Động Đình Hồ Ngoại Sử
Chương 25 : Viễn ly ư đoạn trường Thế gian hằng như mộng
Ngày đăng: 14:46 18/04/20
Nghi Gia quát lớn:
– Giỏi! Ngươi đấu với ta chưởng nữa xem.
Y thị phóng chưởng đánh xuống. Trần Năng hít một hơi phát chiêu "Lưỡng
ngưu tranh phong" trong Phục ngưu thần chưởng. Chiêu này cực kỳ mãnh
liệt. Bùng một tiếng. Trần Năng muốn nghẹt thở, còn Nghi Gia lùi lại một bước. Mặt tái mét, chân tay như tê liệt, mím chặt môi, để khỏi thổ ra
huyết.
Phan Anh hỏi vợ:
– Thế nào? Có sao không?
Nghi Gia khạc một tiếng nhổ ra búng máu, nói:
– Để thử lại chiêu nữa xem sao.
Y thị nói với Trần Năng:
– Vị cô nương kia, ngươi là ai? Ta đi khắp thiên hạ, chưa từng có người
đàn bà nào đỡ được của ta một chưởng. Mà cô nương đấu với ta được hai
chưởng, thực hiếm có.
Trần Năng lễ phép đáp:
– Không giám, Phan phu nhân quá khen. Tôi là Việt nữ đất Lĩnh Nam họ Trần tên Năng.
Nghi Gia vận khí nhảy vọt lên cao đánh vào Trần Năng một chưởng cực mãnh liệt. Trần Năng cùng nhảy vọt lên cao. Nàng ra chiêu "Ngưu hổ tranh
phong". Tay phải đánh thẳng về phía trước. Tay trái đánh xéo từ dưới
lên. Chưởng của nàng chạm vào chưởng Nghi Gia. Cả hai người cùng bắn vọt trở lại. Trần Năng lộn ba vòng trên không. Đáp xuống đỉnh đầu pho tượng đá trong lăng. Còn Nghi Gia cùng lộn hai vòng. Đáp xuống đỉnh đồng.
Nghi Gia nhảy tới, tay phải đánh thẳng về phía trước. Tay trái quay
thành vòng tròn đánh xéo từ phía sau về. Kình lực nhu hòa. Chưởng phong
không có gió. Chiêu thức quái dị.
Phật Nguyệt đứng lược trận kêu lên:
– Úi cha!
Nguyên nàng thấy lối vận công, phát chưởng của Trần Nghi Gia có phần giống với phái Long Biên của mình.
Hồ Đề đứng cạnh:
– Loa thành nguyệt ảnh.
Trước nay Hồ Đề nghe nói võ công Cửu Chân khắc chế võ công Trung Nguyên. Nàng biết Trần Năng và chồng là Hùng Bảo được Đào Kỳ dậy cho chiêu thức nay của Cửu Chân, nên buộc miệng nhắc.
Trần Năng tỉnh ngộ, lùi hai bước, vận khí phát chiêu "Loa Thành Nguyệt
Ảnh" tấn công Nghi Gia. Nghi Gia dồn hết chân khí ra hai tay đánh xéo
một chưởng vào giữa chưởng Trần Năng. Bùng một tiếng, Trần Năng thấy mắt nẩy đom đóm, cánh tay tê nhức chịu không được, còn Nghi Gia thì đứng im không động đậy.
Hồ Đề, Trần Năng, Phật Nguyệt cho tới Trưng Nhi đều ngạc nhiên. Vì
chưởng trước là Phục Ngưu Thần Chưởng thì Trần Năng thắng Nghi Gia một
chút. Không ngờ nay dùng chưởng Cửu Chân, khắc chế võ công Trung Nguyên, thì lại bị thua sút là nghĩa làm sao?
Nghi Gia cười nhạt:
– Tưởng thế nào, hóa ra chí có vậy thôi sao? Hãy tiếp chưởng nữa của ta.
Nghi Gia vận chưởng đánh tới. Trần Năng vội phát chiêu "Ngưu Hổ Tranh
Phong" đánh trả. Bùng một tiếng, cả hai đều lui lại. Trần Nghi Gia bật
lùi hai bước. Như vậy Trần Năng thắng thế. Trần Năng hiểu được nguyên
do.
Trần Ngũ Gia nói:
– Nghi Gia, người xuất thân con gái họ Trần, học võ công Lĩnh Nam nhà
ta. Rồi dùng võ công đó để bắt người đàn bà yếu ớt ư? Võ đạoTrần gia
chúng ta sẽ không dung thứ cho ngươi đâu.
