Đông Chu Liệt Quốc

Chương 84 : Trí bá tháo nước vào tấn dương dự nhượng đánh áo triệu tương tử

Ngày đăng: 01:55 20/04/20


Trí Bá tên là Dao, là cháu Trí Vũ Tử (Lịch) con Trí Tuyên Tử (Từ Ngô).

Khi trước Từ Ngô muốn lập người con nối nghiệp mới hỏi người trong họ

rằng:



- Ta muốn lập Dao, thế nào ?



Trí Quả nói:



- Không bằng lập Tiêu.



Từ Ngô nói:



- Tài trí của Tiêu đều kém Dao, không bằng lập Dao.



Trí Quả nói:



- Dao có năm điều sở trường hơn người, chỉ có một điều sở đoản mà thôi.

Râu rậm mà dài hơn ngươi, cưỡi ngựa bắn cung giỏi hơn người, nhiều kỹ

nghệ hơn người, cương nghị quả cảm hơn người, trí xảo biện luận hơn

người, nhưng mà tham tàn bất nhân, đó là một điều sở đoản. Đem năm điều

sở trường đè lấn người ta mà lại thêm một nỗi bất nhân thì còn ai dùng

được. Nếu mà lập Dao, họ Trí tất diệt!



Từ Ngô không cho làm phải, mà cứ lập Dao làm đích tử. Trí Quả than rằng:



- Ta không đổi họ khác đi thì e có ngày vạ lây!



Trí Quả liền vào yết kiến quan thái sử, xin đổi họ, xưng là Phụ thị. Khi Từ Ngô mất, Dao nối ngôi, chuyên cầm quyền chính nước Tấn, trong có bọn Trí Khai, Trí Quốc là thân thuộc ngoài có bọn Hi Tì, Dự Nhượng làm tay

chân, quyền to thế trọng, có ý cướp ngôi nước Tấn bèn gọi những người

tâm phúc vào thương nghị. Mưu sĩ là Hi Tì nói:



- Bốn quan khanh truyền lực bằng nhau, nếu một nhà nào làm trước thì ba

nhà nọ tất chống cự lại. Vậy muốn chiếm lấy nước Tấn thì phải trừ bớt

cái thế mạnh của ba nhà.



Trí Bá nói:



- Dùng cách gì mà trừ bớt được ?



Hi Tì nói:



- Nay nước Việt đang thịnh, nước Tấn ta mất quyền bá chủ, ngài mượn việc cất quân tranh bá với Việt, rồi giả cách truyền mệnh của vua Tấn, bắt

ba nhà (Hắn, Triệu, Ngụy) kia mỗi nhà phải nộp vao công gia một trăm dặm đất, để thu thuế làm quân phí. Ba nhà chịu nộp thì thành ra ta thêm

được ba trăm dặm đất, họ Trí ta cường thịnh lên bao nhiêu thì ba nhà kia suy yếu đi bấy nhiêu; nếu không chịu nộp thì bấy giờ ta phụng mệnh vua

Tấn, đem quân trừ diệt đi, ấy là cái phép "muốn ăn quả thì bóc vỏ trước" đó!



Trí Bá nói:



- Kế ấy dẫu diệu, nhưng trong ba nhà thì nên trị nhà nào trước ?



Hi Tì nói:



- Họ Trí ta vẫn thân với Hàn, Ngụy mà cùng với Triệu có hiềm khích. Ta

nên bảo Hàn và Ngụy trước; Hàn, Ngụy đã theo thì Triệu tất cũng không

dám trái mệnh.



Trí Bá liền sai Trí Khai đến yết kiến Hàn Hổ (tức là Hàn Khang Tử). Hàn Hổ mời vào. Trí Khai nói:



- Anh tôi phụng mệnh vua Tấn sắp quân đánh Việt, truyền cho ba quan

khanh mỗi nhà phải nộp vào công gia một trăm dặm đất để thu thuế làm

quân phí. Anh tôi sai tôi đến nói, xin ngài giao lại bản đồ cho.



Hàn Hổ nói:



- Nhà ngươi hãy về trước, ngày mai ta sẽ trả lời.



Trí Khai lui về, Hàn Hổ họp các gia thần lại mà thương nghị rằng:



- Trí Bá mượn tiếng vua Tấn để trừ bớt thế lực ba nhà, vậy mới xin cắt

đất. Ta muốn đem quân trừ thằng giặc ấy trước, các người nghĩ thế nào ?



