Quyền Lực Thứ Tư

Chương 16 :

Ngày đăng: 15:13 19/04/20


Báo



SYDNEY MORNING HERALD



Ngày 30 tháng Một, 1957



THIẾT KẾ CÒN GÂY TRANH CÃI CỦA ĐAN MẠCH THẮNG



TRONG CUỘC THI MẪU NHÀ HÁT OPERA



"Nhưng từ hôm đính hôn đến giờ em rất ít khi gặp được anh”, Susan bảo.



"Anh đang cố đầu tư công sức vào một tờ báo ở Adelaide, một tờ ở Sydney”. Keith nói, xoay người nhìn nàng. "Không thể có mặt ở hai nơi cùng lúc".



"Bây giờ thì ngay một lần một chỗ với anh cũng đã khó", Susan nói. "Và nếu anh lại sờ vào tờ Chủ nhật ở Perth như em đọc thấy trên báo, thì chắc cuối tuần em cũng chẳng gặp được anh”.



Keith nghĩ bây giờ chưa phải lúc cho Susan biết anh đã ký hợp đồng với chủ bút báo Perth Sunday Monitor. Anh ra khỏi giường mà không nói gì thêm.



"Còn bây giờ anh sẽ đi đâu?" Nàng hỏi khi anh biến vào phòng tắm.



"Anh có bữa ăn sáng - công việc trong thành phố", Keith nói to từ sau cửa buồng tắm.



"Vào sáng Chủ nhật ư?".



"Ngày duy nhất ông ta có thể gặp anh. Ông ta bay từ Brisbane đến chỉ để làm việc này".



"Nhưng hôm nay mình có kế hoạch đi chơi thuyền. Hay anh cũng quên nốt rồi?"



"Tất nhiên là anh không quên", Keith nói khi ra khỏi buồng tắm. "Chính vì thế mà anh phải đồng ý gặp vào lúc ăn sáng. Anh sẽ về nhà rất lâu trước khi em chuẩn bị xong.”



"Giống như Chủ nhật trước chứ gì?"



"Khác chứ. Perth Monitor là tờ báo Chủ nhật. Nếu anh mua tờ báo đó, làm sao anh có thể biết nó ra sao nếu không có mặt tại đó vào ngày phát hành?"



"Vậy ra anh mua rồi à?".



Keith mặc quần rồi quay lại nhìn nàng với vẻ bẽn lẽn. "Ừ. Chỉ còn đợi hoàn tất thủ tục pháp lý. Nhưng đội ngũ quản lý ở đó thì hạng nhất, vì vậy anh sẽ không phải thường xuyên đi Perth".



"Còn ban biên tập?" Susan hỏi khi Keith khoác chiếc áo vét thể thao lên người. "Nếu tờ báo này cũng theo kiểu các tờ báo khác mà anh tiếp quản, thì sáu tháng đầu anh lại phải mụ mẫm với nó".



"Không đến nỗi thế đâu. Anh hứa là như vậy. Nhớ sẵn sàng để khi anh về là đi ngay đấy nhé". Anh cúi xuống hôn lên má nàng. "Anh đi không quá một tiếng, nhiều nhất là hai tiếng". Anh khép vội cửa phòng ngủ trước khi nàng kịp nói gì thêm.



Khi Townsend ngồi vào ghế trước, người lái xe nổ máy.



"Sam này. Vợ anh có càu nhàu về việc anh cứ phải đi ngoài giờ với tôi không?"



"Cũng khó nói, thưa ngài. Gần đây cô ta chẳng buồn nói chuyện với tôi nữa".



"Anh lấy vợ bao lâu rồi?"



"Mười một năm".



Anh quyết định ngừng chuyện này lại. Khi xe chạy vào thành phố anh cố gạt Susan ra khỏi đầu, tập trung suy nghĩ vào cuộc gặp sắp tới với Alan Rutledge. Anh chưa bao giờ gặp ông ta, nhưng mọi người trong giới đều biết ông ta là người đã được giải thưởng báo chí và uống rượu như hũ chìm. Nếu muốn ý định trong đầu Townsend thành công, lúc này anh cần phải có những người tài năng như Rutledge.



Sam cho xe rẽ vào khách sạn Town House. Townsend mỉm cười nhìn tờ Sunday Chronicle đặt trên đầu giá báo và nhớ đến bài bình luận của nó. Một lần nữa, tờ báo nói với người đọc rằng đã đến lúc Menzies nên từ chức, nhường đường cho người trẻ hơn, hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của người Úc thời hiện đại.



