Tiếu Ngạo Giang Hồ
Chương 166 : Chùa Huyền không hội tụ tay ba
Ngày đăng: 14:14 18/04/20
Chùa Huyền không hội tụ tay ba
Hôm ấy toàn thể đều dùng cơm chay.
Ăn uống xong, Phương Chứng đại sư nói:
- Lệnh Hồ chưởng môn! Lão tăng cùng Xung Hư đạo huynh muốn thương nghị cùng chưởng môn một việc.
Lệnh Hồ Xung đáp:
- Tại hạ xin tuân lời.
Chàng nghĩ bụng:
- Chưởng môn hai phái lớn trong võ lâm đều thân hành đến núi Hằng Sơn tức là có việc trọng yếu muốn đem ra thương nghị. Ngọn Kiến Tính này rắn rồng hỗn tạp, bất cứ chỗ nào cũng tai vách mạch rừng.
Chàng liền dặn dò bọn Nghi Hòa, Nghi Thanh chia nhau mời mọc tân khách rồi chàng quay lại nói với Phương Chứng, Xung Hư:
- Dưới ngọn núi này bên cửa Từ Diêu có ngọn Thúy Bình Sơn. Vách núi dựng đứng, nhẵn bóng như gương. Trên núi có chùa Huyền Không. Ðó là một nơi thắng cảnh. Nếu hai vị tiền bối có nhã hứng thì Lệnh Hồ Xung này dẫn các vị đi chơi một lát nên chăng?
Xung Hư đạo nhân đáp:
- Bần đạo từng nghe chùa Huyền Không trên núi Thúy Bình Sơn dựng lên đời Bắc Ngụy. Nơi đây cực kỳ hiểm trở, khỉ vượn cũng không thể trèo lên tới nơi được, thế mà có người kiến tạo nên ngôi chùa. Bần đạo đang muốn đến coi cho mở rộng tầm mắt.
Lệnh Hồ Xung liền dẫn hai người xuống núi Kiến Tính, qua cửa Từ Diêu đi đến chân núi Thúy Bình. Mấy người ngửng đầu trông lên thấy hai tòa lâu các cao chót vót trên đỉnh núi, thật giống lâu các của người tiên mọc ra ở giữa đám mây.
Phương Chứng đại sư thở dài nói:
- Người dựng ra lâu đài các này thật có ý muốn lên mở cửa nhà trời. Thế mới biết trong thiên hạ chẳng có việc gì khó, chỉ sợ người không có chí mà thôi.
Ba người liền thi triển khinh công cất bước lên núi, đến chùa Huyền Không.
Chùa Huyền Không gồm hai tòa lâu các đều cao ba tầng chĩa lên không gian mấy chục trượng. Giữa hai tòa nhà lầu cách nhau chừng mấy chục thước nối vào nhau bằng một cây cầu treo lơ lửng.
Trong chùa có một mụ già trông nom quét tước.
Mụ thấy ba người tới nơi đã không chào hỏi lại không hành lễ, chỉ giương mắt lên mà nhìn.
Mười mấy bữa trước đây, Lệnh Hồ Xung cùng bọn Nghi Hòa, Nghi Lâm lên chùa nên biết rõ mụ bộc phụ này vừa câm, vừa điếc, chẳng hiểu chút gì.
Lệnh Hồ Xung không lý gì đến mụ, liền cùng Phương Chứng, Xung Hư bước lên cầu.
Cây cầu treo này rộng chừng vài thước. Nếu là người thường trèo lên nhìn ra bốn mặt đều là cõi mênh mông bát ngát, mây quẩn dưới chân thì tưởng chừng như mình đang lên trời, không khỏi dao động tâm thần, chân tay luống cuống. Nhưng ba người này đều là những tay cao thủ hạng nhất lên chỗ thắng cảnh này lại cảm thấy trong lòng khoan khoái.
Phương Chứng va Xung Hư nhìn về phương Bắc thấy ẩn hiện một tòa thành quách giữa đám khói mây.
Mọi người còn nhìn thấy giữa hai ngọn núi có giòng nước chảy về phía đông. Hình thế cực kỳ hùng vĩ hiểm trở.
Phương Chứng nói:
- Người xưa có câu: "Một người đóng lại, muôn người không mở ra được". Hình như thế nơi đây đúng là thế đó.
