Quyền Lực Thứ Tư
Chương 39 :
Ngày đăng: 15:14 19/04/20
Báo
FINANCIAL TIME
Ngày 1 tháng Mười một, 1991
CỔ PHIẾU CỦA CÁC TẬP ĐOÀN BÁO CHÍ
RƠI TỰ DO
Khi Townsend đáp máy bay tới Honolulu thì Elizabeth Beresford đã đi được nửa quãng đường vượt Đại Tây Dương. Trong ba tuần qua ông đã phải trải qua kỳ thi khắc nghiệt nhất trong đời - và, giống như mọi kỳ thi khác, có một khoảng thời gian trước khi biết kết quả.
E.B. đã hỏi, tìm hiểu tỉ mỉ và nghiên cứu mọi khía cạnh của mọi vụ giao dịch mà ông đã từng tham gia. Giờ đây bà biết nhiều về ông hơn cả mẹ, vợ, con và cơ quan thuế vụ của ông cộng lại. Trên thực tế Townsend tự hỏi liệu có còn điều gì giấu được bà ta hay không - ngoài chuyện ông đã làm gì ở trong phòng để dụng cụ thể thao với con gái ông hiệu trưởng. Và nếu ông phải trả giá đắt vì điều đó, chắc chắn bà sẽ đòi ông phải mô tả chi tiết vụ làm ăn này.
Mỗi đêm khi trở về căn hộ của mình, người mệt lử, ông lại tính toán kỹ càng với Kate về mọi khả năng có hoặc không thể xảy ra. "Anh chỉ chắc chắn có một điều," ông thường nhắc đi nhắc lại. "là cơ hội sống sót của anh hiện nằm hoàn toàn trong tay người đàn bà đó."
Họ đã hoàn thành giai đoạn một: E.B thừa nhận là nếu nói chi ly ra, công ty có đủ khả năng trả nợ. Sau đó bà ta chuyển mục tiêu sang giai đoạn hai: bán đi một số tài sản. Khi nghe bảo rằng bà Summers muốn mua lại số cổ phiếu của mình trong tờ New York Star, ông miễn cưỡng phải đồng ý. Nhưng ít nhất E.B cũng cho phép ông giữ lại số lợi tức nằm trong quyền kiểm soát của ông ở tờ Melbourne Courier và Adelaide Gazette. Tuy nhiên ông đã phải bán tờ Perth Sunday Monitor và Continent để đổi lấy việc giữ lại tờ Sydney Chronicle. Ông cũng phải bằng lòng với số lợi tức ít hơn trong kênh truyền hình Úc của mình và tất cả những công ty con không sinh lợi ở Multi Media, nhờ đó ông có thể tiếp tục phát hành TV News.
Đến hết tuần thứ ba E.B đã hoàn thành điệu múa thoát y và để lại ông gần như trần trụi. Và tất cả chỉ vì một cuộc điện thoại. Ông bắt đầu tự hỏi không biết những lời nói đó còn ám ảnh ông bao lâu nữa:
"Ông đã nghĩ tới con số nào chưa, thưa ông Townsend?"
"Rồi, thưa ngài Đại sứ. Ba tỷ đô la."
E.B. không phải nhắc ông là bà ta vẫn cân nhắc những kế hoạch dự phòng trước khi có thể chuyển sang giai đoạn ba.
Mặc dù nhiều lần họ đã viết đi viết lại bản thông cáo chính thức, kết luận của nó luôn luôn là một: Global Corp sẽ tiến hành tự nguyện giải thể. Trong đời hiếm khi Townsend phải trải qua những giờ phút đáng ghét hơn thế. Ông có thể mường tượng ra tiêu đề ảm đạm trên tờ Citizen: Townsend phá sản.
Khi họ thỏa thuận được về lời lẽ của bản thông cáo, E.B. đã sẵn sàng chuyển sang giai đoạn tiếp theo. Bà hỏi Townsend về những ngân hàng mà ông cho rằng thông cảm được với những nguyên do của ông nhất. Ngay lập tức ông chỉ ra sáu ngân hàng, và sau đó cho biết thêm năm ngân hàng nữa luôn có mối quan hệ thân thiết từ lâu với công ty. Nhưng ông cảnh báo bà là cũng như những ngân hàng còn lại, ông chưa bao giờ giao dịch với bất kỳ ngân hàng nào trong số chúng trước khi ông cố kiếm ba tỷ đô la cho vụ mua Multi Media. Và một ngân hàng trong số chúng đã đòi ông trả lại tiền cho họ nếu có thể.
"Vậy chúng ta sẽ để nó lại đến phút cuối," E.B. nói.
