Động Đình Hồ Ngoại Sử
Chương 29 : Ngọc tỷ truyền quốc
Ngày đăng: 14:46 18/04/20
Phan Anh thở dài:
– A Di không hiểu ta cũng phải. Bấy lâu nay ra dấu A Di. Bây giờ nói ra
cũng không muộn. Ta nói cho A Di biết một điều tối mật: Phụ hoàng ta vẫn còn sống.
Tiểu Lan kinh ngạc:
– Thực sao?
Phan Anh quả quyết:
– Sau trận đánh Trường-sa, ai cũng tưởng phụ hoàng băng hà. Sự thực người vẫn còn sống trên thế gian này.
Tiểu Lan ngạc nhiên:
– Hoàng thượng vẫn còn tại thế à? Tiểu tỳ không tin. Không thể như thế được. Hiện hoàng thượng ở đâu.
Phan Anh đáp:
– Trận đánh Trường-sa, phụ vương ta võ công cao gấp bội Nghiêm Sơn.
Nhưng Nghiêm dùng binh giỏi hơn. Người bị bại. Người lên núi, cho một
tên quân mặc quần áo của người. Người đánh y chết. Thân thể nát bấy. Vì
vậy Đặng Vũ đuổi tới, nghĩ rằng phụ vương ta đã qua đời. Kỳ thực người
vẫn ở ẩn trong Hoàng cung Lạc-dương.
Tiểu Lan ngơ ngác:
– Sao lại ẩn ở Lạc-dương?
Phan Anh đáp:
– Người thử nghĩ coi, phụ vương ta ở ẩn để tránh con mắt truy lùng của Quang-Vũ, ngay tại Hoàng cung ai còn nghi ngờ?
Phan Anh ngừng một lát tiếp:
– Hành tung của phụ vương ta, không ai biết được. Ta là con, mà gặp cũng rất khó khăn, nữa là người khác. Phụ vương ta khống chế Mã thái hậu.
Dùng Mã thái-hậu áp đảo Tam-công, triều đình. Người cử Trần Lữ đầu quân
theo Đặng Vũ. Dùng độc chưởng khống chế y. Người cử Tạ Thanh Minh đầu
quân với Tần-vương Lưu Nghi ở Trường-an, dọ biết tình hình. Một ngày
kia, chúng ta áp chế được quần thần nhà Hán. Nếu A Di nói cho ta biết
việc đó, thì đại sự lo gì không xong?
Tiểu Lan lắc đầu:
– Đợi diện kiến hoàng-thượng, tiểu tỳ mới nói. Tiểu tỳ nhất quyết không
đổi ý. Tiểu tỳ cũng không tin Mao lão gia. Tiểu tỳ chỉ nói với thái-tử
mà thôi. Thái tử ơi! Khi nào thoát khỏi đây. Tiểu tỳ sẽ nói với thái-tử.
Mao Đông Các cười:
– Có vậy mà ngươi cũng hẹp hòi. Ta là thái sư phụ của thái-tử, mà ngươi
cũng không tin sao? Thôi được ta đi ra, để ngươi nói với thái-tử.
Mao Đông Các móc trong bọc ra năm viên thuốc đưa cho Phan Anh:
– Đây là thuốc giải, nếu thị nói rồi thái-tử cho thị uống.
Nói rồi y đi ra.
Tiểu Lan nói vào tai Phan Anh:
– Hoàng-thượng bị Mao lão giết chết từ năm năm rồi. Việc đó tiểu tỳ biết hết. Thái tử chỉ biết hoàng-thượng băng hà, mà không biết nguyên do tại sao phải không?
Phan Anh lắc đầu:
– Ta không tin.
Tiểu Lan nói với Phan Anh:
– Thái tử! Ngươi đã biết cách đây hơn ngàn năm, Chu Võ Vương phạt Trụ,
thu được kho tàng đầy vàng bạc châu báu, cất dấu ở trong cung. Nhà Chu
trải tám trăm năm, các chư hầu tiến cống không biết bao nhiêu mà kể.
