Cuộc Sống Ở Bắc Tống

Chương 17 : Mậu nhật thu xã

Ngày đăng: 00:35 19/04/20


Xã cổ xao thì tụ đình hòe,



Khi trống đền vang là lúc tụ tập tại sân đình,



Thần bàn phân nhục xảo an bài.



Ngồi xuống bàn cùng chia thịt ăn.



Kim phiên hỉ khánh phong niên cảnh,



Mừng cho lần này được mùa,



Túy đảo ông ảo tiếu nhan khai.



Ông lão say sưa toét miệng cười.



Ngày thứ năm sau lập thu là ngày thu xã,

là ngày trải chiếu dưới tàng cây, giết gia súc và khui rượu đến tế thổ

thần. Thôn trang nơi nhà họ Trương ở không có miếu thổ địa, thôn dân

liền đắp một ụ đất cao làm đàn tế thổ thần, đợi hiến tế xong liền tụ tập lại ăn thịt uống rượu, náo nhiệt náo nhiệt.



Ngày hôm đó, Lâm Y dậy thật sớm, xuống bếp hỗ trợ. Thím Dương thấy

nàng đến mới nhớ nàng cần lông gà, liền giao việc trong tay cho nàng, đi phòng hỏi Phương thị. “Nhị phu nhân, hôm nay Bát nương tử về, giết mấy con gà?”.



Phương thị đang lim dim mắt nằm trên sạp, sai Ngân Tỷ bóp vai, nghe vậy bất mãn nói. “Việc nhỏ như vậy còn đi hỏi ta, phòng bếp chẳng phải giao cho bà quản sao?”.



Trả lời như vậy là có thể giết nhiều thêm một con, thím Dương hớn hở

lên tiếng, xoay người muốn đi, Phương thị gọi bà lại, chỉ chỉ sau lưng. “Ngân Tỷ đang rảnh rỗi đây, nói nó dọn dẹp đi”.



Thím Dương hiểu bà ta không chịu bỏ qua bất kì cơ hội nào để chèn ép Ngân Tỷ, liền theo ý bà ta, dẫn Ngân Tỷ đi phòng bếp.



Ngân Tỷ vẫn đứng ngoài cửa phòng bếp không chịu vào trong, oán hận. “Đời này tôi còn chưa từng dính tí khói dầu vào người”.



Thím Dương vội mang băng ghế ra mời cô ta ngồi, cười nói. “Làm sao bắt Ngân di nương động tay, di nương cứ ngồi là được”. Thím Dương lâu lắm chưa kiếm được tiền từ Ngân Tỷ, khó khăn mới có cơ

hội, hầu hạ đặc biệt ân cần, rót chén trà nhỏ đưa cho cô ta, lại kiếm ít hạt dưa cho cô ta cắn mới ra sau nhà bắt gà.



Ngân Tỷ nhấp ngụm trà, thở dài. “Sớm biết Nhị lão gia bỏ tôi lại, còn không bằng diễn giả làm thật cho người môi giới mua đi luôn”.


Phương thị nhìn con gái sợ hãi, lại tự trách bản thân, con mình ở nhà chồng đã chịu nhiều ấm ức lắm rồi, sao còn để nó về nhà mẹ đẻ vẫn bị

mắng mỏ, bà ta nắm tay Trương Bát nương an ủi vài câu, nói chuyện phiếm

với cô nửa ngày, đợi ăn cơm tối xong, tự mình tiễn cô về khuê phòng ngày xưa nghỉ ngơi.



Lâm Y đang ngồi cạnh bàn chờ cô, thấy cô vào, châm trà đưa lên ngay, nói. “Để ý ban nãy chị ăn có mấy miếng, đói bụng không, ăn bánh ngọt đi”.



Trương Bát nương lắc đầu, thẫn thờ ngồi trong chốc lát, đột nhiên ôm nàng khóc rống lên. “Trong lòng biểu ca không hề có chị”.



Lâm Y đã nghe nói cô ở nhà chồng bị đối xử bạc bẽo, lại nhìn người cô gầy hơn lúc chưa lấy chồng, cũng chịu không được rớt nước mắt. “Lòng chị không có hắn, lòng hắn không có chị, vì sao lúc trước cứng rắn muốn làm người một nhà chứ”.



Đôi mắt Trương Bát nương đã khóc sưng đỏ như hai quả đào. “Cha

vốn phản đối việc hôn nhân này, nhưng mẹ cứ cố ý ‘gả con gái về nhà mẹ

đẻ’, sau cậu đỗ tiến sĩ, cha không lay chuyển được mẹ, đành đồng ý”.



Lâm Y nghe từ miệng cô không Trương Lương thì cũng Phương thị, liền hỏi. “Ý chị thì sao?”.



Trương Bát nương cười khổ. “Hôn nhân đại sự, từ xưa đến nay đều

là cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, dù cha có hỏi ý chị, nhưng sao chị có thể mặt dày từ chối được”.



Lâm Y không hiểu, nói một tiếng “không” thì có gì là mặt dày, chẳng

lẽ chỉ vì “khó nói ra miệng” mà đem hạnh phúc cả đời đi đánh bạc sao?

Nhưng việc đã tới nước này, nói gì đi nữa cũng vô dụng, nàng quan tâm

đến cuộc sống sau này của Trương Bát nương, thử thăm dò. “Bát nương

à, người ta nói phá một căn miếu cũng không phá một cuộc hôn nhân, nhưng nói thật, chị và Phương Chính Luân đã không hạnh phúc, sao không thừa

dịp chưa có con, ly hôn đi?”.



Trương Bát nương sợ hãi nhảy dựng, hoảng nói. “Sao em nói như vậy, nhà hắn không đánh chị, lại không bỏ đói chị, đang êm đẹp, ly hôn làm chi?”.



Là do quy củ hay do tính tình? Lâm Y thấy cô phản ứng như vậy, mặc dù đáng thương cô, nhưng cũng chẳng còn lời nào để nói, chỉ biết âm thầm

thở dài hai tiếng, bưng nước cho cô rửa chân, cởi áo ngoài lên giường

ngủ. Chú thích :



1. Để không gây nhầm lẫn giữa anh họ bên nội (đường ca) và anh họ bên ngoại (biểu ca) thì thôi Q. cứ để biểu ca, các từ khác Việt hóa bình thường.



2. ‘Gả con gái về nhà mẹ đẻ’ – ‘Hoàn nương nữ’ : Con gái gả đi làm dâu nhà người khác, sinh ra con gái lại

gả về làm dâu nhà mẹ đẻ của mình, gọi là ‘trả con cho mẹ’.