Quyền Lực Thứ Tư
Chương 11 :
Ngày đăng: 15:13 19/04/20
Báo
THE TIMES
Ngày 5 tháng Sáu, 1945
THIẾT LẬP KIỂM SOÁT NƯỚC ĐỨC: CUỘC HỌP SƠ BỘ CỦA CÁC NHÀ CHỈ HUY ĐỒNG MINH
Khi đại uý Armstrong lần đầu tới thăm tờ Der Telegraf, anh ngạc nhiên thấy những phòng quá chật chội, tối tăm của toà báo dưới tầng hầm. Một người tự giới thiệu là Arno Schultz, Tổng biên tập của tờ báo, tiếp anh.
Schultz cao khoảng năm feet (1) ba inches, với đôi mắt xám buồn rầu, tóc cắt ngắn. Ông ta mặc bộ comlê có gi lê, may đo từ thời trước chiến tranh, khi còn nặng hơn bây giờ khoảng hai chục kí. Cổ áo sơ mi và cửa tay đều đã sờn, chiếc cravát đen nhỏ bóng lộn.
Armstrong mỉm cười nhìn xuống ông ta. "Tôi với ông có cái giống nhau", anh bảo.
Schultz lo lắng đảo từ chân này sang chân kia trước mặt viên sĩ quan Anh cao to lừng lững. "Là cái gì vậy, thưa ngài?"
"Chúng ta đều là nguời Do thái ". Armstrong nói.
" Ông không nói thì tôi chẳng bao giờ biết", Schultz đáp, thực sự ngạc nhiên.
Armstrong không thể giấu nụ cười hài lòng. Anh bảo: "Tôi muốn nói rõ ngay từ đầu là tôi có ý định tạo mọi cách giúp ông để tờ Der Telegraf lưu hành trên đường phố. Tôi chỉ có một mục tiêu lâu dài: đó là vượt chỉ số lưu hành của tờ Der Berliner".
Schultz có vẻ nghi ngờ. "Hiện mỗi ngày họ bán gấp đôi chúng tôi. Trước chiến tranh cũng vậy. Họ có những máy in tốt hơn, nhân viên đông hơn và có lợi thế nằm trong khu vực người Mỹ kiểm soát. Thưa ngài đại uý! Tôi không nghĩ đó là một mục tiêu thực tế".
"Vậy thì ta bắt đầu phải thay đổi tất cả những thứ đó, đúng không?" - Armstrong nói. - "Từ nay, ông hãy coi tôi như chủ bút của tờ báo này, tôi vẫn để ông quyền làm Tổng biên tập. Sao ông không cho biết đang có những khó khăn gì nào?"
"Tôi bắt đầu từ đâu bây giờ?" Schultz nhìn ông chủ mới, nói. "Máy in của chúng ta quá cũ kỹ. Nhiều bộ phận đã hỏng mà không có cách nào kiếm phụ tùng thay thế".
"Lập danh sách những thứ ông cần, tôi sẽ lo phần còn lại."
Schultz vẫn có vẻ không tin tưởng. Ông bắt đầu lau kính bằng chiếc khăn rút từ túi ngực áo vét. "Rồi còn hay bị mất điện. Vừa mới cho máy chạy được một lúc đã lại bị cắt, cho nên ít nhất một tuần có hai ngày không in được số báo nào".
"Tôi sẽ lo để chuyện đó không thường xảy ra”, Armstrong hứa mà chưa biết sẽ phải làm thế nào. "Còn gì nữa? "
"Vấn đề an ninh. Bộ phận kiểm duyệt dò xét từng chữ, do đó khi báo xuất hiện đã chậm một hai ngày, cộng thêm sau khi người ta đã đánh dấu chì xanh vào những đoạn thú vị nhứt, thì bài báo chẳng còn gì đáng đọc".
" Được rồi. Từ nay đích thân tôi sẽ xem các bài viết. Tôi cũng sẽ nói với bộ phận kiểm duyệt, để họ rộng rãi một chút. Hết chưa?"
