Tiếu Ngạo Giang Hồ

Chương 167 : Những mưu sâu của Nhạc Bất Quần

Ngày đăng: 14:14 18/04/20


Những mưu sâu của Nhạc Bất Quần



Nguyên Mẫn Túc là ông tổ phe Khí tông, Chu Tử Phong là ông tổ phe Kiếm tông. Việc phái Hoa Sơn chia thành hai phe đã xẩy ra lâu năm rồi.



Phương Chứng đáp:



- Mẫn, Chu hai vị không được Hồng Diệp thiền sư ưng thuận rồi việc hai vị coi Quỳ hoa bảo điển sau bị thiền sư phát giác. Lão nhân gia đã biết võ học chép trong Quỳ hoa bảo điển tinh thâm bát ngát, ảo diệu vô cùng. Chính người đã phí công mấy chục năm trời còn chưa thông hiểu thì hai vị Mẫn, Chu đọc nghiến ngáu, câu được câu chăng, nhất định sẽ thành mối hậu họa quan trọng khôn lường. Lão nhân gia liền phái một vị đệ tử đắc ý nhất là Ðộ Nguyên thiền sư lên núi Hoa Sơn khuyến dụ hai vị Mẫn, Chu không nên luyện tập những môn võ học trong bảo điển.



Lệnh Hồ Xung hỏi xen vào:



- Chắc hai vị tiền bối Mẫn, Chu không chịu tuân theo?



Phương Chứng đáp:



- Nghĩ cho kỹ thì vụ này không nên trách hai vị Mẫn, Chu. Bọn ta là người theo võ học, nhất định vớ được bí lục về võ nghệ cao siêu khi nào lại không luyện tập? Lão tăng đây đã mấy chục năm thanh tịnh mà một khi nghĩ tới võ học trong Quỳ hoa bảo điển cũng không khỏi nổi lòng trần tục. Vừa rồi Xung Hư đạo huynh đã cười cho. Ðến mình còn thế huống chi những vị võ sư thông thường?



Lão ngừng lại một chút rồi tiếp:



- Dè đâu Ðộ Nguyên thiền sư đi chuyến đó lại xẩy chuyện bất ngờ.



Lệnh Hồ Xung hỏi:



- Phải chăng hai vị Mẫn, Chu đã có điều thất kính đối với Ðộ Nguyên thiền sư?



Phương Chứng lắc đầu đáp:



- Không phải thế! Ðộ Nguyên thiền sư lên núi Hoa Sơn rồi, hai vị Mẫn, Chu tỏ ra rất kính trọng thiền sư và thừa nhận đã coi lén pho Quỳ hoa bảo điển. Một mặt hai vị ngỏ lời tạ lỗi, một mặt đem những môn võ học trong kinh ra thỉnh giáo thiền sư. Ai ngờ Ðộ Nguyên thiền sư tuy là một vị đệ tử đắc ý nhất của Hồng Diệp thiền sư mà chưa được truyền thụ môn võ học trong bảo điển. Hai vị Mẫn, Chu cho rằng nhất định Ðộ Nguyên thiền sư đã tinh thông những môn võ học chép trong bảo điển. Hai vị có biết đâu Hồng Diệp thiền sư có thâm ý khác. Ðộ Nguyên thật sự không hiểu gì hết. Khi nghe hai vị đọc thuộc kinh văn thiền sư buột miệng giải thích theo ý nghĩ của mình. Ðồng thời Ðộ Nguyên cũng ngấm ngầm ghi nhớ vào lòng. Thiền sư là một tay bản lãnh cực cao lạo có trí hơn người. Lão nghe nói một câu kinh văn liền diễn giải một tràng dài rất trơn tru nên hai vị Mẫn, Chu khâm phục lắm.



Lệnh Hồ Xung hỏi:



- Vậy ra Ðộ Nguyên thiền sư học lại kinh văn trong bảo điển ở nơi hai vị Mẫn, Chu hay sao?



Phương Chứng gật đầu đáp:



- Ðúng thế! Có điều hai vị Mẫn, Chu đã chẳng nhớ được bao nhiêu mà lúc thuật lại còn giảm đi một ít. Nghe nói Ðộ Nguyên thiền sư ở lại trên núi Hoa Sơn đến bảy tám ngày rồi mới từ biệt ra đi. Nhưng từ đó thiền sư không trở về chùa Thiếu Lâm ở Bồ Ðiền nữa.