Mưu sĩ là Đoàn Qui nói:



- Trí Bá tham lam không chán, giả mệnh vua để cắt đất của ta. Nếu ta

đánh lại thì tức là chống cự với vua, kẻ kia lại mượn cớ mà trị tội. Chi bằng ta chịu cho hắn, đã được đất của ta thì tất lại đòi cắt đất Triệu, Nguỵ nữa. Triệu, Ngụy không theo, tất sinh sự đánh nhau, bấy giờ ta sẽ

ngồi mà xem bên nào thắng và bên nào bại.



Hàn Hổ lấy làm phải, sai Đoàn Qui vẽ một bức địa đồ trăm dặm đất, ngày

hôm sau thân hành đem sang dâng Trí Bá. Trí Bá mừng lắm, bày tiệc ở trên Lam Đài để thết Hàm Hổ. Uống rượu được nửa chừng, Trí Bá sai người đem

một bức tranh để ở trên ghế cùng với Hàm Hổ cùng xem, tức là bức tranh

vẽ Biện Trang Tử nước Lỗ đâm chết ba con hổ. Trên có đề bài tán rằng:



"Ba hổ cắn một dê,



Tài nào khỏi tranh cạnh ?



Đợi xem cuộc đánh xong,



Hẳn có ngày mỏi mệt,



Một tay đâm ba hổ



Biện Trang thật đáng khen!"



Trí Bá nói đùa với Hàn Hổ rằng:



- Tôi thường xét xem sử sách, trong các nước cũng có kẻ cùng tên với

ngài, Tề có Cao Hổ, Trịnh có Hãn Hổ, cùng với ngài cả thảy là ba...



Bấy giờ Đoàn Qui đứng ở bên cạnh, bèn nói với Trí Bá rằng:



- Cứ theo trong lễ thì không nên động chạm đến tên huý của nhau. Ngài nói đùa chủ tôi như vậy, chẳng cũng quá lắm ru!



Đoàn Qui vốn người lùn bé, đứng ở bên cạnh Trí Bá, chỉ cao đến dưới vú. Trí Bá lấy ta vỗ vào trán Đoàn Qui mà bảo rằng:



- Trẻ con biết gì mà cũng múa mép! cái miếng thịt dê mà ba con hổ bỏ thừa, tức là mày đó chăng ?



Nói xong, lại vỗ tay cười rầm lên. Đoàn Qui không dám nói lại, đưa mắt

nhìn Hàn Hổ, Hàn Hổ giả cách say rượu, nhắm mắt lại mà đáp rằng:



- Trí Bá nói phải lắm!



Nói xong, tức khắc cáo từ lui ra. Trí Quốc nghe nói, liền vào can Trí Bá rằng:



- Ngài đã bỡn cợt Hàn Hổ lại còn khinh bỉ Đoàn Qui, thế tất người ta

phải căm thù ta lắm. Nếu ta không phòng bị, chắc có ngày tai vạ.



Trí Bá trợn mắt mà quát to lên rằng:



- Ta không hại ai thì thôi, còn ai hại ta nổi ?



Trí Khai nói:



- Giống ong kiến còn hại được người, huống chi là bọn quân tướng! ngài không phòng bị thì ngày khác hối lại không kịp!



Trí Bá nói:



- Ta sẽ bắt chước Biện Trang Tử, một tay đâm chết ba hổ, lo gì đến những giống ong kiến!



Trí Quốc thở dài mà lui ra. Ngày hôm sau, Trí Bá lại sai Trí Khai sang

đòi cắt đất của Ngụy Câu (tức là Ngụy Hoàn Tử). Ngụy Câu toan chống cự

lại. Mưu thần là Nhâm Chương nói:



- Hắn đã đòi đất thì ta cứ cho. Kẻ mất đất tất sợ, kẻ được đất tất kiêu. Kẻ kiêu thì tất khinh người, kẻ sợ thì tất phải thân nhau; đem quân

tương thân mà đánh kẻ khinh người thì họ Trí còn gì mà không phải mất!



Ngụy Câu khen phải, rồi cũng đem trăm dặm đất nộp cho Trí Bá. Trí Bá sai người anh là Trí Tiêu nói với Triệu Vô Tuất (tức là Triệu Tương Tử) đòi lấy Sài Cao Lang. Triệu Vô Tuất nghĩ đến thù xưa, liền nổi giận mà nói

rằng:



- Thổi địa là của đời trước để lại, sao ta dám bỏ. Hàn và Ngụy có đất thì cứ nộp, chứ ta đây không theo lối xu mị ấy.




Dự Nhượng ở Thạch Thất sơn nghe biết việc ấy, khóc mà nói rằng:



- "Kẻ sĩ chết cho người tri kỷ". Ta chịu ơn sâu của họ Trí, nay họ Trí

đã bị diệt, lại còn bị nhục đến nắm xương tàn, như thế mà ta tham sống,

không nghĩ cách trả thù cho họ Trí thì sao gọi là người được!



