Côn Luân

Chương 53 : Vô pháp vô tướng

Ngày đăng: 20:59 22/04/20


Mưa rả rích như chuỗi hạt đứt dây, mỗi rơi mỗi thưa. Ráng hồng rực rỡ

kéo lên phía trời đông, núi đồi trong trẻo mát lành như mới gột. Có ba

người nông dân nọ, ăn sáng xong thì dắt trâu ra khỏi nhà, vừa đi vừa

chuyện gẫu. Tới gần bờ ruộng, họ gặp một người đi ngược lại, đầu tóc rũ

rượi, toàn thân lấm lem những bùn sình cỏ lá, dưới mớ tóc rối là đôi mắt đờ đẫn, ánh nhìn vô hồn.



Người nông dân khô đét nhổ nước bọt đánh toẹt, bực bội thốt:



- Lại một tên khố rách áo ôm đến xin ăn.



Người lùn tịt chắc nịch đi bên hắn tỏ ý thông cảm:



- Cũng chỉ tại bọn phương bắc, từ ngày kết bè kết đảng kéo xuống đây, chúng đã gây cho dân lành biết bao tội nghiệt.



Người thứ ba thân hình cao lớn, nói giọng hằn học:



- Hôm qua lý trưởng đến báo, bọn Thát còn đòi trưng thu lương thực nữa

cơ. Con mẹ nó, lão tử chỉ muốn đập chết quân chó đẻ ấy cho rảnh nợ!



Ba gã nông dân đang nhai nhải thóa mạ, kẻ lôi thôi lốc thốc nọ bỗng bổ nhào đến ôm choàng cổ con trâu đực của họ, gào khóc:



- Đừng chết, đừng chết mà!



Con trâu thất đảm, chĩa sừng ra húc, nhưng người nọ đứng vững như mọc rễ, trợn mắt thét:



- Được lắm, húc đi, mày không bao giờ đẩy ngã được tao, tao không sợ đâu!



Ba người nông dân nhìn mà phát sợ, gã lùn thốt lên:



- Ối, thằng điên!



Con trâu bị cùm chặt cổ, rống ò ọ liên hồi, chĩa sừng giãy giụa, mõm sùi

bọt trắng. Người nọ sục chân vào đất sâu đến cả thước, không chịu nhúc

nhích bước nào, chỉ một mực gào:



- Mày không bao giờ đẩy ngã được tao, tao không sợ đâu!



Ba người xúm lại toan gỡ hắn, kẻ ấy bỗng gầm lên một tiếng, gồng sức vặn con trâu đổ kềnh xuống đất rồi vỗ tay cười nghiêng ngả.



Dân trong làng bắt đầu tỏa ra đồng, thấy cảnh đó liền hò hét vác cuốc lao

tới đánh. Người nọ duỗi tay quét một vòng, đám nông dân đều toạc hổ

khẩu, cuốc bay tuột đi hết, ai nấy sợ hãi tháo chạy. Người nọ múa may

quay cuồng, gọi với: “Đừng chạy nào!”, rồi đuổi theo, khua trái hất phải khiến đám nông dân lăn lông lốc. Xong xuôi, hắn chống tay vào hông,

ngửa mặt cười sặc sụa.



Mấy người đàn bà nghe động chạy ra, tên nọ bèn trợn mắt quát:



- Các ngươi xông cả lại đây, ta không sợ đâu! – rồi băng mình đến trước mặt họ.



Đám nông phụ đều khiếp đảm trước bộ dạng hung ác và hành động như ma quái

ấy, cùng la lên thất thanh. Người nọ nghe tiếng la bỗng giật bắn mình,

quơ luôn lấy một thôn nữ, rú gào thảm thiết:



- A Tuyết, A Tuyết…



Kẻ điên dại ấy cố nhiên là Lương Tiêu. Thần trí gã không còn minh mẫn, cảm nhận về sự vật xung quanh đã khác hẳn bình thường. Cô thôn nữ bị gã ôm

nghẹt, sợ đến nỗi toàn thân lạnh ngắt, cơ hồ ngất lịm, khó khăn lắm mới

thở lại được. Dần dần, nghe gã khóc thảm thiết quá đỗi, nỗi sợ hãi đổi

ra cảm động, cô cũng bặm môi sụt sùi.



