Tịch Mịch Không Đình Xuân Dục Vãn (Sân Không Vắng Vẻ Tàn Xuân)
Chương 7 : Biển trời xa cách (ii)
Ngày đăng: 14:49 18/04/20
Dung Nhược gặp Hoàng đế, người nói: "Ngươi đến thay Trẫm viết chỉ dụ để truyền cho Thượng Chi Tín."
Hắn đáp "tuân mệnh". Trên án đều là ngự bút (bút của vua), hắn không dám dùng nên nhờ Lương Cửu Công đem bút mực lên. Hoàng đế đứng dậy, đi thong dong trong trướng rồi trầm ngâm bảo: "Chuẩn theo sở tấu ngày hôm kia, lệnh Vương Quốc Đống đến Nghi Chương. Ngày nay sự vụ Quảng Tây gấp gáp, thiên thời địa lợi, tuyển chọn ngàn vạn tinh binh gấp rút tiếp viện Quảng Tây, lĩnh 20 vạn lạng bạc trắng quân hưởng (quân lương và lương thực của quân đội), hoá giải tình trạng khẩn cấp tại Quảng Tây cho triều đình."
Dung Nhược theo ý Hoàng đế, viết lại theo ngôn ngữ chỉ dụ, xong lại trình Hoàng đế xem. Hoàng đế đọc xong, thấy đã ổn thỏa liền gật đầu: "Thay Trẫm viết tấu thỉnh an Hoàng thái hậu, đừng nhắc đến chuyện cánh tay của Trẫm."
Dung Nhược cân nhắc một lát rồi chăm chú viết. Tuy Hoàng đế đi săn bên ngoài nhưng những công việc triều chính trong cung dù không tính những việc lớn thì những việc cỏn con cũng đã hơn mười sớ mỗi ngày. Hoàng đế bị thương, Dung Nhược viết hộ, cả hai bận đến hơn hai canh giờ.
Phúc Toàn đến thỉnh an Hoàng đế, biết Hoàng đế gọi Nap Lan tới giúp nên cũng không dám làm phiền. Hắn đợi Nạp Lan rời khỏi trướng rồi mới tiến tới thỉnh an Hoàng đế. Hoàng đế nhìn Phúc Toàn liền nhớ đến một chuyện, hỏi: "Trẫm bảo ngươi lưu ý Dung Nhược, ngươi đã làm xong xuôi chưa?"
Phúc Toàn nghĩ nghĩ rồi trả lời: "Hoàng thượng nói tới chuyện..."
"Xem trí nhớ của ngươi kìa, "Bồng Sơn không xa", chẳng lẽ ngươi quên rồi?"
Sau khi nhất thời hồ đồ, Phúc Toàn giờ mới nhớ ra, chỉ đành đáp: "Da mặt Dung Nhược mỏng, còn bảo triều ta chưa từng có tiền lệ, xin nô tài thay hắn trình Vạn Tuế Gia lời khước từ."
Hoàng đế không nghĩ nhiều vậy, hắn nhớ lại tiếng tiêu hôm nọ, Nạp Lan lúc đó có chút mất tự chủ, hình như đang nhớ về quá khứ. Thật ra hắn chỉ muốn tác thành nên một giai thoại, liền nói: "Dung Nhược tài hoa hơn người, Trẫm phá lệ thì có làm sao? Ngươi báo danh tính cung nữ kia cho phủ Nội Vụ, rồi bảo phụ thân nàng dẫn đến cho Dung Nhược đưa vào cửa, thế mới là việc tốt."
Phúc Toàn thấy Hoàng đế nói như vậy, "vâng" một tiếng, lại thỉnh an: "Phúc Toàn tạ thánh ân thay Dung Nhược."
Hoàng đế chỉ cười bảo: "Ngươi bảo Dung Nhược cảm ơn bà mối là ngươi ấy."
"Có câu bảo: "Tân nương bước vào phòng, bà mối đứng ngoài tường". Lâu nay làm bà mối đều mất công tốn sức mà chẳng được gì tốt đẹp, nhưng lần này nô tài có chiếu chỉ của trời, làm bà mối cũng nở mày nở mặt, coi như hưởng sái ánh sáng của Vạn Tuế Gia."
