Anh Hùng Tiêu Sơn

Chương 16 : Phế đế đinh triều

Ngày đăng: 12:10 18/04/20


Phế Đế Đinh Triều--



Huệ-Sinh ngạc nhiên:



- Cứ như quận-chúa nói, thì chủ nhân của cặp ưng này là ai? Họ theo dõi hành động của Sơn-tĩnh với mục đích gì?



Bảo-Hòa đưa mắt nhìn Thiệu-Thái như muốn hỏi ý kiến của anh. Thiệu-Thái tiến lại cầm lấy chân đôi chim xem xét. Mỹ-Linh thấy đôi chim dễ thương, nàng đưa tay vuốt lông nó. Thình lìnhh nó ré lên một tiếng lớn, dương cánh xù lông, trợn mắt như định mổ tay nàng. Nàng vội vàng dụt tay lại, mắng nó:



- Loài súc sinh, mi định nhá thịt ta hả?



Thiệu-Thái an ủi Mỹ-Linh :



- Em đừng giận. Chim này do người nuôi dạy, nó rất khôn. Chỉ chủ nhân hoặc người biết cách điều khiển mới mó vào nó được. Em muốn làm thân với nó, để anh bảo nó đã.



Rồi Thiệu-Thái líu lo mấy tiếng. Đôi chim ưng hướng Mỹ-Linh gật đầu chào. Chúng cọ cổ vào bàn tay nàng. Thiệu-Thái nói:



- Chúng xin lỗi Bình-Dương đấy. Em có thể đùa với chúng được rồi.



Mỹ-Linh đưa tay vuốt ve lông chim. Thanh-Mai hỏi Bảo-Hòa:



- Tôi nghĩ người nuôi cặp chim này e không nuôi một đôi, mà còn nuôi nhiều đôi khác. Họ là ai vậy?



Thiệu-Thái nhìn về chân trời xa xa chàng nghĩ thầm:



- Đúng như Thanh-Mai nói. Người nuôi cặp chim có nhiều liên hệ với bản phái. Thân thế của người này rất cao. Mình lại không biết rõ là ai. Người này nuôi nhiều chim ưng, sai canh phòng, theo dõi động tĩnh chùa Sơn-tĩnh không biết để làm gì? Dường như mỗi ngày sai một cặp đến đây. Đại sư Nguyên-Hạnh không để ý, nên tưởng chúng chỉ là một cặp chim hoang. Ta không nên cho đại sư Nguyên-Hạnh biết vội,



Chàng nói lảng:



- Không hẳn thế! Tôi chắc chủ nhân của chúng chỉ nuôi có một đôi. Song phúc đức kém quá, chúng thấy đại sư Nguyên-Hạnh sắp đắc pháp Bồ-tát, nên đến đây chầu.



Nguyên-Hạnh nghe nói, mặt biến sắc, tự chửi thầm:



- Mình đáng chết thực, thấy cặp chim ưng thường đến đậu trên cây đa, những tưởng chúng là chim hoang, không ngờ là chim có chủ... họ dùng nhiều cặp chim theo dõi mọi động tĩnh của mình. Họ theo mình mấy năm liền, mà không ra mặt thì hẳn là kẻ thù chứ không phải người thân. Vậy mình phải cố gắng hỏi cho ra chân tướng kẻ thù mới được.



Nguyên-Hạnh cố lấy bình tĩnh trở lại:



- Cứ như thế-tử nói thì chủ nhân cặp chim ưng này thuộc phái Tây-vu?



Theo tại hạ nghĩ cao nhân này không thuộc phái Tây-vu, nhưng có liên hệ rất sâu sa.



Thanh-Mai ngơ ngác:



- Như thế nghĩa là?



