Trần Chân
Chương 59 : Bầu trời của Niệm Chân
Ngày đăng: 12:10 18/04/20
Mỗi lần cãi nhau, Thiên Thành cứ lôi cái việc ta không phải con ruột của phụ hoàng ra để chọc tức ta. Chuyện đó thì cả hoàng cung này có ai không biết, chị ấy có lặp lại hàng ngàn lần đi nữa, ta cũng xem như nước đổ đầu vịt mà thôi.
Những lúc như thế, ta chỉ ôn tồn đáp lại: “Chị làm em buồn đó. Thôi em đi đến Tử Ngọc cung giải sầu đây.”
Chỉ một câu đơn giản cũng khiến Thiên Thành trở nên tức tối, lập tức đập phá bất cứ thứ gì trước mắt chị ấy. Bởi lẽ, Tử Ngọc cung là minh chứng rõ rệt nhất tình yêu phụ hoàng dành cho ta.
Ta vừa chào đời mẹ đã không còn. Năm ta lên sáu cha cũng đi theo mẹ. Phụ hoàng đến viếng linh cửu của cha, trầm ngâm rất lâu. Sau đó người đem ta về hoàng cung, nhận làm con nuôi, ban tên Lý Ngọc Kiều. Thậm chí sợ ta cô đơn, phụ hoàng cho xây dựng Tử Ngọc Cung, để mỗi lúc buồn phiền ta lại đến đó nghe nhạc, ngắm hoa giải sầu.
Nhiều lúc, ta có cảm giác phụ hoàng thương yêu ta còn hơn tình thương người dành cho Càn Đức (*). Càn Đức không để tâm việc ấy, nhưng mấy hoàng tỷ khác thì sinh đố kỵ. Có người im lặng, có người xì xầm sau lưng và cũng có người như Thiên Thành, cứ thích trực tiếp gây sự với ta. Nhưng sau mỗi lần như vậy, người ôm tức tối, cũng chỉ có mình chị ấy mà thôi.
Ai cũng bảo, sở dĩ phụ hoàng thương ta như vậy cũng do ta là con gái của tứ đệ người. Năm xưa cha ta hết mức phò trợ phụ hoàng, đến mức bị thương nặng trong một lần đánh nhau với Đại Tống. Cũng chính những trọng thương khi ấy, khiến cho dương thọ cha ta không kéo dài lâu hơn.
Ta lại càng không quan tâm việc ấy. Tình yêu thương được đo bằng tất cả những gì ta cảm nhận được từ phụ hoàng, chứ không phải tính bằng những lí do kia.
Ta nhớ rõ Phụng Càn phủ ngày ấy, tang thương một màu trắng. Ta bỗng hóa thành đứa trẻ tội nghiệp trong mắt mọi người. Đêm ấy, cũng chính phụ hoàng nắm lấy bàn tay bé nhỏ của ta, cẩn thận dắt ta từng bước đến hoàng cung.
Kể từ giây phút ấy, đối với ta, hoàng cung là nhà; phụ hoàng là cha, là cả bầu trời. Bầu trời của phụ hoàng trong xanh và ấm áp.
Ngoài những lúc phụ hoàng cầm quân ra trận, thời gian còn lại, ta lẽo đẽo theo người, nằng nặc bắt người kể chuyện trước đây, từ lúc người còn bé thơ cho đến khi trở thành người đàn ông mạnh mẽ oai hùng.
Khi kể về chuyện lúc còn ấu thơ, phụ hoàng luôn nhắc đến cha ta bằng đôi mắt ấm áp tình thân. Và kết thúc câu chuyện, lúc nào cũng là sự xót xa vô hạn. Người nói, nếu năm đó người không ép cha vào cuộc chiến tranh với Đại Tống, cha sẽ không bị thương nặng, dẫn đến yểu mệnh như thế. Ta cũng hay ngẩn ta, hoài niệm những ấn tượng yếu ớt còn xót lại về cha, về những đêm cha lặng lẽ quỳ trước linh cửu mẹ. Có thật cha con chết vì những vết thương trên cơ thể, hay do chính những niềm đau trong tim?