Vàng ngọc truyền đến cuối đời Chu gom góp lại thành kho tàng lớn. Kho
tàng ngọc truyền đến cuối đời Chu gom góp lại thành bảy nước, lại thu
thêm được châu báu. Tần bại, Hạng Vũ vào Hàm-dương trước, lấy được. Sở
bị diệt. Kho tàng thuộc Lưu Bang. Lưu Bang đem chôn ở một nơi thực bí
mật. Rồi suốt đời Hán, của cải súc tích được bao nhiêu, lại cũng đem
chôn cùng vào một chỗ với kho tàng, mà không sao biết chỗ. Khi
hoàng-thượng đánh Vương Mãng, nô tỳ theo hầu. May mắn tìm được hộp đựng
Ngọc-tỷ truyền quốc, dưới cái giếng sâu. Dưới đáy hộp có tấm bản đồ ghi
chú nơi chôn kho tàng. Hoàng thượng không ngờ Mao Đông Các phản
hoàng-thượng. Lão tiên sinh này báo tin cho Mã Thái Hậu biết. Mã-hậu
thuyết phục Mao lão-gia phản hoàng-thượng, để độc chiếm kho tàng một
mình. Mao lão gia nghe theo.
Phan Anh hỏi:
– Mao lão tiên sinh là thái sư phụ ta. Tại sao người lại phản phụ hoàng ta?
Tiểu Lan thở dài:
– Điều đó dễ hiểu lắm. Trường-sa vương trước kia chỉ sủng ái Hàn Tú Anh. Vì vậy Mã Vương-phi buồn rầu, cô độc. Không hiểu cơ duyên nào đó, Mao
lão-gia gặp Mã vương-phi. Hai người trở thành tình nhân. Trường-sa vương bị Vương Mãng giết chết. Mao lão gia cứu Vương phi ra ngoài thôn dã ở
ẩn. Chờ tới khi Quang-Vũ trung hưng, cho người tìm Mã vương-phi vào
cung. Phong làm thái-hậu. Mao lão gia theo Mã thái-hậu về Lạc-dương.
Thỉnh thoảng lão gia thăm hoàng-thượng. Hoàng thượng nhờ Mao lão gia đào kho tàng. Mao lão gia nhận lời. Không ngờ trong lúc ân ái mặn nồng với
Mã thái-hậu, Mao lão gia nói ra hết. Tiểu tỳ còn biết rõ: Mao lão gia
với Mã thái-hậu có hai người con gái. Thái-tử có biết hai cô gái đó ở
đâu không?
Phan Anh lắc đầu:
– Ta không biết. Hai đứa trẻ đó hiện ở đâu?
Tiểu Lan chỉ vào Hồng Hoa, Thanh Hoa:
– Là hai vị cô nương nầy.
Tiểu Lan tiếp:
– Mã thái-hậu thụ thai, dấu kín, sinh đẻ xong, đưa ra ngoài cho Mao lão
gia nuôi. Vì vậy thái-tử thấy, Hồng Hoa, Thanh Hoa tuy họ khác nhau, mà
mặt giống nhau như hai giọt nước. Mao lão gia hiện giả làm vệ sĩ trong
cung, đi lại với Mã thái-hậu. Mã thái-hậu khám phá ra chuyện Nghiêm Sơn
là con nuôi Hàn thái-hậu, bà muốn nhờ tay Mao lão-gia giết Hàn thái-hậu, sau giết Quang-Vũ để cho Mao lão gia lên làm hoàng đế.
Tiểu Lan buồn bã tiếp:
– Hoàng thượng bại trận Trường-sa. Lúc quân tan, thế cùng, tiểu-tỳ ở bên cạnh, hoàng-thượng dặn tiểu tỳ giả câm, ẩn trong thành, trông coi chỗ
cất Ngọc-tỷ truyền quốc với bản đồ kho tàng. Vì vậy tiểu tỳ mới cố sống
đến ngày nay.
Phan Anh hỏi:
– Từ hồi đến giờ. Phụ-hoàng có liên lạc với ngươi không?