Bà bắt đầu tiếp cận với quan chức cao cấp phụ trách vấn đề cho vay của ngân hàng có mức tín dụng lớn nhất, và nói cho ông ta biết những biện pháp thắt lưng buộc bụng mà bà bắt Townsend phải chịu. Ông này cảm động và đồng ý ủng hộ kế hoạch của bà - nhưng chỉ khi tất cả các ngân hàng khác có liên quan cũng chấp nhận khoản tiền trợ giúp. Năm ngân hàng tiếp theo được chia mức cao hơn một chút, nhưng khi đã yên tâm về sự hợp tác của họ, E.B. bắt đầu lần lượt thuyết phục được hết ngân hàng này đến ngân hàng khác. Ở London bà đã gặp Barclays, Midland Montagu và Rothschilds. Bà định tiếp tục chuyến đi sang Paris để gặp Crédit Lyonnais, và sau đó là bay tới Frankfurt, Bonn và Zurich, trong một nỗ lực nhằm gắn kết các mắt xích của chuỗi dây chuyền.
Bà đã hứa với Townsend là nếu thành công ở London, bà sẽ gọi điện và báo cho ông biết ngay lập tức. Còn nếu thất bại ở bất cứ công đoạn nào, bà sẽ bay ngay tới Honolulu và sẽ thông báo vắn tắt cho các đại biểu của Global đang họp biết rằng họ không còn là nhân viên của công ty trong tương lai nữa, do đó, họ sẽ phải đi tìm một chỗ làm mới.
E.B. đã rời London buổi chiều hôm đó, mang theo toàn bộ hồ sơ, một tập vé máy bay và một danh sách số điện thoại cho phép bà có thể liên lạc với Townsend vào bất kỳ thời điểm nào, dù là ngày hay đêm. Trong bốn ngày tới bà đã có kế hoạch làm việc với tất cả các ngân hàng và các tổ chức tài chính sẽ quyết định số phận của Global. Townsend biết rằng chỉ cần thất bại trong việc thuyết phục một trong số đó, bà sẽ chẳng chần chừ gì mà không quay về New York và gửi ngay hồ sơ của ông xuống tầng mười ba. Sự nhượng bộ duy nhất của bà là sẽ thông báo ông biết một giờ trước khi đăng thông cáo báo chí.
"Ít ra, nếu đang ở Honolulu, ông sẽ không bị báo chí toàn thế giới làm cho bất ngờ," bà đã nói vào trước hôm sang châu Âu.
Townsend tặng cho E.B một nụ cười gượng. "Nếu bà cho đăng một thông cáo như thế thì việc tôi ở đâu sẽ chẳng thành vấn đề," ông nói. "Chúng vẫn sẽ tìm thấy tôi."
Chiếc Gulfstream của Townsend hạ cánh xuống Honolulu ngay trước khi mặt trời lặn. Ông rời sân bay và đi thẳng đến khách sạn. Khi đăng ký phòng, ông đã nhận được lá thư, ”Tất cả các ngân hàng ở London đã đồng ý với các điều khoản. Tôi đang trên đường tới Paris. E.B."
Ông mở hành lý, đi tắm và mời những giám đốc chính của ông ăn tối. Họ đã đến đây từ khắp nơi trên thế giới vì những điều mà lúc đầu ông dự định là những ý tưởng đổi mới sự phát triển của công ty trong vòng mười năm tới. Giờ đây có vẻ như họ sẽ được nghe nói về việc làm thế nào để phá hủy nó trong mười ngày tiếp theo.
Tất cả những người ngồi quanh bàn đều cố tỏ ra vui mừng cực độ, mặc dù trong vài tuần qua hầu hết bọn họ đã từng được mời phỏng vấn, với sự hiện diện của E.B. Và tất cả bọn họ, sau khi được tiết lộ, liền xếp xó mọi sáng kiến phát triển công ty mà họ có thể đã có. Lời nói lạc quan nhất đi qua miệng E.B. trong những cuộc kiểm tra đó là "vững vàng". Bà ta đã yêu cầu thư ký công ty và văn phòng tài chính chủ chốt của tập đoàn chuẩn bị kế hoạch dự phòng bao gồm tạm ngừng các cổ phiếu của công ty và chuẩn bị giải thể. Khó có thể nhìn thấy điều này ở họ, cứ như thể tự bản thân họ đang có điều gì vui mừng vậy.
Sau bữa tối Townsend leo luôn lên giường và lại mất một đêm thức trắng mà không thể đổ lỗi cho việc chậm máy bay. Vào khoảng ba giờ sáng ông nghe thấy tiếng một bức thư được luồn qua khe cửa. Ông bật dậy và xé nó ra một cách căng thẳng. "Người Pháp đã miễn cưỡng đồng ý - Tôi đang tới Frankfurt. E.B."
