Trần Chân

Chương 15 : Mùa thu hoạch đầu tiên

Ngày đăng: 12:09 18/04/20


Chúng tôi vừa ra đến Châu Lạng thì vụ thu hoạch bông vải cũng bắt đầu. Những ngày ấy tôi xếp cất hết những lo lắng buồn phiền của mình lại, cùng mọi người gặt hái. Dĩ nhiên anh Cát không cho tôi đích thân ra đồng cùng những người khác, tôi chỉ có thể đóng vai trò hậu cần, chuẩn bị cho họ những bữa ăn ngon nhất để khích lệ mọi người. Ai cũng tấm tắc khen ngon, tôi cảm thấy rất tự hào dù những món ăn ấy tám phần đều do Nhược Lan và Xuân Mai chuẩn bị. Nhưng tôi không việc gì phải nói ra cả, tôi cũng có công nhặt rau, nhóm lửa, xem như là góp một phần. Thỉnh thoảng nghe ai khen tôi, Cát cũng bật cười làm tôi ngượng chín mặt.



Mùa vụ gặt xong Cát phân cho tôi hẳn công việc phát tiền công. Thật ra tiền công mỗi người bao nhiêu cũng đã được quản điền tính toán hết rồi, tôi chỉ việc đưa cho họ và xem họ in dấu tay vào giấy cam kết. Nhưng sau khi nhìn số bạc ít ỏi mọi người kiếm được sau ba bốn tháng bám trụ nơi này, tôi không khỏi chạnh lòng. Trước đó tôi lén kêu Nhược Lan ra chợ đổi cho tôi thêm một ít bạc vụn, rồi chúng tôi lén nhét vô mỗi bao tiền phát cho nông dân, mỗi người thêm một ngày công. Tôi định cho họ nhiều hơn nữa nhưng Nhược Lan cứ cằn nhằn nên tôi đành thôi. Mỗi người sau khi nhận túi tiền, đều thấy tiền mình nhiều hơn trong sổ một ngày, đưa mắt nhìn tôi ngạc nhiên. Nhược Lan ở kế bên luôn miệng giải thích: “Là mợ ba lấy tiền riêng ra thưởng cho từng người đó.”



Tôi giẫm nhẹ lên chân Nhược Lan, rồi mỉm cười nói thêm: “Tôi thấy tất cả bà con ở đây đều cực khổ nên biếu thêm chút ít. Mọi người dùng tiền này mua thêm chút gì đó ăn cho ngon dưỡng sức. Vụ sau chúng ta phải làm tốt hơn vụ này, có được không?”



Mọi người đều mừng rỡ hô hoan và những tràng vỗ tay không ngớt, không giống những ngày đầu tôi đến đây, nhìn thấy họ tị nạnh, xô xát nhau. Trước nay tôi cứ nghĩ có tiền thì bản thân mình sung sướng thôi, không nghĩ có thể làm cho người khác vui như thế. Tuy anh Cát không tỏ thái độ gì khi tôi làm như vậy, nhưng vẫn nhắc nhở: “Ngoài này số lượng nhân công không nhiều, cô cho họ thêm chút ít thì cũng như tiền tiêu vặt vài ngày thôi. Nhưng mai đây khi tôi mở rộng canh tác, số người tăng thêm hàng trăm hàng ngàn, đến lúc đó nếu cô vẫn hào phòng thế này thì có lẽ tôi phải làm việc gấp ba bốn lần để bù lỗ.”



Tôi nghe Cát nói mà ngây ngốc: “Ơ, em lấy tiền của em mà, đâu có ảnh hưởng đến tiền của anh đâu mà anh phải bù lỗ?”



Cát thở dài nhìn tôi. Chẳng lẽ anh có ý gì mà tôi không hiểu chăng? Anh nói tiếp: “Dù gì đồng tiền có hai mặt, nếu cô dễ dàng cho đi như vậy, người khác sẽ vui nhất thời. Nhưng sau này cô không cho nữa, họ sẽ có cảm giác không thu lại lợi ích từ cô được nữa, rồi sẽ sinh ra yêu sách, lười biếng. Cô có hiểu không?”



