Tào Tặc

Chương 417 : Phát đạn thứ hai của Hà Tây (6)

Ngày đăng: 00:06 22/04/20


Đại doanh Hồng Thủy, trong đại trướng trung quân.



Tào Bằng ngồi ngay ngắn sau bàn đại soái, nhắm chặt mắt, vẻ mặt bình tĩnh.



Hách Chiêu, Lương Khoan, Khương Tự ngồi ở hai bên. Tào Chương, Thái Địch đứng phía sau Tào Bằng. Vương Song, Ngưu Cương đứng gác ngoài trước.



Liễu Thanh cúi đầu, quỳ gối giữa đại trướng.



Lúc này, gã đã hiểu rõ lai lịch của vị Tam công tử kia, thật không ngờ đó lại là con của Đại tư không Tào Tháo.



Ngưu Cương kia là cháu trai của Trung Lang tướng Hổ Bôn Điển Vi, lai lịch cũng không nhỏ chút nào.



Nhưng ở trong đại trướng này, bất kể là Tào Chương hay Ngưu Cương đều không có chỗ ngồi. Tào Chương còn đỡ hơn một chút, ít nhất y cũng có thể đứng trong đại trướng. Nhưng Ngưu Cương không ngờ đến tư cách đứng trong đại trướng còn chẳng có, phải đứng canh gác ngoài trướng.



Trước kia, Liễu Thanh đã nghe nói qua chuyện về Tào Bằng.



Nhưng gã vốn không hiểu rõ lắm người thanh niên trầm tĩnh trước mặt này rốt cuộc có bản lĩnh như thế nào.



Nhưng lúc này, gã đã hiểu rõ!



Lai lịch của người này vốn không phải là chuyện một đô bá nho nhỏ như gã có thể đoán biết được. Đến Tào Chương cũng chỉ có thể hộ tống cho hắn, đủ biết lai lịch của Tào Bằng lớn đến cỡ nào. Trong đại trướng lặng ngắt như tờ. Liễu Thanh đến thở cũng không dám thở mạnh. Gã thật không biết tiếp đây sẽ xảy ra chuyện gì, có mơ hồ cảm thấy bất an.



-Khôi Đầu? Đó không phải là cháu của Đàn Thạch Hòe hay sao?



Tào Bằng mở mắt, hỏi.



-Khôi Đầu đã chết nhiều năm, sao có thể xuất hiện ở Hà Tây được?



-Công tử, Khôi Đầu này không phải Khôi Đầu đó.



Khương Tự đứng lên, khom người đáp:



-Ta nghĩ “Khôi Đầu” mà vị đô bá này nói đến là bộ lạc Thạch Khôi của Hồng Trạch. Bộ lạc Thạch Khôi bị ảnh hưởng nặng bởi người Hồ, muốn có thủ lĩnh xứng đáng, nên các đại nhân của bộ lạc này đều xưng là “Thủ”. Khôi Đầu là cách gọi Thạch Khôi của bộ lạc Thạch Khôi, nhiều nơi vẫn gọi là Khôi Thủ. Mới đầu năm, mạt tướng cũng đã giao chiến với bộ lạc Thạch Khôi. Bọn người này ngang ngược kiêu ngạo, ngông cuồng, không chịu nghe lời, có thể nói là mối hiểm họa lớn nhất thảo nguyên Hồng Trạch. Bộ lạc Thạch Khôi từ nhiều thế hệ nay vẫn sống du mục, nghe nói bọn họ đi ngược lên đây từ năm Vĩnh Bình. Xét về tư cách, bộ lạc của Thạch Khôi còn lâu đời hơn của Đậu Lan nhiều. Cũng chính bởi vậy, Thạch Khôi vẫn không chịu thua Đậu Lan. Mấy năm trước, gã vì tranh chấp với Đậu Lan mà không nghe theo mệnh lệnh của Đậu Lan nữa. Trên danh nghĩa, bộ lạc của Thạch Khôi vẫn là thành viên của minh ước Hồng Trạch, nhưng trên thực tế thì… Người này rất cuồng ngạo, hơn nữa lại thiện chiến, có qua lại chặt chẽ với Khương Hồ. Nghe nói, lần này Đậu Lan chỉnh đốn lại Hồng Trạch, muốn tiêu diệt bộ lạc Thạch Khôi, nhập vào bộ lạc Cảnh Gia. Nhưng Thạch Khôi không đồng ý, liền tranh đấu với bộ lạc Cảnh Gia. Lại thêm bộ lạc của gã nhiều năm sống du mục, không có nơi ở ổn định, thế cho nên bộ lạc Cảnh Gia mới không bắt lấy gã. Đậu Lan dường như cũng hết sức đau đầu vì bộ lạc Thạch Khôi này. Bọn họ vừa lệ thuộc vào Hồng Trạch, vừa tách biệt với Hồng Trạch.