Tiểu Lan đáp:
– Có. Cứ mấy tháng một lần. Người tự rạch mặt cho thành sẹo. Người đến
Lạc-dương đầu quân làm thị vệ. Từ đấy người ở ẩn trong cung, dùng độc
chưởng kiềm chế quần thần. Cho đến một ngày kia. Hoàng-thượng kiềm chế
Mã thái-hậu. Không ngờ Mã thái-hậu không sợ độc chưởng, vì bà được Mao
lão gia dạy cách chế thuốc giải. Bà vờ sợ hãi, rồi nhờ Mao lão-gia giết
Hoàng-thượng.
Phan Anh hỏi:
– Ngươi có biết di thể phụ-hoàng ta chôn ở đâu không?
Tiểu Lan đáp:
– Dĩ nhiên là biết. Chính tiểu tỳ đem người chôn ở ngoài thành Lạc-dương.
Hồng Hoa xem vào:
– Tiểu Lan, truyện có thực hay không?
Tiểu Lan cười:
– Thực hay không thì cô nương tự biết. Cô nương là đệ tử của Mao lão
gia. Tức khâm phạm của triều đình, sao lại được lão gia bí mật dẫn vào
cung triều kiến thái-hậu? Tại sao Mã thái-hậu lại yêu thương hai vị cô
nương như vậy?
Hông Hoa, Thanh Hoa nhớ lại một đêm, hai nàng được thái sư phụ dẫn vào
cung yết kiến Mã thái-hậu. Mã thái-hậu ôm lấy hai nàng, nước mắt trào
ra, rồi tặng cho hai nàng không biết bao nhiêu vàng bạc châu báu. Từ đó
cứ mỗi tháng một lần, hai nàng nhập cung yết kiến Mã thái-hậu. Hai nàng
nhớ lại: Cứ mỗi lần hỏi thái sư phụ, cha mẹ là ai, Mao Đông Các đều lắc
đầu không trả lời. Thì ra thái sư phụ là cha hai nàng. Còn Mã thái-hậu
là Mẫu-thân. Việc đời thực lắm éo le.
Tiểu Lan nói với Phan Anh:
– Đợi ra khỏi nơi đây, tiểu tỳ sẽ nói cho thái-tử biết rõ chỗ cất Ngọc tỷ.
Bỗng một bóng nhảy vào cười rộ lên:
– Phan Anh, Tiểu Lan! Đáng lẽ ta không giết các ngươi. Nhưng chuyện bí mật của ta, các ngươi đã biết rồi, ta phải ra tay.
Mao Đông Các, thò tay vào bọc rút ra cây búa. Y vung lên một cái, xích
trói Hồng Hoa, Thanh Hoa đứt rời ra. Y hướng vào Tiểu Lan phóng một
chưởng. Nhanh như chớp Tiểu Lan lăn người ra xa tránh khỏi chưởng đó.
Thân pháp bà nhanh không thể tưởng tượng được. Ngoài sự ước đoán của Mao Đông Các. Mao Đông Các cười gằn:
– Thì ra ngươi cũng biết võ? Võ công ngươi là võ công Lĩnh Nam.
Tiểu Lan đứng thẳng người dậy cười:
– Mao Đông Các! Ngươi có mắt như mù! Ta họ Trần, tên Thiếu Lan, người
phái Tản-viên đất Lĩnh Nam. Ta chủ trương phản Hán phục Việt, khởi binh
phục quốc. Chẳng may mất thế, bị người Hán bắt làm nô tỳ. Ta theo Xích
Mi, xúi Xích Mi tàn hại nhà Hán, khiến Trung-nguyên loạn lạc. Có thế
Lĩnh Nam ta mới nổi lên đuổi người Hán dễ dàng. Ta đâu có phải thứ nữ tỳ hèn hạ.