Trần Nghi Gia đáp:
– Xuất gia tòng phu! Nay tôi đã là người nhà họ Phan, nhất thiết phu
xướng phụ tùy. Chồng tôi vì chữ hiếu mà ra tay, tôi phải giúp chồng. Đợi việc ở đây xong, chúng tôi sẽ về Khúc Giang tạ lỗi với Ngũ hiệp sau.
Trần Năng nghe họ đối đáp mới tỉnh ngộ:
– Thì ra võ công Nghi Gia là võ công Lĩnh Nam, mà võ công Lĩnh Nam thì
phái Tản Viên đệ nhất. Ta dùng võ công Tản Viên đấu với nàng thì thắng
thế. Còn võ công Cửu Chân đối với võ công Trung Nguyên mới đủ uy lực
khắc chế, mà ta đem đấu với võ công Lĩnh Nam thua là phải.
Nghĩ vậy nàng vận khí phát Phục Ngưu thần chưởng tấn công Nghi Gia. Hai
người quấn lấy với nhau dưới ánh trăng. Trần Năng trầm mạnh, chiêu thức
mãnh liệt. Nghi Gia thì đương cương, chiêu số đường đường chính chính.
Rõ ra đế tử danh môn chính phái. Trần Năng nghĩ:
– Ở đây mình có Thần Hổ, Thần Báo, muốn bắt bọn này dễ như trở bàn tay.
Ta thử dùng võ công Tản Viên đấu với y thị xem sao. Nếu không thắng hãy
dùng lối vận công bằng kinh mạch, hoặc Lĩnh Nam chỉ pháp.
Nghĩ vậy nàng lại phóng chưởng tấn công Nghi Gia.
Trưng Nhị núp trong bụi cây thấy võ công của Trần Năng tiến một cách kỳ lạ, tự nghĩ:
– Thái sư thúc Khất đại phu và Đào Kỳ thực kỳ nhân võ học. Hôm đại hội
hồ Tây. Võ công sư thúc Trần Năng thua mình xa, thế mà chỉ có một thời
gian sau, đã đến trình độ nầy. Nếu sư thúc tiếp tục luyện, chẳng mấy
chốc sẽ bằng Lê Đạo Sinh.
Trần Năng nhờ Đào Kỳ dạy đủ ba mươi sáu chiêu Phục Ngưu thần chưởng,
chiêu nọ tiếp nối chiêu kia, liên miên bất tuyệt. Chưởng lực tuôn ra ào
ào. Còn Nghi Gia chưởng lực ảo diệu, biến hóa không chừng. Hai người đấu được trên trăm chiêu vẫn không phân biệt thắng bại. Trên núi Vương Sơn, hiện diện mấy chục người, mà không một tiếng động. Ai cũng say sưa coi
cuộc đấu. Đàn Thần hổ, Thần báo nằm im, nghển cổ nhìn mọi người dưới ánh trăng.
Chợt có tiếng gõ mõ từ bụi cây kỳ nhân ẩn náu, và tiếng tụng kinh vang lên:
Thế gian ly sinh diệt,
Thí như hư không hoa,
Chí bất đắc hữu vô,
Nhi hưng đại bi tâm.
Nhất thiết pháp như huyễn,
Viễn ly ư tâm thức,
Chí bất đắc hữu vô,
Nhi hưng đại bi tâm.
Trưng Nhị, Trần Năng, Hô Đề, Phật Nguyệt, Sa Giang bấy giờ mới biết kỳ
nhân núp sau bụi hoa, vận khí khiến giây vọt lên như con rắn, đánh văng
dao, kiếm của bọn Trương Linh là Tăng Giả Nan Đà.
Khúc Giang Ngũ Hiệp và Trường Sa Tam Anh giật mình quay lại nhìn "kỳ
nhân", một người đen như tượng đồng, đầu trọc. Ông ngồi xếp bằng, tay gõ mõ, mắt lim dim, khuôn mặt đầy vẻ từ bi.
Thời bấy giờ Phật giáo chưa truyền vào Trung Nguyên, Lĩnh Nam. Những
người nghe nhiều hiểu rộng như Khúc Giang Ngũ Hiệp cũng không biết Tăng
Giả Nan Đà là một hòa thượng.
