Tìm Lại Chính Mình (Airhead)

Chương 2 :

Ngày đăng: 17:46 19/04/20


Cứ ngỡ rằng ngày cuối tuần mình tìm được hai chữ bình yên, khỏi thế giới của những người như Whitney Robertson.



Nhưng ước mơ vẫn chỉ là ước mơ. Bởi em gái mình đang biến thành một bản sao của Whitney. Tất nhiên nó không đến nỗi tệ như Nữ hoàng Ti tiện kia. Hay nói đúng hơn là chưa tới lúc thôi. Nhưng có vẻ như cũng sắp rồi.



Thật không còn gì khủng khiếp hơn khi vào một sáng thứ 7 đẹp trời mẹ bắt mình đi cùng nó tới buổi khai trương Trung tâm mua sắm Stark, với lí do ở tuổi 14, Frida vẫn còn “quá nhỏ” để tới những nơi như thế một mình.



Mình nghĩ phải nên thay từ nhỏ bằng từ ngu mới chính xác. Nhưng tất nhiên chẳng dại gì mà mình thốt ra từ đó, nếu không muốn bị ăn đòn.



Frida nhà mình không phải có vấn đề gì về thần kinh, ngược lại, nó dễ dàng kiếm được học bổng toàn phần vào Trung học Tribeca Alternative giống như mình.



Chỉ có điều vừa vào trường chưa được bao lâu nó đã biến thành fan hâm mộ cuồng nhiệt của Whitney Robertson… Hay nói khó nghe hơn một chút thì Frida đang mong muốn trở thành thành viên của Hội “Những thây ma biết đi” – cái tên mChristopher và mình thường dùng để gọi phần lớn hội bạn cùng lớp.



Trong định nghĩa của mọi người các thây ma biết đi là những người dở sống dở chết. Còn trong định nghĩa của Christopher và mình, đó là nhóm người nổi tiếng của Trung học Tribeca Alternative. Bởi họ chẳng khác gì như đã chết khi bản thân chẳng có tính cách gì nổi bật, tâm hồn thì nhạt nhẽo. Nhưng họ vẫn ăn uống, ngủ, chơi như người đang sống.



Chính vì họ không có sở thích gì đặc biệt cho riêng mình (hoặc nếu có thì họ cũng sẽ cố giấu nhẹm đi để hòa nhập với Hội của mình), và chỉ theo đuổi những thứ mà họ cho rằng sẽ làm đẹp thêm cho học bạ để dễ xin vào Đại học nên có gì là oan ức khi gọi họ là những thây mà biết đi?



Mặc dù đau lòng nhưng phải thừa nhận một điều: phần lớn học sinh của Trung học Tribeca Alternative này đã, đang và sẽ là những thây ma biết đi.



Thật không còn gì đáng sợ hơn khi phải chứng kiến em gái ruột của mình đang dần biến thành người của Hội “Những thây ma biết đi” nhưng đáng tiếc là không ai có thể làm gì để ngăn chặn điều đó xảy ra. Ngoại trừ việc không ngừng làm nó mất mặt ở những nơi công cộng.



Đó có thể là lý do tại sao Frida (Lần này là tới lượt mẹ đặt tên. Và tới việc mẹ là giáo sư nghiên cứu về nữ quyền của Đại học New York thì không có gì là ngạc nhiên khi mẹ khăng khăng đặt tên cho em gái bé bỏng của mình theo tên Frida Kahlo – một nữ họa sỹ người Mêhico theo thuyết nam nữ bình quyền, nổi tiếng với những bức chân dung tự họa với cặp lông mày dính liền và ria mép) cũng hốt hoảng không kém khi biết chuyện mẹ bắt nó phải đi cùng chị (tức là mình) tới buổi khai trương Trung tâm Stark.



Tưởng mình thích lắm chắc.



“Me-e-ẹ” – con bé rền rĩ – “Tại sao cứ nhất quyết chị Em phải đi cùng với con? Chị í sẽ phá hỏng mọi thứ mất!”



“Chị Em sẽ không phả hỏng gì hết” – mẹ bật cười trước vẻ trẻ con của Frida – “Chị chỉ đi theo con để chắc chắn là con về nhà an toàn thôi”.