Mao Đông Các lại vung chưởng tấn công Thiếu Lan. Thiếu Lan nhảy sang
phải tránh, rồi phản công. Chưởng của bà chưa phát ra hết, gió lộng ào
ào. Bình một tiếng đánh trúng ngực Mao Đông Các. Mao đông Các không
phòng bị, trúng một chưởng như trời giáng. Người y lảo đảo, ngã ngồi
xuống. Thiếu Lan phóng tiếp chưởng thứ nhì. Hồng Hoa, Thanh Hoa quát
lên, tấn công vào hai bên. Thiếu Lan đẩy chưởng của Hồng Hoa vào Thanh
Hoa, lùi lại tấn công Mao Đông Các. Mao đã phục hồi được sức lực. Hai
người tái diễn cuộc đấu.
Trưng Nhị đứng ngoài kinh ngạc:
– Võ công Trần Thiếu Lan mạnh muốn hơn Lê Đạo Sinh, chỉ kém Khất đại-phu với Đào Kỳ. Vậy nàng là đệ tử của ai trong bản phái?
Thình lình Mao Đông Các nhảy ra khỏi nhà tù. Tay y liệng một vật tròn
vào trong. Tia lửa lóe ra như chớp. Một tiếng nổ kinh hồn phát ra.
Trưng Nhị la lên:
– Gian tế, gian tế, bắt gian tế mau.
Lập tức các nơi trống chiêng đánh vang lên. Mao Đông Các vội cùng với
Hồng Hoa, Thanh Hoa vọt mình ra khỏi nhà ngục. Vừa ra khỏi, thì đã thấy
đèn đuốc sáng trưng. Bên ngoài nhà ngục, quân sĩ đã dàn ra từ bao giờ.
Mao Đông Các cùng Hồng Hoa, Thanh Hoa vung chưởng tấn công, họ chỉ nhô
lên thụp xuống mấy cái, đã mất tích vào đêm tối.
Vũ Chu tiến tới trước Trưng Nhị nói:
– Tiểu tướng bất lực để gian tế chạy thoát, mong quân sư trị tội.
Trưng Nhị cười:
– Vũ Thứ-sử! Tất cả chúng ta đây, không ai là đối thủ của một trong hai
người con gái đó. Chứ đừng nói là đối thủ của lão già. Cứ để chúng chạy, chúng không thoát khỏi tay tôi đâu.
Trưng Nhị vào nhà tù, thấy Tiểu Lan chỉ còn thoi thóp thở. Nàng sai mở còng cho vợ chồng Phan Anh, nói:
– Phan thái-tử, ngươi đi thôi. Nếu ngươi muốn về Lạc Dương giết Mã
thái-hậu trả thù cho cha mẹ, môn hộ thì cứ đi. Thiếu Lan có tôi chiếu
cố.
Phan Anh cúi lạy Thiếu Lan, vái Trưng Nhị nói:
– Trưng cô nương, kẻ thù của kẻ thù là bạn ta. Cô nương với chúng tôi,
cũng như Quang Vũ đều có chung kẻ thù là Mã thái-hậu với Mao Đông Các.
Vậy chúng ta là bạn. Bọn chúng tôi đi đây.
Hai người hú lên một tiếng, phóng mình vào đêm tối.
Trưng Nhị lại bên Thiếu Lan, cầm mạch, thấy khi có khi không. Bỗng Thiếu Lan mở mắt ra nhìn Trưng Nhị. Nàng nói bằng tiếng Việt:
Phương Dung an trí Lục Sún với đội Thần-ưng ở núi Bắc-mang. Nàng dặn các Sún không cho chim bay lượn nhiều, sợ thám mã Hán biết, e gặp khó khăn. Nàng nói với Đặng Đường Hoàn:
– Sư bá tạm ở núi Bắc-mang cùng với Giao Chi, Giao long nữ, cai quản bọn Lục Sún với đội Thần-ưng. Chúng ta dùng Thần-ưng liên lạc với nhau.
Việc trước mắt là dọ thám xem chúng giam Hoàng sư tỷ ở đâu? Khất đại phu với Đào tam lang đã làm gì?