Họ nghĩ:
– Người nầy là ai? Núp ở bụi cây từ nãy đến giờ dùng nội công thượng
thừa khiến cho một sợi giây vọt lên, không một tiếng động, tốc lực kinh
khủng. Kình lực vừa cương vừa nhu đến độ đánh bay được đao kiếm của các
cao thủ. Rồi bây giờ lại đọc bốn câu "thơ chẳng ra thơ" lời lẽ huyền bí
thế nầy, ngụ ý gì đây?
Trưng Nhị thì nghĩ:
– Mình đáng chết thật! Đúng rồi, trên đời làm gì có người nào, nội công
cao hơn Khất đại phu với Đào Kỳ ngoài vị Phật Gia Tăng Giả Nan Đà? Có
điều vận sức âm nhu vào gợi giây, để giây vọt lên tấn công người cực
mạnh mà không một tiếng động. Rồi biến tư nhu sang cương, đánh văng được kiếm của Trương Linh, không ai có thế tưởng tượng được. Trương Linh với mình võ công ngang nhau. Thế mà kiếm của y bị sợi giây "mổ" bay đi, thì nội công này đã tới mức không biết đâu mà lượng.
Trần Năng đang đấu với Nghi Gia, thấy Tăng Giả Nan Đà đọc một đoạn trong kinh Lăng Già mà ngài đã giảng cho nàng.
Hôm đó ngài nói:
"Lăng Già là mội kinh tối cao của Thiền Môn. Ngày xưa đức Phật Thích Ca
Mâu Ni ngự đến núi Lăng Già giảng kinh đại Thừa, nên kinh mang tên Lăng
Già. Thời bấy giờ, khi Phật giảng kinh bao giờ cũng có một người ngồi
làm Thượng thủ. Hôm Phật giảng kinh Lăng Già thì Đại Bồ Tát Đại Huệ ngồi làm Thượng thủ với nhiều Bồ Tát. Mở đầu Đại Huệ Bồ Tát lạy phật thưa
rằng:
– Con là Đại Huệ, thông hiểu Đại Thừa.
Sau đó Đại Huệ Bồ Tát đọc một bài kệ ca tụng Phật Tổ. Đoạn ngài vừa đọc là đoạn đầy trong bài kệ đó.
Thế gian ly sinh diệt câu này ý nói Phật Tổ là Đấng đại giác ngộ thoát
ra ngoài lẽ sinh, tử. Chí bất đắc hữu, vô ngài đã bỏ ra ngoài ngũ uẩn,
không phân biệt ta với người, người với người nữa cho nên dù "có" dù
"không" cũng thế thôi. Tất cả chỉ còn ở ngài một trái tim đại từ đại bi. Nhất thiết pháp như huyễn Ngài giảng phép Phật rõ ràng có, mà không.
Cho nên Phật Giáo không có chỗ khỏi đầu, cũng không có chỗ cùng tận là
thế"
Trần Năng thắc mắc không hiểu sao ngài đọc lên giữa lúc nầy? Hôm đó ta
hỏi ngài, làm thế nào thì "Chí bất đắc hữu vô" được. Ngài bảo cứ "không
tâm" tâm vận khí thì được như thế. Hôm đó ta không tâm vận khí thử, thấy trong lòng khoan khoái vô cùng.
Trần Năng vừa chiến đấu vừa suy nghĩ, rồi trong lúc không tự chủ nàng
vận khí "không tâm", chân khí chuyển vận tự nhiên như không biết đến.
Giữa lúc nàng "không tâm" vận khí, buông lỏng kình lực, tay phát ra
chiêu "Ngưu Tẩu Như Phi". Chưởng của nàng chạm vào chưởng của Nghi Gia.
Không một chút gió nào. Bịch một tiếng, nàng cảm thấy người khoan khoái
vô cùng. Còn Nghi Gia chưởng lực bị mất tăm mất tích. Y thị hoảng sợ
nhảy lùi lại. Cả hai cùng ngẩn người ra suy nghĩ.
Trần Năng phấn khởi:
– Ta vô tình "không tâm" phát chiêu. Kình lực dương cương biến mất, chân khí trong người biến thành một thức chân khí kỳ lạ. Không phải để đánh
đối chủ, cũng không phải để đỡ đối thủ, mà "hóa giải hết kình lực độc ác của đối thủ". Như vậy Phục Ngưu Thần Chưởng, không còn là chưởng pháp
dũng mãnh nữa. Trước đây Vạn Tín Hầu nhân Phục Ngưu Thần Chưởng của
thánh Tản Viên, chế ra ba mươi sáu chiêu cùng mang trên Phục Ngưu Thần
Chưởng. Nhưng vận khí âm nhu, khi phat chiêu hung ác khác thường. Nếu
luân hồi vô cùng.
