Trùng Sinh Chi Nha Nội

Chương 23 : Hình phạt

Ngày đăng: 12:22 19/04/20


“Nuôi cá trong ruộng” của xã Hồng Kỳ bội thu trên diện rộng, nhưng cũng xuất hiện không ít vấn đề.



Lúc ấy tất cả nguồn vốn sản xuất đều thuộc về nhà nước, không phải là quốc doanh thì cũng là tập thể, vốn sản xuất của cá nhân người nông dân vô cùng ít, hầu như là không có. “Nuôi cá trong ruộng” – những nơi trồng lúa, vườn ao cá, cũng đều là vốn tập thể, mua giống mua ruộng cũng là thôn đầu tư, những công việc như chăm sóc ao, ruộng, thay nước thải nước, đều được phân công rõ ràng, tất cả mọi quyền quyết định đều thuộc về thôn, điều này không có gì tranh cãi.



Vấn đề ở việc phân phối.



Các xã viên Công xã từ trước tới nay lần đầu tiên thấy bắt được nhiều cá như thế, hơn nữa cũng không mất công sức gì, giống như từ trên trời rơi xuống vậy. Mỗi thôn nhiều thì được 2500-2600 cân, ít thì được gần 2000 cân, không phải là con số nhỏ. Mọi người đều háo hức chờ đợi chia phần.



Ban đầu quyết định đầu tư cá giống, là lệnh của chủ nhiêm Nghiêm Ngọc Thành, các thôn nhất loạt nghe theo, không chút phản đối. Sau khi bội thu, vì là tài sản của tập thể đại đội, xã không can thiệp vào việc phân phối, thậm chí cả một ý kiến có tính chỉ đạo cũng không có. Hai mươi mốt thôn tự phân phối lấy, có thôn dựa vào ngày công, số công để chia, có thôn chia đều theo đầu người, có thôn chỉ phân một nửa, một nửa còn lại để đại đội xử lý, bán một phần để làm tích lũy cho đại đội, một phần khác lại bị cán bộ đem đi biếu xén, đặc biệt có những cán bộ cá biệt biển thủ; còn có thôn chỉ đánh bắt một phần phân cho các xã viên, phần còn lại tiếp tục để nuôi trong hồ, để năm tới càng bội thu.



Toàn bộ tài sản là của tập thể, tập thể quyết định phân chia lấy, cũng là chuyện đương nhiên.



Nhưng xã trong lần thu hoạch sớm này đột nhiên được nhiều cá đến vậy, hệ thống cung ứng sản phẩm của cả huyện Hướng Dương đều chịu tác động không nhỏ. Đại đội thống nhất bán cho bộ phận phân phối của huyện, nhà cung cấp tự có nhiệm vụ bán ra. Nhưng một số xã viên được phân phối cá tươi, vốn đã quen tiết kiệm, tuyệt không hề ăn đến một miếng, cũng ngầm bán ra, thậm chí người nhà các cán bộ công xã, huyện thành lân cận có cuộc sống ngày thường khá sung túc, cũng đều đến xã Hồng kỳ mua cá, trong một khoảng thời gian ngắn, những thôn có đường giao thông thuận tiện trong xã Hồng kỳ người đến tấp nập, vô cùng náo nhiệt.



Nếu lùi lại mấy năm sau, đến thời điểm cải cách mở cửa, cảnh tượng này xứng đáng để người phụ trách xã dụng công miêu tả trên sổ ghi thành tích. Tiếc là đã xảy ra sớm mất vài năm. Điều này không còn là thành tích nữa mà là tội trạng rồi.



Tội trạng không chỉ có một.



Thứ nhất là nảy sinh hiện tượng tham ô phủ bại. Cái gọi là tham ô phủ bại, trên kia đã đề cập tới, một số cán bộ các thôn trong lúc phân phối đã chiếm nhiều hơn, một số người cá biệt còn tặng cá cho cán bộ Công xã thậm chí là cán bộ huyện. Khiến cho đông đảo xã viên bất mãn vô cùng.



Lần đầu nghe thấy chuyện này, tôi choáng váng vô cùng.



Tặng cá? Tham ô hối lộ?



Với tôi, một người xuyên thời gian từ thế kỷ 21, hai việc này thực chất khó lòng có mối liên kết với nhau. Choáng váng cũng là thường tình.



Tiếp theo là làm nhiễu loạn con đường cung ứng thông thường, nảy sinh hiện tượng đầu tư trục lợi (Mua rẻ bán đắt). Huyện Hướng Dương thuộc vùng núi trong đất liền, chính xác hơn là thuộc vùng đồi núi, từ trước tới giờ chưa từng bội thu thủy sản, các loại cá chép tuy không hiếm gặp, nhưng cũng không phải là được ăn thường xuyên. Trước đó thông thường phải vào các dịp lễ Tết, hệ thống cung cấp mới tổ chức phát cá nước ngọt cho người dân trong thành. Bây giờ trên thị trường bỗng dưng xuất hiện thêm hai ba vạn cân cá, còn xuất hiện hành vi buôn bán lẻ, không bán phá giá làm sao được? Tìm hiểu nguyên nhân, món nợ này phải tính cho những người lãnh đạo đứng đầu Công xã.