Lục Sún dầu sao cũng là đám thiếu niên, tính nhạy cảm. Từ hôm theo quân
tòng chinh đến giờ, chúng đi với Trưng Nhị, Hồ Đề, Lê Chân. Trần Năng và Phật Nguyệt. Trong năm người, nhiều tình cảm nhất là Trưng Nhị với Phật Nguyệt. Nhưng họ không có thì giờ săn sóc chúng. Khi đổi mặt trận.
Chúng theo đạo Trường-an, sống gần Hoàng Thiều Hoa nhiều nhất. Hoàng
Thiều Hoa tuy chưa có con. Song nàng có kinh nghiệm chăm sóc cho Đào Kỳ, nên biết tâm lý Lục Sún. Vì vậy chị em sống bên nhau giữa chốn ba quân, mà tình ý thâm trọng. Từ hôm nàng bị bắt, Lục Sún khóc mấy ngày, rồi
bản tính quật cường nổi dậy, chúng bàn định cách cứu Thiều Hoa, Phương
Dung chưa cho chúng đi. Chúng nhất định đòi đi ngay. Phương Dung đem
quân luật ra bắt chúng phải ở núi Bắc-mang. Bề ngoài chúng tuân lệnh.
Trong lòng chúng phản đối.
Sún Rỗ kêu lên:
– Bất công, em phản đối sư tỷ Phương Dung. Đi cứu Hoàng sư tỷ mà không
cho Lục Sún đi là cớ gì? Nếu vậy Lục Sún sẽ đi riêng. Lục Sún vào hoàng
cung bắt sống hoàng-hậu, công-chúa, thái-tử... đem đổi cho Quang-Vũ lấy
Hoàng sư tỷ. Nếu Quang-Vũ làm Hoàng sư tỷ đau đớn, Lục Sún cũng làm
người của Quang-Vũ như vậy.
Trần Năng an ủi Lục Sún:
– Các sư đệ ngoan ngoãn mới được. Đây là kinh đô Lạc-dương. Nếu Lục Sún
làm ồn lên chỉ nguyên mấy vạn thị-vệ cũng đã giết hết chúng ta, còn ai
cứu Hoàng sư tỷ nữa?
Trần Công Minh vốn tính nóng nảy quát mắng:
– Lục Sún không được ồn ào. Phải tuân lệnh sư tỷ Phương Dung, nếu không phải đòn.
Tâm lý trẻ con bao giờ cũng thế. Khi thấy điều gì không vừa ý, chúng
phản đối một cách tự nhiên. Người lớn cần giải thích cho chúng đúng lý,
chúng mới chịu tuân theo. Còn dùng uy quyền, áp lực chúng nín chịu,
nhưng rồi khi vắng mặt người lớn chúng sẽ hành xử theo ý chúng. Lục Sún
thấy sư bá quát mắng. Chúng nhìn nhau, không nói gì, nhưng trong lòng
nổi lên một cơn giông tố.
Chúng đợi cho Phương Dung cùng mọi người đi rồi, lấy mắt ra hiệu cho
nhau, cùng lên chỏm núi hội nghị. Nguyên Lục Sún xuất thân là những trẻ
mồ côi, cha mẹ chúng bị người Hán giết chết. Chúng bơ vơ, được Hồ Đề đem về nuôi nấng, dạy dỗ từ nhỏ. Chúng chơi với nhau thân như ruột thịt,
nghịch ngợm không biết đâu mà lường.
Sau khi ngồi xuống sáu tảng đá khác nhau, Sún Lé nói:
– Hoàng sư tỷ bị Quang-Vũ bắt đi đã lâu không có tin tức gì. Bây giờ
chúng ta cho Thần-ưng trinh sát đi tìm xem sư tỷ bị giam ở đâu? Vậy
chúng ta cùng vào thành Lạc-dương một lúc.
Sún Rỗ tiếp:
– Sư tỷ Phương Dung có mang theo năm Thần-ưng đưa tin. Vậy chúng ta thấy chúng bay lượn ở đâu, tránh chỗ đó, không thể để sư tỷ bắt được. Sư tỷ
bắt được, sẽ đuổi chúng ta trở lại đây mất. Không chừng còn bị phạt nữa
là khác.