Dự Nhượng nói xong, liền đổi họ tên, giả là kẻ tù phạm phục dịch, giắt

một con dao nhọn, lẻn vào trong nhà xí của họ Triệu, định chờ khi Triệu

Vô Tuất ra thì đâm chết. Khi Triệu Vô Tuất ra, bỗng thấy động lòng, bèn

sai người ra tìm trong nhà xí thì bắt được Dự Nhượng. Triệu Vô Tuất hỏi

Dư Nhượng rằng:



- Nhà ngươi giắt con dao nhọn này, chực đâm ta đó chăng ?



Dự Nhượng nghiễm nhiên đáp:



- Ta là bề tôi họ Trí, vì họ Trí mà báo thù!



Mọi người nói với Triệu Vô Tuất rằng:



- Kẻ phản nghịch này nên giết đi!



Triệu Vô Tuất gạt đi mà nói rằng:



- Họ Trí đã diệt rồi, mà Dự Nhượng còn vì họ Trí mà báo thù, thật là một nghĩa sĩ! ta không nên giết kẻ nghĩa sĩ.



Triệu Vô Tuất bèn truyền Dự Nhượng. Khi Dự Nhượng lui, ra Triệu Vô Tuất lại gọi mà bảo rằng:



- Nay ta tha cho nhà ngươi, nhà ngươi có còn thù ta không ?



Dự Nhượng nói:



- Tha tôi bây giờ là cái ơn riêng của ngài, nhưng việc báo thù là điều nghĩa lớn của tôi!



Mọi người nói với Triệu Vô Tuất rằng:



- Người này vô lễ, nếu ta tha thì tất hại làm càn!



Triệu Vô Tuất nói:



- Ta đã hẹn tha cho y rồi, lẽ nào ta lại thất tín, từ nay về sau, ta phải đề phòng mới được.



Ngay ngày hôm ấy, Triệu Vô Tuất truyền sửa sang thành Tấn Dương, để về

đấy mà tránh cái vạ Dự Nhượng. Dự Nhượng về nhà, cả ngày chỉ nghĩ cách

báo thù, nhưng chưa tìm được kế. Người vợ khuyên Dự Nhượng theo làm tôi

Hàn, Nguỵ để cầu phú qúi, Dự Nhượng nổi giận, đứng phắt dậy bỏ đi, lại

vào Tấn Dương, nhưng sợ có người biết mặt, mới cạo sạch râu và lông mày, lấy sơn bôi vào mình để giả làm người hủi, đi ăn mày ở chợ.



Người vợ đi tìm chồng, ra đến chợ, nghe thấy tiếng kêu khóc thì kinh sợ mà nói rằng:



- Đó chính là tiếng chồng ta rồi!



Khi đến tận nơi nhìn xem, lại nói rằng:



- Tiếng thì giống nhưng người lại không phải!



Người vợ bèn bỏ đi. Dự Nhượng hiềm vì nổi tiếng nói còn giống, lại nuốt

than để cho khản tiếng đi, rồi lại đi ăn mày ở chợ. Lần sau người vợ

nghe tiếng cũng không lấy làm ngạc nhiên nữa. Có người bạn vốn biết chí

Dự Nhượng, trông thấy người ăn mày, nghi là Dự Nhượng, thử sẽ gọi tên

thì thấy quả nhiên là Dự Nhượng thật, liền mời về nhà, thết cơm rượu và

bảo rằng:



- Ngô huynh có chí báo thù như thế, mà chưa tìm được kế báo thù. Cứ như

tài Ngô huynh mà giả cách theo họ Triệu, thì chắc họ Triệu trọng dụng,

bấy giờ sẽ thừa cơ khởi sự, thật dễ như trở bàn tay, cần gì phải liều

thân họai thể chịu khổ như thế này!



Dự Nhượng nói:



- Nếu tôi đã làm tôi họ Triệu mà lại đâm họ Triệu thì là một kẻ hai

lòng. Nay tôi sơn mình, nuốt than, báo thù cho Trí Bá, chính là muốn

khiến cho những kẻ làm tôi mà ăn ở hai lòng nghe tiếng tôi phải hổ thẹn. Tôi xin từ biệt Ngô huynh, từ đây sẽ không trông thấy nhau nữa!



Dự Nhượng lại đi sang Tấn Dương ăn mày như trước mà không ai biết cả.

