Quyền Lực Thứ Tư

Chương 4 :

Ngày đăng: 15:13 19/04/20


KHỦNG HOẢNG PHỐ WALL:



THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN SỤP ĐỔ



Sinh ra là người Úc thế hệ thứ hai có nhiều cái lợi và một số cái bất lợi. Chẳng bao lâu Keith Townsend đã phát hiện ra những cái bất lợi đó.



Keith ra đời vào lúc 2 giờ 32 phút chiều mồng 9 tháng Hai năm 1929, trong một ngôi nhà rộng kiểu cũ ở Toorak. Việc đầu tiên mẹ cậu làm khi còn đang nằm trên giường đẻ là gọi điện thoại đến trường tư thục Thánh Andrew ghi tên cho cậu con trai nhập học vào năm 1941. Từ văn phòng, cha cậu gọi điện cho thư ký của Câu lạc bộ cricket Melbourne đăng ký tên cậu con trai làm hội viên, vì muốn vào đó phải ghi tên trước mười lăm năm.



Cha của Keith, Hầu tước Graham Townsend vốn người ở thành phố Dundee xứ Scotland, nhưng vào đầu thế kỷ này đã cùng cha mẹ tới Úc trên một tàu chở gia súc. Mặc dù Hầu tước Graham là chủ bút của hai tờ Melbourne Courier và Adelaide Gazette, được phong tước vào năm trước, nhưng giới trưởng giả ở Melbourne mà một số thành viên đã mấy đời ở đó và lúc nào cũng làm người ta phải nhớ họ không phải là con cháu của những kẻ tử tội lưu đày, thường hoặc là coi như không quen biết ông, hoặc bao giờ cũng nhắc đến ông ở ngôi thứ ba.



Hầu tước Graham chẳng mấy quan tâm đến chuyện đó, hoặc nếu có thì cũng không bao giờ bộc lộ ra ngoài. Những người ông thích giao du là những người làm trong các toà báo và những người được ông coi là bạn mà thường tuần nào cũng bỏ ra ít nhất một buổi chiều ở trường đua. Đối với Hầu tước Graham, đua ngựa hoặc chó không khác gì nhau.



Nhưng Keith có một bà mẹ mà giới trưởng giả Melbourne không thể dễ dàng làm ngơ, một người thuộc dòng dõi sĩ quan hải quân trong Hạm đội đầu tiên của Vương quốc Anh. Giá như bà sinh chậm lại một thế hệ, thì câu chuyện này có lẽ là kể về bà, chứ không phải về con trai bà.



Vì Keith là con trai duy nhất trong nhà, cậu là thứ hai trong ba người con (hai người kia là gái), nên ngay khi ra đời, Hầu tước Graham đã tin rằng cậu sẽ nối nghiệp ông trong ngành báo chí, và nhằm vào việc đó, ông bắt đầu sắp xếp để cậu học hành đầy đủ trước khi vào nghề. Lên ba tuổi. Keith đã được đến thăm Melbourne Courier là tờ báo của cha cậu và cậu lập tức ngây ngất trước mùi mực in, tiếng lách tách không ngừng của máy chữ và tiếng ầm ì của máy in. Từ giây phút đó, cậu thường được cha cho tới toà báo mỗi khi có dịp.



Hầu tước Graham chẳng khi nào ngừng khuyến khích con trai trong mọi việc, kể cả khi ông tới trường đua vào chiều thứ Bảy. Hầu tước phu nhân Townsend không thích những chuyện như vậy và thường bắt Keith phải dự lễ cầu nguyện tại nhà thờ vào sáng hôm sau. Bà rất thất vọng khi phát hiện ra cậu con trai mình thích những người thu tiền cá cược hơn là các linh mục.



Sau cùng, bà quyết tâm đảo ngược tình thế bằng những cuộc phản công. Trong khi Hầu tước Graham bận công việc ở Perth trong những chuyến đi dài ngày, bà thuê một bảo mẫu tên là Florie chỉ để làm có mỗi một việc là đe nẹt con trẻ. Nhưng Florie, một bà goá ở tuổi năm mươi, xem ra không trị nổi cậu bé bốn tuổi và chỉ vài tuần sau, bà buộc phải hứa để cậu tới trường đua mà không cho mẹ cậu biết. Cuối cùng, khi Hầu tước phu nhân Townsend biết chuyện, đợi lúc chồng có việc đi New Zealand, bà bèn cho đăng quảng cáo trên trang nhất của tờ London Times. Ba tháng sau, cô Steadman xuống tàu ở ga xe lửa và đến làm việc tại Toorak. Cách thức của cô xem ra đúng như người ta giới thiệu với bà.



Là con gái thứ hai của một mục sư dòng Presbytery xứ Scotland, theo học tại trường Thánh Leonard, cô biết chính xác điều người ta mong đợi ở mình. Trong khi Florie rất gắn bó với trẻ em và chúng cũng gắn bó với bà, thì Steadman hình như không gắn bó với cái gì khác ngoài nghề nghiệp của cô và thực hiện bằng hết cái được coi là trách nhiệm nặng nề của mình.



Cô dứt khoát yêu cầu bất cứ ai, dù ở ngôi thứ nào cũng phải gọi cô cho đủ là Cô Steadman và luôn làm mọi người thấy rõ họ ở địa vị nào trong thang bậc xã hội của cô. Người lái xe phải nhẹ giọng và hơi cúi người, còn Hầu tước Graham thì gọi tên cô với sự tôn trọng.



