Quyền Lực Thứ Tư
Chương 34 :
Ngày đăng: 15:14 19/04/20
Báo
THE SUN
Ngày 12 tháng Sáu, 1987
NHIỆM KỲ THỨ BA CỦA MAGGIE
ĐẢNG BẢO THỦ THẮNG DỄ DÀNG VỚI 110 GHẾ
Khi Armstrong lao ra khỏi phòng Lincoln, không chịu bị làm nhục bằng việc ngồi nghe bài diễn văn nhậm chức của Townsend, một số nhà báo vội đi theo ông. Nhưng hai người đàn ông đã đến từ Chicago thì không. Chỉ thị của thân chủ họ không thể rõ ràng hơn. "Hãy đặt giá để không ai trong bọn họ được trở thành chủ tịch của Post."
Armstrong đứng một mình ở lối đi, sai một trong những luật sư đắt tiền của mình đi tìm chiếc Limousine. Không thấy người quản lý khách sạn đâu. "Cái xe của nợ của tôi đâu?" Armtrong quát, chằm chằm nhìn chiếc BMW trắng đậu bên kia đường.
"Lát nữa nó sẽ tới đón chúng ta." Russell nói khi tới bên cạnh ông. "Làm thế nào hắn ta sắp đặt được cuộc bỏ phiếu?" Armstrong gặng hỏi.
"Trong 24 giờ qua ông ta phải tạo ra một số cổ đông lớn, những người ít nhất trong hai tuần nữa sẽ không có tên trong đăng ký."
"Vậy tại sao họ lại được phép vào dự họp?"
"Tất cả những gì họ làm là trình cho người kiểm tra một danh mục với bằng chứng về số cổ phần tối thiểu cần có. Ví dụ một trăm cổ phần cho mỗi một người trong hai trăm người đó, thế là đủ. Họ có thể mua số cổ phần nàv từ bất kỳ người môi giới nào trên phố Wall, hoặc Townsend có thể chia cho họ 20 000 cổ phần của ông ta trong sáng nay."
"Và điều đó là hợp pháp?"
"Cho phép tôi nói rằng điều này nằm trong khuôn khổ pháp luật," Russell nói. "Lời khuyên của tôi là ông nên bán số cổ phần của ông đi và tự bằng lòng với một khoản lợi nhuận đáng kể."
"Đó đúng là loại lời khuyên mà tôi nghĩ ông sẽ đưa ra." Armstrong nói. "Còn tôi thì không định làm thế. Tôi sẽ đòi ba chỗ trong Hội đồng Quản trị và sẽ làm cho hắn khốn khổ trong suốt những ngày còn lại."
Hai người đàn ông cao lớn, lịch sự trong những chiếc áo khoác dài màu đen do dự đứng cách họ vài yard. Armstrong đoán chắc họ thuộc nhóm nhân viên pháp luật của Critchley. "Vậy tôi phải trả cho hai người kia bao nhiêu?" Ông hỏi.
Russell liếc nhìn họ và nói, "Tôi chưa bao giờ gặp họ."
Dường như theo một hiệu lệnh, vì một trong hai người lập tức tiến vài bước về phía trước và nói, "Ngài Armstrong?"
Armstrong định trả lời thì Russell đã đáp. "Tôi là Russell Critchley, luật sư của ngài Armstrong ở New York. Tôi có thể giúp gì được cho các ông?"
Ngưòi đàn ông cao hơn mỉm cười. "Xin chào ngài Critchley." anh ta nói. "Tôi là Earl Withers thuộc công ty Spender, Dickson và Withers ở Chicago. Tôi tin rằng trước kia chúng tôi đã từng làm ăn rất thuận lợi với công ty của ông."
"Trong nhiều hoàn cảnh," Russell nói và lần đầu tiên ông mỉm cười.
"Rất ăn ý," Armstrong nói.