Thiệu-Thái giảng giải:



- Như cô nương biết, bản phái gốc từ Hồ tiên-cô, húy Đề. Thời Lĩnh-nam thống-lĩnh toàn quân là Bắc-bình vương Đào Kỳ, tiên cô được phong công chúa, phó thống lĩnh quân mã. Sau khi vua Bà tuẫn quốc, Hồ tiên-cô ẩn thân dạy đệ tử. Vì vậy tất cả võ công các phái khác bị mai một. Duy đệ tử Tây-vu còn giữ nguyên được. Sau khi Hồ tiên-cô qui tiên, các đệ tử Tây-vu thành lập phái. Mỗi trang, mỗi động vẫn sống tự do, tự tại. Trải trên nghìn năm mà giữ trang động như thời Lĩnh-nam. Trong khi miền xuôi, bị người Hán biến thành làng xã. Đến đời ông nội tôi...



Nguyên-Hạnh tiếp lời:



- Giai đọan lịch sử này bần-tăng biết. Nội tổ của thế-tử là Thân Thiệu-Anh, võ công vô địch, một lòng với xã-tắc. Trong khi vua Ngọa-triều tại vì, người tách 207 trang động khỏi Lê triều, coi như một nước riêng biệt. Người dự định đem quân về lật đổ triều Lê. Giữa lúc đó thì đức kim thượng nhà ta được Trung-nghĩa hầu Đào Cam-Mộc cùng các tướng tôn lên ngôi cửu-ngũ. Lúc đầu người từ chối, sau quần thần khuyên can rằng nếu người không lên ngôi vua, e có nội chiến. Quân Tống nhân đó kéo sang, thì cái vạ mất nước trên nghìn năm tái diễn. Đức kim thượng đành nhận lời lên ngôi. Sau khi người lên ngôi, thì lạc-hầu Thân Thiệu-Anh gửi sứ về tỏ ý qui phục.



Thiệu-Thái gật đầu:



- Đúng như đại sư nói. Thời Lĩnh-nam, Hồ tiên-cô có tám đạo quân tham chiến, quân Hán nghe đến tên là kinh tâm động phách. Đó là Thần-ưng, Thần-hổ, Thần-long, Thần-ngao, Thần-phong, Thần-báo, Thần-tượng, Thần-hầu.



Nguyên-Hạnh chợt nhớ ra:



- Phải rồi, bản lĩnh của đệ tử Tây-vu là huấn luyện thú rừng thành binh đội. Như hồi nãy đến giờ, thế-tử, quận-chúa dùng tiếng nói của chim ưng, nói với chúng, mà sai khiến được. Vì vậy khi thấy chim ưng do người nuôi dậy thì hai thí chủ biết liền. Không lẽ người nuôi chim ưng này thuộc phái Tây-vu?



Thiệu-Thái lắc đầu:



- Không phải. Trong trên ba nghìn tiếng nói của chim ưng mà chúng tôi học để điều khiển chúng, thì có khỏang hai nghìn tiếng có từ thời Lĩnh-nam, còn lại là đời sau chế ra. Từ lúc chúng tôi nói truyện với chim ưng, thì khám phá ra rằng có nhiều tiếng tôi nói chúng không hiểu, ngược lại chúng nói nhiều tiếng, chúng tôi không hiểu. Vì vậy Bảo-Hòa mới quyết đóan chủ nhân của chúng có uyên nguyên với phái Tây-vu mà thôi.



Nguyên-Hạnh nhìn Mỹ-Linh, hỏi Thiệu-Thái:



- Phải chăng công-chúa điện-hạ đây sắp về làm dâu họ Thân?



Thiệu-Thái kinh ngạc:



- Tại sao đại-sư lại hỏi như thế? Chúng tôi là anh em con cô con cậu. Mẫu thân tôi là chị ruột của thân phụ Bình-Dương.