"Chưa đâu, thưa đại uý. Vấn đề lớn nhứt của tôi lại là đôi khi suốt cả tuần có điện".
"Tôi không hiểu. Sao đó lại là vấn đề được?".
"Bởi vì tôi luôn cạn giấy".
"Công suất máy in ngày bao nhiêu?".
"Một trăm ngàn, nhiều nhất là một trăm hai mươi ngàn bản".
"Còn tờ Der Berliner ?"
"Khoảng hai trăm năm mươi ngàn. Mà ngày nào cũng thế".
"Tôi sẽ lo việc ông được cung cấp đủ giấy in mỗi ngày cho số bản như vậy. Hãy cho tôi đến cuốỉ tháng".
Schultz vốn là người lịch thiệp, nhưng khi đại uý Armstrong trở về văn phòng, ông không nói nổi cả câu cám ơn. Mặc dù viên sĩ quan Anh tỏ ra rất tự tin, nhưng đơn giản là ông không tin có thể làm được.
Trở lại văn phòng, Armstrong yêu cầu Sally đánh máy một danh sách các thứ mà Schultz yêu cầu. Anh kiểm tra lại lần nữa, rồi bảo cô in thành mười hai bản, sau đó triệu tập một cuộc họp. Một tiếng sau, mọi người lục tục kéo vào phòng anh.
Sally đưa mỗi người một bản. Armstrong ngắn gọn điểm qua các mục trong danh sách rồi kết luận: "Tôi muốn có các thứ trong danh sách này, và có thật nhanh. Cho đến khi đầy đủ tất cả, các anh các chị sẽ được nghỉ phép ba ngày: còn từ nay cho tới lúc đó, khi nào thức là phải làm, kể cả cuối tuần. Tôi nói thế rõ chưa?"
Một vài người gật đầu, nhưng không ai nói một lời.
*
**
Vị đại tá đọc trong tờ ghi nhớ trước mặt rồi nói thêm. "Và họ cũng nói rất rõ là cậu không thể nói chuyện với quá ba tù binh, và không với ai vượt quá cấp bậc đại tá - đó là nghiêm lệnh từ cơ quan an ninh".
"Tôi nghĩ dù có hạn chế đó, tôi cũng vẫn làm được".
"Ta hãy hy vọng việc này xem ra bõ công sức của cậu, Dick ạ. Nhưng tôi vẫn còn nghi ngờ".
"Tôi hy vọng sẽ chứng tỏ là ngài sai".
Trở lại văn phòng, anh yêu cầu Sally chuẩn bị các giấy tờ đi lại cho anh.
" Ông muốn đi khi nào?" Cô hỏi.
"Ngày mai".
"Tôi hỏi câu ngốc quá", cô ta nói.
Sally mua vé cho anh đi Lonđon chuyến ngày hôm sau, sau khi một vị tướng ra lệnh hoãn chuyến bay vào phút chót. Cô cũng sắp xếp xe đón và đưa anh thẳng đến xứ Gan.
"Nhưng đại uý không có tiêu chuẩn dùng xe có tài xế riêng", anh nói khi Sally trao cho anh giấy tờ đi lại.
"Có đấy, khi một vị thiếu tướng muốn có ảnh con gái mình trên trang nhất tờ Der Telegraf vào lúc cô ta tới thăm Berlin tháng sau".
"Ông ta muốn vậy để làm gì?"
"Tỏi đoán vì ông ta không thể gả chồng cho con gái ở Anh", Sally trả lời. "Và như tôi phát hiện, ở đây cứ cái gì trùm váy là khối người nhảy xổ vào".
Armstrong cười phá lên. "Sally, nếu tôi phải trả công cho cô, thì cô sẽ được tăng lương. Còn bây giờ có gì thêm về Lauber không? Cái gì cũng tốt".
