Động Đình Hồ Ngoại Sử
Chương 7 : Màn mưa tưởng tuyết xông pha Nghĩ thôi lạnh lẽo kẻ ra cõi ngoài
Ngày đăng: 14:46 18/04/20
Đoạn này thuật cuộc chiến của đạo binh Ngô Hán, mà Phùng Vĩnh Hoa làm quân sư.
Sau khi rời bản doanh của Nghiêm Sơn, Ngô Hán cùng các anh hùng Lĩnh Nam lên đường trở về Hán-trung. Mấy năm qua y lĩnh chức Xa kị đại tướng
quân, thống lĩnh binh mã Hán-trung, Tây-lương, Trường-an cùng với Đại tư mã Đặng Vũ đánh Thục. Y gặp phải tướng cầm quân Thục là Thái tử
Công-tôn Tư, văn võ kiêm toàn. Cạnh Tư có nhiều cao thủ phái Thiên-sơn.
Tướng sĩ hết lòng cố thủ trong thành Dương-bình quan hiểm trở, y bị thất bại mấy trận.
Lần hội quân với Nghiêm Sơn, với con mắt nhận xét của y, Thục tất bị
chiếm trong vòng một hai tháng là cùng. Quân sư Phương Dung, Trưng Nhị,
Vĩnh Hoa hứa giúp y vào Thành-đô trước, thì cái mộng làm chúa Ích-châu
trở thành sự thật.
Y từng ở dưới trướng Nghiêm Sơn mấy năm. Y biết Nghiêm Sơn có tài vương
bá, khéo thu phục lòng người. Chả vậy mà đám anh hùng Lĩnh Nam cảm nghĩa Nghiêm Sơn, theo giúp hết lòng. Phùng Vĩnh Hoa, y chưa biết tài nàng
cho lắm, còn Khất đại phu, Cao Cảnh Minh, y biết đó là những cao thủ bậc nhất thiên hạ. Vĩnh Hoa mang theo đội Thần-báo, Thần-hổ, mỗi đội 300
con, chuyên chở trên hơn 600 cỗ xe. Nếu hai bên đang giao tranh, mà xua
đội Thần-báo, Thần-hổ vào tấn công địch, phần thắng dễ dàng như không. Y là người đọc sách, đã được đọc tài liệu nói về Nỏ-thần Âu Lạc đặt trên
xe, bắn một lúc hàng ngàn mũi tên, tầm xa gấp đôi tên thường. Dọc đường, y còn nhận thấy đám anh hùng Lĩnh Nam tính tình giản dị. Họ đối xử với
nhau như anh em trong nhà. Y cũng xin Khất đại-phu cho phép gọi ông là
Thái sư-thúc như Phùng Vĩnh Hoa.
Phải mất đến hơn mười ngày mới về tới Hán-trung. Lập tức y cho mời hết
các quan văn võ, giới thiệu anh hùng Lĩnh Nam cùng mưu sự.
Từ ngoài vào bản doanh phải qua nhiều trại quân. Giáp sĩ đi đứng uy
nghiêm hùng tráng, binh sĩ kỷ luật. Trần-gia tam nương là đệ tử của
Thiên-thủ Viên-hầu Lại Thế Cường, từng thao luyện tráng đinh, hùng cứ
một vùng chống Tô Định. Ba nàng thấy quân phong, quân khí Ngô Hán, nói
nhỏ vào tai Phùng Vĩnh Hoa:
– Trưng sư tỷ dự tính giúp Ngô Hán chiếm Ích-châu, để sau này không còn
sợ y cầm quân đánh nhau với Lĩnh Nam cũng phải. Xem quân khí thế này, y
chỉ thua có Nghiêm đại ca mà thôi.
Hồng Nương cất tiếng khen:
– Ngô đại tướng quân, tôi thấy các đạo quân Lĩnh Nam, Kinh-châu,
Hán-trung. So sánh chung, quân khí đạo Lĩnh Nam hơn hết. So về quân
phong thì đạo Hán-trung là đệ nhất. Hèn gì trên đường từ Lĩnh Nam sang
đây, Lĩnh-nam vương không tiếc lời ca ngợi tướng quân.
Ngô Hán là một loại anh hùng, y nói:
– Đa tạ cô nương khen ngợi. Trước tôi chỉ là một tên nhà quê, cắp gươm
theo hầu Lĩnh-nam vương, được Vương gia chỉ dạy cho rất nhiều.
Ngô Hán truyền đánh trống, tụ hội tướng sĩ nghe lệnh. Các tướng tề tựu đông đủ. Ngô Hán chỉ từng người một giới thiệu:
– Đây là Vũ-oai đại tướng quân Lưu Thương.