Huệ-Sinh mỉm cười:



- Sư thúc của bần tăng nói đúng đó. Nguyên khi đức kim thượng còn hàn vi, có kết huynh đệ với nội tổ của thế-tử. Hai bên ăn cùng mâm ,ngủ cùng giường. Có một lần người hứa sẽ gả công-chúa Hồng-Châu cho nghĩa đệ. Người còn hứa, đời đời họ Lý sẽ gả con gái cho họ Thân. Cho đến đời thân phụ của thế-tử, lại được người gả công-chúa Bảo-Hòa cho. Bần tăng nghĩ, sau này thái-tử lên nối ngôi ắt gả Bình-Dương cho thế-tử.



Bảo-Hòa lắc đầu:



- Truyện này không thể có được. Vì mạ mạ của đệ tử đã hỏi con gái động trưởng Vật-dương là Vi Huệ-Chân cho anh Thiệu-Thái rồi. Đã có Huệ-Chân, thì anh Thiệu-Thái không thể thêm Bình-Dương được. Mạ mạ sẽ cắt chân.



Hồi còn nhỏ Mỹ-Linh thường nghe mẫu thân kể cho nghe giai thọai này. Song nàng chưa đủ lớn để có ý niệm về hôn nhân. Nàng nghe nói, Lạng-châu là châu lớn nhất Đại-việt, do họ Thân cai trị, theo lối lưu truyền huyết tộc. Vì ảnh hưởng từ thời Lĩnh-nam, dân Lạng-châu theo chế độ mẫu hệ. Để tỏ lòng trung thành với nghĩa huynh, lạc-hầu Thân Thiệu-Anh cưới thái cô Hồng-Châu. Tuy nói rằng cưới, chứ sự thực đón thái-cô lên làm chúa vùng núi rừng Bắc-biên. Không ngờ thái cô Hồng-Châu say mùi đạo, không màng phú quý, bỏ đi tu, người nữ tỳ bỗng trở lên vua bà Lạng-châu. Sau đó ông nội nàng lại gả cô nàng cho con của Thân Thiệu-Anh với tỳ nữ là Thân Thừa-Qúi. Cô nàng được phong tước Lĩnh-Nam bảo-quốc hoà dân công-chúa thường gọi tắt là công-chúa Bảo-hòa. Cô nàng trở thành vua bà Lạng-châu, thống lĩnh tất cả 207 châu động vùng Bắc-biên. Cô nàng có hai con trai, không biết nàng sẽ bị gả cho ai? Nàng đưa mắt nhìn người Thiệu-Thái, quả thực là một bậc nam tử. Thân thể hùng vĩ, cử chỉ đường bệ. Khái niệm về tình yêu bỗng đến thực nhanh. Mặt nàng đỏ ửng, cúi xuống, không dám nhìn Thiệu-Thái nữa.



Thanh-Mai hỏi Mỹ-Linh:



- Này Bình-Dương, em có bao nhiêu chị em gái?



Tất cả chín người. Em là lớn nhất. Song không phải cùng mẹ. Phụ vương có tất cả bẩy vương-phi, ngoài ra còn thêm hai mươi bốn mỹ-nữ nữa.



Thanh-Mai lại hỏi Bảo-Hòa:



- Còn quận chúa. Quận-chúa có mấy anh em trai. Phụ-thân quận-chúa có bao nhiêu phi-tần?



Bảo-Hòa cười:



- Chị này lẩn thẩn. Ở Lạng-châu trên thì thờ vua Trưng, Hồ-tiên-cô. Lạng-châu tôn trọng phụ nữ. Trong 207 châu-động thì đến 99 do nữ chúa cai quản. Người tổng quản là châu trưởng Lạng-châu bao giờ cũng là nữ, thường gọi là vua Bà. Mạ-mạ tôi là đương kim vua Bà. Luật bản triều cho phép chồng có nhiều vợ. Nhưng phép vua thua lệ làng. Cả vùng Bắc-biên theo chế độ một vợ một chồng. Vợ, cũng như chồng lôi thôi là bị tội nặng. Bố chỉ có một mình mạ-mạ. Anh Thiệu-Thái lớn nhất, thứ đến anh Thiệu-Cực, cuối cùng là tôi.