Người đàn ông thấp hơn khẽ gật đầu. "Công ty chúng tôi có vinh dự được đại diện cho Tập đoàn Chicago News Group, tôi và đồng nghiệp của tôi mong muốn được thảo luận về một vụ làm ăn với thân chủ của ông.
"Vậy tại sao các ông không liên hệ với tôi tại văn phòng vào sáng ngày mai?" Russell nói khi chiếc Limousine tới nơi.
"Vụ làm ăn gì vậy?" Armstrong hỏi khi người lái xe ra mở cánh cửa sau.
"Chúng tôi được trao quyền đưa cho ông cơ hội mua tờ New York Tribune."
"Như tôi đã nói..." Russell cố nói lại.
"Tôi sẽ gặp lại cả hai ông tại phòng của tôi ở tháp Trump trong 15 phút nữa," Armstrong vừa nói vừa chui vào xe. Withers gật đầu khi Russell chạy vòng sang mở cửa xe phía bên kia. Ông đóng cửa, ấn nút và không nói gì cho đến khi tấm kính được kéo lên ngăn cách họ với người lái xe.
"Dick, dưới bất kỳ tình huống nào tôi không thể đề nghị..." viên luật sư mở đầu.
"Sao không?" Armstrong hỏi.
"Khá đơn giản," Russell nói. "Mọi người biết rằng Tribune đang bị cầm cố với giá 200 triệu đô la, và mỗi tuần mất đứt một triệu đô la. Chưa nói đến việc nó bị kẹt trong một cuộc tranh chấp giữa hai công đoàn ngang ngạnh. Tôi xin hứa với ông, Dick, không ai có thể vực được tờ báo đó lên đâu."
"Townsend đã làm được thế với tờ Globe," Armstrong nói. "Như tôi được biết, với giá khá đắt."
"Đấy là hai trường hợp khác nhau," Russell nói, giọng bắt đầu tuyệt vọng.
"Và tôi cuộc là hắn ta sẽ lại làm được với tờ Star."
"Từ một xuất phát điểm khá xa nhau. Đó chính xác là lý do vì sao tôi khuyên ông nên tăng khoản trả giá trong lần đầu tiên."
"Và ông đã thất bại," Armstrong nói. "Vì vậy tôi không thấy có bất kỳ ký do gì để chúng ta không ít ra là nghe họ nói."
Chiếc Limousine đỗ trước tháp Trump. Hai viên luật sư từ Chicago đã đứng đó đợi họ. "Họ làm thế quái nào vậy?" Armstrong vừa hỏi vừa đẩy cửa xe và bước ra.
Viên thư ký công ty nâng cuốn sổ cái bìa da đã cũ lên bàn và chậm rãi giở qua các trang. "Quỹ trợ cấp," anh ta bắt đầu, "như mọi thành viên Hội dồng đều biết, được tài trợ bởi các khoản đóng góp. Mỗi nhân viên nộp vào quỹ 4% lương. Nửa còn lại do người sử dụng lao động đóng góp. Trên cơ sở từng năm, chúng ta hiện đang trả cho các nhân viên cũ gần 34 triệu bảng, trong khi nhận được từ các nhân viên hiện đang làm việc 51 triệu bảng. Một phần nhờ ngân hàng của chúng ta đã tiến hành một chương trình đầu tư hết sức khôn ngoan, số dư tài khoản hiện đứng ở mức hơn 631 triệu bảng một chút, so với nghĩa vụ cần thực hiện đầy đủ theo luật định với những nhân viên cũ là khoảng 400 triệu bảng."
"Rất đáng hài lòng," Paul đồng tình. Armstrong tiếp tục chăm chú nghe.
"Mặc dù phải báo cho Hội đồng biết." Chapman nói tiếp, "rằng tôi đã nhận được một số lời khuyên thực tế, và rằng mặc dù có thể xuất hiện một số dư lớn trên giấy, với tuổi thọ dự kiến tăng lên hằng năm, khoản tiền này không lớn hơn một khoản dự trữ cần thiết."