Trong bữa ăn tối hôm đó, Dick nói với Charlotte rằng một trong những lý do anh đi Anh lần này là xem có thể kiếm được việc khi hoàn tất mọi thủ tục giải ngũ không. Tuy cố gượng cười, gần đây nàng không biết chắc anh có kể hết mọi chuyện với vợ không. Nếu gặng hỏi, anh thường thoái thác bằng việc dùng nhũng từ như "Tối mật" và lấy ngón tay gõ lên đầu mũi như anh thấy đại tá Oakshott thường làm.
*
**
Sáng hôm sau, binh nhì Benson đánh xe đưa anh ra sân bay. Tiếng loa thông báo trong phòng đợi: "Mời đại uý Armstrong đến trạm điện thoại quân sự nơi gần nhất trước khi lên máy bay". Giá như máy bay của anh không đang lăn bánh trên đường băng, thì chắc anh đã nghe cú điện thoại đó.
Ba tiếng sau anh tới London. Anh tiến về phía một hạ sĩ đang tựa lưng vào chiếc Austin bóng lộn, tay giơ cao tấm biển đề chữ "Đại uý Armstrong". Viên hạ sĩ đứng nghiêm chào khi thấy người sĩ quan tiến về phía mình.
"Tôi cần đến Bridgend ngay", anh nói trước khi người lái xe kịp mở miệng. Xe bon bon trên đường A40, và vài phút sau Armstrong thiếp đi. Mãi tới khi người lái xe gọi: "Chỉ còn vài dặm nữa là chúng ta đến nơi”, anh mới tỉnh dậy.
Khi xe chạy vào trại, anh bỗng nhớ lại ngày mình còn ở trại Liverpool. Nhưng lần này xe của anh chạy qua cổng, lính gác đứng nghiêm chào. Hạ sĩ cho xe đỗ trước văn phòng của chỉ huy trại.
Khi anh bước vào, một đại uý từ sau bàn đứng đậy chào. "Tôi là Roach. Rất vui mừng được làm quen với anh". Armstrong nắm chặt bàn tay anh ta chìa ra. Đại uý Roach không đeo huân chương trên quân phục và xem ra chưa hề qua eo biển Măngxơ lần nào, chưa nói gì đến vượt biển đối mặt với kẻ thù. "Không ai nói rõ xem tôi có thể giúp anh bằng cách nào", anh ta nói khi dẫn Armstrong tới chiếc ghế mềm cạnh lò sưởi.
"Tôi muốn xem danh sách các tù binh phân về trại này", Armstrong nói mà không mất thì giờ vào những chuyện vớ vẩn. "Tôi có ý định gặp ba tù binh để chuẩn bị một báo cáo trình Uỷ ban Quân quản ở Berlin".
Việc đó thì dễ thôi", đại uý nói. "Nhưng sao họ lại chọn Bridgend? Phần lớn tướng lĩnh quốc xã giam ở Yorkshire cơ mà".
"Tôi có biết việc đó, nhưng không được quyền lựa chọn".
"Vậy thì được. Nào, anh định phỏng vấn loại nào, hay là tôi cứ chọn đại cho anh?". Đại uý Roach trao cho anh danh sách, và Armstrong nhanh chóng lần tay theo những tên đã được đánh máy. Anh mỉm cười. "Tôi sẽ gặp một hạ sĩ quan, một trung uý và một thiếu tá", anh nói, đánh dấu vào ba cái tên rồi đưa lại danh sách cho viên đại uý.
Ronch nghiên cứu ba tên đó. "Hai người đầu thì dễ thôi, nhưng tôi e rằng anh không thể gặp thiếu tá Lauber được".
"Tôi hoàn toàn được phép..."
"Cho dù anh có được thủ tướng Attlee cho phép thì cũng vậy thôi", đại uý Roach cắt ngang. "Về trường hợp Lauber, tôi không thể giúp gì được anh".
"Sao lại không?", Armstrong sửng cồ.
"Bởi vì ông ta đã chết cách đây hai tuần. Thứ Hai vừa rồi, tôi đã đưa thi hài ông ta về Berlin".
(1) = 0.3m