Lệnh Hồ Xung lấy làm kỳ hỏi:



- Ðộ Nguyên thiền sư không về chùa Thiếu Lâm thì đi đâu?



Phương Chứng đáp:



- Ngày ấy không ai hiểu tông tích thiền sư. Sau đó ít lâu, Hồng Diệp thiền sư nhận được phong thơ của Ðộ Nguyên thiền sư nói là không nén nổi lòng trần, quyết ý trở về cõi tục nên không còn mặt mũi nào trở về gặp sư phụ...



Lệnh Hồ Xung nghĩ bụng:



- Việc này thật ra ngoài sự tiên liệu của mọi người.



Phương Chứng lại nói tiếp:



- Vì vụ này mà giữa Hồng Diệp thiền sư cùng phái Hoa Sơn thành ra có nhiều mối hiềm khích. Việc đệ tử phái Hoa Sơn coi được Quỳ hoa bảo điển cũng đồn đại ra ngoài.



Phương Chứng thở dài nói tiếp:



- Cách đó vài chục năm mười vị trưởng lão ma giáo kéo đến tấn công phái Hoa Sơn.



Lệnh Hồ Xung nói:



- Vụ mười vụ trưởng lão ma giáo kéo đến tấn công phái Hoa Sơn vãn bối chưa từng nghe ai nói tới.



Phương Chứng đáp:



- Tính ra hồi ấy sư phụ của thí chủ cũng chưa ra đời. Mười vị trưởng lão ma giáo kéo đến tấn công phái Hoa Sơn cũng chỉ vì mục đính muốn lấy pho Quỳ hoa bảo điển. Khi ấy phái Hoa Sơn thế cô sức yếu, không chống nổi ma giáo liền liên kết với bốn phái Thái Sơn, Tung Sơn, Hằng Sơn và Hành Sơn. Cái tên Ngũ nhạc kiếm phái bắt đầu có từ đấy.



Phương Chứng đại sư ngừng lại một chút rồi kể tiếp:




- Tiểu sư muội là một cô khuê nữ nhỏ tuổi mà sao sư phụ lại để nàng xuất đầu lộ diện trường kỳ ở trong quán rượu ngoài thành Phúc Châu?



Lệnh Hồ Xung nghĩ tới đây trong lòng không khỏi lạnh buốt.



Ðột nhiên chàng tỉnh ngộ nghĩ thầm:



- Sư phụ muốn đem tiểu sư muội hứa gả cho Lâm sư đệ thực ra từ trước, khi hai người chưa gặp nhau, nên lão nhân gia đã cố ý an bài như vậy.



Phương Chứng va Xung Hư thấy vẻ mặt Lệnh Hồ Xung âm thầm nghĩ ngợi, thay đổi luôn luôn, tướng mạo rất khó coi, hai lão biết ngay trước nay chàng vẫn một niềm tôn kính sư phụ, chắc mấy câu nói vừa rồi đã làm tổn thương đến thể diện chàng.



Phương Chứng nói:



- Mấy câu vừa rồi là lão tăng cùng Xung Hư đạo nhân trong lúc nhàn đàm phỏng đoán càn vậy thôi. Còn tôn sư là người đứng đắn, trong võ lâm đều kêu lão nhân gia là Quân tử kiếm. Bọn lão tăng e rằng mình đã lấy lòng dạ tiểu nhân để đo bụng người quân tử.



Xung Hư tủm tỉm cười không nói gì.



Lệnh Hồ Xung ruột rối tơ vò, chàng chỉ mong những lời của Xung Hư không đúng sự thực, nhưng trong thâm tâm chàng cũng biết lão nói đó toàn là tình thực.



Hồi lâu chàng mới nói:



- Hôm ấy ở chùa Thiếu Lâm, Tả minh chủ tỷ đấu với Nhậm giáo chủ, lúc Tả minh chủ dùng ngón tay làm kiếm thì Hướng Vân Thiên đại ca của vãn bối có hô lên: "Ðó là Tịch tà kiếm pháp". Nguyên do vụ này thế nào xin đạo trưởng chỉ giáo được chăng?