Thanh-Mai cười:



- Như vậy khó biết sau này trong chín chị em của Bình-Dương, ai sẽ về làm dâu họ Thân? Từ năm mười lăm tuổi, bố mẹ Thiệu-Thái đã hỏi Vi Huệ-Chân con gái động trưởng Vật-dương cho chàng. Ngày làm lễ hỏi, chàng được thấy mặt Huệ-Chân một lần. Như tất cả các cô gái vùng thượng du khác, Huệ-Chân học cỡi ngựa, săn thú, sống với thiên nhiên. Từ đấy, cứ mỗi tiết chính chàng lại phải mang lễ vật đến động Vật-dương dâng bố mẹ vợ. Trong dịp này, chàng có dịp phi ngựa, săn thú cùng với Huệ-Chân. Hai người dần dà trở thành đôi bạn thân. Nhưng tuyệt nhiên cả hai chưa hề sinh ra một chút tình yêu trai gái nào. Mạ mạ chàng quyết định cuối năm nay sẽ cưới Huệ-Chân về Lạng-châu. Tuy sắp có vợ, mà chàng thấy rửng rưng như không. Mấy hôm nay, theo lệnh mạ mạ, chàng cùng em gái đuổi theo bọn Địch Thanh vào tới trấn Thanh-hóa thì gặp cô em họ Lý Mỹ-Linh. Khác với các cô gái thượng du chàng đã gặp. Mỹ-Linh ôn nhu, văn nhã. Nàng có một sắc đẹp huyền ảo, mờ mờ như người trong mơ. Mỹ-Linh với chàng là anh em cô cậu. Vì vậy nàng không tỵ hiềm nam nữ. Hai người gặp nhau là truyện trò không ngừng. Bây giờ nghe em gái nhắc đến mối hôn nhân với Huệ-Chân, tự nhiên chàng cảm thấy đau nhói trong tim. Bất giác chàng liếc nhìn Mỹ-Linh, buông tiếng thở dài.



Bỗng có tiếng chim kêu từ xa vọng lại, mọi người ngước mắt nhìn lên: từ phía Tây, một đôi chim ưng khác bay lại. Chúng kêu lên một tràng liên tiếp. Cặp chim ưng đang đậu trên bụi cây kêu lên mấy tiếng đáp lại, rồi vọt lên cao.



Bảo-Hòa nới với Huệ-Sinh:



- Đúng rồi. Chủ nhân thấy đến giờ, đôi chim này không về, sai đôi chim kia đi tìm.
Ông từ ngơ ngác chỉ vào quái nhân hỏi:



- Vị này là vương tước Đại-Việt hay Đại-Tống?



Triệu Huy đáp:



- Vị này là Vệ-vương, nguyên là con thứ Đinh Tiên hoàng-đế.



Ông từ ngơ ngác:



- Thế là thế nào?



Đàm An-Hòa đáp:



- Nguyên trước đây vua Đinh có ba người con. Con lớn được phong Nam-việt vương. Con thứ, tức vương gia đây được phong Vệ-vương. Con thứ là Hạng-lang được lập làm thái tử. Niên hiệu Thái-bình thứ 10 (979), Nam-việt vương giết chết thái-tử Hạng-lang, rồi Đỗ Thích giết chết vua Đinh cùng Nam-việt vương. Triều thần tôn vương gia đây lên làm vua. Không ngờ Lê Hòan tư thông với Dương thái hậu, cướp ngôi, phế vương gia xuống làm Vệ-vương.



Ông từ ngắt lời:



- Tôi nghe nói Vệ-vương Đinh Tòan theo vua Lê đánh giặc ở vùng Cẩm-thủy trúng tên chết năm Tân-sửu (1001) nhằm niên hiệu Ứng-thiên thứ 8, chứ đâu có còn đến ngày nay?



