Tiếng Người

Chương 4 :

Ngày đăng: 00:50 19/04/20


Ký ức thơ ấu là một thứ ký ức có chọn lọc và bao giờ cũng bị co ngắn. Với Duy, tuổi thơ của anh dường như đã biến thành một dải thời gian đàn hồi. Anh đã cuộn nghiến cái dải vật chất ấy, từng vòng, từng vòng, thành một quả cầu cao su.



Thời gian qua đi, bề mặt quả cầu ngày càng nhẵn lì – những mặt người, tiếng người, sự kiện cứ phai dần rồi ăn liền vào xác thịt thời gian. Chúng trộn lẫn vào nhau thành một thể co nhún, không điểm cao, không vực sâu. Trên cái quả cầu nhẵn thín ấy chỉ còn một vài mấu cao su nhỏ, thi thoảng cộm lên trong trí nhớ của anh mỗi khi có một giai điệu hay một hình ảnh gợi nhớ… Những vạt váy trong suốt và cánh tay hờ hững của những thiếu nữ tập ballet trong tranh Degas. Những con kiến đen bò ra từ các hốc xương trong tranh của  Salvador Dali… Áo may ô trắng và râu quai nón của những người đàn ông Pháp đội mũ vành thẳng trong bức tranh ăn trưa của Renoir… Tiếng piano trong những bản nocturne của Chopin… Rồi Rachmaninov… Johann Sebastian Bach… và Verdi.



Lúc nhỏ, Duy không bao giờ biết đích xác của cải của dòng họ. Mọi thứ luôn tồn tại mơ hồ bằng những câu chuyện có màu sắc huyền thoại mà cha anh kể nhát gừng khi giải thích cho anh về những đồ vật trong nhà. Ví dụ như cái đỉnh đồng đen có đôi sư tử hí cầu với hai con hạc cao ở trên bàn thờ ông nội là đồ gia bảo của dòng họ truyền lại từ thế kỷ 17. Sở dĩ cái đế của con hạc bên phải bị sứt là vì lúc chạy Pháp ở Yên Thế, cụ nội anh đã phải bỏ hếtạc của cải xuống giếng. Cụ đã định mang bộ đỉnh đồng và con hạc theo, nhưng phút cuối, lại phải vứt nốt xuống giếng.



Những thứ huyền thoại đó, cùng những chi tiết nho nhỏ khác làm anh mơ hồ rằng gia đình anh không giống những người xung quanh. Mùa đông của thập kỷ 70 và 80, anh mặc những chiếc áo dạ mang về từ Liên Xô trong khi bạn bè anh mặc áo len nhà đan lấy. Mùa hè, bạn bè anh phải đi mua đá khay về uống, nhà anh có tủ lạnh riêng và điều hòa nhiệt độ. Ngày Tết, mẹ anh không bao giờ phải xếp hàng để mua những hộp mứt 250 gam màu hồng vẽ cành đào, những bao thuốc Phù Đổng, hay rượu chanh. Họ ăn trên bàn ăn trải khăn trắng và phòng khách luôn cắm hoa. Chuyện khăn trải bàn và hoa là hai chuyện mà lúc vui miệng và không có mặt cha anh, chú út Khang thường thì thầm với anh rằng đấy là tàn dư “cốt cách tiểu tư sản” và tinh thần “sỹ phu Bắc Hà” của cha anh. Có một bữa cơm tất niên lúc anh học lớp 11, chú út Khang uống say và vỗ ngực kể câu chuyện mà ai cũng đã nghe cả trăm lần: rằng ngay trước giải phóng, chính chú và cha anh là một trong những người được “cụ Tố Hữu với cụ Lê Chưởng” giao viết sách giáo khoa hệ 12 năm đầu tiên của miền Nam để dùng sau ngày giải phóng. “Hồi đấy” – chú Khang lè nhè – “nhà ở Khâm Thiên thì bị nó ném sập mẹ nó xuống, thế mà vẫn cặm cụi viết sách với bọn ông Cương, ông Chính, bà Sính”. Rồi chú tuyên bố rằng nhờ bỏ ngành giáo dục mà “em dám cá với bác cả, ở Hà Nội này em là thằng bỏ tiền túi mua ô tô riêng đầu tiên”. Chú Khang hẳn còn tuyên bố nhiều nữa nếu cha anh không cầm lấy cốc rượu từ tay chú hắt xuống đất.



Chú Khang không phải người duy nhất trong nhà đã bỏ con đường học hành. Trong tất cả những người con của ông nội, chỉ còn lại cha anh, phó khoa vật lý một trường Đại học lớn ở Hà Nội lúc đó, đi theo con đường khoa học. Tuy thế, từ lúc anh bắt đầu ý thức rõ hơn về mọi việc, anh luôn có cảm giác lờ mờ rằng chính “sự gàn dở của bác cả” này (như cách chú Khang gọi) khiến cho ai cũng nể cha anh. Quyền lực của ông dường như lớn hơn nhiều cái vị trí phó khoa vật lý mà ông đảm nhiệm.