Khương Tự giải thích một hồi, Tào Bằng cũng đã hiểu biết đôi chút về bộ lạc Thạch Khôi này.



Nhẹ xoa hai gò má, Tào Bằng chợt hỏi:



-Ngươi tên là Liễu Thanh đúng không?
Nếu nói trước đây đám Hồ nô vốn có vài phần thù ghét Tào Bằng thì giờ cảm giác thù địch đó đã ít đi rất nhiều. Trên thảo nguyên, mạnh được yếu thua là quy luật sinh tồn cơ bản nhất. Nếu bị người ta bắt làm nô lệ, vậy có nghĩa là người ta có bản lĩnh. Đặc biệt người Hưu Chư càng hiểu rõ về sức chiến đấu của quân Hán.



Nhớ ngày đó, Đặng Phạm dẫn hai ngàn quân Hán đến gần như nghiền nát Hồ kỵ, đánh cho bọn họ chạy trối chết.



Cuối cùng ngay đến thủ lĩnh đại nhân của bọn họ cũng thành tù binh của người ta.



Các bộ lạc người Hưu Chư phản bội Hồng Trạch càng không có gì để oán giận. Bọn họ có thể phản bội, vậy thì quân Hán cũng có thể tán công, chuyện này hoàn toàn chính đáng. Xem ra chỉ cần sau này chịu hợp tác với quân Hán, người Hưu Chư sớm muộn gì cũng có thể lấy lại được tự do. Cũng trong ngày hôm đó, người Hưu Chư hăng hái hẳn lên, hoàn thành tiến độ đầu tiên…



-Con muốn nói Tào tiên sinh bảo con dạy ngài ấy tiếng Hung Nô ư?



Thái Diễm buông cây bút trong tay xuống, nghi hoặc nhìn Thái Địch, hỏi.



Thái Địch hưng phấn gật đầu, có thể thấy y đang rất kích động.



-Đang yên đang lành, Tào tiên sinh sao lại muốn học tiếng Hồ?



-Tiên sinh nói nếu hắn phải trấn thủ Hà Tây, sống với người Hà Tây, thì bất kể là người Hồ hay người Hán đều là con dân của hắn. Hắn nói hy vọng có thể giao hảo với người Hồ ở Hà Tây, cho nên mới muốn học tiếng Hồ.



Thái Diễm nghe xong, mỉm cười.



-Vị Tào công tử này đúng là thú vị.



Từ xưa đến nay chỉ nghe người Hồ học tiếng Hán, chứ chưa nghe nói quan phụ mẫu một phương chủ động đi học tiếng Hồ bao giờ.



Nhưng Thái Diễm biết Tào Bằng có tên hiệu là Tào Tam Thiên, danh tiếng của hắn trong đám danh sĩ không hề nhỏ.



Nhưng trong lòng nàng vốn vẫn cho rằng Tào Tháo bổ nhiệm Tào Bằng làm Bắc trung lang tướng dường như có hơi thái quá. Thái Ung cũng từng làm Bắc trung lang tướng nhưng năm đó ông đã mấy chục tuổi mới đạt đến chức vị cao như thế. Nhưng hiện tại, Tào Bằng chỉ mới hai mươi mốt tuổi đã leo đến chức Bắc trung lang tướng. Chuyện này sao Thái Diễm có thể thật sự thành tâm nể phục Tào Bằng được?



Cho dù để Thái Địch bái Tào Bằng làm thầy cũng chỉ vì nàng nghĩ cho tương lai của Thái Địch mà thôi.



Nhưng hôm nay nghe Thái Địch nói, Thái Diễm thật sự có chút hứng thú với Tào Bằng.



-A Mi Quải!



-A nương!



-Cầm mấy quyển sách hai ngày trước a nương đã viết ra, chúng ta sẽ đi bái kiến vị tiểu tiên sinh của ca ca ngươi một chút!