Hắn rời ngự doanh liền đi tới chỗ Nạp Lan. Nạp Lan đang đứng ở sâu trong trướng, thất thần nhìn vào vải lều, hình như có chút tâm tư. Trên án có đặt một tờ giấy. Hắn tò mò đến gần cầm lên xem, trên mặt giấy lại là một đoạn "Họa đường xuân":
Một đời một kiếp hai con người, chẳng thể ở bên nhau.
Tương tư tương vọng bất tương thân, hỏi xuân còn vì ai?
Tưởng hướng lam kiều dịch khất, dược thành bích hải nan bôn.
Nhược dung tương phóng ẩm ngưu tân, tương đối vong bần.
Phúc Toàn thấp giọng than một tiếng: "Dung Nhược, trên giấy thấm đẫm nước mắt, thật khiến người khác đau buồn thay ngươi."
Nạp Lan giật mình, quay đầu ngước nhìn thấy là Phúc Toàn, hắn tiến tới hành lễ theo quy củ. Phúc Toàn cười nói: "Hoàng thượng nhắc đến chuyện của ngươi, đã truyền ý chỉ bảo ta nói danh tính cung nữ nhà Pha Nhĩ Bồn kia cho phủ Nội Vụ, chỉ hôn cho ngươi."
Nạp Lan chỉ thấy ù ù trong tai, tựa như bầu trời đã đen hơn phân nửa. Vừa nãy ở trong ngự trướng, mọi sự còn bình thường mà giờ đây, chỉ trong nháy mắt những việc đã qua như có hàng ngàn nút thắt quấn lấy, không thể cởi bỏ được. Trong lòng hắn chết lặng, tựa như cuộc đời hắn đã kết thúc, trái tim như ngừng đập, hoá thành tro tàn cháy lụi, hắn im lặng không nói được lời nào.
Đúng lúc này thì Lương Cửu Công về tới, thỉnh an Hoàng đế. Hoàng đế xưa nay nghiêm khắc với nội quan (cận thần của vua), người ở cạnh mình càng không cho phép thiếu trung thực. Hoàng đế hỏi: "Đang giờ trực ngươi lại tự ý rời vị trí đi đâu?"
"Vạn Tuế Gia bớt giận, người vừa mới ngủ thì Thái hậu phái người tới cho gọi người chăm sóc Vạn Tuế Gia tới đó một chuyến. Nô tài nghĩ không biết Thái hậu có gì phân phó, sợ người khác không nắm rõ đầu đuôi nên tự mình đi đến chỗ Thái hậu. Không kịp xin phép Vạn Tuế Gia, xin Vạn Tuế Gia trách phạt."
Hoàng đế nghe thấy là do Thái hậu gọi đi nên cũng không truy cứu, chỉ hỏi: "Thái hậu có gì sai bảo?"
Lương Cửu Công đáp: "Thái hậu hỏi việc ăn uống mấy ngày nay của Hoàng thượng, nói rằng thời tiết không tốt, bảo nô tài cẩn thận hầu hạ." Ngừng một lát rồi nói tiếp: "Thái hậu còn nói hôm qua người mơ một giấc mơ không lành, hôm nay vừa tỉnh lại thấy sợ hãi vô cùng nên mới nhiều lần nhắc nhở nô tài cẩn thận hầu hạ Vạn Tuế Gia."
Hoàng đế không nén nổi cười nhẹ: "Hoàng ngạch nương luôn luôn lo lắng cho Trẫm, thế nên ban ngày thì đăm chiêu, tối lại nằm mộng. Lão nhân gia cứ hay tin vào điềm mộng."
"Nô tài cũng bẩm với Thái hậu như vậy, Vạn Tuế Gia tôn quý, tự có hàng vạn thần linh che chở, mấy thứ như yêu mà tà chướng chẳng thể làm gì được người. Nhưng mà Thái hậu cứ lo lắng không thôi, mãi dặn dò nô tài rằng phải bẩm lại với người mấy ngày tới Vạn Tuế Gia không thể xuất cung."