Khi xe đỗ lại, Keith bảo: "Tôi ở đây khoảng một, hai tiếng là cùng”. Sam cười thầm nhìn ông chủ nhảy khỏi xe, đẩy cửa quay vào trong khách sạn.



Townsend rảo bước qua phòng sảnh tới phòng ăn sáng. Anh nhìn quanh, thấy Alan Rutledge đang ngồi một mình ở bàn gần cửa sổ, hút thuốc và đọc tờ Sunday Chronicle. Ông ta đứng dậy khi thấy Keith đi tới. Hai người trịnh trọng bắt tay. Rutledge bỏ tờ báo qua bên, mỉm cười nói: "Tôi thấy anh đang đưa tờ Chronicle hoà nhập thị trường hơn". Townsend liếc nhìn tít báo Ông chủ bút phá sản đi xe buýt ở Sydney. "Tôi nghĩ chẳng giống đầu báo truyền thống của Hầu tước Somerset Kenwright chút nào".



"Không". Townsend nói, "mà đít báo cũng không giống. Chúng tôi hiện một ngày bán được nhiều hơn 100.000 số so với thời ông ta là chủ bút, còn lợi nhuận tăng 17%". Anh nhìn cô hầu bàn đang đứng đợi. "Cho tôi cà phê đen, và có lẽ một ít bánh mỳ nuớng".



"Hy vọng anh sẽ không đề nghị tôi làm Tổng biên tập tờ Chronicle", Rutledge nói, châm tiếp điếu thuốc hiệu Turf khác. Townsend liếc nhìn gạt tàn trên bàn, thấy đó là điếu thứ tư kể từ lúc anh đến.



"Không", Townsend đáp. "Bruce Kelly mới đúng là Tổng biên tập của nó. Cái tôi muốn dành cho ông còn thích hợp hơn nhiều".



"Cái gì mà ghê gớm thế?" Rutledge hỏi.



"Một tờ báo mới chỉ tồn tại trong tưởng tượng của tôi. Nhưng tôi cần ông giúp để tạo ra nó".



"Anh dự định ở thành phố nào?" Rutledge hỏi. "Hầu hết các thành phố đều đã có quá nhiều báo, còn chỗ chưa có thì thực ra cũng đã bị độc quyền. Không nơi nào rõ hơn Adelaide".



"Tôi không thể không đồng ý với ông", Townsend nói. "Nhưng cái mà đất nước này hiện chưa có là một tờ báo quốc gia cho tất cả người dân Úc. Tôi muốn tạo ra một tờ báo có tên là Continent, lưu hành từ Sydney qua Perth và khu vực ở giữa hai thành phố này. Tôi muốn nó là tờ Times của Úc và phải được mọi người coi là số một ở đất nước này. Quan trọng hơn, tôi muốn anh là Tổng biên tập đầu tiên của nó".



Alan rít thuốc thật sâu. "Trụ sở đặt ở đâu?"



"Canberra. Nó phải xuất hiện từ thủ đô chính trị, nơi đưa ra các quyết định của quốc gia. Nhiệm vụ lớn nhất của chúng ta là phải ký được hợp đồng với những biên tập viên, phóng viên giỏi nhất. Chính vì thế tôi phải mời anh, vì một khi biết anh là Tổng biên tập, nhiều khả năng họ sẽ tham gia hơn".



"Anh nghĩ thời gian chạy thử là bao nhiêu?" Rutledge hỏi, dụi điếu thứ năm đang hút.



"Tôi hy vọng trong vòng sáu tháng tờ báo đã có thể được lưu hành trên đường phố", Townsend trả lời.



"Anh hy vọng phát hành được bao nhiêu?" Ông ta hỏi, lại châm một điếu thuốc khác.



"Năm đầu tiên từ 200.000 đến 250.000, sau dần lên 400.000".



"Anh sẽ trụ lại bao lâu nếu báo không phát hành được tới mức đó?"



"Hai năm, có thể là ba. Chỉ cần nó không lỗ là tôi sẽ giữ nó mãi mãi".



"Đối với tôi thì anh định thế nào?” Alan hỏi.