Hoàng đế của chúng ta anh dũng lắm. Biết bao lần người cầm quân, dẹp loạn Ai Lao, bình ổn Chiêm Thành và diệt trừ phản tặc Nùng Trí Cao. Trong đó ta đặc biệt thích nghe người nhắc về cuộc chiến với Nùng Trí Cao, nhiều điều kỳ bí và huyễn hoặc như một câu chuyện liêu trai. Khi ấy phụ hoàng giao chiến với Nùng Trí Cao tại Quảng Nguyên, hắn tẩm độc vào binh khí, tấn công phụ hoàng. Phụ hoàng rơi xuống núi nhưng may sao vẫn bảo toàn tính mạng. Ta nghĩ nếu lần đó hoàng hậu và thái sư Lý Đạo Thành không tìm ra phụ hoàng thì bây giờ Đại Việt làm sao có một vị vua anh minh như thế. Vì lẽ đó, dù hoàng hậu nhiều lúc cứ tìm cớ trách phạt ta nhưng ta cũng chưa bao giờ oán hận bà ấy. Đó là chưa kể lúc nào phụ hoàng và mẹ Ỷ Lan cũng bênh vực ta nên hoàng hậu toàn ngậm bồ hòn một mình mà thôi.
Nùng Trí Cao lúc hạ độc phụ hoàng, đã nghênh ngang tự đắc rằng, Đại Việt này sớm muộn gì cũng sẽ do hắn làm chủ. Thế nhưng phụ hoàng ta là con của trời, lẽ nào lại thua tên phản tặc kia. Đến đoạn này, ta lại ngưỡng mộ đại sư Nguyễn Sùng, cũng nhờ ông ấy mà phụ hoàng chẳng những giải được độc còn xóa hết các vết thương trên mặt. Ngô đại nhân nói, lúc cứu được phụ hoàng, mặt người xấu xí đến mức không nhận ra được. Ta hay lén nhìn phụ hoàng rồi tưởng tượng đến những vết sẹo ấy. Nhưng thay vì sự xấu xí, ta chỉ cảm nhận được nỗi đau mà phụ hoàng từng trải qua. Trong lòng ta, đàn ông chân chính chỉ có mỗi phụ hoàng. Trong mắt ta, không một ai có thể so sánh được với người!
“Trách là trách hoàng thượng nhớ lại quá muộn màng. Mạng của chị, mạng của vương gia, ai trả lại được đây hở chú?”
Mẹ Ỷ Lan đang khóc sao?
“Những gì đã xảy ra cũng xảy ra rồi. Chẳng lẽ cháu định ôm chuyện này cho đến khi chết?”
“Cháu chưa bao giờ quên ngày hôm đó, lúc cả cơ thể chị ngập trong màu đỏ của máu, đau đớn đến mức không nói nên lời...”
“Cháu định làm gì?”
“Khiết An này có ơn ghi ơn, có nợ ghi nợ. Kẻ ép chị phải chết, dù dùng cả mạng sống cháu cũng phải trả mối thù này.”
“Quyết định của cháu ta không can thiệp. Nhưng cháu nhớ rõ điều này, bất cứ chuyện gì cũng có luật nhân quả. Chỉ e những đứa trẻ của cháu sau này phải lãnh hậu quả do chính cháu gây ra.”
Ta lúc đó không hiểu mẹ Ỷ Lan và Nguyễn Tự Thành nói gì. Cho đến hai năm sau, lúc mẹ Ỷ Lan ép Nguyên thái phi và hoàng hậu họ Dương vào con đường chết, ta mới được hé lộ những sự thật mọi người che giấu bấy lâu nay.
Cuối cùng ta đã hiểu tại sao cha lại đặt ta tên Lý Niệm Chân. Cha không có người phụ nữ bên ngoài và mẹ ta cũng không phải Ngô Thanh Sương - em thái sư Lý Thường Kiệt.
Trước lúc Nguyễn Tự Thành rời khỏi đã đưa cho ta một cây trâm. Ta xem qua, rất giống thứ mẹ Ỷ Lan luôn cài trên tóc. Hắn ta bảo rằng đây là di vật mẹ ta để lại. Một lần ta lỡ đánh rơi trâm. Viên trân châu rớt ra, chỗ trống trên thân bạc có khắc hai chữ - Trần Chân.
----------
(*) Lý Càn Đức, con vua Lý Thánh Tông, sau này là vua Lý Nhân Tông.