"Chúng tôi ghi nhận lưu ý của ông," Paul nói. "Còn việc gì nữa không?"
Không ai nói gì, và các giám đốc bắt đầu cho bút vào túi, gấp tài liệu lại và mở cặp ra.
"Tốt." Paul nói. "Vậy tôi tuyên bố bế mạc cuộc họp và tất cả chúng ta có thể nghỉ ăn trưa". Họ rời phòng họp để vào phòng ăn tối. Armstrong đi thẳng đến đầu bàn, ngồi xuống và bắt đầu tấn công vào món đầu tiên trước khi mọi người kịp ngồi vào chỗ. Ông ngoắc Eric Chapman khi anh này bước vào phòng, ra hiệu là muốn anh ta ngồi phía bên phải mình, trong khi Peter Wakeham chiếm chỗ ngồi bên tay trái. Ngài Paul tìm thấy một chỗ còn trống ở quãng giữa bàn, phía tay phải.
Armstrong để viên thư ký công ty luôn mồm nói về trận chơi golf của anh ta, về tình trạng chính phủ và kinh tế. Ông không chú ý nhiều đến những quan điểm của anh ta về Nick Faldo, Neil Kinnock và Alan Walter. Nhưng khi Chapman chuyển sang đề tài say mê nhất là quỹ trợ cấp, thì ông chăm chú như nuốt từng lời của anh ta.
"Công bằng mà nói thì chúng tôi phải cảm ơn ông, Dick ạ." Chapman thừa nhận "Ông là người đã chỉ ra cái mỏ vàng mà họ giao lại cho chúng ta. Tất nhiên, thực ra nó không phải là của chúng ta. Nhưng những số dư luôn tạo ra một ấn tượng tốt trong bảng thu chi, chứ chưa nói đến những tài khoản kiểm toán phải trình ra tại Đại hội toàn thể thường niên."
Sau khi rưới nước sốt lên năm miếng thịt bò rán khéo đã được đặt vào đĩa. Armstrong chuyển sự chú ý sang Peter, người vẫn rất mực trung thành với ông kể từ khi họ cùng nhau phục vụ ở Berlin.
"Tại sao anh lại không bay sang New York với tôi trong vài ngày, Peter?" Ông gợi ý khi người hầu gái bỏ khoai tây lên nửa đĩa bên kia. "Bằng cách đó anh sẽ có thể thấy được tôi sắp đặt được cái gì với công đoàn - và quan trọng hơn, là cái tôi đạt được. Sau đó, nếu vì lý do nào đó tôi không tham dự được cuộc họp tháng tới, anh có thể thay mặt tôi báo cáo với Hội đồng Quản trị."
"Nếu đó là điều ông muốn," Peter nói, thích thú với ý nghĩ được đi thăm New York, nhưng còn hy vọng hơn rằng người báo cáo ở cuộc họp lần sau sẽ vẫn là Dick.
"Hãy đặt một chiếc Concorde vào thứ Hai tới," Armstrong nói. "Tôi có cuộc họp với Sean OReilly, một trong những nhà lãnh đạo công đoàn quan trọng nhất của tờ báo vào chiều hôm đó. Tôi muốn anh có mặt ở đó để thấy cách tôi đối xử với anh ta."
Sau bữa trưa, Armstrong quay lại văn phòng và thấy một núi thư trên bàn. Ông chẳng buồn xem qua chúng. Thay vào đó ông nhấc điện thoại và yêu cầu nối máy đến phòng kế toán. Khi có tiếng trả lời ông nói, "Fred, anh có thể cho tôi một quyển séc được không? Tôi chỉ ở Anh trong ít giờ, và..."
"Tôi không phải là Fred, thưa ngài," đầu dây bên kia đáp. "Tôi là Mark Tenby."