Khi máy bay đã cất cánh, anh bắt đầu nháp một bài dài năm trăm từ, chữa lại các đoạn và thay đổi câu chữ, cho đến khi hài lòng thấy nó có thể in trên trang nhất được. Khi máy bay hạ cánh ở sân bay Los Angeles, Townsend tìm một máy điện thoại công cộng gần nhất, gọi về văn phòng của Bruce Kelly. Anh ngạc nhiên không thấy Tổng biên tập ở đó. Phó của Kelly bảo đảm với anh vẫn còn đủ thời gian để thay đổi nội dung trang báo, rồi vội vàng chuyển máy sang cho một người đánh máy bản thảo. Trong khi đọc lại bài báo, Townsend tự hỏi bao lâu nữa đến lượt Hacker và Kenwright nhấc máy nài nỉ anh ký hợp đồng khi anh đã phá vỡ cacten (1) của họ.



Townsend nghe loa gọi tên anh và phải chạy vội về máy bay. Anh vừa vào thì cửa sập đóng. Khi đã ngồi vào ghế, mắt anh không mở ra được, cho đến khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Sydney vào sáng hôm sau.



Anh gọi Clive Jervis trong khi đợi hành lý trên băng chuyền. Anh nhìn đồng hồ khi nghe tiếng Clive ở đầu dây. "Hy vọng không lôi anh dậy khỏi giường".



"Không đâu. Tôi vừa mặc quần áo xong", anh chàng luật sư trả lời. "và sửa soạn đi dự đám cưới"



Lẽ ra Townsend đã hỏi Clive đi dự đám cưới của ai, nhưng anh chỉ quan tâm đến việc Ampthill đã ký hợp đồng chưa.



"Tôi phải nói ngay để anh khỏi hỏi". Clive hỏi. "Bây giờ anh có thể tự hào mà nói mình là chủ bút của tờ Wollongong Times, Khách sạn lớn Wollongong, hai mỏ than và một đài phát thanh được biết dưới cái tên 2WW có thể bắt thu được ở khu phía bắc tới tận Nowra và các vùng phụ cận phía nam Sydney. Tôi chỉ hy vọng anh biết anh sẽ làm những gì, Keith, chứ còn tôi thì chịu".



"Hãy đọc trang đầu của tờ Chronicle sáng nay", Townsend bảo. Nó có thể cho anh hiểu thêm".



"Tôi không bao giờ đọc báo vào sáng thứ Bảy. Tôi nghĩ mình được quyền mỗi tuần nghỉ ngơi một ngày".



"Nhưng hôm nay mới thứ Sáu", Townsend nói.



"Có thể là thứ Sáu ở New York, nhưng tôi đảm bảo với anh hôm nay là thứ Bảy ở Sydney. Tôi mong một tiếng nữa sẽ gặp anh tại nhà thờ".



"Ôi lạy Chúa", Townsend kêu to. Anh buông rơi điện thoại, chạy vụt khỏi phòng hải quan, không lấy hành lý, lao ra vỉa hè thấy Sam đang đợi bên ô tô, mặt đầy lo lắng. Townsend nhảy ào vào ghế trước. "Tôi cứ nghĩ hôm nay là thứ Sáu", anh bảo.



"Không, thứ Bảy, thưa sếp", Sam nói. "Sếp sẽ làm lễ cưới trong vòng năm mươi sáu phút nữa".



"Thế thì tôi không đủ thời gian về nhà thay đồ".



"Sếp khỏi lo", Sam nói. "Heather đã để mọi thứ ngài cần trên ghế sau xe".



Keith quay lại thấy một chồng quần áo, đôi khuy gài măng xét, một bông cẩm chướng đỏ đã để sẵn. Anh vội vàng cởi bỏ áo khoác, cởi khuy áo sơ mi.



"Liệu chúng ta đến kịp không?", anh hỏi.



"Chúng ta có thể đến nhà thờ thánh Peter năm phút trước khi buổi lễ bắt đầu", Sam trả lời trong khi Keith ném áo sơ mi mặc hôm qua xuống sàn xe. "Đấy là nói đường không bị tắc và lúc nào cũng gặp đèn xanh”.



"Tôi còn phải lo gì nữa không?". Keith hỏi trong khi cố nhét cho tay phải vào ống tay áo trái của chiếc sơ mi hồ bột trắng bốp.



"Tôi nghĩ ngài có thể thấy Heather và Bruce đã dự liệu mọi chuyện", Sam đáp.



Cuối cùng Keith cũng xỏ đúng được vào tay áo, sau đó hỏi liệu Susan có biết anh vừa về không.



