.



“Xá Lợi Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ, Tưởng, Hành, Thức diệc phục như thị…”



[nguồn: wiki VN]



[Vị nào chưa thể minh bạch thấu đáo các thuật ngữ trong hai câu trên, có thể vào link này http://www.phatviet.com/tuesy/thienbatnha/thienbn.htm để tìm hiểu:”>]



[6] nguyệt lượng: trăng sáng



[“Nguyệt lượng môn” là kiểu cửa tròn khá phổ biến, có thể dùng ở trong nhà lẫn ngoài vườn của người Trung Quốc.]



Một vài kiểu “nguyệt lượng môn” thường gặp:



[7] ngọc lưu ly: một thứ bảo thạch trong suốt nhưng đa sắc có nguồn gốc từ Tây Vực, thường được dùng làm trang sức, vật cúng tế, đồ tùy táng. Ngọc lưu ly còn là nguyên liệu chủ đạo để khảm trên cổng, tường hoặc bình phong, và chế tạo nên ngói lưu ly, lợp ở cung điện, lăng tẩm, đền chùa, v.v…



Một phần bức tường khảm chín con rồng [cửu long bích] bằng ngọc lưu ly ở công viên Bắc Hải, Tử Cấm Thành, Bắc Kinh:



[bonus] Ngói hoàng lưu ly và ngói thanh lưu ly ở Cố đô Huế, Việt Nam:



[Giời ơi đất nước mình đẹp quá đi thôi… TT]



[8] trâm hoa tiểu khải: chữ khải [còn gọi là “chính thư” hoặc “chân thư”] là kiểu chữ chính thức, chuẩn mực, dễ nhận biết, dễ đọc và phổ thông nhất trong các kiểu viết chữ Hán hiện nay. 



“Trâm hoa tiểu khải” [Hán tự: 簪花小楷] theo tôi chính là kiểu chữ khải nhỏ nhắn và khá liền lạc mà nữ giới thường dùng. (Đây chỉ là ý kiến chủ quan và thiển cận của tôi, rất mong nhận được sự chỉ giáo của cao nhân tứ phương, chân thành cảm ơn! ^^)



Minh họa “trâm hoa tiểu khải”:



[9] Ngọ Môn: cổng chính dẫn thẳng vào Tử Cấm Thành tại Bắc Kinh. Cổng này nằm ở hướng Nam, phương chính Ngọ (từ 11:00 AM đến 1:00 PM), hướng chí dương, có tên cổ là Đoan Môn hoặc Thiên An Môn (thời nhà Thanh), xưa kia chỉ dùng để vua chúa ra vào.



[10] cưu chiêm thước sào: chim cưu chiếm tổ chim khách [chim cưu là một loại bồ câu hết sức vụng về, không biết làm tổ, thường dùng vũ lực chiếm đoạt tổ của chim khách nghĩa bóng: một người dùng sức mạnh hoặc thủ đoạn để cướp lấy nhà cửa hoặc vị trí của người khác]