Ngay hôm đến, cô Steadman đã tổ chức cho trẻ chơi theo cái cách mà một sĩ quan hải quân đang làm nhiệm vụ trực tàu hẳn phải có ấn tượng sâu sắc. Keith cố bằng mọi cách, từ việc hờn dỗi đến nguyền rủa để phá cô, nhưng cậu nhanh chóng phát hiện ra rằng cô không hề xúc động. Lẽ ra ông bố đã can thiệp để cứu cậu con trai nếu như bà vợ ông không hết lời ca ngợi những cố gắng không mệt mỏi của cô gia sư, đặc biệt trong việc dạy cậu quý tử nói thứ tiếng Anh chính thống.



Lên năm tuổi, Keith đi học và cuối tuần đầu tiên cậu phàn nàn với cô Steadman rằng chẳng có đứa con trai nào trong lớp muốn chơi với cậu. Cô không cho là mình đang ở cái địa vị để có thể nói cho cậu biết rằng trong những năm qua, cha cậu đã tạo ra rất nhiều kẻ thù.



Tuần học thứ hai xem ra còn tồi tệ hơn, vì Keith liên tục bị một đứa tên là Desmond Motson, mà cha nó dính líu vào một vụ bê bối ở hầm mỏ bị đưa mấy ngày liền trên trang nhất của tờ Melbourne Courier bắt nạt. Mà cái thằng Motson này lại cao hơn Keith hai inch (1) và nặng hơn gần hai chục ký.



Keith tính đem chuyện này nói với cha, nhưng vì hai cha con chỉ gặp nhau vào cuối tuần, nên cậu đành phải bằng lòng với việc sáng chủ nhật ngồi với ông trong phòng làm việc để nghe quan điểm của ông về nội dung những tin đăng trên Courier và Gazette trước khi so sánh với các đối thủ của mình.
Chiểu thứ Bảy Keith không ra trường đua, mà dùng thời gian in một trăm tờ quảng cáo. Sáng thứ Hai, cậu phát không chỉ cho bạn cùng lớp, mà cả những học sinh ở hai lớp năm dưới.



Sáng thứ Ba, trong giờ lịch sử nước Anh giai đoạn 1815-1867, cậu tính toán ở mặt sau bản Dự luật cải cách 1832 rằng với đà này, chỉ cần ba tuần là cậu có thể có đủ mười bảng cần thiết để thử nghiệm cái hệ thống không thể sai lầm của Joe may mắn.



Nhưng trong giờ học tiếng La tinh chiều thứ Tư, cái hệ thống không thể sai lầm của chính cậu bắt đầu tỏ ra sai. Ông hiệu trưởng bất ngờ bước vào phòng và yêu cầu Townsend ra gặp ông ngay tại hành lang. "Và nhớ cầm theo chìa khoá ngăn để đồ của cậu", ông nói thêm với vẻ dữ dằn. Trong khi im lặng đi dọc hành lang, ông Jessop đưa cho cậu tờ quảng cáo. Keith nghiên cứu danh mục hàng mà cậu có thể đọc thuộc lòng hơn bất cứ bảng nào trong tập từ vựng La tinh của Kennedy. "Kẹo bạc hà, 8 xu; khoai rán 4 xu; kẹo anh đào 4 xu; nước chanh, một silinh. Hãy đến ngoài phòng để đồ số 19 thuộc phòng thay đồ của lớp trên vào lúc 5 giờ chiều ngày thứ Năm. Khẩu hiệu của chúng tôi là Ai đến trước được phục vụ trước."



Keith giữ vẻ mặt bình thản trong khi lẽo đẽo di dọc hành lang.



Vào đến phòng thay đồ, Keith thấy thầy chủ nhiệm và thầy dạy thể thao đã đứng ngay cạnh ngăn để đồ của cậu.



"Mở ra, Townsend", ông hiệu trưởng nói cộc lốc.



Keith tra chìa vào ổ và từ từ xoay. Cậu mở cánh tủ trong khi bốn người cùng nhìn vào trong, ông Jessop ngạc nhiên thấy chẳng có gì trong đó ngoài chiếc gậy chơi cricket, một đôi nịt gối và một chiếc áo trắng nhầu nát trông như đã được mặc liền mấy tuần.



Ông hiệu trưởng có vẻ tức giận, thầy chủ nhiệm ngượng ngùng, còn thầy thể thao thì lúng túng.



"Có thể các thầy nhầm với học sinh khác chăng?" Keith hỏi với vẻ mặt rất ngây thơ.



"Khoá lại và trở về lớp ngay, Townsend", thầy chủ nhiệm bảo. Keith vâng lời, gật đầu với vẻ nhơn nhơn và từ từ đi dọc hành lang về lớp.



Khi đã ngồi xuống ghế, Keith vẫn chưa biết mình phải hành động như thế nào. Liệu cậu nên lấy lại số hàng, thu hồi vốn, hay nhắn ai đó đến chỗ giấu hàng, bán tống bán tháo rồi thôi luôn?



Desmond Motson quay lại nhìn cậu. Nó có vẻ ngạc nhiên và thất vọng thấy Keith lại được quay về lớp.



Keith mỉm cười với nó và lập tức biết cần phải chọn cái nào trong hai giải pháp trên.



(1) Inch : bằng 25,4 mm.



(2) Crown : Đồng tiền kim loại 5 silinh (25 penny) của Anh trước đây.