Quái-nhân buồn rầu nói:



- Khi phụ hoàng cùng với Nam-việt vương bị ám hại, ta còn quá nhỏ. Ta còn nhớ khi ta được đưa vào triều kiến phụ hòang, thì ngươi chỉ còn thoi thóp thở. Người truyền đuổi hết tả hữu ra, chỉ để lại hai người là Định-quốc-công Nguyễn Bặc, Uy-quốc-công Đinh Điền. Phụ hòang ủy thác cho hai vị làm phụ chính, giúp ta trị nước. Người sai lấy chiếc áo đa trao cho ta và dặn rằng : Trọn đời ta nhờ chiếc áo này, mà trở thành anh hùng vô địch, thắng 12 sứ quân lập đại nghiệp. Vậy nếu sau này con muốn nắm được muôn dân, khuynh đảo anh hùng, phải theo bí quyết trong áo mà luyện tập . Nói rồi người đọc vào tai ta mười câu kệ. Bấy giờ ta vì kinh hỏang nên không nhớ được gì.



Đinh Tòan ngửa mặt nhìn trời, rồi thở dài: Ta vừa được lên ngôi vua, thì Lê Hòan giữ chức thập-đạo tướng quân, mưu cướp ngôi. Nguyễn Bặc với Đinh Điền đem quân bắt y. Y đem quân chống lại. Hai bên giao chiến nửa ngày thì y bị bại. Y chạy vào cung cầu cứu với mẫu hậu ta. Mẫu hậu của ta tư thông với y từ lâu. Người cho một tên quân mặc quần áo của Lê Hoàn, rồi sai đem chém. Triều thần ai cũng tưởng Lê Hòan chết rồi. Nguyễn Bặc, Đinh Điền cho lui quân khỏi Hoa-Lư. Mẫu hậu truyền gọi Nguyễn, Đinh vào cung ủy lạo. Lê Hòan cho võ sĩ phục binh giết chết. Thế rồi Lê lên làm vua. Y định giết ta. May mẫu hậu hết sức che chở ta mới thoát nạn. Ta tuy sáu tuổi, khờ đại, song trong bóng tối còn nhiều người có lòng với Đinh triều. Đêm đêm họ âm thầm gặp ta, dặn dò ta phải đóng vai ngây dại. Năm ta mười tuổi bắt đầu tập võ. Lê Hòan là đệ tử phái Tiêu-sơn. Còn phụ hoàng ta thuộc phái Hoa-lư. Y dạy võ công Tiêu-sơn cho ta. Ta giả ngây, giả dại luyện tập không kết quả. Y tin thực. Trong khi đó đêm đêm vẫn có một kỳ nhân nhập hoàng thành dạy võ công Hoa-lư cho ta. Việc lâu ngày, bị bại lộ. Một đêm kỳ nhân nhập thành, bị Lê Hòan cho phục binh giết chết. Y không tra vấn ta điều gì cả. Ta biết y tìm cách giết ta.



Đinh Tòan nghiến răng nói:



- Năm ta 28 tuổi, nhân có giặc nổi lên ở Cẩm-thủy. Y đem quân đánh dẹp. Y mang ta theo. Ta biết y tìm cách giết ta. Trong lúc giao chiến với giặc ở trên sông. Ta bị một người vô danh từ sau bắn tên vào lưng. Nhưng ta đã được kỳ nhân luyện tập võ công Hoa-lư, nên tránh được. Đến mũi tên thứ ba, ta thấy tên đi không mạnh. Ta dơ tay lên, chờ mũi tên xuyên qua nách, thì kẹp lại. Ta giả loạng choạng như bị trúng tên, rồi ngã lộn xuống sông. Rơi xuống sông rồi, ta lặn vào bờ, ẩn dưới bụi cây. Mặc cho chiến trận xẩy ra, ta cứ thế lặn đi xa, sau chồi lên. Ta giả làm người khùng, ẩn nơi hoang sơn luyện tập võ.