Cao Cảnh Minh buột miệng:
– Tại hạ ở Lĩnh Nam đã từng nghe danh. Mới đây được Lĩnh-nam vương nhắc
nhở: Lưu tướng quân tiễn lực, tiễn thuật đệ nhất Trung-nguyên.
Lưu Thương nghe trong đạo Lĩnh Nam có Thần-nỏ Âu Lạc, đều là đệ tử, cháu của Cao Cảnh Minh. Cao Cảnh Minh là đệ nhất cao thủ tiễn thuật đời nay. Do đó, tuy đắc chí, nhưng y khiêm nhượng nói:
– Không dám, tiểu tướng hy vọng được Trường-yên đại hiệp chỉ dậy thêm.
Ngô Hán tiếp:
– Đây là Chinh-tây đại tướng quân Phùng Dị.
Phùng Vĩnh Hoa kêu lên:
– Lĩnh-nam vương thường nhắc nhở: đến võ lâm trung nguyên mà không được
gặp Sầm-Phùng-Mã thì coi như chưa biết gì về võ công. Không biết các vị
Sầm Bành, Mã Vũ có ở đây không?
Phùng Dị đáp:
– Hai vị đó ở đạo Kinh-châu.
Phùng Vĩnh Hoa nhìn các tướng Hán, nàng đọc được trong con mắt họ những vẻ nghi ngờ về khả năng của nàng. Nàng lờ đi, tự nhủ:
– Những người này, một đời đọc binh thư, ngồi trên mình ngựa, mạng sống
của họ nay còn mai mất, họ thấy mình còn trẻ, nghi ngờ là phải. Chưa
chắc mình đã bằng họ. Sư phụ mình thường bảo: Ngoài bầu trời này có bầu
trời khác. Trung Nguyên đất rộng người nhiều, là nơi phát tích văn minh
lâu đời, chính những sách mình đọc đều của người Hán. Mình chẳng nên coi thường thiên hạ.
Tham quan Vương Hữu Bằng trình bày:
– Nguyên soái đi mấy ngày, chúng tôi tiếp được lệnh chỉ của Lĩnh-nam
vương Tả tướng quân, bắt các Thái-thú Lũng-thượng, Đông-xuyên, Trường-an đem tinh binh bổ sung. Chúng ta hiện có đủ tinh binh. Còn thêm mấy vạn
mới đến đóng ở Nam Trịnh, chờ lệnh Nguyên-soái. Lương thảo gia nạp đủ,
thừa nuôi quân trong ba năm. Lừa ngựa khí giới hùng tráng, cho nên tinh
thần các tướng sĩ rất hứng khởi. Chờ Nguyên-soái về là tiến quân.
Ngô Hán gật đầu:
– Lĩnh-nam vương gia dùng ba quân sư đều là nữ, mỗi đạo một người. Các
nữ quân sư có võ công cao. Ba nữ quân sư đã thiết kế bổ xung binh sĩ
bằng cách chọn lấy những người khỏe mạnh, kinh nghiệm chiến đấu gửi cho
mặt trận, chứ không lấy tân binh. Các địa phương phải tuyển tân binh bổ
xung chỗ thiếu hụt.
Các tướng sĩ nhìn Vĩnh Hoa với con mắt thán phục đôi chút. Vĩnh Hoa hỏi:
– Muốn thắng giặc phải biết mình trước, xin Tham-quân cho tôi biết chi tiết về quân số, đồn trú hai bên.
Vương Hữu Bằng đem ra tấm bản đồ lớn chỉ lên:
– Quân Hán có 25 vạn bộ, 5 vạn kị, 3 vạn thủy binh, đây là lực lượng cơ
động đánh giặc. Bên giặc có 15 vạn bộ, 5 vạn kị, 5 vạn thủy tất cả đều
cơ động. Về ý đồ của giặc thì chỉ muốn giữ lấy Ích-châu. Biệt lập như
một nước, đợi thời kéo ra đánh Trung-nguyên. Như trước đây đức Cao Tổ
nhà Hán đã dùng để đánh Sở Bá Vương Hạng Võ. Nhờ vậy mà chúng ta chiếm
được ưu thế. Trong các thành Võ-đô, Hồng-nguyên, Tùng-khê, Bình-võ,
Nam-bình, Bà-trung, Thông-giang mỗi thành có hơn hai vạn, vừa kị, vừa
bộ, vừa thủy. Tổng cộng 20 vạn nữa, lực lượng cơ động đóng
Dương-bình-quan và Kiếm-các. Tính chung thì lực lượng cơ động của ta là
33 vạn, rất tinh nhuệ, đa số thuộc đất Thục, một số thuộc các bộ lạc ở
phía Tây đưa về.
