Tiếu Ngạo Giang Hồ

Chương 138 : Lập kiếm trận bao vây phường giảo quyệt

Ngày đăng: 14:14 18/04/20


Lập kiếm trận bao vây phường giảo quyệt



Lệnh Hồ Xung la lên:



- Tiểu sư muội! Tiểu sư muội...



Rồi chàng không nói thêm được nữa.



Nhạc Linh San nói:



- Ðại sư ca! Ðại sư ca... mau mau rời khỏi nơi đây. Bọn người phái phái Tung Sơn đến đây tìm đại sư ca để trả thù đó.



Nàng nói ra vẻ rất cấp bách.



Lệnh Hồ Xung được nghe tiếng tiểu sư muội nói thì việc tầy trời chàng cũng chẳng cần. Phái Tung Sơn hay chẳng Tung Sơn chàng cũng chẳng buồn để tâm. Cặp mắt đắm đuối nhìn nàng. Chàng không hiểu mình đang mùi vị gì, hay là đủ mọi mùi mặn ngọt chu cay đều nổi lên trong đầu óc chàng.



Nhạc Linh San thấy Lệnh Hồ Xung nhìn mình chằm chặp thì hai má ửng hồng, nói:



- Có một người họ Chung và hai tên sư đệ hắn đến nói là đại sư ca đã giết người của chúng. Máu chảy rong từ ngoài đường, chúng theo vết truy tầm đến đây?



Lệnh Hồ Xung ngẩn người ra hỏi:



- Ta giết người phái Tung Sơn ư? Ðâu có chuyện đó?



Ðột nhiên nghe đánh "binh" một tiếng, cửa phòng bị đẩy mở ra, Nhạc Bất Quần mặt giận hầm hầm, xăm xăm bước vào lớn tiếng hỏi:



- Lệnh Hồ Xung! Ngươi làm nhiều việc tốt quá! Ngươi đã giết cả bậc tiền bối võ lâm ở phái Tung Sơn mà lại còn bảo là yêu nhân Ma giáo để lừa dối ta.



Lệnh Hồ Xung lấy làm kỳ hỏi lại:



- Ðệ tử... giết bậc tiền bối phái Tung Sơn ư? Chuyện này ở đâu mọc ra?...



Chàng ngó thấy Nhạc phu nhân đi sau Nhạc Bất Quần liền nói tiếp:



- Sư... sư... Hài nhi thật không bao giờ lại đi giết đệ tử phái Tung Sơn.



Nhạc Bất Quần tức giận quát:



- Bạch Ðầu tiên ông Hạ Bốc và Ngốc Ưng Sa Thiên Giang hai vị này bị chết về tay ngươi mà ngươi còn cãi không phải ngươi hạ sát ư?



Lệnh Hồ Xung vừa nghe tới ngoại hiệu hai người liền nhớ đến lão trọc đầu lúc tự sát đã thốt ra câu nói: "Ngốc Ưng này có là kẻ hèn kém cũng nhất định không chịu đầu hàng địch nhân". Còn lão đầu bạc chắc tên hiệu là Bạch Ðầu tiên ông Bốc Trầm gì đó.



Chàng liền nói:



- Một lão già tóc bạc và một lão trọc đầu thì đúng là hài nhi đã giết thật. Hài nhi không biết hai vị đó là môn hạ phái Tung Sơn. Hai vị sử đơn đao, đâu có phải là võ công của phái này.



Nhạc Bất Quần vẻ mặt càng nghiêm khắc hỏi:



- Thế ra hai vị này đúng đã bị ngươi giết chết ư?



Lệnh Hồ Xung đáp:



- Ðúng thế!



Nhạc Linh San nói:



- Gia gia! Lão tóc bạc và lão trọc đầu...



Nhạc Bất Quần la lên:



- Bước đi! Ai bảo ngươi vào đây? Chỗ chúng ta đang nói chuyện ngươi nói leo vào làm chi?



Nhạc Linh San cúi đầu xuống từ từ đi ra ngoài phòng.