Ông từ nghe truyện cũng buồn lây:



- Tôi nghe vua Đinh xưa là anh hùng vô địch, thế sao di thư để lại trong chiếc áo cho vương gia, mà vương gia luyện không có kết qủa?



Đinh Tòan gật đầu:



- Ta đem chiếc áo da ra tìm đi, tìm lại hàng ngàn lần cũng không ra di thư. Sau ta dùng dao, tháo lớp lụa bên trong, mới tìm ra được bản đồ cất di thư. Ta tuy có bản đồ, mà cũng không tìm ra nơi chôn cất. Ta lần mò sang Trung-quốc triều kiến Tống thiên tử để xin giúp ta về đọat lại giang sơn. Ta đem chiếc áo da ra làm tín vật. Song các quan bàn lui bàn tới không quyết định. Ta đành ẩn thân ở Trung-quốc, cho mãi đến niên hiệu Thuận-thiên thứ nhì (1011), Lý Công-Uẩn sai hai vị cựu thần nhà Đinh là Lý Nhân-Nghiã và Đào Khánh-Vân sang sứ Trung-quốc. Ta tìm đến gặp hai vị sứ. Lý Nhân-Nghiã không những không giúp ta, y còn khuyên ta nên hồi hương. Ta không nghe. Y bỏ về nước. Còn Đào Khánh-Vân gặp ta, y mừng lắm. Bởi y là đệ tử Hoa-lư. Y ở lại Tống, cùng ta mưu phục hồi nghiệp Đinh.



Đàm An-Hòa hỏi:



- Thưa vương gia, thế Đào Khánh-Vân hiện nay ở đâu?



Y chết rồi. Trong khi nói truyện với y. Y kể cho ta nghe rằng xưa kia ông nội ta là Đinh Công-Trứ, làm thứ sử vùng châu Hoan, tức vùng này. Phụ hoàng ta nhân đó theo học phái Hoa-lư. Phái Hoa-lư từ khi vua Trưng tuẫn quốc, võ công bị mai một đi rất nhiều. Thế nhưng trong lần tắm sông, phụ hoàng ta đã tìm ra một hang động trong đó chép hết võ công thời Lĩnh-nam. Nhân đó người luyện tập thành anh hùng vô địch, mà thống nhất được giang sơn. Ta nảy ra ý cùng Đào Khánh-Vân trở về vùng Cửu-chân này tìm ra nơi cất di thư. Không may trên đường về, Khánh-Vân bị bắt, bị đánh bằng gậy cho đến chết. Còn ta, ta lộn trở qua Trung-quốc, rồi gặp Ngô chiêu-thảo-sứ đây bảo tấu. Tống thiên tử hứa sẽ giúp ta đem quân về đọat lại ngôi vua.Bước đầu người truyền ta theo Bình-nam vương đi tìm di thư. Nhờ tài mẫn tiệp, Triệu lang-trung đã tìm được những ký hiệu viết trên áo, rồi tìm ra hang động này... Thực phụ hòang ta linh thiêng, phò hộ ta, mới có ngày hôm nay.



Ngô Tích chỉ vào đường hầm:



- Chúng ta xuống dưới đó. Ông từ ở ngoài này canh chừng.



Quái nhân cầm bó bổi đi trước, bọn Triệu Anh, Ngô Tích, Triệu Huy theo său. Đợi cho cả bọn đi rồi, thình lình Bảo-Hòa vọt mình ra khỏi bụi hoa chụp cổ ông từ. Nàng dí kiếm vào cổ:



- Im ngay. Nếu lên tiếng ta giết chết liền.



Thanh-Mai bảo Mỹ-Linh:



- Em gọi đạo quân Ngự-long hay Quảng-thánh tới ngay.



Mỹ-Linh cầm mũi tên, châm vào lửa, rồi dùng nội lực ném lên cao. Mũi tên nổ đến đoàng một tiếng rồi toả ánh sáng như một con rồng mầu tím.