Vĩnh Hoa hỏi tiếp:
– Còn các tướng của giặc như thế nào?
– Tổng chỉ huy toàn miền Bắc Ích-châu, là con trưởng Công-tôn Thuật, tức Thái-tử Công-tôn Tư, năm nay 30 tuổi. Y học kiêm Bách-gia, Chu Tử,
Lục-thao, Tam-lược, tính tình lại ôn hòa, biết trọng hiền tài, thương sĩ tốt, đối với dân chúng coi như con đẻ. Y được Công-tôn Thuật tin yêu,
định nhường ngôi vua cho. Về võ công y đứng vào bậc nhì Ích-châu, chỉ
thua có sư phụ, sư thúc mà thôi.
Vĩnh Hoa nhìn Ngô Hán:
– Khi đi đường đàm luận với Ngô tướng quân, tôi thấy Ngô tướng quân lược thao gồm tài, mà bị thua mấy trận, đã đoán giặc có nhiều ưu thế đặc
biệt. Xin Tham-quân tiếp cho.
– Quân sư bên giặc là Tào Mạnh, tước Trung-lang tướng, thầy dạy Văn cho
Công-tôn Tư. Thục còn có 8 tướng nữa, hầu hết văn võ kiêm toàn. Đứng đầu là Lũng-tây vương Triệu Khuôn, sư phụ Công-tôn Tư, sau đó là Phiêu-kị
đại tướng quân Nhiệm Mãng, tước phong Vũ-dương hầu. Dưới quyền Công-tôn
Tư, còn 7 người sư huynh, sư đệ của y, đều võ công kinh thế.
Phùng Vĩnh Hoa hỏi kỹ về địa thế rồi nói:
– Trước đây chúng ta đã đánh những trận nào?
Ngô Hán chỉ lên bản đồ:
– Lần đầu tiên chúng tôi tiến đánh Nam-bình, Võ-đô và Dương-bình-quan,
hạ được Nam-bình, thì giặc tiến công chiếm mất Tử-dương, chúng cũng lấy
lại Nam-bình, trận này coi như hòa. Lần thứ nhì chúng tôi dẫn quân đánh
Dương-bình quan, thắng giặc ba trận, đến trận thứ tư bị bại vì Thiên Sơn thất hùng bất thần xuất trận, các tướng Hán không ai địch lại, chúng
tôi bị thua. Trận cuối cùng chúng tôi đánh Võ-đô, giặc xuất raở
Dương-bình quan, đánh cắt đường tiếp tế, chúng tôi lui về Hán-trung.
Trận này tôi bị bại nặng, Kiến-võ hoàng-đế thân chinh ra tra xét, thấy
giặc quá mạnh mới ủy Lĩnh-nam vương, Tả tướng-quân từ Lĩnh Nam về chinh
tiễu. Chính ngài phán rằng, đất Lĩnh Nam nhiều đại tôn sư võ học, có thể giúp Hán thành công.
Các tướng sĩ ngồi nhìn Vĩnh Hoa, xem nàng giải quyết ra sao, Vĩnh Hoa thản nhiên nói:
– Tham-quân vừa nêu ra 5 ưu điểm của giặc, Lĩnh-nam vương Tả-tướng, với
chúng tôi đã biết những điều đó, dự trù cách phá rồi. Lợi thế thứ nhất
của giặc là đông hơn ta. Nay đã bị mất, vì ta thêm đạo Kinh-châu cả
thủy, bộ, kỵ lên tới 30 vạn. Cộng chung ta có số quân cơ động, đông gấp
đôi giặc. Lợi thế thứ nhì là địa thế giặc cũng mất, vì ta chia ra 3 mặt
tiến đánh. Bây giờ lợi thế thứ nhì của giặc hóa ra lợi thế cho ta. Lợi
thế thứ ba của giặc là tướng sĩ đồng lòng, nay ta có Lĩnh-nam vương
Tả-tướng ở trên, thống lĩnh ba đạo, lợi thế thứ ba ta cũng có, coi như
ngang với giặc. Lợi thế thứ tư của giặc là được lòng dân, thì Lĩnh-nam
vương ra truyền hịch cho dân chúng biết, làm cho lòng quân, tướng giặc
xôn xao, thì thế này của giặc cũng bị tê liệt. Lợi thế thứ năm là tướng
giặc võ công cao hơn ta, nay ta hơn giặc gấp bội. Đất Lĩnh Nam về võ
công, anh hùng hào kiệt nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Theo Lĩnh-nam
vương, có gần trăm đại cao thủ, ta không sợ giặc nữa.