Thình lình, một người gạt

đám đông băng đến trước mặt Lương Tiêu, vỗ thật nhanh lên vai gã. Hai

cánh tay Lương Tiêu bỗng dưng rời rã, không nắm vững được nữa, gã đành

buông cô gái, mắt rực hung quang, quát:



- Ngươi là ai?



Người vừa xuất hiện cười nhạt:



- Đàn bà con gái mà ngươi cũng dám bắt nạt ư? Lão tử phải tát vỡ mặt

ngươi ra! – Nói là làm liền, hắn vung cả hai tay đập bốp vào hai bên má

Lương Tiêu.



Tuy đầu óc mụ mẫm nhưng võ công Lương Tiêu cũng còn

được đến bảy phần mười, nào ngờ người kia xuất thủ nhanh đến mức gã

không tránh kịp, mặt sưng vù lên, xoay đúng hai vòng thì ọe ra một cục

đờm lẫn máu đen tím. Người nọ không đợi Lương Tiêu đứng vững, lập tức

nhảy tới đẩy thốc một chưởng vào ức gã. Lương Tiêu bị hất lộn phộc lên

không rồi rơi thình xuống đất, chưởng lực động đến hai huyệt Trung phủ

và Vân môn khiến một chất lỏngnóng ran trào lên òng ọc trong cổ họng gã

rồi theo đường miệng thổ ra ngoài, lại là đờm lẫn máu, nhưng cũng nhờ

thế mà làm vợi khí uất tắc nghẹn trong lồng ngực. Lương Tiêu lảo đảo

đứng dậy, người nọ lại nhao tới, vo nắm tay đấm một phát vào dưới mũi

gã, ngay chính huyệt Nhân trung, vốn được coi là hào nước dẫn thông đến

Thủ dương minh đại trường kinh và các đại huyệt ở Đốc mạch.



Cơn

đau từ huyệt Nhân trung lan rộng như mạng nhện giăng khắp mặt Lương

Tiêu. Đầu óc bỗng tỉnh táo hẳn ra, gã quét mắt nhìn quanh, thầm kinh

ngạc: “Chỗ nào thế này?”. Mới nghĩ được thế thì đã bị người nọ khoằm tay mổ vào giữa ngực, Lương Tiêu không tránh kịp, huyệt Trung cực trúng đòn khiến toàn thân tê dại.



Người nọ cười:



- Nhận thua chưa?



Lúc này hai bên đứng đối mặt nhau, Lương Tiêu ngước nhìn, kinh ngạc thốt lên:



- Ông đấy à?



Đó chính là lão già cổ quái trà trộn vào làm loạn đại doanh quân Nguyên

hôm nào. Sau khi bị thương vì hứng một chưởng của Hạ Đà La, lão trốn

khỏi quân doanh, tĩnh dưỡng đến khi bình phục thì theo nạn dân Đại Tống

chạy tới làng này.



Đầu óc lão không được bình thường, chuyện đã

qua là quên béng, hiện giờ chẳng nhớ Lương Tiêu là ai nữa, nghe gã thốt

thì kinh ngạc hỏi:



- Ngươi quen ta à? – rồi sầm mặt, lặp lại. – Nhận thua chưa?



Chỉ trong khoảnh khắc, trước cặp mắt trừng trừng của con người ấy, bao

nhiêu chuyện trước kia bị đánh thức, ùn ùn kéo qua tâm trí Lương Tiêu.

Dòng hồi tưởng dừng ở cảnh gã ngã xuống nước, hình như đập đầu vào vật

gì răn rắn, chuyện sau đó ra sao gã không tài nào nhớ nổi nữa… Càng

nghĩ, lòng càng chua xót, ý chí tranh đấu thui chột, Lương Tiêu uể oải

thở dài:



- Lão gia tử, tôi nhận thua, ông buông tay ra đi!



