Tiếu Ngạo Giang Hồ

Chương 204 : Trong khách điếm vắng nghe tin dữ

Ngày đăng: 14:15 18/04/20


Trong khách điếm vắng nghe tin dữ



Lệnh Hồ Xung nghe Doanh Doanh giải thích như vậy chàng lắc đầu đáp:



- Câu chuyện này khó nói lắm! Chúng ta không thể biết được lòng dạ con người. Nhạc tiểu sư muội thủy chung vẫn giữ mối thâm tình với Lâm Bình Chi. Nàng đã biết gã cố gia tâm hại mà vẫn bào chữa cho gã, không nỡ để gã gặp tai vạ.



Doanh Doanh tự nhủ:



- Xung lang nói vậy quả đúng với tâm lý Nhạc Linh San. Trông người lại ngắm vào ta. Bất luận chàng đối với ta thế nào ta cũng thủy chung một lòng một dạ với chàng.



Lệnh Hồ Xung ở lại hang núi dưỡng thương hơn mười ngày. Cả vết thương mới đây gây ra bởi mũi kiếm Nhạc Bất Quần mười phần cũng đã khỏi được đến bảy tám. Những mánh cỏ xanh trên mồ Nhạc Linh San đã mọc cao.



Lệnh Hồ Xung ra làm lễ trước hai ngôi mộ của Nhạc phu nhân và Nhạc Linh San rồi cùng Doanh Doanh rời khỏi sơn động.



Nơi đây vẫn còn ở trong địa phận tỉnh Hà Nam.



Ðể người ngoài không nhận ra mình, Lệnh Hồ Xung và Doanh Doanh lại dùng lối hóa trang. Chàng biến thành một nông dân còn nàng giả làm một cô thôn nữ.



Lệnh Hồ Xung sực nhớ tới bọn nữ đệ tử phái Hằng Sơn liền hỏi:



- Bây giờ trước tiên chúng ta hãy lên núi Hằng Sơn truyền chức chưởng môn cho Nghi Thanh để từ nay mình khỏi bận tâm về họ nữa. Sau đó chúng ta tìm nơi thâm sơn cùng cốc hoặc góc biển ven trời để ẩn cư, không len lỏi vào chốn giang hồ thù hận nữa.



Doanh Doanh hỏi:



- Xung lang định đối xử với Lâm Bình Chi bằng cách nào để giữ lời hứa với cô tiểu sư muội đã quá cố?



Lệnh Hồ Xung gãi đầu đáp:



- Vụ này thật khiến cho tiểu huynh phải điên đầu. Doanh muội đừng nhắc tới là hơn.



Tiểu huynh sẽ tùy cơ hành động.



Doanh Doanh mỉm cười không nói nữa.



Hai người mướn một cỗ xe lớn nhằm phía Bắc mà tiến.



Một hôm đến địa giới tỉnh Tây Sơn, còn cách núi Hằng Sơn chừng bảy tám ngày đường, trời tối thì hai người vừa đến trấn Thanh Bình liền vào ngủ trọ.



Dọc đường Doanh Doanh vẫn giữ tính cố chấp nhất định đòi Lệnh Hồ Xung phải trọ riêng trong một khách điếm, còn nàng ở một nơi khác chứ chẳng bao giờ trọ chung một phòng.



Lệnh Hồ Xung biết nàng sợ gặp người quen họ sẽ bàn tán xôn xao thì nghĩ thầm:



- Ta cùng nàng ở với nhau trong rừng sâu núi hiểm đã mấy chục ngày có ai nói ra nói vào thì đã nói rồi. Vả lại ngày sau ta cùng nàng nên đạo vợ chồng thì cần gì phải e ngại tiếng tăm.



Tuy chàng nghĩ vậy nhưng không dám thốt ra miệng. Chuyện này do nàng quyết định, chàng không thể trái ý được.



Thăng Bình là một thị trấn lớn ở miền Tấn Nam. Trong thị trấn này có nhiều khách sạn. Hai người lại vào trọ trong hai khách sạn riêng biệt.



Vào khoảng nửa đêm, Lệnh Hồ Xung đang ngủ chợt nghe có tiếng người nói rất nhỏ tranh luận với nhau.