Sún Cao hỏi:
– Từ đây vào thành Lạc-dương cũng hơi xa. Chúng ta phải dùng ngựa mà đi. Vào thành rồi chúng ta mới dọ thám. Nhưng chúng ta lấy tiền đâu trả nhà trọ, mua cơm ăn? Chúng ta học nói tiếng Hán, nhưng giọng nói của chúng
ta là giọng Trường-sa. Hay chúng ta phải giả làm ăn mày để bọn Hán không biết.
Sún Lé lắc đầu:
– Giả ăn mày thế nào được? Chúng ta đi ngựa mà giả ăn mày ư? Bây giờ
chúng ta lấy những bộ quần áo đẹp Hoàng sư tỷ may cho mặc vào. Người Hán thấy chúng ta ăn mặc đẹp, cưỡi ngựa, đeo ngọc đầy người tưởng chúng ta
là con vua chúa mới thú.
Nó lấy tay nải, moi ra cái túi, mở miệng túi: Trong túi đầy ngọc trai
ngọc bích, hồng ngọc, vàng bạc không thiếu gì. Nguyên hôm đánh thành
Ngọc-đế, chiếm được kho tàng Thục. Trưng Nhị chở về Lĩnh Nam. Sún Lé
nhanh tay, bốc lấy một ít cho vào túi. Nó có ý định rằng về Lĩnh Nam làm quà cho bạn bè. Bây giờ nó đưa ra, làm các Sún khác reo hò mừng rỡ.
Lục Sún cũng như Hồ Đề, đi đâu cũng đều mang theo mỗi người vài con
trăn, mấy con rắn, rết, bò cạp, nhện thực độc phòng thân. Trong 600
Thần-ưng của Lục Sún, chúng cũng luyện một đội đặc biệt hai chục
Thần-ưng cực kỳ tinh khôn, để hộ vệ. Trong hai chục Thần-ưng nầy. Hồ Đề
mang theo mười con, còn lại mười lúc nào chúng cũng mang theo bên cạnh,
để sai vặt. Khi thì đưa thư, khi thì hái hoa quả, khi thì phơi quần áo.
Sún Hô bàn:
– Bây giờ chúng ta cứ ngoan ngoãn ăn cơm rồi đi ngủ. Đợi trời gần sáng
hãy lấy ngựa đi. Như vậy sư bá Đặng Đường Hoàn không biết đã đành, đến
sư tỷ Giao Long cũng không ngờ tới.
Chúng ăn cơm rồi mắc võng, leo lên ngủ. Tới nửa đêm, Sún Lé thức giấc
trước. Nó đánh thức từng đứa một, lén lấy ngựa ra đi. Trời gần sáng tới
thành Lạc-dương, vừa đúng lúc thành mở cửa. Chúng cưỡi ngựa ngao du khắp phố phường. Lần đầu tiên chúng được đi chơi trong một thành phố náo
nhiệt như vậy. Cái gì đối với chúng cũng hay cũng lạ hết. Trong khi
chúng đi, trên trời mười con Thần-ưng cứ là là trên cao. Gặp cây nào đậu cây ấy. Đi đến trưa, chúng bắt đầu đói. Sún Lé bàn:
– Chúng ta vào tửu lầu đánh chén một bữa đã, rồi sẽ tìm cách sai Thần-ưng đi dò tin tức Hoàng sư-tỷ.
Sún Rỗ hỏi:
– Phải đem vàng đi đổi tiền đã?
Sún Lé móc trong túi ra một nén vàng:
– Không cần, cứ đưa cái này ra, nhà hàng sẽ đổi tiền cho mình.
Bốn đứa tìm đến một tửu lầu, nhà hàng thấy sáu thiếu niên trang phục
sang trọng. Lưng đeo cung tên, bảo kiếm, tưởng rằng thiếu niên con quan
lớn. Họ sai tửu bảo chạy ra đón. Tửu bảo chia nhau đứa cầm cương, dắt
ngựa ra sau cho ăn cỏ. Đứa cúi rạp người xuống mời Lục Sún.