Lão già khoái chí buông Lương Tiêu, vỗ tay cười lớn.



Lương Tiêu ngoảnh nhìn đồng rộng núi xa, cay đắng nghĩ thầm: “Vì sao A Tuyết

đã chết mà ta còn sống sờ sờ ở đây? Chẳng lẽ ông trời giày vò ta chưa đủ ư?”. Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng vốn chẳng phải kẻ khư khư cố chấp, sau

một trận cải tử hoàn sinh, gã cũng từ bỏ ý muốn liều thân, bèn quay mình bước đi. Lão già kỳ quái liền tóm ngay lấy huyệt Linh đài trên lưng

Lương Tiêu, khiến gã vốn u uất sẵn lại thêm bực mình:



- Còn muốn gì nữa đây?



Hớn hở như tìm được đồ chơi, lão già náo nức nói:



- Ngươi ở lại, ngày ngày đánh nhau với ta chẳng vui lắm ư?



Lương Tiêu đã chán ngấy mọi thứ trên đời, chẳng lòng dạ nào mà a dua theo trò vè của lão, bèn bảo:



- Ông túm chặt thế, tôi làm sao đánh nhau với ông được?



Lão già trố mắt, rồi thả ngay tay, cười rinh rích:



- Phải, phải!



Vừa được tự do, Lương Tiêu lập tức vận khí chạy hết tốc lực, chạy liền tù

tì sáu bảy dặm, kỳ bụng đói meo mới dừng chân. Gã đang định tìm thứ gì

ăn uống, chợt nghe tiếng cười hì hì:



- Hay hay, chạy nhanh đấy!



Lương Tiêu giật bắn mình ngoái nhìn. Lão già kỳ quái nọ đang đứng chắp tay sau lưng gã:



- Chạy đi, sao không chạy nữa?



Lương Tiêu đã hết cả hơi sức, thấy lão già nhằng nhẵng đeo bám liền ngồi phệt ngay xuống, tức giận bảo:



- Tôi mệt rồi, không chạy nữa!




Hai người đấu đến nửa ngày trời, lão già ù ù cạc cạc trước sự ngoắt ngoéo của thạch trận, đồng thời mất

khả năng kiểm soát Lương Tiêu, thành thử gã muốn đấu thì đấu, muốn đi

thì đi. Đêm xuống, Lương Tiêu thận trọng rời trận đi mua cơm tối, lặng

lẽ đem về đặt cạnh lão già. Trong khi đó lão này vẫn tưởng Lương Tiêu

đang ở gần bên, vốn lẩn thẩn, tự dưng thấy cơm nước mọc ra cũng chẳng

bận lòng nghĩ nhiều, ăn tì tì rồi ngủ, đợi khi Lương Tiêu xuất hiện thì

tiếp tục tỉ thí với gã.



Cứ như thế, hai người thi đấu đêm ngày.

Lương Tiêu quên hết mọi sự bên ngoài, chuyên tâm phá bỏ những điều đã

học, dồn sức sáng tạo ra chiêu thức mới. Lúc đầu, gã còn phải hình dung

xong các biến hóa mới dám động thủ, nhưng dần dần đã đạt được mức tùy cơ ứng biến, lâm trận ra chiêu theo tình hình. Lão quái thi thoảng cũng mô phỏng được một hai chiêu, còn phần lớn các biến chiêu của Lương Tiêu

rất khéo và lạ, không thể bắt chước nổi. Lão ta bình sinh chỉ canh cánh

bên lòng chuyện phân thắng phụ, luôn mong mọi người trên đời đều võ nghệ siêu quần đặng làm đối thủ của mình, nay thấy Lương Tiêu mỗi lần xuất

hiện, võ công lại tấn tới thêm một chút thì rất đỗi vui mừng, dần dần

không so đo kỳ kèo gì chuyện gã thi thoảng lại nhao mình trốn vào thạch

trận nữa. Đôi ba lần bắt được Lương Tiêu, lão cũng không nỡ giữ ghịt

lấy, bèn thả trở vào trong trận, háo hức mong đợi lúc gã tái xuất và trở nên lợi hại thêm. Nếu Lương Tiêu không tiến bộ, lão tỏ ra bất mãn và

tiếc hận, la hét chửi mắng ỏm tỏi, nào là chỉ thêu không nên gấm, nào là sắt mài không nên kim…