Tất nhiên là mẹ không lung lay. Cũng phải thôi, từ trước khi Trung tâm mua sắm Stark được xây dựng đã có không ít cuộc biểu tình phản đối bên ngoài khu đất được diễn ra. Bởi một khi trung tâm này được xây dựng nên đồng nghĩa với việc Tiệm trái cây và rau sạch Mama (vốn nằm ngay giữa khu đất bỏ hoang) ở góc đường Broadway và Ho bị xóa sổ. Cư dân của chung cư trường Đại học khu nhà mình thường tới tiệm Mama để mua rau sạch và hoa quả tươi, bởi mọi người không tin tưởng lắm vào chất lượng hàng hóa của siêu thị Gristedes cách đó không xa. Còn giá thực phẩm bán trong cửa tiệm Dean & Deluca ở cuối đường Broadway thì lại quá đắt.




“Anh ấy chỉ nói thích đồng phục áo dây của đội cổ vũ hơn là mấy cái áo dài tay mùa Đông thôi mà” – Frida tức tối gắt lên.



“Như thế cũng có thể coi là cậu ta thành kiến giới tính rồi, Frida” – mẹ nhẹ nhàng xen vào.



Mình tọng nốt miếng bánh vào miệng, hả hê nheo mắt nhìn Frida. Tất nhiên không có chuyện cô nhóc chịu cho qua chuyện này dễ dàng. “Đội cổ vũ cũng là các vận động viên mà mẹ. Mặc áo dây sẽ dễ vận động hơn là áo dài tay”.



“Này” – mình nhoài hẳn người qua bàn, nhìn chằm chằm vào mặt Frida – “em đang định thi vào đội cổ vũ đúng không?”.



Frida hít một hơi thật sâu, mím môi nói: “Thôi bỏ qua đi. Không nói về chuyện này nữa. Con sẽ xin bố. Bố sẽ cho phép con đi một mình”.



“Sẽ không có chuyện đó đâu” – mẹ giơ tay cảnh báo Frida – “Đừng có làm phiền bố. Con biết qua bố về nhà muộn thế nào rồi mà”.



Vào các ngày bình thường trong tuần, bố sống ở New Haven để tiện cho việc giảng dạy của mình ở Đại học Yale. Chỉ có cuối tuần là bố mới về Manhat nghỉ cùng gia đình (thật tội nghiệp cho các cặp vợ chồng cùng làm nghề giáo mà không được dạy cùng trường).



Chính vì bố luôn cảm thấy có lỗi khi không thể ở nhà thường xuyên với mẹ con mình nên bố gần như không bao giờ từ chối bọn mình chuyện gì. Kể cả nếu Frida có xin bố cho đi chơi cuối tuần cùng đội tuyển bơi lội nam tới Atlantic City và tiêu sạch số tiền dành dụm để học đại học của nó chắc bố cũng gật đầu cái rụp, kiểu “Ừ, sao không? Con cầm theo Thẻ tín dụng của bố này, chơi vui nhé!”.



Đó là lý do tại sao mẹ luôn theo dõi nhất cử nhất động của chị em mình mỗi khi bố về nhà. Mẹ hiểu rất rõ bố không bao giờ nỡ nói “không” với hai cô con gái rượu của mình.



“Còn chuyện con định thi vào đội cổ vũ là sao thế?” – mẹ nghiêm giọng lại – “Frida, chúng ta cần nói chuyện…”.



Và rồi mẹ thuyết giảng cho nó nghe một tràng về việc tại sao trước những năm 1970, phụ nữ bị cấm chơi các môn thể thao của nam giới, mà chỉ được phép đứng bên ngoài đường biên cổ vũ cho các nam vận động viên… Đó là nguồn gốc của cái gọi là đội cổ vũ ngày nay.



Frida nhìn mình từ đầu tới chân đầy hăm dọa kiểu “Rồi chị sẽ phải trả giá cho điều này, Em ạ”!



Mình cũng không mong nó sẽ bỏ qua cho mình vụ ton hót với mẹ lần này.



Có điều chuyện đã xảy ra theo chiều hướng mình không bao giờ có thể ngờ tới.