Trong nhà, không ai dám chất vấn quyền lự



- Anh! – mẹ anh thường rụt rè khoảng giữa bữa cơm tối – Chú Phương xin phép tối mai đến gặp anh. Anh có tiếp chú ấy được không để em nói lại?



- Anh! Thím Hà nói cuối tuần hai vợ chồng chú thím ấy sang hỏi ý kiến anh về chuyện cho thằng Minh nghỉ làm Nhà nước ra mở công ty.



Cha anh ừ hữ. Ông luôn ừ hữ. Với anh, bao giờ cũng là những dặn dò một lần duy nhất – và phải được tuyệt đối tuân thủ:



- Ăn cơm phải ăn thật sạch, không được để thừa thức ăn. Ăn xong, phải lập tức rửa bát của mình rồi vào phòng học bài.




Năm thứ nhất ở đại học, anh đã theo một người bạn Honduras cùng lớp đi làm chui cho những chủ thầu xây dựng Mexico. Bưng bê đồ lên xuống xe tải, hút bụi và lau sàn sau khi công nhân chính đã sửa xong nhà, sơn và gắn hồ vào các mối nối bằng những tuýp sơn kết dính Alex Painter’s Acrylic Latex Caulk của DAP.



Hết ba năm rưỡi đại học, anh tốt nghiệp magna cum laude. Cha anh muốn anh về nhà. Nhưng anh không về. Ông khuyên anh học tiếp bằng MBA. Anh không học. Trái lại, anh đi làm cho New York Empire – một trong những công ty tư vấn xây dựng và phát triển địa ốc lớn nhất New York. Hai năm sau, anh có thẻ xanh.



Trong những năm sau đó, bất chấp sự thúc giục, mắng mỏ, dọa dẫm, rồi van xin của cha anh, Duy kiên quyết không về lại Hà Nội. Có thẻ xanh rồi, anh bắt đầu làm ăn riêng. Kỹ sư xây dựng. Quản lý công trình. Giá sát thi công. Đại diện bán thiết bị xây dựng. Môi giới vật liệu composite. Thầu làm sàn nhà, làm mái, làm hàng hiên, rồi mua nhà cũ để sửa và bán lại. Anh bắt đầu tự đọc sách tài chính và đầu tư chứng khoán. Anh mua bán bất động sản nhỏ. Làm gì không quan trọng lắm, miễn là thay đổi và di chuyển. Những năm tháng di chuyển. Di chuyển liên tục. Anh không ở lại công việc nào quá lâu. Không sống ở đâu quá lâu. Không gắn với ai quá lâu. Không từ chối giúp đỡ ai nhưng không bao giờ nhờ vả ai. Không chủ động liên lạc với ai và không bao giờ tìm kiếm khi mất liên lạc với ai. Không bao giờ mời ai đến nhà; thậm chí không bao giờ cho ai địa chỉ. Chán New York, anh đi New Jersey, rồi North Carolina, Ohio, rồi lại về New York.



Năm 28 tuổi, anh gặp M đang du học ở New York.



Mấy tháng sau khi gặp, họ cưới nhau. Hai năm sau, khi M học xong, anh theo M về Hà Nội.



- Em muốn về nhà – M nói.



Anh đóng những quyển tranh, sách kiến trúc và sách chuyên môn vào những thùng đầy và gửi đường biển về Việt Nam. Hầu hết quần áo và các đồ đạc khác, họ đem đến cho Salvation Army hoặc vứt bỏ.



Vào ngày đón anh về, ở sân bay, cha anh chỉ lặng lẽ nhìn anh. Trong mắt ông, anh thấy đầy những mảng tối u uất. Nhưng M đứng ở ngay đó, nắm tay anh. Thế là đủ. Bởi vì lúc ấy và lúc này, anh biết tất cả công việc, tiền bạc, chức vụ, bạn bè, du lịch, thậm chí cả cha mẹ anh em cộng lại cũng không bằng cái cảm giác biết chắc chắn có một người là M sẽ đi với anh đến cùng trời cuối đất. Kể cả nếu tất cả sẽ lìa bỏ anh, phỉ nhổ anh và phản bội lại anh thì vẫn sẽ còn có M yêu thương anh. Kể cả nếu anh sẽ mất tất cả thì anh vẫn có thể làm lại từ đầu và anh vẫn là người giàu có trong tình yêu với nàng. Họ vẫn có một thế giới riêng để nương náu. Chỗ đó bất khả xâm phạm.



Bất khả xâm phạm bởi vì nó nằm bên trong anh. Anh yêu M. Yêu ở hơn cái mức mà chữ “yêu” thường làm người ta nghĩ đến giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Duy hay nghĩ ngấm ngầm rằng anh đã khám phá ra bí mật lớn nhất của cuộc sống. Điều ấy, trong nhân loại, có rất ít người biết hoặc may mắn có được. Điều ấy chỉ mình anh biết. “Biết” tức là “biết”.