Ba tháng thấm thoắt trôi đi, Lương Tiêu

chìm đắm trong võ học, đêm ngày giao đấu, thường xuyên sức cùng lực

kiệt, chật vật vô vàn, nhưng chính sự luyện tập ấy đã giúp lòng gã nguôi ngoai đi nhiều. Thi thoảng, gã ra khỏi trận đi mua đồ ăn thức uống,

nhân lúc ấy, nghe ngóng được rằng A Truật đã phá xong Dương Châu và Thái Châu. Tướng Tống là Lý Đình Chi tuẫn tiết vì đất nước, quân đội tinh

nhuệ của Đại Tống coi như bị đập tan hoàn toàn. Tuy vậy chiến sự tây bắc càng lúc càng gay go, phiên vương Mông Cổ và Hốt Tất Liệt giao tranh

khiến trời long đất lở, đại quân Nguyên triều nhốn nháo trở về bắc cứu

viện, tàn quân Tống thừa cơ nổi lên, chỉnh đốn lực lượng tái lập uy

phong mưu đồ phục quốc, có thể nói là đã tới ngày thiên hạ đại loạn.

Lương Tiêu nghe tin, chán ghét cùng cực, chỉ muốn rèn luyện với lão quái bí hiểm nọ mãi mãi cho tới hết phần đời còn lại.



Một hôm, hai

người chiết giải được chừng trăm chiêu thì Lương Tiêu thua. Hôm ấy đã

đấu cả thảy ba trận, gã bải hoải rã rời, không còn sức trốn vào thạch

trận nữa, ngã vật ngay xuống thở hồng hộc. Hai người ở bên nhau đã lâu,

thân thiết hơn xưa nhiều, trước cảnh ấy lão già cũng không khống chế hay gây khó dễ gì cho Lương Tiêu, để gã nằm nghỉ, còn bản thân đi ra chỗ

khác hò hét đấm đá mài giũa công lực.



Lương Tiêu thở rất lâu mới

điều hòa được hô hấp. Vừa trở lại trạng thái bình thường, trong đầu gã

lại lướt qua vô vàn những cảnh chiến trận thê thảm trước đây. Gã run rẩy nhắm mắt, gắng sức trấn định tinh thần, khó khăn lắm mới gạt được giáo

mác ngựa nghẽo ra khỏi tâm trí thì một gương mặt tròn trặn trắng trẻo

lại hiện ra thay thế, đôi mắt to nhìn gã, vừa bịn rịn vừa sầu thương.



Lương Tiêu ủ rũ đưa mắt nhìn quanh, thấy lão già đang hoa chân múa tay, mặt

mày rạng rỡ như thể không biết đến ảo não buồn phiền, gã bất giác nảy

lòng khao khát: “Nếu ta có thể quên sạch mọi chuyện quá khứ như lão ấy

thì tốt biết bao nhiêu”. Mong là mong vậy, nhưng gã cũng hiểu xóa bỏ ký

ức là việc không đơn giản, bèn thở dài thườn thượt, nghĩ sang chuyện

khác: “Mấy hôm nay mải miết luyện võ, quên béng cả dự định chữa bệnh

đãng trí. Ta và lão có duyên tương tụ, không thể thõng tay bàng quan

nhìn lão già nua tuổi tác mà còn xa vợ lìa con, lưu lạc giang hồ”.



Ý đã quyết, gã bèn gọi lão già, vừa dỗ vừa lừa đưa lão đến một y gia nhờ

thăm bệnh. Viên lang trung thấy hai người quần áo rách rưới thì cụt

hứng, chỉ sợ họ quỵt tiền khám, ngần ngừ mãi mới bắt mạch cho lão già

rồi phán gọn thon lỏn:



- Khí huyết sung mãn, kinh mạch điều hòa, hoàn toàn không có dấu hiệu bệnh tật gì cả.