Triệu Vô Tuất ở Tấn Dương, xem cái cừ của Trí Bá khi trước, không thể bỏ đi được, liền sai người bắc một cái cầu ở trên cừ, để tiện đường đi

lại, gọi tên là Xích kiều. Khi cầu đã làm xong, Triệu Vô Tuất định ra

xem. Dự Nhượng biết trước là Triệu Vô Tuất thế nào cũng ra xem cầu, lại

giắt con dao nhọn, giả cách làm người chết, nằm phục ở dưới gầm cầu. Khi Triệu Vô Tuất gần đến Xích Kièu, con ngựa kéo xe bỗng hí lên mà lùi trở lại. Người dong xe đánh luôn mấy roi mà nó cũng không chịu đi.



Trương Mạnh Đàm nói:



- Tôi nghe con ngựa hay thì không làm hại chủ. Nay con ngựa này không

chịu quan cầu, tất là có quân gian ẩn phục, ta phải xét cho kỹ.



Triệu Vô Túất dừng xe lại, rồi sai quân sĩ đi sục tìm. Quân sĩ báo rằng:



- Dưới gầm cầu tịnh không có quân gian nào cả, chỉ có một xác người chết nằm gục ở đấy thôi!



Triệu Vô Tuất nói:



- Cầu mới làm xong, sao đã có xác chết, đó tất là Dự Nhượng!



Nói xong sai người lôi xác chết ra thì thấy là Dự Nhượng, hình dung dẫu

khác, nhưng vẫn có thể nhận được. Triệu Vô Tuất mắng rằng:



- Khi trước ta không kể pháp luật mà tha cho nhà ngươi, nay nhà ngươi lại còn cố ý mưu giết ta, thì trời nào có tựa!



Nói đoạn sai người đem chém. Dự Nhượng kêu trời, nước mắt lẫn máu chảy xuống ròng ròng. Mọi người đều bảo Dự Nhượng rằng:



- Nhà ngươi sợ chết hay sao ?



Dự Nhượng nói:



- Không phải ta sợ chết, ta tiếc rằng sau khi ta chết rồi không ai báo thù cho Trí Bá nữa!



Triệu Vô Tuất gọi Dự Nhượng lại mà bảo rằng:



- Khi trước nhà ngươi làm tôi họ Phạm. Họ Phạm bị Trí Bá diệt, nhà ngươi chịu nhục không trả thù cho họ Phạm. Nay Trí Bá chết! nhà ngươi lại cố

sức báo thù là làm sao ?



Dự Nhượng nói:



- Khi trước ta làm tôi họ Phạm, họ Phạm đãi ta là chúng nhân, nên ta

cũng lấy lòng chúng nhân mà xử lại; nay ta làm tôi họ Trí, họ Trí nhường cơm sẽ áo cho ta, đãi ta là quốc sĩ thì ta cũng lấy lòng quốc sĩ mà xử

lại, chứ so sánh thế nào được!



Triệu Vô Tuất nói:



- Bụng nhà ngươi như sắt đá, không chịu đổi đời thì ta không thể tha được nữa!



Triệu Vô Tuất liền cởi thanh kiếm đang đeo mà đưa cho Dự Nhượng để cho Dự Nhượng tự tử. Dự Nhượng nói:



- Kẻ trung thần không lo sự chết, bậc minh chủ không bỏ điều nghĩa. Ngài tha tội một lần, cũng đã quá lắm rồi, bây giờ tôi nào còn mong sống

nữa, nhưng tôi hai lần báo thù mà không được thì lòng uất ức của tôi bao giờ cho nguôi! xin ngài cởi áo,cho tôi được đánh mấy cái vào áo ngài,

gọi là ngụ ý báo thù thì dẫu tôi chết cũng hả!



Triệu Vô Tuất thương tình, cởi áo cẩm bào, sai người đưa cho Dự Nhượng.

Dự Nhượng tay cầm thanh kiếm, trừng mắt nhìn áo cẩm bào, tưởng như là

Triệu Vô Tuất, rồi nhảy lên ba lần mà đánh ba cái, nói rằng:



- Ngày nay ta mới báo thù được cho Trí Bá!



Nói xong liền đâm cổ mà chết. Cái cầu ấy sau đổi tên là Dự Nhượng kiều.

Triệu Vô Tuất thấy Dự Nhượng tự tử thì có lòng thương xót, truyền thu

táng cho tử tế. Quân sĩ nhặt cẩm bào đệ trình Triệu Vô Tuất. Triệu Vô

Tuất nhìn xem thì thấy những vết đánh đều có máu tươi cả, ấy là một sự

cảm ứng do lòng tinh thành của Dự Nhượng gây nen. Triệu Vô Tuất kinh sợ, từ bấy giờ sinh bệnh.