"Tôi không nghĩ thế", Sam trả lời. "Mấy ngày vừa rồi, cô ấy đến nhà chị gái ở Kogara, từ đó sẽ được xe đưa thẳng đến nhà thờ. Sáng nay cô ấy gọi mấy lần, nhưng tôi nói ngài đang trong nhà tắm".



"Lẽ ra tôi phải tắm rửa thật".



"Nếu ngài không có mặt trên chuyến bay này, chắc tôi đã phải gọi điện báo cho cô ấy".



"Tất nhiên rồi. Thôi chúng ta đành hy vọng cô dâu sẽ theo truyền thống đến muộn vài phút". Keith ngả người, cầm chiếc quần màu xám kẻ sọc có dây đeo sẵn mà anh chưa thấy bao giờ.



Sam cố che miệng ngáp.



Keith quay lại phía anh ta. "Thế ra anh đợi tôi suốt hai mươi bốn tiếng ngoài sân bay à?".



"Ba mươi sáu tiếng, thưa ngài. Thật ra ngài dặn sẽ về vào thứ Sáu".



"Tôi xin lỗi. Vợ anh chắc phải giận tôi lắm".



"Cô ta mặc xác tôi, thưa ngài".



"Sao thế?" Keith hỏi khi xe vào một đoạn đường cua vẫn với tốc độ năm mươi dặm một giờ trong khi anh đang kéo khoá quần.



"Vì cô ta bỏ đi tháng trước và bắt đầu các thủ tục ly hôn”.



"Rất tiếc khi phải nghe chuyện dó", Keith lặng lẽ nói.



"Không sao đâu, thưa ngài. Cô ta không bao giờ quen được với lối sống của cánh lái xe".



"Lỗi tại tôi".



"Tất nhiên là không", Sam nói. "Hồi tôi lái tắc xi, cô ta còn tồi tệ hơn. Không. Sự thật là tôi thích công việc này, còn cô ta không thể chịu đựng được giờ giấc thất thường".



"Anh đã mất mười một năm để phát hiện ra điều đó", Keith nói, khom người về phía trước để có thể mặc chiếc áo đuôi tôm vào.



"Tôi nghĩ cả hai chúng tôi đều nhận ra nó", Sam nói. "Nhưng cuối cùng, tôi không còn chịu được chuyện cô ta cứ ỉ eo về việc không bao giờ biết chính xác lúc nào tôi về nhà".



"Không bao giờ biết chắc khi nào anh về nhà ư?" Keith hỏi lại khi xe lại vào đoạn đường vòng.



"Vâng. Cô ta không hiểu nổi tại sao tôi không chấm dứt công việc vào lúc năm giờ tối như những người chồng khác".



"Tôi thì quá hiểu", Keith nói. "Anh không phải là người duy nhất gặp chuyện đó". Cả hai không nói gì thêm. Sam tập trung chọn làn đường đỡ ách tắc nhất để có thể tiết kiệm được vài giây, còn Keith nghĩ đến Susan trong khi anh cố thắt lại cravát đến lần thứ ba.



Keith đang gài bông cẩm chướng lên ve áo thì xe vòng vào đoạn đường để đến nhà thờ thánh Peter. Anh nghe tiếng chuông và người đầu tiên anh thấy đang đứng giữa đường nhìn về phía họ với vẻ mặt lo lắng là Bruce Kelly. Khi nhận ra chiếc xe, vẻ mặt anh ta đầy mừng rỡ.



"Đúng như tôi hứa, thưa ngài", Sam nói khi cho xe về số. "Tôi đã đến trước năm phút".



"Rồi mất mười một năm để hối tiếc", Keith nói nhỏ.



"Xin lỗi, ngài bảo gì ạ?" Sam hỏi khi hãm phanh, cho xe chậm lại.



"Không có gì đâu, Sam. Chỉ có điều anh đã làm tôi nhận ra rằng đây là một canh bạc mà tôi chưa muốn tham gia". Anh ngừng lại một chút và đúng khi xe dừng lại, anh nói với giọng cương quyết. "Đừng dừng lại, Sam. Cứ cho xe chạy tiếp đi".



(1) Cacten (nguyên bản : cartel): Nhóm các hãng kinh doanh kết hợp với nhau nhằm kiểm soát sản xuất tiếp thị và để tránh cạnh tranh với nhau.