Lương Tiêu cau mày:



- Đại phu xem kỹ hộ, ông ấy mắc bệnh đãng trí mà!



Lang trung vốn đã sốt ruột lắm rồi, bèn trừng mắt gắt gỏng:



- Đãng trí mà là bệnh à? Có tuổi ắt hay quên, làm sao tránh được. Nhớ năm xưa lão phu đọc sách, khẽ lướt mắt là thuộc ngay, bây giờ đọc sách, một trăm chữ chỉ nhớ nổi hai ba, nếu bệnh ấy mà chữa được thì ta đã mời ai

đó chữa hộ ta rồi.



Lương Tiêu hiểu người này trông mặt mà bắt

hình dong nên mới thô lỗ với họ như vậy. Gã đã trải qua nhiều kiếp nạn,

tính tình trở nên chín chắn, không còn mừng giận thất thường như trước

nữa, bèn nín nhịn quay ra, đưa lão già đến vài ba danh y khác. Ở đâu họ

cũng gặp cùng một thứ thái độ, tử tế ra thì tiếp đón nhạt nhẽo, tồi tệ

thì châm biếm lạnh lùng.



Lão già đi mãi đâm nóng nảy, Lương Tiêu

gắng dằn lửa giận, nghĩ bụng: “Xem ra đại phu thường cũng chẳng chữa

được bệnh này! Nhớ năm nào gặp Ác Hoa Đà Ngô Thường Thanh ở Thiên Cơ

cung, tính tình thất thường nhưng mang danh hiệu Hoa Đà, hẳn y thuật rất cao minh. Hiểu Sương từng kể ông ấy sống ở núi Phụ Đường. Tục ngữ có

câu Qua sông phải lụy lái đò, tối trời nên phải lụy cô bán dầu, ta cố

nín nhịn cái thói cáu gắt vô lối của ông ấy để đến cầu may xem sao!”.



Gã lập tức bịa chuyện dỗ lão già:



- Tôi quen một tuyệt đỉnh cao thủ sống ở núi Phụ Đường, ông có muốn gặp ông ấy không?



Lão già phấn chấn reo luôn miệng:



- Hay lắm hay lắm, – rồi không hỏi cho rõ ngọn ngành, đã túm Lương Tiêu chạy về hướng nam.



Lương Tiêu vội can:



- Sai rồi, hướng bắc mới đúng, – rồi lôi lão già đi về hướng bắc.



Đi được chừng một dặm, lão già bắt đầu chê bai Lương Tiêu đi quá chậm,

đoạn đặt tay vào be sườn gã, vừa đẩy vừa rảo chân thi triển khinh công.

Lương Tiêu vốn không chạy nhanh bằng, đành vận dụng hết những thuật thổ

nạp đã lĩnh hội được từ tiếng ngáy của lão già quái lạ. Ngay lập tức,

một luồng khí lực kỳ lạ bắt đầu chớm lên trong hai chân, kích thích gã

chạy. Kết hợp với sức đẩy của lão già, Lương Tiêu bắt kịp cước trình mà

không phải gắng gượng gì cho lắm. Chỉ có điều hễ hành công như vậy là sẽ phải chạy đến mức đứt hơi kiệt sức, không bao giờ dừng lại được nữa.



Cứ chật vật như thế mấy lần, Lương Tiêu dần dần dò ra yếu quyết, trong lúc di chuyển gã lưu tâm quan sát cử động của lão già, dần dần phát giác ra khi chạy, lão rất chú ý đến bộ pháp, ứng dụng những bước chạy khác nhau tùy địa hình, lúc thì bước hươu, bước thỏ, lúc lại bước cáo, bước rùa.