Khi khởi hành từ Lĩnh Nam, Hồ Đề cho Lục Sún mặc theo lối người rừng.
Trông rất quê kệch. Từ ngày bọn Lục Sún theo Hoàng Thiều Hoa đến giờ.
Nàng ra lệnh may cho chúng mỗi đứa hàng chục bộ quần áo sang trọng.
Thiều Hoa từng là đệ tử yêu của Đào Thế kiệt, nàng sống trong nhung lụa
đã quen. Sau này làm vợ Nghiêm Sơn, một vị Lĩnh-nam công, uy quyền bao
la, muốn gì được nấy, nàng sống nếp sống đài các đã lâu. Nàng đánh cho
mỗi Sún mấy cái vòng chân, đeo vàng, ngọc đầy người, khiến bọn tửu bảo
trông thấy tưởng chúng là con nhà vương tôn, đưa chúng lên bàn chưng hoa rất đẹp.
Chủ nhân tửu quán đến khoanh tay hỏi:
– Không biết các vị công tử dùng gì?
Sún Cao rành về ăn uống. Nó đã ăn với Hoàng Thiều Hoa, nên biết món ăn ngon. Nó nói:
– Trước hết cho tôi sáu bát Vi-yến nấu với trứng gà. Sau đó cho sáu con
cá-chép chưng thập-cẩm, sáu con gà nướng ngũ-vị hương, mười hai con
bồ-câu quay dòn. Trái cây có thứ nào tươi tốt nhất, đắt nhất mang ra
đây.
Sáu đứa ngồi ăn uống giữa tửu lầu lớn nhất kinh đô Lạc-dương, nghênh
ngang coi thiên hạ bằng nửa con mắt. Ăn nửa chừng, có tiếng hô:
– Tránh ra, nhường chỗ cho các quan lớn.
Bọn Lục Sún chú ý nhìn: năm quân nhân Hán, mặc theo lối Thị-vệ hoàng
cung, rồi cùng ngồi vào bàn gần đấy. Lát sau thêm một nho sinh tới nữa
là sáu. Một Thị-vệ mặc quần áo đội-trưởng, gọi chủ quán lại gần hỏi:
– Bọn trẻ con nào vậy?
Chủ quán đáp khẽ:
– Không rõ! Sáu vị công tử cùng cỡi ngựa đến đây. Thấy cách phục sức,
tôi đoán họ là vương tôn, công tử chứ không phải thường. Họ kêu toàn món ăn rất đắt tiền.
Người đó nói sẽ:
– Ngoài bọn sáu người ra, tuyệt đối không cho ai lên lầu này nữa nghe!
Chủ quán cúi rạp người xuống tỏ ý vâng lệnh. Sún Lé nói khẽ bằng tiếng Việt:
– Này! Chúng mày không được lên tiếng. Để tao muốn làm gì thì làm nghe, nếu không lộ mặt nạ hết.
Nói rồi nó gọi chủ quán:
– Cho ra một bình rượu thực ngon lên đây.
Chủ quán hơi ngạc nhiên đôi chút, rồi cũng đưa lên một bình rượu lớn.
Sún Lé cầm bình rượu lại bàn của sáu người Hán. Nó đến bên đội-trưởng
cúi đầu chào nói:
– Bọn tiểu đệ nhân ngày xuân, muốn kính mời quí huynh một chung rượu
lạt, gọi là duyên may gặp gỡ giữa đường. Mong quí vị không chê bọn tiểu
đệ hủ lậu quê mùa.
Đội trưởng bọn thị vệ hơi bỡ ngỡ. Y nhìn thấy Sún Lé đeo vàng, ngọc, đầu để tóc dài, nước da đen, trông rắn rỏi khỏe mạnh, có thiện cảm. Y nói:
– Đa tạ tiểu huynh đệ. Chúng tôi xin nhận.
Sún Lé cầm bình rượu rót ra từng chung mời bọn họ uống. Nho sinh uống rồi hỏi:
– Chẳng hay các tiểu huynh đệ là công tử của vị vương tôn đại thần nào vậy?