Xung Hư nói:
- Về đời Bắc Tống, Dương lão linh công giữ cửa tam quan đóng binh ở đây. Chốn này là nơi trọng yếu nên các binh gia đều muốn tranh đoạt. Vì vậy họ tới đây mới nhận thấy chùa Huyền Không là một công trình quỷ khốc, thần kinh, đáng ghê cho nghị lực người xưa. Nhưng khi coi tới quãng đường sơn đạo thẳng tắp dài năm trăm dặm thì công khai phá còn ghê gớm hơn nhiều. Việc kiến tạo chùa Huyền Không này chưa đáng kể vào đâu.
Lệnh Hồ Xung lấy làm kỳ hỏi:
- Thưa đạo trưởng! Quãng đường sơn đạo năm trăm dặm mà đạo trưởng nói đây đều do nhân công khai thác ư?
Xung Hư đáp:
- Sử chép rằng: Ðời Ngụy Võ Ðế, năm đầu niên hiệu Thiên Hưng, đánh dẹp nước Yên đưa quân từ núi Trung Sơn về Bình Thành đã điều động mấy vạn sĩ tốt khai phá núi Hằng Lĩnh làm một đường giao thông năm trăm dặm thẳng từ cửa Từ Diêu này. Cửa Từ Diêu là đầu đường phía Bắc con đường thẳng đó.
Phương Chứng nói:
- Con đường thẳng ngoài năm trăm dặm này dĩ nhiên phần lớn là đường thiên nhiên. Bắc Ngụy hoàng đế phát mấy vạn sĩ tốt chỉ là để phá mấy ngọn núi ngăn trở trung gian mà thôi. Tuy nhiên đó cũng là một công trình cực kỳ hiện đại khiến người nghe đến phải lắc đầu lè lưỡi.
- Vãn bối có biết qua nhưng gia sư không nói một cách tường tận.
Phương Chứng gật đầu nói:
- Giữa các vị sư huynh sư đệ đồng môn mà xẩy cuộc tương tàn thiệt không phải là việc tốt đẹp, nên Nhạc tiên sinh không muốn nói nhiều là phải. Sở dĩ phái Hoa Sơn mà có việc phân chia làm Khí Tông và Kiếm Tông cũng chỉ vì pho Quỳ hoa bảo điển này mà ra.
Lão ngừng lại một chút rồi chậm rãi nói tiếp:
- Trong võ lâm thường đồn đại pho Quỳ hoa bảo điển của một cặp vợ chồng hợp tác, nhưng hai vị cao nhân tiền bối này họ tên gì thì không khảo cứu và đâu mà biết rõ được. Có thuyết nói họ tên người đàn ông có chữ Quỳ và người đàn bà có chữ Hoa. Vì thế mà kêu bằng Quỳ hoa bảo điển. Nhưng chỉ là lời phỏng đoán. Có điều ai nấy đều nói đôi vợ chồng này ban đầu mối ân ái rất mật thiết. Sau vì sáng tác bí lục này mà thành ra xích mích. Hai vợ chồng nhà này soạn bộ Quỳ hoa bảo điển vào hồi tráng niên cường lực. Võ công đang độ tối cao như vầng thái dương lên tới giữa trời. Sau khi xảy chuyện xích mích rồi cả hai ông bà đi ẩn lánh, không thấy đâu nữa. Pho bí lục võ công cũng chia làm hai bộ. Bộ của ông chồng gọi là Càn kinh. Bộ của bà vợ kêu bằng Khôn kinh.
Lệnh Hồ Xung nói:
- Té ra Quỳ hoa bảo điển chia làm hai bộ Càn, Khôn. Ðến nay vẫn bối mới được nghe lão tiền bối nói là lần đầu.
Phương Chứng nói:
- Pho kinh chia làm Càn, Khôn là do một số người trong võ lâm nói vậy. Nhưng thuyết khác lại bảo Quỳ hoa bảo điển chia làm hai bộ là "Thiên thư" và "Ðịa thư". Lại có người kêu bằng "Dương lục" và "Âm lục". Nói tóm lại nguyên bản sách này không có nhan đề rõ rệt mà người sau tự ý đặt ra tên gọi. Hơn hai trăm năm nay, vụ này kể ra cũng kỳ ở chỗ thủy chung chưa một người nào được đọc cả hai bộ Càn kinh và Khôn kinh này để dung hợp những võ công trong bảo điển. Nếu bảo là không có cơ duyên thì cũng không đúng hẳn, vì hơn trăm năm trước đây cả hai bộ Càn, Khôn đều lọt vào tay hạ viện chùa Thiếu Lâm ở xã Bồ Ðiền tỉnh Phúc Kiến. Khi đó phương trượng chùa Thiếu Lâm ở Bồ Ðiền là Hồng Diệp thiền sư, một nhân vật đại trí tuệ không ai bì kịp. Theo chỗ hiểu biết võ công của lão nhân gia thì lão nên chú giải hai phi kinh Càn, Khôn mới phải. Nhưng theo lời đệ tử của Hồng Diệp thiền sư thì lão nhân gia vẫn chưa chú giải toàn pho.