Xung Hư đạo trưởng lắc đầu đáp:



- Ðạo lý này bần đạo nghĩ mãi không ra. Không chừng Tả Lãnh Thiền dùng uy lực bức bách lệnh sư cướp lấy kiếm phổ. Cũng có thể lệnh sư lấy kiếm phổ đem ra cùng Tả Lãnh Thiền nghiên cứu. Võ công của Tả Lãnh Thiền so với lệnh sư còn cao thâm hơn nhiều. Nếu hai vị cùng nhau tham khảo thì cũng là một việc bổ ích cho lệnh sư. Vả lại Tả Lãnh Thiền lấy ngón tay làm kiếm thì kiếm pháp đó có ở trong Tịch tà kiếm pháp hay không bọn bần đạo cũng khó mà xác định được.



Lệnh Hồ Xung nói:



- Tịch tà kiếm pháp là môn võ gia truyền của nhà họ Lâm sư đệ là một điều mọi người trong phái Hoa Sơn đều biết hết. Hôm ấy Tả minh chủ có sử mấy chiêu tương tự, nhưng lại có những chiêu khác hẳn.



Lệnh Hồ Xung nhớ tới di ngôn của Lâm Chấn Nam hôm ấy tại trong nhà phá miếu liền nói:



- Phụ thân của Lâm sư đệ bụng dạ hẹp hòi. Y muốn gởi lời cho Lâm sư đệ lại còn sợ vãn bối coi trộm kiếm phổ truyền gia của y.



Xung Hư nói:



- Y dặn thiếu hiệp những câu gì?



Lệnh Hồ Xung đáp:



- Lâm thế bá bị phái Thanh Thành ngược đãi lại bị Tái bắc minh đà Mộc Cao Phong bức bách phải cung xưng. Lúc vãn bối trông thấy thì y chỉ còn thoi thóp thở. Y yêu cầu vãn bối nói lại với Lâm sư đệ là đồ vật cất ở dưới địa huyệt trong ngôi nhà cũ ở ngõ Hướng Dương thành Phúc Châu là vật tổ truyền, dặn gã phải giữ gìn trông nom cẩn thận. Vật đó tức là Tịch tà kiếm phổ đã chép vào tấm áo cà sa,.. à phải rồi! Nguyên Lâm Viễn Ðồ tiền bối trước là nhà sư nên trong ngôi nhà cũ này ở ngõ Hướng Dương cũng có Phật đường và pho kiếm phổ kia viết vào tấm áo cà sa.



Xung Hư nói:



- Suy xét xa hơn, ta nhận thấy lúc Lâm Viễn Ðồ tiền bối đến núi Hoa Sơn để thám thính Quỳ hoa bảo điển ở nơi Mẫn Túc và Chu Tử Phong hai vị tiền bối, khi đó lão còn là thiền sư nên nghe được câu nào chữ nào là đến đêm lại chép lén vào áo cà sa.



Lệnh Hồ Xung nói:



- Nói ra lại tức cười. Lâm thế bá còn dặn thêm một câu: "Viễn Ðồ công có để lại lời di huấn: Phàm con cháu ta bất cứ ai cũng không được mở coi. Nếu trái lời di huấn sẽ gặp họa hoạn vô cùng. Vậy dặn gã phải nhớ cho kỹ."



Hiển nhiên Lâm thế bá vẫn không yên lòng chỉ sợ vãn bối chiếm đoạt mất vật tổ truyền của nhà y, nên y đem câu "họa hoạn vô cùng" ra để hăm dọa vãn bối.



Xung Hư hỏi:



- Lâm Chấn Nam nói câu đó, sau thiếu hiệp có nhắc lại cho Lâm sư đệ nghe không?



Lệnh Hồ Xung đáp:



- Vãn bối đã chịu lời với Lâm thế bá thì dĩ nhiên y dặn sao phải nói đúng thế.



Phương Chứng nói:



- Cho đến ngày nay thì những môn võ học thần bí huyền diệu ghi trong Quỳ hoa bảo điển, ma giáo nắm được một phần, lệnh sư Nhạc tiên sinh cũng có một ít. Sau nữa Tả minh chủ phái Tung Sơn dường như cũng nắm được một mớ. E rằng Tả Lãnh Thiền lòng tham lam chưa thỏa mãn, hắn biết phần của hắn chưa phải là toàn pho. Hắn muốn tiêu diệt ma giáo thôn tính phái Thiếu Lâm thì phải lấy được toàn pho Quỳ hoa bảo điển đem về phái Tung Sơn. Vậy trong võ lâm còn là lắm chuyện.