"Vậy hãy cho tôi gặp Fred."
"Fred đã nghỉ hưu ba tháng trước, thưa ngài", kế toán trưởng nói, "ngài Paul bổ nhiệm tôi thay thế ông ấy."
Armstrong suýt nữa định nói. "Với quyền của ai?” thì anh chợt đổi ý. "Phải," ông nói. "Vậy có lẽ ông sẽ gửi ngay cho tôi cuốn séc. Vài giờ nữa tôi sẽ đi Mỹ.”
"Tất nhiên, thưa ngài Armstrong. Séc cá nhân hay công ty ạ?"
"Tài khoản quỹ trợ cấp," ông đều đều nói. "Tôi sẽ thay mặt công ty tiến hành một hai vụ đầu tư trong thời gian ở Mỹ."
Tiếp theo là một khoảng im lặng lâu hơn Armstrong mong đợi. "Vâng, thưa ngài. Tất nhiên, như tôi chắc là ngài cũng biết, ngài sẽ cần có chữ ký của một giám đốc thứ hai cho tài khoản đặc biệt này. Và tôi cũng cần nhắc ngài là luật công ty không cho phép đầu tư tiền trong quỹ trợ cấp vào bất kỳ công ty nào mà chúng ta đã có cổ phần chính ở đó."
"Anh bạn trẻ, tôi không cần anh đọc luật công ty cho tôi," Armstrong quát và dập máy. "Kiểm tra chết tiệt," ông nói thêm trong căn phòng trống. "Hắn ta tưởng ai là người trả lương cho hắn chứ?"
Khi séc đã được gửi tới, Armstrong phớt lờ mọi lời lẽ giả dối được gửi kèm theo nó, và chạy ra khỏi phòng, thậm chí không tạm biệt Pamela. Ông đón thang máy lên sân thượng và bảo viên phi công trực thăng đưa ông đến Heathrow. Khi họ cất cánh, ông nhìn xuống London chẳng có chút cảm xúc nào như giờ đây ông đang cảm thấy đối với New York.
Hai mươi phút sau ông hạ cánh xuống sân bay Heathrow, và nhanh chóng đi vào phòng đợi. Trong khi đợi máy bay, có một vài người Mỹ tới bắt tay cảm ơn ông vì tất cả những gì ông đã làm cho người dân New York. Ông mỉm cười và tự hỏi không biết liệu điều gì sẽ xảy ra với cuộc đời ông nếu chuyến tàu mà ông trốn trên đó nhiều năm trước lại cập cảng đảo Ellis thay vì Liverpool? Có lẽ ông đã có thể kết thúc ở Nhà Trắng.
Chuyến bay của ông được thông báo, và ông đi ra máy bay. Sau khi được phục vụ một bữa ăn chẳng đủ no, ông ngủ chập chờn được khoảng vài giờ. Càng tới gần bò biển phía đông của nước Mỹ, ông càng tin rằng mình vẫn thắng được nó. Năm tới tờ Tribune sẽ không chỉ bán chạy hơn tờ Star, mà nó sẽ công bố một lợi nhuận mà ngay cả Paul Maitland cũng sẽ phải thừa nhận là do một tay ông đã đạt được. Và với triển vọng chính phủ của Công đảng sẽ nắm quyền, không ai nói trước được ông có thể đạt tới cái gì. Ông nguyệch ngoạc viết lên tờ thực đơn "Ngài Richard Amrstrong," và sau đó một lát, ông gạch nó đi và viết bên dưới “Huân tước Armstrong của vùng Headley".