Tôi à lên như được tiếp thu chân lí. Sau đó tôi cứ miên man nghĩ ngợi mấy hôm làm sao để tặng phần tiền kia đúng cách. Một ngày đẹp trời nọ, tôi chạy ào vào phòng Cát, hí hửng khoe với anh: “Em nghĩ ra rồi. Lần này khi gieo giống, em sẽ nói mọi người cố gắng làm việc chăm chỉ. Đến cuối vụ, mười người có thành tích xuất sắc nhất sẽ được ban thưởng. Bảo đảm những ai muốn có thêm tiền sẽ cố gắng làm việc. Anh thấy em làm vậy có được không?”



Cát ngẩn người ra một lúc rồi lại hỏi tôi: “Nhưng làm cách nào cô tìm ra được mười người chăm chỉ nhất?”



Tôi đắc ý nói tiếp: “Em sẽ căn cứ theo điểm số. Đến cuối vụ em sẽ cho mỗi người ghi tên mười người mà họ cho rằng chăm chỉ nhất, mỗi lần được ghi tên sẽ tính một điểm. Quản điền cũng sẽ chọn mười người, mỗi người được chọn sẽ cho hai điểm. Còn anh cũng phải chọn mười người cho em, người nào anh chọn sẽ thêm ba điểm nữa. Đến khi tổng kết lại, người cao điểm nhất sẽ được phát thêm một phần tiền công, ba người tiếp theo sẽ được thêm ba phần tư, ba người tiếp sẽ được thêm một nửa và ba người cuối cùng sẽ được một phần ba thôi. Như vậy ai được thưởng sẽ cố gắng, ai chưa được thưởng sẽ càng cố gắng hơn để lần sau đến phiên mình. Anh thấy ý em có hay không?”



Cát nghe tôi giải thích cặn kẽ, không khỏi bật cười, còn lấy tay xoa đầu tôi: “Cô càng lúc càng thông minh ra đó.”



Tôi cười hì hì đến mức không thấy được mắt mình đâu. Rồi Cát lại hỏi tiếp: “Nhưng nếu đến lúc ấy ai cũng bằng điểm nhau thì cô tính sao?”




“Càng không được. Tướng tại tâm sinh, con gái mà mặt mày xấu xí thì chưa chắc lòng dạ đã bao dung. Lấy ông ấy về chưa chắc sẽ một lòng một dạ hầu hạ chồng mình.”



“Vậy một góa phụ thì sao? Có thêm đứa con càng tốt. Hoàn cảnh như vậy chắc cũng không có nhiều lựa chọn đâu.” Tôi lại tiếp tục đề nghị.



Nhược Lan như càng tức tối hơn: “Cô hai à, cô đang kiếm vợ cho ông ấy hay kiếm heo cho ổng nuôi. Đâu phải ra chợ chọn đại một người là có thể kết tóc se duyên cả một đời!”



Ý kiến nào của tôi Nhược Lan cũng bác bỏ, tôi thở dài: “Vậy chị nghĩ người như thế nào mới xứng với ông ta?”



Nhược Lan nhìn xa xăm, có vẻ khẩn trương: “Một cô nương chưa đên hai mươi, dung mạo không cần quá đẹp nhưng phải dễ nhìn. Việc nhà thì tháo vác, ra chợ thì có chút lanh lợi để không bị ăn hiếp. Chưa kể cô nương ấy phải thật tâm thật dạ quý mến ông ấy thì mới có thể toàn tâm toàn ý lo lắng cho ông ta cả đời.”



Tôi giả vờ nghĩ ngợi rồi nói với Nhược Lan: “Nếu chị nói vậy thì em thấy nhà mình có một người phù hợp với ông ta.”



Nhược Lan nghe tôi nói lập tức sốt sắng: “Ai vậy cô?”



Tôi nhún vai: “Xuân Mai. Chị ấy chưa đến hai mươi, việc nhà thì chu toàn, ra ngoài cũng tính là một người sắc sảo. Trước nay chị ấy chưa bao giờ chê bai ai cả, chắc hẳn sẽ đồng ý gả cho ông Hoàng thôi.”



Nhược Lan nghe tôi nói thì lập tức trở nên hoảng loạn. Chị ấy biện bạch hàng ngàn lí do khác như Xuân Mai là người của họ Huỳnh, tôi không có quyền gả đi. Xuân Mai dường như không thích đàn ông, gả cho ông Hoàng chỉ khiến ông ấy thêm phiền lòng… Đến cuối cùng, tôi chốt lại một câu: “Ai cũng không được, vậy em gả chị cho ông Hoàng, được không?”



Nhược Lan ngượng ngùng quay mặt sang chỗ khác: “Gả em đi rồi ai hầu hạ cô hai?”