Sún Lé cười:
– Bọn tiểu đệ họ Lưu, đều ở Trường-sa. Bọn tiểu đệ về đây chúc mừng sinh nhật một người. Thú thực trông thấy các vị đại ca, bọn đệ cảm tình lắm. Nhưng tiểu đệ không dám nói người mà bọn tiểu đệ chúc mừng sinh nhật.
Bọn thị vệ nghe vậy, đoán bọn trẻ nầy là con cháu bậc vương tôn. Vì
chúng biết Quang-Vũ sinh trưởng ở Trường-sa. Bề trên chúng họ Lưu thì
đúng là quốc thích rồi.
Sún Lé hỏi đội trưởng:
– Chẳng hay quí tính các đại huynh đây là gì? Hiện thuộc cơ đội nào trong hoàng-cung?
Đội trưởng thấy Sún Lé hỏi đúng khuôn phép, càng tin đây là đám vương-tôn thực. Y nói:
– Tiểu huynh họ Mã tên Huy. Còn năm vị này thuộc đội Thị-vệ hầu cận thái-hậu.
Sún Lé cười:
– Thì ra đại huynh là ngoại thích đây. Chắc đại huynh con cháu của Mã
thái-hậu hẳn. Còn bốn vị đại huynh đây chắc ở Trường-an mới về?
Rồi hắn ta nói với chủ quán:
– Tất cả tiền cơm, rượu của sáu vị, tính về ta.
Mã Huy tuyệt không ngờ, đứa trẻ này lại hào hoa như vậy. Y nói mấy câu cám ơn, rồi giới thiệu:
– Năm vị Thị-vệ này quả mới từ Trường-an về. Suốt mấy ngày qua các vị
phải trông coi một tù nhân. Hôm nay mới được rảnh rỗi ra đây uống rượu.
Sún Lé giật mình nghĩ:
– Binh Thục bị Hán bắt rất nhiều. Đều giữ ở Đồng-quan. Vậy tù nhân mà năm thị vệ gác này là ai? Không lẽ là Hoàng sư tỷ?
Nó lại gọi thực nhiều rượu, gọi cả năm Sún lại. Mỗi đứa thay nhau mời
một tuần rượu. Bọn thị vệ uống đủ sáu tuần rượu, đã bắt đầu ngà ngà say.
Một tên nói:
– Mã đội trưởng! Thú thực từ ngày tôi ra đời đến giờ, chưa bao giờ thấy
một người đẹp đến như người này. Hoàng-thượng lệnh chúng tôi giữ nàng,
cấm không được hành hạ. Dường như ngài định tuyển nàng làm chánh cung
nương nương thì phải. Chứ sao nàng là tù nhân, mà được cung phụng đủ thứ như vậy?
Sún Lé giật mình, biết rằng tù nhân mà chúng giữ đúng là Hoàng Thiều Hoa rồi. Nó lờ đi làm như không biết, chỉ vào bức tranh Tây Thi treo trên
tường hỏi:
– Đại huynh! Người đàn bà đó có đẹp bằng Tây Thi không?
Tên Thị-vệ cười:
– Đẹp gấp vạn lần. Võ công nàng cao vô cùng. Chúng ta được lệnh phải xích nàng rất cẩn thận.
Sún Lé lắc đầu:
– Tôi không tin trên đời có người đẹp hơn bức tranh Tây Thi kia. Này đại huynh, người cho chúng tôi nhìn một cái, nếu quả thật như đại huynh nói đẹp hơn tranh Tây Thi tôi sẽ tặng đại huynh vật này.
Nó thò tay vào bọc, móc ra một chuỗi ngọc trai đến mấy trăm hột. Nguyên
chuỗi ngọc này nó lấy trong kho tàng tại thành Bạch-đế, nó cất giữ tới
nay mới đưa ra.
Tên thị vệ lắc đầu:
– Chúng ta dù có đến một ngàn cái đầu cũng không dám cho các chú coi. Vì người này hiện giữ ở phủ Hoài-nam vương phía Đông thành.