Khi máy bay hạ cánh xuống đường băng sân bay Kenedy ông cảm thấy như trẻ lại, và không thể ngồi đợi để được đưa về văn phòng. Khi sải chân băng qua phòng kiểm tra hộ chiếu, các hành khách chỉ trỏ vào ông và ông có thể nghe thấy họ thì thầm, "Nhìn kìa, Dick Armstrong đấy." Một số người thậm chí còn vẫy tay. Ông giả bộ như không để ý, nhưng một nụ cười tủm tỉm không lúc nào rời miệng ông. Chiếc Limousine đã đợi sẵn ở khu dành cho những nhân vật quan trọng, và nó nhanh chóng mang ông lướt về hướng Manhattan. Ông ngả người ra sau ghế và bật ti vi, chuyển hết kênh này đến kênh khác cho tới khi một khuôn mặt quen thuộc đột nhiên xen vào sự chú ý của ông.
"Đây là lúc tôi nên nghỉ hưu và tập trung vào hoạt động ở quỹ của tôi," Henry Sinclair, chủ tịch tập đoàn Multi Media, một đế chế xuất bản lớn nhất thế giới, nói.
Amstrong lắng nghe Sinclair và tự hỏi không biết ông ta sẽ đòi giá bao nhiêu khi chiếc xe dừng lại bên ngoài tòa nhà Tribune. Armstrong gắng sức ra khỏi xe và khệ nệ đi qua vỉa hè. Sau khi đẩy cánh cửa quay, ông được mọi người trên suốt quãng từ hành lang dẫn đến thang máy đều vỗ tay chào đón. Ông mỉm cười với họ như thể đó là điều tất nhiên ở bất kỳ nơi nào mình tới. Một thành viên công đoàn nhìn cánh cửa thang máy đóng lại và tự hỏi liệu viên chủ bút có bao giờ nhận ra rằng tất cả các nhân viên của ông ta đã được lệnh phải hoan hô khi ông ta xuất hiện bất cứ lúc nào và ở bất cứ đâu. "Hãy đối xử với ông ta như với tổng thống và ông ta sẽ bắt đầu tin mình là tổng thống," Sean OReilly đã nói trong cuộc họp kín, "Và hãy tiếp tục hoan hô cho đến chừng nào tiền bạc chảy ra."
Cứ mỗi tầng, khi cửa thang máy mở ra tiếng hoan hô lại vang lên. Khi tới tầng 21, Armstrong thấy thư ký riêng đang đứng đợi ông. "Chào mừng ông trở về nhà". Cô nói.
"Cô nói đúng đấy." ông đáp khi ra khỏi thang máy. "Đây là nhà tôi. Tôi chỉ ước gì mình được sinh ra ở Mỹ, nếu được thế, giờ đây tôi đã có thể là tổng thống."
"Ngài Critchley vừa tới trước ngài vài phút, và đang đợi ngài trong văn phòng," cô thư ký nói khi họ đi xuôi theo hành lang.
"Tốt, Armstrong vừa nói vừa sải chân vào căn phòng rộng nhất của tòa nhà. "Rất vui được gặp lại ông, Russell,” ông nói khi viên luật sư đứng lên chào. "Vậy có phải ông đã sắp xếp được vấn đề công đoàn cho tôi không?"
"Tôi e là không phải, Dick," Russell nói khi họ bắt tay. "Thực ra, việc này kết thúc không được tốt. Tôi rất tiếc phải báo là chúng ta sẽ phải bắt đầu lại."
"Ông định nói gì, bắt đầu lại?" Armstrong nói.
"Trong khi ông đi, công đoàn đã từ chối khoản tiền 230 triệu đô la bồi thường trọn gói cho việc dư thừa lao động mà ông đã đề nghị. Họ đòi khoản tiền 370 triệu."
Armstrong đổ sụp xuống ghế. "Tôi chỉ đi có vài ngày, và ông đã để tất cả sụp đổ hết!" Ông rít lên, nhìn ra cửa khi cô thư ký vào phòng và đặt bản đầu tiên cùa tờ Tribune lên bàn trước mặt ông. Ông chằm chằm nhìn xuống dòng tiêu đề: "Chúc mừng Dick trở về!"