Tào Tặc

Chương 358 : Thái sơn giá lâm

Ngày đăng: 00:05 22/04/20


Tâm tư của Hoàn phu nhân, Tào Tháo sao có thể không nhìn ra.



Chẳng qua Thương Thư đã trưởng thành, quả thật cần có người dạy bảo. Giao cho người khác, y không yên tâm lắm, nhưng nếu là Tào Bằng, Tào Tháo không cần phải lo lắng. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là y sẽ dung túng Hoàn phu nhân! Như lời y đã nói, vết xe đổ của Viên Thiệu còn ở trước mắt, sao có thể không đề phòng?



Hơn nữa, Tào Tháo tin rằng, sau khi Hoàn phu nhân khai chiến, Biện phu nhân chắc chắn sẽ đáp lại.



Cuộc tranh đấu gay gắt giữa các phu nhân, Tào Tháo có thể không để ý tới. Chỉ cần nằm trong tầm kiểm soát của y, có đấu đá nhau cũng là không là gì cả.



Mấu chốt là, trong đó phải có mức độ!



Tào Tháo nhắc nhở Hoàn phu nhân, chính là muốn nàng hiểu được mức độ nặng nhẹ trong vấn đề này.



Nhắc đến đó thôi, y cũng không nói thêm gì nữa.



Kể cả Biện phu nhân, Tào Tháo cũng sẽ tìm cơ hội. Nhưng sự việc bày trước mắt y, không chỉ là chuyện gia đình mà còn nhiều hơn thế.



Thấm thoát, trời đã vào đông!



Vào một buổi sáng sớm, khi Tào Bằng kéo cửa phòng ra đã thấy bên ngoài là một vùng trắng xóa.



Đợt giá lạnh của năm Kiến An thứ năm cuối cùng đã tới...



Việc phong thưởng cho đại chiến Quan Độ cũng bắt đầu.



Đặng Tắc nhờ đưa ra mưu kế, có công trong cuộc chiến ở núi Kê Lạc nên được phong làm Toan Tảo lệnh, giữ chức Điển Nông giáo úy; Ngụy Diên cũng vì chém chết được đại tướng của Viên Thiệu là Hàn Tuân, phong làm Thảo Nghịch giáo úy, cùng Đặng Tắc trấn thủ Diên Tân. Đến đây, Ngụy Diên cuối cùng từ một vị tướng bình thường đã được thăng chức giáo úy chính thức. Có thể hợp tác với Đặng Tắc, đóng quân ở Diên Tân, đối với Ngụy Diên mà nói, cũng là một kết quả khá tốt.



Sau khi vào đông, Tào Nam để Đặng Ngải cùng theo Tào Xung bái Tào Bằng làm sư để học vỡ lòng.



Những ngày tiếp theo trở nên rất nhẹ nhàng.



Mỗi ngày Tào Bằng đều quy định bài học cho Tào Xung và Đặng Ngải, rồi chỉ dạy theo tuần tự.



Sáng sớm, Đặng Ngải và Tào Xung nghe tiếng gà gáy sẽ dậy theo Tào Bằng rèn luyện thân thể, luyện tập võ nghệ. Sau bữa sáng, hai người bắt đầu ôn tập bài học. Giáo trình đã chọn là "Tam Tự kinh" và "Bát Bách Tự Văn". Tào Bằng, Hoàng Nguyệt Anh và cả Hám Trạch luân phiên chỉ dạy.



Có lẽ lớn hơn chút nữa, Tào Xung không chắc đã chịu để cho Hoàng Nguyệt Anh dạy dỗ.



Nhưng hiện giờ, thằng bé không để ý tới thân phận nữ nhi của Hoàng Nguyệt Anh.



Hơn nữa, khi Hoàng Nguyệt Anh giảng bài cũng cực kỳ thoải mái, lời giảng vô cùng thú vị. Sau đó, Tuân Úc tìm tới, muốn để con thứ của mình là Tuân Vũ cùng học với Tào Xung. Năm nay, Tuân Vũ sáu tuổi, cũng đúng giai đoạn học vỡ lòng. Về phần Tuân Úc muốn Tuân Vũ đến bái sư Tào Bằng cũng là có ý thân thiện hữu hảo, còn vì Tào Xung mà đến ư? Chắc chỉ có trong lòng Tuân Úc mới hiểu rõ.



Tuy nhiên, y chắc chắn có ý xây dựng quan hệ hữu hảo.



Nói đến Tuân Vũ, hậu thế có lẽ không biết nhiều lắm.



Trong huyền học thời Ngụy Tấn có một đề tài cực kỳ quan trọng, tên là ngôn ý chi biện. Tiêu điểm tranh luận chính là ngôn ngữ có thể hoàn toàn biểu đạt ý của con người hay không. Bên cho rằng không thể hoàn toàn biểu đạt gọi là ngôn bất tận ý luận", Bên cho rằng có thể hoàn toàn biểu đạt gọi là "ngôn tận ý luận". Tuân Vũ chính là một trong những nhân vật đại diện cho ngôn tận ý luận, mà y còn có một đệ đệ tên là Tuân Sán, cũng là đại diện cho ngôn tận ý luận. Vì thế, hai người còn từng có lần tranh luận với nhau và được ghi lại trong "Tam Quốc chí".