Hoàng đế mặt hơi biến sắc: "Trẫm định ngày kia lập đàn cầu mưa, là kẻ nào nhiều lời nói với Thái hậu?"
Lương Cửu Công biết rõ không thể gạt được Hoàng đế nên vội quỳ xuống dập đầu: "Nô tài thật sự không biết là ai bẩm với Thái hậu, xin Vạn Tuế Gia minh dám." Hoàng đế nghiến răng nói: "Trẫm thật không hiểu nổi, vì sao mà nhất cử nhất động của Trẫm đều bị theo dõi, đến cả một câu nói trong Càn Thanh cung cũng có thể truyền tới tai Thái hậu chỉ không quá một ngày sau."
Lương Cửu Công vẫn liên tục dập đầu: "Vạn Tuế Gia minh dám, nô tài trăm ngàn lần không dám, ngay cả kẻ dưới nô tài... nô tài cũng xin cam đoan là không có kẻ nào..."
Khóe miệng Hoàng đế hơi giương lên, nhưng nụ cười lạnh đó rất nhanh đã biến mất, người thản nhiên nói: "Ngươi cam đoan thay bọn hắn, cũng thật can đảm."
Lương Cửu Công nghe thấy ngữ khí ác liệt của Hoàng đế, không dám đáp lời mà chỉ không ngừng dập đầu. Hoàng đế lại nói: "Trẫm thấy ngươi quá hồ đồ rồi, đầu rơi lúc nào cũng chưa chắc đã biết."
Lương Cửu Công bị dọa đến giọng nói cũng lạnh run, hắn chỉ kêu được một tiếng: "Vạn Tuế Gia..."
"Từ nay về sau, nếu còn xảy ra loại chuyện như thế này thì kẻ rơi đầu đầu tiên chính là ngươi - tổng quản thái giám cung Càn Thanh. Nhìn thấy đồ vô dụng nhà ngươi chỉ khiến Trẫm tức thêm, cút mau!"
Lương Cửu Công sợ hãi tột độ, mồ hôi vã ra đã thấm ướt sũng áo, hắn nghe Hoàng đế nói vậy liền hiểu người đã bỏ qua cho hắn lần này, vội cảm tạ long ân rồi lui nhanh ra ngoài.
Trong điện lại im lặng không tiếng động, tất cả kẻ hầu người hạ chẳng ai dám thở mạnh, chỉ chuyên tâm hầu Hoàng đế rửa mặt. Thường ngày đều là do Lương Cửu Công tự mình chải đầu thay Hoàng đế, hôm nay người quát hắn "cút", thái giám rửa mặt sắp đem khăn đến đặt lên tà áo Hoàng đế thì thấy người nhăn mặt chau mày.
Đại thái giám Lưu Tiến Trung đứng gần đó là một người cực kì thông minh, nhìn thấy thần sắc Hoàng đế không vui vẻ gì liền sai bảo: "Đi gọi Lương Am Đạt đến hầu hạ Vạn Tuế Gia."
Cơn giận của Hoàng đế vẫn chưa hết, người lãnh đạm nói: "Thiếu đi một tên nô tài thì tóc Trẫm rối tung chắc?" Xoay đầu nhìn thấy chỉ có một cung nữ đang đứng, nhân tiện sai: "Ngươi qua đây."
Lâm Lang chỉ đành vâng mệnh đi tới, cầm lấy chiếc lược làm từ sừng tê giác. Đầu tiên nàng nhẹ nhàng gỡ dây tua màu vàng buộc bím tóc ra, rồi lại cẩn thận chải đầu, kết bím tóc đuôi sam xong xuôi lại cột dây tua lại. Thái giám lo rửa mặt cầm chiếc gương tới, Hoàng đế cũng không nhìn vào gương một cái, chỉ nói: "Khởi giá, Trẫm đi thỉnh an Thái hậu."
Lưu Tiến Trung bước vài bước ra cửa điện, hô: "Vạn Tuế Gia khởi giá!"