Phật Nguyệt hỏi:
– Sư Phụ! Sư phụ chưa giảng cho đệ tử biết luân hồi là gì, thì làm sao đệ tử hiểu được Ngũ uẩn?
Từ hôm gặp Tăng Giả Nan Đà đến giờ, Phật Nguyệt gần ngài nhiều nhất.
Nàng được hưởng ân huệ thuyết pháp của ngài luôn. Song hôm nay lần đầu
tiên nghe đến chữ luân hồi, nàng nêu thắc mắc. Tăng Giả Nan Đà khoan
thai giảng:
– Phật Nguyệt thí chủ quả tinh minh. Luân hồi tiếng Phạn là Samsara. Bần tăng dịch là luân hồi. Luần là bánh xe, hồi là trở về. Luân hồi là cái
bánh xe quay vòng, thì bất cứ cái lăn của bánh xe nào cũng trải qua
nhiều vị trí, từ vị trí cao nhất, vị trí ngang, đến vị trí thất nhất.
Sau khi quay hết một vòng, cái lăn lại trở về vị trí cũ. Đấy đại để luân hồi là thế. Các động vật chia làm sáu loài: Cao nhất tiên rồi tới thần, rồi tới người. Cõi người là cõi trung bình. Thấp hơn cõi người là địa
ngục, ngạ quỉ, súc sanh.
Đó là sáu cõi. Con người cứ như bánh xe, nay cõi nay, mai cõi khác. Kiếp này là Tiên, không lo tu hành khi hưởng hết phúc, cũng bị chết, đẩy vào cõi thần, người, địa ngục, ngạ quỉ hay súc sanh.
Phật Nguyệt suýt xoa:
– Phải rồi, vì vậy Phật Thích Ca mới bỏ ngôi Thái tử để đi tu. Hầu tìm lấy con đường giải thoát khỏi sáu cõi.
Tăng Giả Nan Đà mỉm cười:
– Thí chủ hiểu mau quá, nói đúng quá. Muốn thoát khỏi sáu cõi luân hồi phải tìm đường tu thành đạo, hết luân hồi, hết khổ não.
Phật Nguyệt chăm chăm nhìn Tăng Giả Nan Đà:
– Khi con người giác ngộ, tu hành, đã hết khổ não một phần. Như sư phụ
nay, không lo, không giận, không phiền, không tham muốn, đã thành một Bồ Tát sống rồi dậy. Sư phụ! Người có thể độ cho đệ tử theo người thành Bồ Tát được không?
Tăng Giả Nan Đà lắc đầu:
– Không bao giờ bần tăng giúp thí chủ thành Bồ Tát, vì bần tăng có giúp cũng không được.
Phật Nguyệt chưng hửng:
– Sư phụ! Tại sao vậy?
– Bần tăng chỉ giảng Phật pháp cho thí chủ mà thôi. Còn giác ngộ tự
chính thí chủ. Thí chủ hãy bỏ hết Ngũ uẩn, trở lại với con người mình.
Con người mình không còn gì nữa, thì Phật sẽ đến ngay trong tâm thí chủ.
Những lời đối đáp giữa Tăng Giả Nan Đà với Phật Nguyệt ngày càng cao xa, khiến quần hào ngồi đó bị lôi kéo, say xưa, không biết rằng trời sáng
lúc nào. Đoàn Thần hổ, Thần báo, nằm ngủ ngáy vang như sấm. Chim trời
thức giấc, hót líu lo chào mừng bình minh và muôn hoa. Trần Năng chấp
tay:
– Như hồi nãy, đệ tử đấu với Phan tiểu vương gia và phu nhân. Sư phụ
nhắc đệ tử "Chí bất đắc hữu vô" đệ tử "không tâm" thì kình lực cũng
không. Hóa giải hết kình lực của Phan phu nhân, nên phu nhân mới bị
thua. Rồi sư phụ nhắc "Nhi hưng đại bi tâm" trong cái "không tâm" của
nhà Phật, lòng đại bi đối với chúng sanh phải rộng như biển. Thì trong
cái không lại hiện cái có đúng như kinh Bát Nhã nói "Sắc tức thị không,
không tức thị sắc. Sắc bất dị không, không bất dị sắc". Đệ tử áp dụng
vào chuyển chân khí, thắng được Phan tiểu vương gia và phu nhân. Đó là
chẳng qua đệ tử "Trực chỉ nhân tâm, kiến tính của mình mà thấy Phật
tính". Có phải thế không?