Lệnh Hồ Xung nói:
- Chắc nội dung pho bảo điển này sâu xa và ảo diệu vô cùng, nên Hồng Diệp thiền sư dù là nhân sĩ thông minh tài trí cũng khó lòng lĩnh hội được toàn pho.
Phương Chứng gật đầu đáp:
- Ðúng thế! Lão tăng cùng Xung Hư đạo huynh đều vô duyên chẳng có phước lấy được bảo điển vào tay. Nếu không thì dù chẳng dám nói đến luyện tập công pho trong bảo điển nhưng ít ra cũng coi cho biết những bí quyết cao thâm khôn lường trong sách thế nào đặng thỏa lòng mong ước.
Xung Hư tủm tỉm cười nói:
- Ðại sư lại động lòng trần tục rồi! Chúng ta là những người học võ không lấy được bảo điển chẳng nói làm chi, khi nó đã lọt vào tay thì nhất định bỏ ngủ quên ăn để nghiên cứu xem may ra có lãnh hội được chút nào chăng. Trường hợp này sẽ đưa chúng ta đến chỗ lầm lỡ của thanh tu mà chuốc lấy sự phiền não vào người. Chúng ta vô duyên không được thấy nó mà thực ra là phước cho mình đó.
Phương Chứng cười ha hả nói:
- Ðạo huynh nói phải lắm! Lão tăng chưa hết lòng trần tục, thật mắc cỡ quá.
Nhà sư quay lại bảo Lệnh Hồ Xung:
- Theo lời tương truyền của những bậc cố lão thì những võ công về cơ bản chép trong Càn kinh và Khôn kinh theo một đường lối khác lạ. Chẳng những khác nhau mà còn phản lại nhau nữa. Người ta còn đồn hai vị sư huynh, sư đệ phái Hoa Sơn ngày trước đã có cơ duyên đến làm tân khách chùa Thiếu Lâm ở Bồ Ðiền. Không hiểu trong trường hợp nào, hai vị đã được coi Quỳ hoa bảo điển.
Lệnh Hồ Xung bụng bảo dạ:
- Quỳ hoa bảo điển đã thuộc quyền sở hữu của chùa Thiếu Lâm ở Bồ Ðiền thì dĩ nhiên người ta giữ kín chẳng khi nào để hở ra cho người ngoài thấy. Vậy mà hai vị sư huynh, sư đệ tiền bối phái Hoa Sơn coi được, tức là coi lén. Có điều Phương Chứng muốn dùng lời lẽ lịch sự nên không đụng đến chữ coi lén.
Phương Chứng lại nói:
- Hai vị trong lúc thảng thốt không kịp đồng thời coi toàn pho, liền chia ra mỗi vị đọc một bộ. Sau trở về Hoa Sơn hai vị mới tham khảo nghiên cứu.
Nhà sư dừng lại một chút rồi nói tiếp:
- Không ngờ hai vị đem yếu quyết trong bảo điển ra chứng nghiệm thì lại thành đầu ngô mình sở, chẳng ăn nhập gì với nhau hết. Hai vị càng nói càng như kèo đục vênh, chẳng vào ngàm với nhau chút nào.
Lệnh Hồ Xung hỏi:
- Như vậy rồi hai vị đi đến kết quả thế nào?
Phương Chứng đáp:
- Cả hai vị đều cho là đối phương đọc lộn sách, chỉ có mình mới được coi đúng chân kinh. Hai vị đi tới chỗ mỗi lúc một xa nhau rồi mỗi vị tự luyện lấy những yếu quyết mà mình coi được. Do đó phái Hoa Sơn chia làm hai phe Khí tông và Kiếm tông.
Phương Chứng thở dài nói tiếp:
- Hai vị nguyên là sư huynh, sư đệ chẳng khác tình cốt nhục đồng bào, sau biến thành thù nghịch.
Lệnh Hồ Xung hỏi:
- Có phải hai vị sư huynh, sư đệ phái Hoa Sơn đó là Mẫn Túc và Chu Tử Phong tiền bối không?