Đông Chu Liệt Quốc

Chương 45 : Mạnh minh cậy tài bị tấn vây tiến chẫn cởi giáp cho địch bắn

Ngày đăng: 01:55 20/04/20


Nguyên soái nước Tấn là Tiên Chẩn đã biết rõ mưu quân Tần định đánh úp nước Trịnh, mới vào nói với Tấn Tướng công rằng:



- Vua Tần không nghe lời Kiến Thúc và Bách Lý Hề, đem quân đi

kế hàng nghìn dặm, định lẻn đánh nước người ta, chính ứng vào cái lời

của quan thái bốc là Quách Yến nói có giặc ở tây phương đến, ta nên mau

mau đón đường mà đánh, chớ bỏ mất cơ hội nầy !



Loan Chi nói:



- Vua Tần có ơn với tiên quân ta ngày xưa to lắm, nay ta chưa

đền ơn mà đã chực đón đánh thì đối với tiên quân, sao cho phải đạo?



Tiên Chẩn nói:



- Nay ta đánh Tần, chính là theo được cái chí tiên quân đó !

Tiên quân tạ thế đi, các nước đến viếng tang cả, chỉ có Tần không đến

viếng tang, thế là nước Tần vô lễ với ta, còn ân nghĩa gì ! Vã nước Tần

đã có giao ước với ta rằng: hai nước có việc binh thì đồng lòng giúp

nhau, thế mà khi vây Trịnh, nước Tần bội ước rút quân, đủ biết tình

nghĩa nước Tần như thế nào. Người ta đã không thủ tính thì tội gì mình

phải nhớ ơn?



Loan Chi nói:



- Quân Tần chưa xâm phạm gì nước ta, mà ta đón đánh thì chẳng cũng quá lắm ư !



Tiên Chẩn nói:



- Ngày trước nước Tần giúp tiên quân ta, không phải yêu gì nước

Tấn, chẳng qua là vì tư lợi. Khi tiên quân ta lên làm bá chủ, nước Tần

dẫu ngoài mặt phải theo, nhưng trong lòng vẫn ghen ghét, nay nhân lúc ta có tang mà đem quân sang đánh Trịnh, thế là có ý khinh ta không dám cứu Trịnh, tất cũng có ngày lên đánh nước at. Tục ngữ có câu rằng: "Một

ngày tha giặc, để họa mấy đời!" Nếu ta không đánh Tần thì sao tự lập

được?



Triệu Thôi nói:



- Nước Tần dẫu nên đánh, nhưng chúa công đang lúc có tang mà gây việc chiến tranh, tôi sợ không hợp lẽ.



Tiên Chẩn nói:



- Ðể tang là cốt giữ cho trọn đạo hiếu, mà đánh giặc là để giữ

yên nước nhà;còn điều gì hiểu hơn nữa ! Nếu các ngài cho là không nên

thì tôi xin đi một mình.



Bọn Tư Thần đều tán thành lời nói của Tiên Chẩn. Tấn Tướng công nói:



- Nguyên soái liệu xem quân Tần đi đánh Trịnh, độ bao giờ trở về?Khi về thì đi theo đường nào?



Tiên Chẩn tính đốt ngón tay, rồi đáp lại rằng:



- Ði xa mà không có tiếp ứng, không thể đi lâu được, kể cả đi

lẫn về hơn bốn tháng thì đầu mùa hạ thế nào cũng đi qua Thăng Trì. Thăng Trì là chỗ giáp nước Tần và nước Tấn, phía tây có hai dãy núi Hào Sơn,

từ Ðông Hào đến Tây Hào cách nhau ba mươi nhăm dặm. Chỗ ấy hiểm lắm, cây cối rậm rạp, đá núi lởm chởm, nhiều nơi xe không đi được, phải tháo

ngựa ra. Nếu ta phục một đạo binh ở đấy rồi đổ ra mà đánh thì bắt sống

được hết quân Tần



Tấn Tướng công nói:



- Việc đó ta ủy thác cho quan nguyên soái.



Tiên chẩn sai con là Tiên Thả Cư cùng với Ðỗ Kích đem năm nghìn quân phục ở phía tả núi Hào Sơn, sai con Tư Thần là Tư Anh cùng với Hồ

Cúc Cư đem năm nghìn quân phục ở phía hữu núi Hào Sơn, đợi khi quân Tần đến thì đổ ra mà đánh. Lại sai con Hồ Xạ Cô cùng với Hàn Tử Dư đem năm

nghìn quân phục ở phía tây núi Hào Sơn, rồi đẵn gỗ lấp ngang đường, để

cho quân Tần không đi được, sai con Lương Do Mỹ là Lương Hoằng cùng với

Lai Câu đem nghìn quân phục ở phía đông Hào Sơn, đợi khi quân Tần qua

đó thí đem quân ra mà đuổi. Tiên Chẩn cùng với bọn Triệu Thôi và các

tướng theo Tấn Tướng công đem quân đóng ở ngoài Hào Sơn hai mươi dặm để

tiếp ứng.