Lệnh Hồ Xung trong lòng vừa thê thảm vừa hoan hỉ. Chàng nghĩ thầm:



- Sư muội và Lâm sư đệ mà có hòa hợp với nhau thì chắc đối với ta vẫn giữ mối tình đằm thắm. Nàng phải liều lĩnh chạy vào đây để đưa tin cho ta giữa lúc phụ thân nàng đang nặng lời trách mắng. Nàng bảo ta mau mau lánh nạn...



Lệnh Hồ Xung còn đang ngẫm nghĩ thì Nhạc Bất Quần cười lạt nói:




Giữa lúc ấy bỗng nghe những tiếng quát tháo vang lên, ánh bạch quang chuyển động. Bọn nữ đệ tử phái Hằng Sơn đồng thời động thủ. Cứ bảy người là một đội. Tất cả bọn chia làm ba đội.



Bảy thanh trường kiếm kèm giữ một người. Thế là bọn Chung Trấn ba tên bị bao vây riêng ra ba chỗ.



Từ lúc bọn nữ đệ tử phái Hằng Sơn rút kiếm, rời bước cho đến lúc xuất chiêu chỉ trong chớp mắt là hoàn thành. Ðộng tác đã cực kỳ mau lẹ, thân pháp lại nhẹ nhàng bay bướm trông rất mỹ quan. Hiển nhiên các cô đã luyện tập một cách rất thành thuộc.



Mỗi mũi kiếm các cô đều chia ra toàn trỏ vào yếu huyệt đối phương như đầu, cổ, ngực, bụng, lưng, nách. Cả bẩy chỗ trọng yếu trong người đều bị mũi kiếm kiềm chế. Trận thế thành rồi các cô lại đứng yên không nhúc nhích nữa.



Kiếm pháp Chung Trấn thâm hiểm vô cùng mà chiêu thức lại ly kỳ cổ quái, khiến cho người ta khó mà lường được. Vì vậy mà người võ lâm tặng cho hắn cái ngoại hiệu là "Cửu khúc kiếm".



Tuy Chung Chấn là tay cao thủ vào hạng nhất trong phái Tung Sơn, nhưng kiếm pháp của hắn pha bàng môn tả đạo. Hắn đã biến hóa khá nhiều kiếm pháp của phái này, chuyên ngả theo đường lối nham hiểm, tàn độc. Nhưng vì khi đối địch, phần nhiều hắn chiếm được phần thắng. Hơn nữa hắn lại là người cơ mưu giảo quyệt, làm việc tinh minh mẫn cán, nên được chưởng môn là Tả Lãnh Thiền rất trọng dụng.



Lần này hắn nghe Lệnh Hồ Xung phanh phui việc phái Tung Sơn có ý mưu đồ thôn tính bốn phái kia, hắn liền thừa lúc chàng bất cẩn mà hạ độc thủ. Hắn còn có ý nhường cho đối phương tránh ra ngoài để khỏi đụng chạm với đệ tử phái Hằng Sơn.



Bọn nữ đệ tử phái Hằng Sơn lập thành kiếm trận rồi, Chung Trấn võ công thâm hậu là thế mà không nhúch nhích được chút nào. Tứ chi bách thế chỉ cất nhắc một chút là bị kiếm đâm vào ngay. Chưa chắc cả bảy mũi đều đâm trúng nhưng hắn chỉ đụng vào một mũi là đã uổng mạng rồi.



Nhạc Bất Quần và Nhạc phu nhân không hiểu việc xích mích giữa phái Hằng Sơn và bọn Chung Trấn ở ngoài ấp 28, đột nhiên thấy hai bên động thủ rất lấy làm kỳ.



Bọn nữ đệ tử phái Hằng Sơn kết thành kiếm trận một cách thần diệu khiến hai ông bà đều rất lấy làm kỳ.



Hai mươi mốt người chia làm ba đội. Ngoài những vạt áo bay phất phơ trước gió, cả 21 cô đều không nhúch nhích chút nào. Thế mà trong cái "tĩnh" có cái "động". Hai mươi mốt thanh trường kiếm lấp loáng ánh hàn quang có dấu những luồng sát khí vô cùng ác liệt.



Lệnh Hồ Xung reo lên:



- Tuyệt diệu! Thật là tuyệt diệu! Kiếm trận này thật là tinh thâm.