Tăng Giả Nan Đà nhìn Trần Năng:
– Hùng phu nhân tuy nghe ít, mà giác ngộ nhiều. Niết bàn đối với phu
nhân không xa. Bây giờ bần tăng trở lại với Ngũ uẩn. Ngũ uẩn là năm thứ
nó che mất tính giác ngộ của chúng sinh, khiến chúng sinh bị giam trong
kiếp luân hồi. Ngũ uẩn là: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Tại sao bần tăng lại đen? Tại sao Hàn thái hậu với công chúa Vĩnh Hòa trắng? Tại sao
Hùng phu nhân với cô nương da lại hồng? Đó là những cái hình thể của
chúng ta khác nhau.
Hàn Tú Anh lên tiếng:
– Giữa chúng tôi với công chúa tuy da trắng giống nhau, thế mà chúng tôi vào trong lăng này, mỗi người có một tâm khác nhau. Cái đó gọi là gì?
Xin đại Sư giảng cho.
Tăng Giả Nan Đà nhìn Thái Hậu với vẻ thương xót:
– Cái đó gọi là Vedana, dịch sang tiếng Hán là Thọ. Đối với cảnh lăng
này, Thái hậu tới nay tế lăng, nhớ đến Tiên đế khi xưa giả làm văn nhân
đến gặp thái hậu. Rồi hiển hiện lên cảnh sống hạnh phúc ở Đào gia. Rồi
cảnh Thái hậu bị đem vào rừng giết, lưu lạc xuống Quế Lâm, xa hai Thế
tử, xa tiên đế. Còn Công chúa tới đây tế lăng, quì xuống khóc, nhớ lại
ông chú mình xưa là Trường Sa vương, bị giết. Cảm thương sự nghiệp nhà
Đại Hán, nhớ đến Cảnh Thủy Hoàn Đế, nhớ đến Thái phu nhân, thì lòng vừa
lo, vừa hồi hộp, vừa hy vọng. Những cảm quan khác nhau như vậy gọi là
Thọ. Còn trong lăng nay, chúng ta nhận ra hình thể của Khúc Giang Ngũ
Hiệp, Tượng quận Tâm Anh, người người khác nhau cái đó gọi là Sanjina,
dịch sang tiếng Hán là Tưởng.
Dưới ánh bình minh, tiếng Tăng Giả Nan Đà nói sang sảng như tiếng
chuông, khiến mọi người bị lôi kéo theo, không còn biết cảnh vật xung
quanh nữa.
Ngài tiếp:
– Nhìn cảnh lăng này, thì Hùng Phu nhân nghĩ cứu xong Hàn thái hậu, cất
quân về chiếm lại Lĩnh Nam. Phan tiểu vương muốn bắt Hàn thái hậu. Công
chúa giận Xích Mi đã giết Cảnh thủy hoàng đế. Tất cả những cái đó gọi là Samskaras dịch sang tiếng Hán là Hành. Còn như trong lăng mộ nay, Trần
Nhất Hiệp phân biệt được nội công, võ công của Hùng phu nhân có những dị biệt, đó là Vijana tức là Thức. Vậy Ngũ uẩn là cái gì? Nó chính là con
người, mỗi con người có Ngũ uẩn hợp thành. Muốn giác ngộ, phải bỏ Ngũ
uẩn trước. Trong kinh Bát Nhã, bần tăng đọc lên ban nãy có câu rằng
"Chiếu kiến ngũ uẩn giai không". Ở đây cộng chung có ba mươi mốt người
mà chỉ Hùng phu nhân giác ngộ, hiểu được, áp dụng vào nội công, thắng
Phan tiểu vương và phu nhân.
Hàn Bạch đưa tay đếm số người rồi nói:
– Đại hòa thượng lầm rồi, chỉ có hai mươi bốn người, kể cả ngài là hai mươi lăm thôi, không tới ba mươi mốt.
Tăng Giả Nan Đà cười:
– Tới 30, với bần tăng là 31.
Trần Nhị Gia đưa tay đếm:
– Nhóm của Công chúa 9 người, nhóm Phan Anh 2 người, nhóm của tại hạ 5 người nữa, cộng lại là 24.