Quân Tần diệt được nước Hoạt, về gần đến Hào Sơn, Kiển Binh nói với Mạnh Minh rằng:



- Hào Sơn hiểm lắm, khi trước phụ thân tôi đã có lời dặn nguyên soái nên cẩn thận mới được.



Mạnh Minh nói:



- Ta đem quân đi nghìn dặm, còn chẳng sợ hải gì, huống chi đi khỏi Hào Sơn tức là địa giới nước nhà, còn ngại gì nữa !



Tây Khất Thuật nói:



- Nguyên soái cũng nên phòng xa, sợ khi quân Tấn có mai phục, đỗ ra đánh thì ta chống lại sao nổi?



Mạnh Minh nói:



- Tướng quân sợ nước Tần như thế, tôi xin đi trước, nếu có quân mai phục, để mặc tôi đối địch.



Mạnh Minh sai Bao Man Tử đi tiên phong, rồi đến nhị đội là Mạnh Minh, tam đội là Tây Khất Thuật, tứ đội là Kiển Binh, mỗi toán quân

cách nhau đến một hai dặm. Bao Man Tử tay cầm phương thiên họa kích nặng tám mươi cân sắt, tự đắc cho là thiên hạ không ai địch nổi. Khi đi đến

phía đông Hào Sơn, bỗng có một viên đại tướng đem quân ra đón đường hỏi

rằng:



- Nhà ngươi có phải là đại tướng nước Tần, tên gọi Mạnh Minh đó không? Chúng ta chờ đợi đã lâu lắm rồi !



Bao Man Tử nói:



- Nhà ngươi họ tên là gì, nên nói trước cho ta biết?



Viên đại tướng ấy đáp:



- Ta đây đại tướng nước Tấn tên gọi Lai Câu !



Bao Man Tử nói:



- Nước mày có Loan Chi và Ngụy Thù đến, họa chăng đối địch với

ta được mấu hợp, mày là đứa vô danh tiểu tốt, biết điều thì tránh ra một bên để quân ta đi, kẻo ta cho một ngọn kích này thì khôn toàn được tính mệnh!



Lai Câu giận lắm, xông lại đánh Bao Man Tử. Bao Man Tử cầm kích đánh vào cái ngáng ở trên xe Lai Câu, gãy làm hai đoạn. Lai Câu thấy

Bao Man Tử sức mạnh như vậy thì bất giác khen rằng:



- Ta vẫn nghe tiếng Mạnh Minh, thật cũng không sai.




Tiên Chẩn nhìn xem ai thì tức là Lang Ðàm, hiện mới lĩnh chức

xa hữu. Nguyên trước Lang Ðàm mới lĩnh chức không chịu vào yết kiến Tiên Chẩn, bởi thế Tiên Chẩn có ý không bằng lòng, ngày nay lại thấy Lang

Ðàm xin đi tiên phong, thì lại càng ghét, mắng rằng:



- Mày là một tên tiểu tốt, chém chết một thằng giặc mà được

trọng dụng, thế mà nay đã kiêu ngạo tự đắc, dám khinh bọn tướng sĩ ta

không có ai là người tài giỏi hay sao !



Lang đàm nói:



- Tiểu tướng tình nguyện ra sức giúp nước, sao nguyên soái lại ngăn trở như vậy?



- Ở đây không thiếu gì người ra sức, mày có tài trí gì mà dám vượt qua chủ tướng?



Tiên Chẩn liền thét đuổi Lang Ðàm, không dùng mà cho Hồ Cúc Cư

vào thay, vì có cái công giáp chiến ở Hào Sơn khi trước. Lang đàm cúi

đầu thở dài, lui ra, bỗng gặp người bạn là Tiên Bá ở ngoài đường. Tiên

Bá hỏi rằng:



- Tôi nghe quan nguyên soái đang tuyển tướng để đi đánh giặc, sao nhà ngươi lại lửng thửng đi đâu đấy?



Lang Ðàm nói:



- Tôi đã tình nguyện đi tiên phong, để ra sức giúp nước ai ngờ

lại gặp phải lúc nguyên soái nổi giận, mắng tôi là tài trí gì mà dám

vượt qua các tướng, hiện nay đã cách chức tôi, không dùng nữa rồi.



Tiên Bá nổi giận, nói:



- Tiên Chẩn ghen ghét tài năng như thế, âu là ta cùng nhau vào

giết chết nó đi, cho hả cái lòng bất bình của chúng ta. Dâũ có chết nữa

cũng được thỏa lòng.



Lang Ðàm nói :



- Không nên ! Không nên ! Ðại trượng phu chết phải có danh

nghĩa. Chết mà không có danh nghĩa thì không gọi là vũ dũng được !Chúa

công biết ta là người vũ dũng mà dùng ta làm chức xa hữu, nay Tiên Chẩn

cách chức ta đi, nếu ta làm điều bất nghĩa mà chết thì thành ra Tiên

Chẩn được tiêng là cách chức một người bất nghĩa, vậy nên thư thả mà đợi dịp.



Tiên Bá thở dài mà than rằng :



- Nhà ngươi thật là cao kiến, ta không bằng được.



Nói xong, cùng nhau trở về.