Chàng học phép "Ðộc cô cửu kiếm" chỉ chuyên tìm chỗ sơ hở của đối phương trong lúc ra chiêu thức, mà chiêu thức nào là chẳng có chỗ sơ hở. Còn kiến thức của chàng thời chẳng có chiêu thức nào hết mà đánh đâu được đấy. Thế gọi là "dĩ vô chiêu thắng hữu chiêu".



Bây giờ chàng thấy phái Hằng Sơn ngưng thần bất động. Bảy thanh kiếm đã tấn công lại tự thủ. Bảy thanh kiếm thanh thế liên hoàn tuyệt không có chỗ nào sơ hở, khiến Lệnh Hồ Xung thích quá reo hò tán thưởng.



Nguyên kiếm trận của phái Hằng Sơn dùng "tĩnh" để chế "động". Ðã không động thì kiếm đâu ra chỗ sơ hở. Vậy cái diệu dụng kiếm pháp này cũng là một lối "dĩ vô chiêu thắng hữu chiêu".



Những tay cao thủ phái Hằng Sơn như Ðịnh Tĩnh, Ðịnh Nhàn, Ðịnh Dật ba vị sư thái bản lãnh đều có một chỗ độc đáo là "Tĩnh", "Nhàn", "Dật". Có điều kiếm trận này cần phải bảy người liên thủ đồng thời để kiềm chế địch nên cần phải bày trận cho thật mau lẹ. Nếu gặp phải tay cao thủ hạng nhất, làm cho trận bị rối loạn thì khó lòng giữ cho khỏi tan vỡ.



Nhạc Bất Quần dõng dạc hỏi:



- Các vị đây có phải là các sư điệt ở phái Hằng Sơn không? Ba vị này là sư huynh ở phái Tung Sơn đó. Chúng ta đều là người nhà, không nên để tổn thương đến hòa khí.



Nhưng bọn nữ đệ tử phái Hằng Sơn không lý gì đến những lời khuyên can của Nhạc Bất Quần. Hai mươi mốt thanh trường kiếm vẫn giữ nguyên tình trạng không rung động chút nào.



Nguyên bọn này đau xót Ðịnh Tĩnh sư thái bị đánh chết ở dọc đường. Họ biết rằng tuy bà bị hại về tay bọn yêu nhân Ma giáo nhưng bọn Chung Trấn lại nhân lúc người ta gặp tai nạn, chẳng ra tay viện trợ thì chớ lại còn khiến cho mọi người công phẫn vì chúng có dã tâm toan thôn tính phái Hằng Sơn. Bây giờ chạm trán nơi đây, không biết ai đã ra lệnh bày ra kiếm trận này.



Chung Trấn thấy cục diện lâm vào tình trạng dằng dai mà bên hắn hoàn toàn đã bị uy hiếp. Hắn liền cười ha hả nói:



- Chúng ta cùng người một nhà, còn bày trò làm chi nữa? Lão phu chịu thua là xong chứ gì?



Hắn nói rồi liệng thanh kiếm xuống đất đánh choang một tiếng.



Người đứng đầu bọn đệ tử bao vây Chung Trấn là Nghi Hòa.



Nghi Hòa thấy đối phương liệng kiếm nhận thua, cô liền cầm thanh kiếm của Chung Trấn lên thu lấy.



Không ngờ Chung Trấn gót chân trái đã dẫm lên mũi kiếm ở dưới đất. Thanh kiếm nhảy vọt lên, hắn liền lấy đầu ngón tay đẩy mạnh vào đốc kiếm. Thanh kiếm phóng đi nhanh như điện.



Nghi Hòa bật tiếng la hoảng:



- Úi chao!



Tay trái cô bị trúng kiếm. Thanh trường kiếm của cô cũng bị rớt xuống đất.



Chung Trấn nổi lên tràng cười ha hả. ánh hào quang lấp lánh.



Bọn đệ tử phái Hằng Sơn tới tấp bị thương. Trận thế rối loạn.



Ðặng Bát Công và Cao Khắc Tân đồng thời phát động.



Thế là xảy ra cuộc hỗn chiến.