Lúc này, Tuân Sán vừa ra đời, mới một tuổi mà thôi.



Còn Tuân Vũ chỉ sáu tuổi, cũng chỉ là đứa trẻ ngây thơ...



Tào Bằng không biết Tuân Vũ và Tuân Sán có địa vị học thuật như thế nào trong lịch sử.



Trong mắt hắn, Tuân Vũ vẫn là một đứa trẻ, chưa hiểu gì cả. Nghĩ chắc Tuân Úc bảo nó tới, mục đích chính là muốn kết giao với Tào Xung.



Có lẽ, Tuân Úc nhìn ra được, Tào Xung không phải nhân vật tầm thường?



Trời mới biết được tâm tư của mấy lão già này, Tào Bằng không thể đoán được.


Thân thủ của Tào Bằng rất tốt, Tào Tháo sớm đã biết.



Nhớ ngày đó, Tào Bằng và Điển Mãn, Hứa Nghi đã dám giao chiến với Lã Bố.



Sau đó, Tào Tháo được diện kiến thân thủ của Tào Bằng ở Tiểu Đàm, dường như đã đạt tới võ sĩ hạng nhất.



Tào Chương giỏi võ, hơn nữa có sức mạnh cánh tay hơn người. Hiện giờ dù cũng đã bái sư phụ, nhưng Tào Tháo thấy vẫn có chút gì đó không sánh được với Tào Bằng.



Dưới trướng Tào Tháo có vô số mãnh tướng, nhưng những người như Hứa Chử, Điển Vi đâu có tính kiên nhẫn dạy bảo đó?



Hai con trai và một cháu ngoại của Điển Vi đều theo Tào Bằng tập võ. Nếu nói về võ nghệ, Điển Vi vượt xa Tào Bằng nhưng lại không ai muốn theo gã học võ. Ngay cả Điển Mãn cũng thấy, công phu của phụ thân mình quả thật rất giỏi, nhưng tính tình nóng nảy, nói không nên lời. Trái lại khi luyện võ cùng với Tào Bằng, từng động tác đều được Tào Bằng nói rõ ràng, làm cho mọi người thấy sáng tỏ, thông suốt.



Xem ra, Tào Bằng quả là người thích hợp cho việc dạy dỗ.



Tào Chương còn chưa dứt lời, Biện phu nhân liền giành nói trước:



- Nếu Hữu Học lợi hại như thế, để Tử Văn theo hắn tập võ cũng sẽ rất tốt.



Tiểu Hoàn, ngươi không phải muốn để Tào Bằng làm trợ thủ của Thương Thư sao?



Đâu có dễ dàng như vậy!



Ngươi có thể cho Thương Thư theo Tào Bằng học tập, ta cũng có thể cho Tử Văn bái Tào Bằng làm thày.



Đến lúc đó, lòng bàn tay và mu bàn tay đều là thịt, kể cả Tào Bằng có giúp Thương Thư, nhưng cũng vì Tử Văn mà kiêng dè hơn...



Trong khoảnh khắc này, ánh mắt Hoàn phu nhân sáng lóe lên.



Nàng nhìn thoáng qua Biện phu nhân, đột nhiên cười nói:



- Như vậy cũng tốt, Tử Văn nếu có thể theo Hữu Học tập võ, cũng là một lựa chọn tốt.



Không biết vì sao, Biện phu nhân cảm thấy bản thân như đã trúng kế của Hoàn phu nhân!



Tháng mười một năm Kiến An thứ năm, Hứa Đô tuyết rơi liên miên.



May mà Ti tham giám đã nhận thấy nên có cảnh báo từ trước, giúp Tào Tháo có thể chuẩn bị sẵn sàng, vì thế tuyết rơi tuy lớn nhưng không gây tổn thất quá lớn.



Tào phủ lại thêm một người nữa.



Tào Chương thích thú dọn vào Tào phủ cùng với Tào Xung, bắt đầu theo Tào Bằng tập võ.



Coi chỗ của lão tử ta là nhà giữ trẻ sao? Tuy nhiên, Tào Bằng cũng không có cách nào từ chối, dù sao một con dê cũng là chăn, một bầy dê cũng là chăn. Tào Chương đã muốn thì cứ tùy nó. Hơn nữa, đứa trẻ này tuổi còn nhỏ nhưng cũng có tính tình phóng khoáng.



Bởi vì mấy ngày liền tuyết rơi nhiều, đường đóng băng, vì thế Tào Bằng liền dẫn mấy đứa trẻ chơi đùa trong vườn.



Chợt có Hồ Ban tới bẩm báo:



- Công tử, Hoàng lão gia đã đến!



- Hoàng lão gia nào?



Hồ Ban cười nói:



- Đương nhiên là phụ thân của Hoàng tiểu thư, Hoàng lão gia đã vào đến cửa phủ, đại nhân đặc biệt bảo nô tài đến báo cho công tử.



Đầu Tào Bằng ong ong: "Hoàng Thừa Ngạn đã đến sao?"