Tôi là Ê-ri
Chương 3 :
Ngày đăng: 19:44 19/04/20
Tôi chơi khá thân với chị Sỉ-pray, đi đâu cũng đi với nhau. Trong suốt kỳ nghỉ đó chúng tôi cứ quấn lấy nhau cả ngày.
Sáng hôm sau, Ót vẫn đến nói chuyện, cười đùa với tôi như chưa có chuyện gì xảy ra. Còn Sỉ-pray lại tâm sự và hỏi tôi:
“Nỉnh, chị phải làm thế nào bây giờ? Ót đêm nào cũng đến ngủ và ôm chị, còn hôn môi và sờ ngực chị nữa”.
“Vậy đêm nay chị đến ngủ với em ở nhà ông bà đi”. Tôi bảo chị.
Và chị đồng ý.
Sáng ngày tiếp theo, khi gặp tôi, Ót tỏ ý không hài lòng vì tôi rủ Sỉ-pray đến ngủ cùng. Tuy vây, tôi cũng không quan tâm lắm. Chuyện đó cứ diễn ra như thế cho đến khi vào học kỳ mới, Ót phải trở lại học ở Nakhon Sawan.
Tôi từng nhiều lần đi bộ đến nhà bác Chơ chơi, nhà bác ấy gần nhà chị Sỉ-pray. Bác Chơ là anh trai bố tôi. Bác có một cậu con trai tên là Đeng, bằng tuổi tôi và Sỉ-pray, ngoài ra còn có hai cô con gái còn rất nhỏ. Bác Chơ là người có điều kiện kinh tế tốt nhất trong số mấy anh em của bố. Bác có cửa hàng tạp hóa trước cửa nhà máy dệt. Bác thuê chị Sỉ-pray đến giúp bán hàng nên để chị dọn đến ở cùng nhà cho tiện. Mỗi khi nhà máy tan ca, rất nhiều khách vào mua hàng của bác. Tôi thấy nhiều anh xúm lại tán tỉnh chị Sỉ-pray, tuyệt nhiên chẳng có ai đoái hoài gì đến tôi. Nghĩ mà thấy ghen tị với chị Sỉ-pray quá. Tôi chẳng có gì để có thể so sánh với chị cả.
Một hôm, chị Sỉ-pray có chuyện muốn hỏi ý kiến tôi. Chị vừa khóc vừa kể bị Đeng, con trai của bác ép quan hệ. Chị ấy cởi áo cho tôi xem những vết cắn, vết cào cấu trên ngực. Tôi hoảng hốt khuyên chị nên quay lại nhà mình. Sỉ-pray không dám kể chuyện này cho người khác kể cả mẹ chị. Nghe lời tôi chị trở về nhà và bảo với mọi người rằng muốn vào làm việc trong nhà máy dệt để có thu nhập cao hơn.
Vào học kỳ mới, tôi đi học trở lại. Chỉ còn có một học kỳ nữa là tôi sẽ tốt nghiệp. Tôi tự hỏi không biết sau khi tốt nghiệp liệu tôi có thể tiếp tục học lên trung cấp nữa hay không vì bố mẹ tôi chắc chẳng có tiền cho tôi học tiếp. Nghĩ mà thấy buồn.
Năm đứa bọn tôi ngây ra không hiểu gì đành theo thầy vào ăn cơm. Nhà thầy nằm ngay cạnh trường. Sau khi ăn xong thầy bảo chúng tôi chờ một chút, đừng vội về nhà. Thì ra thầy bắt năm đứa chúng tôi chờ rửa bát cho bộ đội sau khi họ ăn xong bữa chiều. Lúc đó khoảng bốn giờ chiều. Tôi nhớ có đến hàng trăm học sinh trong ngôi trường đó. Thầy báo với tất cả bọn họ là hôm nay không phải rửa bát nữa, sẽ có người rửa thay. Tất cả đều reo lên sung sướng. Lúc chúng tôi rửa xong cũng đã gần đến sáu giờ chiều. Vừa về đến nhà anh tôi quát:
“Mày đi đâu mà về muộn thế này?”.