Bảo-Hòa hỏi Thanh-Mai:



- Bây giờ chúng ta dùng đá lấp cửa hầm lại, thì bọn Triệu Huy hết đường lên. Đợi quân đến, sẽ mở cửa hầm bắt chúng.



Thanh-Mai lắc đầu:



- Không ổn. Công lực bọn này ghê lắm, chúng sẽ gỡ đá leo lên, bọn mình địch không nổi chúng đâu. Đối với bọn này phải ác mới được. Chi bằng dùng cỏ hun cho chúng ngộp hơi thì hơn.



Phía sau đền có đống rơm. Ba chị em rút lấy mấy ôm rồi châm lửa trút xuống hầm. Mỹ-Linh hỏi:



- Không có quạt, thì làm sao quạt khói xuống được?



Thanh-Mai không trả lời, nàng vận khí phát chưởng hướng vào hầm. Gió chưởng cuồn cuộn tuôn ra. Đám rơm bốc cháy đỏ rực. Trong hầm có tiếng la hét rồi có tiếng ho sặc sụa. Bảo-Hòa, Mỹ-Linh rút thêm rơm đem đến cho Thanh-Mai.



Hun một lúc, Bảo-Hòa nói:



- Như vậy đã đủ rồi. Em sợ lỡ ra đường hầm có ngả khác thông ra ngoài, chúng ra được thì bọn mình nguy tai. Bây giờ chúng ta dùng đá lấp lại, rồi ẩn vào bụi cây, chờ hai đạo binh tới.



Ba chị em cậy đá, gạch trên sân liệng xuống cửa hầm, phút chốc, hầm bị lấp kín. Ba người còn dùng sức đẩy cái bể cạn lật ngửa, rồi lấp lên trên. Bảo-Hòa trói ông từ lại, nhét dẻ vào miệng, đem bỏ sau bụi lau phía trước đền. Xong xuôi, ba chị em, tìm chỗ núp.



Mỹ-Linh hỏi Thanh-Mai:



- Hôm trước ông Tôn Trung-Luận bịa đại ra rằng di thư dấu ở đền thờ Nhâm, Tích, để bọn Tống phái đi cho bõ ghét. Không ngờ lại là sự thực.



Bảo-Hòa cũng thắc mắc:



- Nghĩ cũng điên đầu thực. Rõ ràng bọn Triệu-Thành có bản đồ cất di thư. Thế mà chúng còn bầy ra vụ trộm, rồi cướp ở đền thờ Tương-liệt đại vương để làm gì không biết?



Ba người ngồi im, chờ hai đạo quân tới.



Bỗng có tiếng chân người đi từ phía sau đền, rồi có tiếng đàn bà, trẻ con kêu khóc, lẫn với tiếng quát tháo. Thanh-Mai nhận ra tiếng Đàm An-Hòa:



- Chồng mày đâu?



Có tiếng đàn bà đáp lại:



- Mới đây chồng tôi vào dặn tôi rằng bất cứ biến cố gì cũng không được lên tiếng, không được ra khỏi nhà. Rồi theo các ông đi...



Có nhiều tiếng chân đi tới. Từ phía sau đền, Đàm An-Hòa cùng với bọn Triệu Anh, đi ra. Người nào đầu tóc cũng bù xù, quần áo xốc xếch. Đàm An-Hòa túm tóc một người đàn bà. Thanh-Mai đóan là vợ ông từ. Nàng chửi thầm:



- Bọn này bị ta hun khói lấp cửa hầm. Chúng bị ngộp hơi tưởng chết. Không biết chúng thoát ra bằng ngách nào? Chắc ngách đó phải chui dưới nước, nên chúng ướt như chuột lột. Bọn chúng cho rằng ông từ hại chúng, tra khảo vợ con ông.



Triệu Huy nói:



- Tôi nghi chưa chắc người lấp hầm, cũng như hun chúng ta là ông từ. Đàm hiệu úy đừng hành tội bác.