Ở trong khách sạn thì nửa đêm và ban sáng có tiếng người ồn ào là chuyện thường. Lệnh Hồ Xung cũng không để ý nhưng đột nhiên một giọng nói ồm ồm nhắc tới ba chữ phái Hằng Sơn đến mấy lần khiến chàng đang mơ màng chợt tỉnh táo lại ngay, chú ý lắng tai nghe.



Người nói đây trọ ở phòng khách đối diện với phòng chàng và cách nhau một cái sân nhỏ.



Bọn người này nói chuyện với nhau rất khẽ nhưng võ công Lệnh Hồ Xung rất mực tinh thâm chàng đã chú ý là nghe rõ hết.



Bỗng thanh âm một phụ nữ đứng tuổi cất lên:



- Trước chúng ta đã có phen trú ngụ ở Hằng Sơn biệt viện lâu ngày thì thực ra chẳng khác gì người đồng môn trong phái này. Thế mà bữa nay chúng ta lại đi đánh phái Hằng Sơn thì đối với Lệnh Hồ công tử còn ra làm sao?



Lệnh Hồ Xung giật mình kinh hãi, lưng toát mồ hôi chàng tự nhủ:



- Bọn này đã ở trong biệt viện phái Hằng Sơn ư? Tại sao họ lại đến tấn công phái Hằng Sơn. Nhờ trời thương ta được nghe câu chuyện này không thì lỡ hết.



Tiếng người ồm ồm lại cất lên:



- Trương phu nhân! Các vị là đàn bà quả nhiên vẫn chưa thoát khỏi lý thuyết bà tổ bà má. Tuy chúng ta có ở biệt viện của phái Hằng Sơn một dạo thật nhưng mình không phải ni cô thì sao lại bảo là người dưới trướng phái họ? Chúng ta chẳng có mối liên quan gì với Lệnh Hồ Xung. Vì nể mặt Thánh cô nên phải trọng vọng y mà thôi. Nhưng mới đây y đã cưỡng gian và hạ sát Nhạc cô nương ở phái Hoa Sơn nghe đâu Thánh cô căm hận y lắm, không hỏi gì đến y nữa rồi.



Lệnh Hồ Xung nghe đến tên Trương phu nhân chợt nhớ tới bọn người mà chàng đã gặp lần đầu tiên ở bên sông Hoàng Hà. Bọn này có bảy người cả thảy. Ngoài trương phu nhân còn có Ðổng Bách song kỳ, Trường phát đầu đà Cừu Tùng Niên, Tây Bảo hòa thượng, Ngọc Linh chân nhân và Song xà ác khất Nghiêm Tam Tinh.



Bảy người này ngày trước vì muốn lấy được Tịch tà kiếm phổ đã vây đánh Dư Thương Hải chưởng môn phái Thanh Thành.



Sau đó bọn này lại đi theo Lệnh Hồ Xung đến tấn công chùa Thiếu Lâm và ở Hằng Sơn biệt viện với bọn quần hào Ma giáo. Người nói tiếng ồm ồm đó đúng là đầu đà Cừu Tùng Niên.
Chàng nghĩ vậy liền tìm một nơi sơn động hoang vắng ngủ một giấc để chờ đêm khuya hành động.



Khi Lệnh Hồ Xung tỉnh dậy thì vừng trăng đã lên tới đỉnh đầu. Chàng liền mò tới Vô Sắc am là am chính trên ngọn Kiến Tính.



Chàng tới gần tường am bỗng nhìn thấy ánh đèn lọt qua cửa sổ chiếu ra ngoài. Chàng liền rón rén tiến lại gần dấp nước bọt vào đầu ngón tay, chọc thủng cửa sổ dán giấy để mắt nhìn vào trong.



Lệnh Hồ Xung nhận ra đây là căn phòng nhỏ hiu quạnh, một nơi tĩnh mịch dùng làm phòng tĩnh tu của Ðịnh Nhàn sư thái ngày trước.



Trên bàn có thắp một ngọn đèn dầu, phía trong đặt ba cỗ bài vị của Ðịnh Nhàn, Ðịnh Tĩnh và Ðịnh Dật sư thái.