Lương Tiêu bắt chước đúng cách thức đó, di chuyển trở nên nhanh nhẹ hơn

nhiều. Kế đó, gã suy luận đến cách vận hành khí huyết và hô hấp của lão

rồi bắt chước theo, tự nhiên tìm ra nhiều cơ hội để lấy hơi, phục hồi

thần khí, về sau không còn xuất hiện triệu chứng mất sức nữa, bất giác

mừng thầm: “Hễ áp dụng phương pháp thổ nạp này, không chạy thì không sao đẩy được nội lực ra ngoài. Nhưng phải nghiên cứu xem đẩy ở mức nào là

phù hợp, tương tự như khi tiền tài trút vào túi, người buôn bán giỏi

khắc có cách lường thu để chi, khiến tiền đẻ ra tiền, kẻ chộp giật thì

chỉ cầu sung sướng một lúc nên tiêu sạch mọi thứ, khiến tay trắng vẫn

hoàn trắng tay. Có điều, dùng phương pháp thổ nạp này thường bị chân lực kích thích, dễ mà trong mơ cũng vắt giò lên cổ chạy mất. Vì sao lão già vừa hít thở như thế mà vừa ngủ yên được nhỉ?”. Gã nghĩ mãi không ra,

chỉ đoán rằng hẳn lão già có một bí quyết nào đó không cho người ngoài

biết.



Hai người chạy thật nhanh, cho đến một hôm, đại giang hiện

ra xa xa trước mặt họ, cuồn cuộn chảy về tây, cảnh sắc vô cùng đẹp đẽ.

Lương Tiêu ngó nghiêng tìm thuyền vượt sông. Lão già thì nhặt đâu đó một cây sào tre cũ nát, cười hi hi, đạp thẳng ra mặt nước mà đi.



Lương Tiêu kinh hãi thét:



- Lão gia tử, mau quay lại đây…



Tiếng thét chưa dứt, đã thấy lão già xòe chưởng chặt đứt một mẩu sào tre ném

chéo về phía trước. Đúng khoảnh khắc mẩu sào chạm nước, lão lắc mình,

nhảy xa ra ba trượng, thân hình chao nghiêng như muốn giữ thăng bằng với sóng, đoạn điểm chân trái lên mẩu sào khiến nó hơi trĩu xuống, thuận

theo thế lướt của lão trượt đi tiếp hai trượng, kéo theo một lớp bọt sủi trắng xóa.



Lão già không đợi mẩu sào chìm xuống, lại ngắt thêm

một đoạn nữa từ cây sào trên tay, ném ra cùng cách thức như trước, sau

đó lộn một vòng trên không, khi tiếp nước thì đã vượt đi xa thêm ba

trượng. Lặp đi lặp lại như thế vài lần nữa, chưa dùng hết cây sào tre,

lão đã vượt qua dòng sông, đứng trên bờ bên kia chống nạnh cười lớn.

Lương Tiêu trông thú quá, cũng tìm một cây sào tre tương đối dài, học

theo cách thức của lão, bẻ một khúc ném ra, bay mình nhảy lên, nào ngờ

chân hụt mất mấy tấc, chưa đạp được khúc tre đã trượt một cái. Lương

Tiêu ngã tùm xuống nước, tứ chi chổng lên trời, cay đắng hiểu ra bản

lĩnh quyền cước chỉ chênh lệch đôi chút thôi là kết quả đã khác xa một

trời một vực, gã xấu hổ quá, chỉ còn cách gắng gượng hì hục bơi qua

sông.



Lão già cười lăn lộn trước bộ dạng thảm hại của gã. Lương Tiêu bò lên bờ bên kia, tức giận bảo:



- Lúc nào cũng một mình một phách, toàn nghĩ ra những trò tai quái!



Lão già cười khanh khách:



- Chỉ tại ngươi không tự lượng sức nên mới bắt chước Thừa phong đạo hải của ta.



Lương Tiêu giật mình: “Làm sao mà lão ta nghĩ ra được cụm từ mô tả thanh nhã

như vậy? Hay đấy là tên gọi của môn khinh công tuyệt luân này?”. Nhớ lại hình ảnh vừa rồi, gã không khỏi ngưỡng mộ và ao ước phong thái cưỡi gió vượt biển ung dung của lão.