Tiên Chẩn dùng con là Tiên Thả Cư làm tiên phong, rồi xuất

quân. Quân Tấn và quân Ðịch gặp nhau ở Cơ Thành, hai bên đều hạ trại.

Tiên Chẩn hợp các tướng lại mà bảo rằng:



- Ở Cơ Thành này có một cái thung lũng rộng, chỗ ấy có thể đánh

bằng xe trận, mà hai bên cây cối rậm rạp, có thể phục binh được. Loan

Thuẫn và Khước Nhuế nên đem hai đạo quân phục ở chỗ ấy, đợi khi nào

Tiên Thả Cư giao chiến với quân Ðịch, giả cách thua chạy vài thung lũng, bấy giờ đổ ra mà đánh thì chắc là bắt được vua Ðịch;còn Hồ Tần và Hồ

Cúc Cư đem hai đạo quân đi tiếp ứng, để phòng khi quân Ðịch đến cứu.



Ngày hôm sau, vua Ðịch là Bạch Bộ Hồ đem hơn trăm quân kỵ mã

đến đánh. Tiên Thả Cư ra nghênh chiến được mấy hợp, giả cách thua chạy.

Bạch Bộ Hồ không biết là mưu kế, ra sức đuổi theo, bị Tiên Thả Cư dụ vào trong thung lũng. Phục binh ở hai bên đổ ra đón đánh. Bạch Bộ Hồ tả

xung hữu đột, hơn trăm kỵ binh chết đã gần hết. Quân Tấn cũng tổn hại

rất nhiều. Ðược một lúc Bạch Bộ Hồ phá tan mấy vòng quân Tấn mà không

ai địch nổi. Khi ra gần đến cửa hang, gặp đại tướng Tấn là Khước Khuyết

giương cung bắn trúng vào mặt. Bạch Bộ Hồ ngã ngựa, chết ngay. Khướt

Khuyết nhận mặt, biết là vua Ðịch, liền cắt lấy đầu để đem về nộp Tiên

Chẩn. Tiên Chẩn nghe tin Bạch Bộ Hồ bị bắt, ngữa mặt lên trời mà reo

mừng:



- May cho vua Tấn ta lắm ! May cho vua Tấn ta lắm !



Ðoạn lấy giấy bút viết một tờ biểu đề ở trên thư án, không nói

cho các tướng biết, rồi cùng với mấy người tâm phúc tức khắc xông vào

trận địa quân Ðịch. Em Bạch Bộ Hồ là Bạch Ðôn, chưa biết là Bạch Bộ Hồ

đã chết, toan đem quân đi tiếp ứng, bỗng thấy đại tướng Tiên Chẩn cưỡi

binh xa sừng sực xông đến, Bạch Ðôn vội vàng ra nghênh chiến. Tiên Chẩn

cầm ngang ngọn giáo, trợn mắt thét to một tiếng, mí mắt rách hết cả, máu chảy dòng xuống mặt. Bạch Ðôn kinh sợ, lui lại mấy mươi bước, nhưng

trông thấy Tiên Chẩn không có quân theo, liền truyền cho quân Ðịch xúm

quanh lại, giương cung ra bắn. Tiên Chẩn hăng hái ra sức, giết chết ba

người đầu mục, và hơn hai chục quân sĩ, mà khắp mình không bị phải mũi

tên nào cả, bởi quân Ðịch thấy Tiên Chẩn là người vũ dũng, thảy đều kinh hồn khiếp đảm, thành ra run tay, bán chẳng trúng được phát nào. Vả Tiên Chẩn mình mặc mấy lần áo giáp, dẫu tên trúng cũng không trúng, mới thở

dài than rằng:



- Ta không giết giặc thì không tỏ được cái tài vũ dũng của ta,

nay quân giặc đã biết ta là người vũ dũng, còn giết lắm làm gì ! Thôi

thì ta đánh chết ở đây cho rồi !



Tiên Chẩn nói xong, liền cởi áo giáp ra để cho quân Ðịch bắn.

Quân Ðịch bắn một lúc, mũi tên cắm vào mình Tiên Chẩn như lông nhím.

Tiên Chẩn chết rồi mà người vẫn đứng trơ trơ, không hề chuyển động. Bạch Ðôn toan chém lấy đầu, nhưng thấy Tiên Chẩn vẫn trợn mắt vểnh râu như

người còn sống, nghĩ lại khiếp sợ, không dám vào chém. Trong đám quân

Ðịch, có người nhận được mặt, nói với Bạch Ðôn rằng:



- Người ấy là nguyên soái nước Tấn, tên gọi Tiên Chẩn.



Bạch Ðôn liền cùng với các quân sĩ sụp lạy, rồi bảo nhau rằng:



- Ngài thật là một bậc thần nhân !



Nói xong, lại quỳ trước mặt Tiên Chẩn mà khấn rằng:



- Thần có cho chúng tôi đem về nước Ðịchđể thờ cúng thì xin ngã xuống.



Tiên Chẩn vẫn đứng yên như trước. Bạch Ðôn lại khấn rằng:



- Hay là thần muốn về nước Tấn thì chúng tôi xin đưa về.



Khấn xong, tự nhiên Tiên Chẩn ngã xuống