Tăng Giả Nan Đà đưa tay về phía phải, một luồng kình phong nhu hòa thổi
vào bụi cây có Trưng Nhị, Sa Giang núp. Hai người biết bị bại lộ, vội
đứng dậy. Trưng Nhị bước đến trước mặt Tăng Giả Nan Đà chắp tay:
– A Di Đà Phật! Đệ tử ẩn thân ở nay, được nghe lời giảng cao siêu của Đại Sư, thực muôn vàn cảm tạ.
Nàng hướng vào mọi người:
– Trưng Nhị, người đất Lĩnh Nam xin tham kiến Khúc Giang Ngũ Hiệp và Tượng Quận Tam Anh.
Hồ Đề đi một vòng giới thiệu.
Trần Nhất Gia hỏi:
– Vậy mới là 26 người. Còn năm người nữa ở đâu, xin Đại Sư mời họ ra tương kiến, không biết có được không?
Tăng Giả Nan Đà lắc đầu:
– Không nên. Trong năm người nay, hai người nội công cao thâm không
lường. Một người già, một người trẻ. Lòng dạ từ bi. Ba người nữa thuộc
loại siêu nhân. Họ đến đây trước cả bần tăng. Họ không muốn hiển lộ thân thế thì thôi.
Hồ Đề huýt sáo gọi Thần ưng, ra lệnh cho chúng tìm 5 người Tăng Giả Nan
Đà nói đến. Tần ưng bay lên cao, lượn một vòng, rồi đâm bổ xuống phía
chân đồi. Chúng bay lên kêu ba tiếng.
Hồ Đề nói:
– Năm người thấy bại lộ, đã xuống đồi. Họ là người nhà, Thần ưng quen mặt, nên không tấn công. Thôi bỏ qua truyện nầy.
Trần Nhất Gia hỏi Trưng Nhị:
– Trưng cô nương, chẳng hay Đặng Thi Sách và phu nhân có được mạnh khỏe
không? Cách nay mấy năm, tôi đã được gặp Đặng đại ca, bàn truyện phục
hồi Lĩnh nam đến hai đêm hai ngày. Đặng đại ca hùng tâm, đại lược, khiến anh hùng bốn phương đều qui phục.
Trưng Nhị tường thuật tất cả những biến chuyển vừa qua cho Trần Nhất Gia nghe. Nàng kết luận:
– Trần Kim Bằng tiên sinh là bác của các vị. Vì giữ trong người giữ di
chiếu phục quốc của An Dương Vương. Người phải cải tên Nghiêm Bằng. Võ
công Khúc giang, người dấu không dạy cho con. Trần Tự Sơn chỉ biết sự
thực khi thân phụ qua đời, truyền di vật cho mà thôi.
Năm anh em Khúc Giang Ngũ hùng nghe truyện, nước mắt chan hòa. Trần tứ Gia thở dài:
– Bá phụ làm việc quá kín đáo. Hồi người bỏ đi. Chúng tôi tìm khắp nơi
mà không thấy. Ai ngờ người cải tên họ, làm quan với Trường Sa Vương.
Bấy lâu nay, chúng tôi hằng chống Lĩnh Nam Vương. Có ngờ đâu, ngài lại
là anh họ mình.
Trưng Nhị nói với Hàn Tú Anh:
– Bá mẫu, chúng tôi đối với Nghiêm Đại ca như tình ruột thịt. Chúng tôi đến đây cứu bá mẫu. Xin bá mẫu đừng sợ hãi.
Hàn Tú Anh cất tiếng ôn nhu hỏi:
– Nghiêm Sơn mang quân đánh Thục, đã xong chưa?
Trần Năng đáp:
– Nghiêm vương Quang Vũ bắt giam. Không chừng giờ này bị giết rồi cũng
nên. Sở dĩ Vương bị hại do Mã thái hậu khích Quang Vũ. Cháu đề nghị bá
mẫu cần xuất hiện. Trước là mẫu tử cốt nhục trùng trùng. Sau là hóa giải "nghiệp chướng" giữa Kiến vũ hoàng đế với Trần Đại ca. Có như vậy mới
tránh được một trận giặc kinh hồn động phách giữa Lĩnh Nam với Trung
Nguyên.
Tăng Giả Nan Đà nói:
– Trưng thí chủ nói đúng. Thái hậu ơi! Chiến tranh, biết bao nhiêu người chết. Biết bao nhiêu người tan nhà nát cửa. Thái hậu cần về Lạc Dương
gấp. Nếu chậm e không kịp.