Đầu tư, tôi từng nghe nói qua, cũng không phải là từ mang nghĩa tiêu cực gì. Còn như “trục lợi” có nghĩa gì, quả thực chưa từng biết tới. Năm 1977 vẫn chưa có internet, muốn tìm hiểu cũng không được.



Thứ ba là thuyết “duy sinh sản lực” và “Chủ nghĩa tư bản ngẩng đầu”.


Nghiêm Ngọc Thành lập tức đem chuyện này nói cho cha biết.



Cha ngạc nhiên một hồi. Ông còn không biết việc có tổ điều tra nữa là, càng không biết lãnh đạo Huyện Ủy mở cuộc họp thâu đêm rồi biểu quyết. Nhưng sau khi biết kết quả biểu quyết, cha cũng vô cùng mừng rỡ.



Giả sử ông ấy không phải cha tôi, tôi thật muốn nói với ông ấy một tiếng: Chủ nhiệm Liễu, đừng vui mừng quá sớm, Vương Bổn Thanh không tốt như vậy đâu!



Quả thực như thế, sau khi giải tán hội nghị, Vương Bổn Thanh cũng không hề nghỉ ngơi, mà ngồi xe tới trụ sở địa khu Bảo Châu – Thành phố Bảo Châu! Vội vàng tìm vị lãnh đạo địa khu chủ chốt nào đó, báo cáo lại hiện trạng vô cùng bất bình thường của huyện Hướng Dương.



Vương Bổn Thanh lúc này rắp tâm quật ngã Trịnh Hưng Vân, ít nhất cũng phải tống cổ hắn ra khỏi huyện Hướng Dương. Có một vị phó chủ nhiệm như vậy bên cạnh, những ngày tháng sau này của chủ nhiệm Vương quả không dễ chịu chút nào. Còn việc nên xử lý Nghiêm Ngọc Thành và Liễu Tấn Tài thế nào, lại là vấn đề thứ yếu rồi. So sánh đơn giản, Nghiêm Ngọc Thành và Liễu Tấn Tài không thể nào tạo ra uy hiếp trực tiếp nào với cái ghế chủ nhiệm của ông ta.



Nội dung Vương Bổn Thanh trao đổi cùng vị lãnh đạo địa khu Bảo Châu kia không ai hay biết.



Hai ngày sau, Ủy ban Cách mạng địa khu Bảo Châu phái một tổ điều tra trực tiếp tiến vào Công xã Hồng kỳ, 7 ngày sau đó trở về địa khu, Ủy ban Cách mạng địa khu Bảo Châu lập tức yêu cầu Ủy ban Cách mạng huyện Hướng Dương đưa ra hình phạt với Nghiêm Ngọc Thành và Liễu Tấn Tài.



Nhận được thông báo của địa khu, Vương Bổn Thanh vừa mừng vừa lo. Mừng ở chỗ lãnh đạo địa khu ủng hộ bản thân một cách rõ ràng, chứng tỏ công tác của bản thân ở huyện Hướng Dương được cấp trên công nhận. Đáng lo ở chỗ địa khu chỉ nói xử lý Nghiêm Ngọc Thành và Liễu Tấn Tài 2 người đương sự, không thấy nhắc đến Trịnh Hưng Vân. … là xử lý Nghiêm Ngọc Thành và Liễu Tấn Tài, cũng đặc biệt nói rõ phải “lấy phê bình giáo dục làm chủ đạo”, không thể một gậy đánh chết. Hơn nữa địa khu không trực tiếp làm quyết định xử lý, chỉ là gián tiếp nói rằng ông ta không nên gắn kết việc này với Trịnh Hưng Vân.



Nên hiểu Ủy ban Cách mạng huyện Hướng Dương không có quyền xử lý thành viên tổ chức của chính quyền cấp đó



Xem ra chỗ dựa của Trịnh Hưng Vân ở khu cũng thật là vững chãi.



Lộ mạn mạn kỳ tu viễn hề!

(Đường vẫn còn dài lắm!)



Vương Bổn Thanh ngầm than thở, nghĩ tới câu thơ nổi tiếng của Khuất Nguyên.



24 tháng 7 năm 1977, quyết định xử lý của Ủy ban Cách mạng huyện Hướng Dương được đưa xuống khu Đài Sơn và Công xã Hồng Kỳ.



Dựa vào sai lầm 2 đồng chí Nghiêm Ngọc Thành và Liễu Tấn Tài mắc phải trong sự việc “nuôi cá trong ruộng”, xử phạt hành chính đồng chí Nghiêm Ngọc Thành, cảnh cáo trong nội bộ Đảng đồng chí Liễu Tấn Tài. Lập tức đình chỉ ngay hoạt động “Nuôi cá trong ruộng” của xã Hồng Kỳ.