Lệnh Hồ Xung nhìn cảnh tượng thê lương này không khỏi đau lòng.



Giữa lúc ấy, bỗng chàng vẳng nghe những tiếng trường kiếm đụng nhau chát chát vang lên. Chàng giật mình tự hỏi:



- Những người tới đây động thủ phải chăng là bọn Cừu Tùng Niên?



Chàng liền sờ tay vào thanh đoản kiếm giấy ở trong mình chạy vọt về phía phát ra tiếng động. Những tiếng khí giới đụng nhau phát ra từ trong một căn nhà ngói cách Vô Sắc am chừng hơn mười trượng. Trong căn nhà này cũng có ánh đèn lọt qua cửa sổ.



Lệnh Hồ Xung chạy tới bên cạnh nhà càng nghe rõ tiếng đấu kiếm. Chàng liền dán mắt vào khe cửa sổ để nhìn xem thì thấy hai cô Nghi Hòa và Nghi Lâm đang luyện kiếm còn Nghi Thanh cùng Trịnh Ngạc thì đứng bàng quang. Chàng liền yên tâm trở lại.



Nghi Hòa cùng Nghi Lâm đang sử môn kiếm phổ của chàng truyền thụ cho. Ðây là kiếm pháp mà chàng đã học được trên vách đá hậu động ở ngọn sám hối núi Hoa Sơn.



Kiếm pháp của hai cô đã khá tinh thục và đang đấu đến chỗ hăng say. Thanh trường kiếm trong tay Nghi Hòa phóng ra mỗi lúc một mau lẹ.



Nghi Lâm lơ đãng một chút liền bị mũi kiếm của Nghi Hòa phóng gần tới trước ngực. Nàng xoay kiếm lại để gạt thì đã không kịp nữa.



Nàng khẽ la lên một tiếng:



- Úi chao!



Mũi kiếm của Nghi Hòa đã chí vào trước ngực nàng.



Nghi Hòa cười nói:



- Sư muội! Sư muội lại thua rồi!



Nghi Lâm rất đỗi thẹn thùng nàng khẽ nói:



- Tiểu muội luyện lui luyện tới mà chẳng tiến bộ chút nào.



Nghi Hòa liền an ủi:



- Nhưng so với trước nay sư muội đã khá hơn, chúng ta lại luyện nữa đi.



Cô nói rồi vung trường kiếm phóng một hư chiêu.



Nghi Thanh nói:



- Nghi Lâm tiểu sư muội mệt rồi nên cùng Trịnh Ngạc sư muội về ngủ đi thôi. Sáng mai hãy luyện sớm cần gì phải gấp?



Nghi Lâm dạ một tiếng rồi tra kiếm vào vỏ. Nàng vái Nghi Hòa, Nghi Thanh thi lễ cáo từ. Ðoạn nàng dắt tay Trịnh Ngạc đẩy cửa bước ra.



Lúc Nghi Lâm đi tới bên cạnh Lệnh Hồ Xung nàng quay mặt lại nên chàng nhìn rõ dung nhan nàng rất tiều tụy thì nghĩ thầm:



- Chắc cô tiểu sư muội này trong lòng có điều chi phiền muộn?



Nghi Hòa đóng cửa lại rồi nhìn Nghi Thanh lắc đầu. Cô chờ cho tiếng bước chân của Nghi Lâm cùng Trịnh Ngạc đi xa rồi mới nói:



- Ta xem chừng trong lòng Nghi Lâm tiểu sư muội không bình tĩnh lại được. Lòng hươu ý vượn là một điều tối kỵ trong bọn người tu hành như chúng ta. Không biết tìm cách gì để khuyên y cho được.



Nghi Thanh đáp:



- Chỉ trong lòng tự giác thì mới dễ dàng. Còn người ngoài khuyên răn thì thật khó lòng.



Nghi Hòa nói:



- Ta đã hiểu vì lẽ gì y không tĩnh tâm được. Bởi y nhớ đến...



Nghi Thanh xua tay gạt đi:



- Cửa phật là nơi thanh tịnh, xin sư tỷ đừng nhắc tới chuyện đó. Nếu không gặp việc gấp rút báo thù cho sư phụ thì để y tự giác dần dần cũng chẳng hề chi.