Tôi không biết phải nói dối thế nào nên đành kể tất cả sự thật cho anh. Tôi lại bị anh đánh cho một trận và mắng:
“Mày thích quậy hả? Cho mày đi học chứ không phải cho mày đi trốn học nhé”.
Sau lần đó tôi gần như không dám trốn học nữa vì sợ bị phạt đúp.
Trước khi tốt nghiệp lớp chín, có một nhóm điều tra xã hội học đến nhà tôi lấy thông tin bằng cách phỏng vấn từng thành viên trong gia đình. Họ hỏi xem chúng tôi có mong muốn gì? Muốn học cái gì? Muốn làm việc gì sau này? Tôi còn nhớ mình đã trả lời rằng mình muốn học ở trường Uthenthawai, muốn được trở thành một kiến trúc sư hoặc nhà thiết kế nội thất. Đó thực sự là ước mơ của tôi. Nhưng anh tôi lại nói rằng điều đó không thể trở thành hiện thực, tôi chỉ là đứa viển vông, ước muốn những thứ quá tầm tay. Tôi và anh trai lúc nào cũng như nước với lửa. Anh ấy thích đánh tôi từ nhỏ. Tôi cũng không hiểu tại sao anh cứ thích gây sự với tôi và chỉ đánh có một mình tôi. Có lần, anh đánh tôi một cách điên loạn, vừa tát vừa đạp khiến tôi hoảng sợ và có cảm giác rất căm thù. Khi đánh xong anh bỏ đi đâu không rõ. Tôi vội chạy vào phòng anh, mở tủ đựng sách của anh lấy sách xé tan tành. Hồi đó anh đang học đại học và rất nâng niu giữ gìn sách vở. Tôi biết rằng tôi làm như thế nếu bắt được có lẽ anh sẽ giết tôi. Vì thế xé xong tôi vội bỏ đến nhà Cung ở nhờ. Được hai, ba ngày thì chị tôi đến tìm và cam đoan tôi về nhà sẽ không bị anh đánh nữa. Về nhà anh cũng không đánh tôi thật nhưng lại nhìn tôi bằng ánh mắt dữ tợn như muốn ăn tươi nuốt sống. Tuy vậy, tôi cũng không mấy quan tâm.
Tôi bắt đầu lo sợ khi gần học hết lớp chín mà vẫn chưa có tiền đóng học phí. Cô giáo nói nếu tôi không đóng tiền học thì sẽ không được phép tốt nghiệp. Trong khi đó, tôi không biết phải lấy tiền ở đâu ra mà đóng học và sợ sẽ không được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp để học lên tiếp. Còn nhớ, thời gian thi tốt nghiệp trùng với thời gian tổ chức tang lễ cho Hoàng hậu Rambai Bami[6]. Tôi đã mua hồ sơ dự tuyển vào trường Uthenthawai nhưng không được phép thi vì chưa có giấy chứng nhận tốt nghiệp do nợ tiền học phí. Một thời gian sau mẹ cũng kiếm được tiền đóng học phí cho tôi. Nhận được giấy chứng nhận tốt nghiệp tôi mới có quyền tham dự kỳ thi lần hai ở trường Kỹ thuật Don Muang. Tôi chọn ngành mỹ thuật. Tôi thi đỗ nhưng thật không may lại không có tiền đóng học phí, mua đồ dùng học tập và quần áo đồng phục. Tôi hiểu, tôi đã không còn cơ hội học lên tiếp nữa chỉ vì nhà quá nghèo. Chị Chiếp cũng từng phải nghỉ khi đang học dở trung cấp. Tôi thấy rất buồn khi phải bỏ học. Tất cả mọi người đều phải bỏ học ngoại trừ anh Tông vì anh có thể tự kiếm tiền đi học và đang học tại một trường đại học mở, tốt nghiệp lúc nào cũng được.
[6] Hoàng hậu Rambai Bami: Vợ của nhà vua Prajadhipok, Rama 7.