Lúc bảy giờ, Bruce Kelly đến gặp ông ở phòng để cùng ăn sáng. Gần đây Bruce đã quay lại London để trở thành giám đốc quản lý của Global TV, và ông bắt đầu giải thích cho Townsend rằng vấn đề lớn nhất của ông bây giờ là thuyết phục những người Anh đa nghi mua một trăm nghìn đĩa vệ tinh đang được trữ tại nhà sách ở Watford. Sáng kiến mới nhất của ông là tặng chúng miễn phí cho các độc giả của Globe. Townsend chỉ vừa uống trà vừa gật đầu. Chẳng ai trong số họ nhắc đến chủ đề đang xâm chiếm đầu óc mình.
"Nhưng chẳng lẽ ông ta không nhận ra là tất cả các ngân hàng khác sẽ nuốt lời hứa nếu ông ta không làm theo kế hoạch chung?"
"Có, ông ta có nhận ra, nhưng khi tôi nêu điều đó ra ông ta chỉ nhún vai và nói, "trong trường hợp đó tôi sẽ chỉ phải chịu may rủi cùng với những người khác.”
Townsend bắt đầu văng tục.
"Nhưng ông ta đã hứa với tôi một điều," E.B. nói.
"Điều gì?"
"Ông ta sẽ gọi điện ngay khi có quyết định của Hội đồng."
"Tử tế quá nhỉ. Vậy tôi phải làm gì khi cái Hội đồng đó chống lại tôi?"
"Cho đăng tải bản thông cáo mà chúng ta đã thỏa thuận," bà ta nói.
Townsend cảm thấy muốn xỉu.
Hai mươi phút sau ông xuống sân bay. Một chiếc Limousine đã đợi sẵn ở đó. Ông mở cửa và lên ngồi ở ghế sau. Việc đầu tiên ông làm là gọi về căn hộ của mình ở Manhattan. Chắc hẳn Kate đang đợi điện thoại, vì nàng trả lời ngay lập tức.
"Anh đã nghe được tin gì từ Cleveland chưa?" Đó là câu hỏi đầu tiên của nàng.
"Rồi. E.B. đã gặp Pierson, nhưng ông ta vẫn chưa quyết định," Townsend đáp khi chiếc xe hòa vào dòng xe cộ đang nối đuôi nhau trên Đại lộ Nữ Hoàng.
"Cơ may để ông ta gia hạn cho khoản vay là bao nhiêu?”
"Hôm qua anh cũng hỏi E.B. câu hỏi đó, và bà ta nói là năm mươi trên năm mươi."
"Em chỉ ước ông ta cứu chúng ta ra khỏi cảnh nghèo khổ."
"Ông ta sẽ sớm quyết định thôi."
"Lúc nào ông ấy quyết định, hãy gọi điện cho em đầu tiên nhé, bất kể hậu quả thế nào."
"Tất nhiên em sẽ là người đầu tiên anh gọi rồi," ông nói và dập máy.
Cuộc gọi thứ hai của Townsend, khi chiếc Limousine vượt qua cầu Queensboro, là cho Tom Spencer. Ông ta chẳng nghe được điều gì khác. "Nhưng tôi sẽ không mong được biết gì cho đến khi E.B. đã nói cho ông biết," Tom nói. "Đó không phải là phong cách của bà ta."
"Khi tôi biết Pierson quyết định thế nào, tôi nghĩ tốt hơn ta nên thảo luận với nhau về việc phải làm tiếp theo."
"Chắc chắn rồi," Tom nói. "Hãy gọi cho tôi ngay khi ông nghe được bất kỳ điều gì, và tôi sẽ tới thẳng đó."
Người lái xe nhẹ nhàng rẽ vào phần đường bên phải trước khi đỗ lại bên ngoài tổng hành dinh của Tập đoàn Global International. Anh ta ngạc nhiên khi lần đầu tiên sau hai mươi năm, ngài Townsend cúi xuống và cảm ơn anh ta. Nhưng anh ta thật sự bị bất ngờ khi thấy ông chủ chào "Tạm biệt."
Vị chủ tịch tập đoàn Global International sải chân vượt qua vỉa hè và đi vào tòa nhà. Ông đi thẳng tới chiếc thang máy. Người trực tầng bước vào và vặn chìa ở ổ khóa cạnh nút trên cùng. Cánh cửa đóng lại và thang máy bắt đầu đi lên tầng 47. Khi cửa thang máy mở ra, Townsend đi thẳng tới chỗ cô tiếp tân đang mỉm cười với ông. Cô định nói, "Chào ngài Townsend," thì nhìn thấy vẻ mặt dữ tợn của ông và nghĩ tốt hơn hết là không nói gì.
Bước chân Townsend không hề ngập ngừng khi cánh cửa kính dẫn vào khu văn phòng của ông mở ra. "Có thư không?", là tất cả những gì ông nói khi đi ngang qua bàn thư ký trước khi bước vào văn phòng.
(1) Tầng mái : nguyên tác penthouse - nhà hoặc căn phòng xây trên mái một toà nhà cao.