Ngừng một lát Vĩnh Hoa tiếp:
– Đạo quân Kinh-châu có kế hoạch sẵn, chỉ trong ba ngày phải đánh
Công-tôn Thiệu một trận, để y mất nhuệ khí về dùng binh giỏi. Đánh bại
Công-tôn Thiệu, Vũ Chu cho Thục mất uy thế võ công. Sau đó chiếm
Xuyên-hẩu, kế hoạch phải thực hiện trong 10 ngày, giờ này quân Hán đã
tới. Tại bốn cửa thành Võ-đô, đều có thiết kỵ gác phía ngoài. Bỗng những tiếng gầm gừ, rồi một đoàn cọp vàng, trắng, đen, vằn bốn mầu khác nhau
tấn công vào bốn cửa thành. Binh Thục là những võ sĩ can đảm, dùng vũ
khí chống lại. Nhưng ngựa của chúng thấy cọp sợ quá lăn kềnh ra, bỏ chạy mất. Đàn cọp tràn vào bốn cửa thành. Vĩnh Hoa cùng Khất đại phu vào
thành, hạ cờ Thục xuống, treo cờ Hán lên, sai đốt cỏ báo hiệu cho Quỳnh
Hoa, Quế Hoa biết rằng đã chiếm được thành.
Điền Nhung, Nhiệm Đăng bị vây ở chân núi Lâm-giang, được tín hiệu báo
rằng sư phụ Nhiệm Mãng từ trong thành đem thiết kị ra cứu ứng. Hai tướng dẫn quân quay lại đánh. Phùng Dị, Vương Thường vội dàn quân rút lên núi lập thế cố thủ. Nhiệm Mãng và hai đệ tử gặp nhau. Nhiệm Đăng hỏi:
– Sư phụ! Không biết ở Lĩnh Nam có phái võ nào khắc chế với võ công phái Thiên-sơn không? Hôm nay bọn sư huynh đệ chúng con gặp hai thiếu nữ rất trẻ, xinh đẹp đánh bị thương.
Nhiệm Mãng chau mày bắt Nhiệm Đăng thuật lại những chiêu thức đã đấu.
Nhìn đệ tử diễn lại, mắt ông lộ ra những tia khủng khiếp, ông nói không
ra lời. Nhiệm Đăng theo học với Nhiệm Mãng từ lâu, y biết sư phụ mình là đệ tử cao nhân đương thời, không ai địch nổi quá hai chưởng của ông,
thế mà không hiểu sao nghe thấy hai cô gái xuất hiện, mắt lại lo sợ như
vậy.
Nhiệm Mãng thở dài:
– Điều mà sư phụ lo nghĩ bấy lâu, nay đã thành sự thật. Để sư phụ kể cho con nghe. Nguyên hai trăm năm trước đây, đất Lĩnh Nam được cai trị bởi
một vị vua gọi là An Dương Vương. Tên nước là Thục. Bấy giờ Tần Thủy
Hoàng thống nhất thiên hạ, muốn mang quân đánh Lĩnh Nam. Triều Thần can
gián không nên, vì đường đất xa xôi, lam sơn chướng khí, nhân vật Lĩnh
Nam không phải tầm thường.
Tần Thủy Hoàng không tin, muốn dò thám nhân vật Lĩnh Nam, mới cho sứ đòi vua An Dương Vương cống mấy võ sĩ. Vua An Dương gửi sang một võ sư cùng với đoàn đệ tử. Võ sư này tên là Lý Thân. Thầy trò Lý Thân dùng võ công đấu với võ sĩ Tần trước sân rồng, thắng hết tất cả võ quan, vệ sĩ. Tần
Thủy Hoàng phong cho Lý Thân là Tư-lệ hiệu-úy mang quân đánh Hung-nô. Lý Thân đến đâu là Hung-nô bỏ chạy. Hung-nô yên, Tần Thủy Hoàng phong Lý
Thân tước Vạn-tín hầu, cho về quê Lĩnh Nam thăm nhà. Mấy năm sau Hung-nô lại sang đánh, tướng Tần không sao địch nổi. Tần Thủy Hoàng lại cho
người sang triệu Lý Thân. Nhưng Lý Thân đã qua đời. Tần Thủy Hoàng sai
làm một tượng giống hệt Lý Thân, để trên cổng thành Hàm-dương. Trong
bụng có đủ máy móc, binh lính vào trong đó giật dây, thì tượng cử động
như người sống. Quân Hung-nô tưởng Lý Thân còn sống, không dám sang đánh nữa.
Tần Thủy Hoàng tưởng Lý Thân chết rồi, sai Đồ Thư mang 500 ngàn quân
sang đánh An Dương Vương, tin rằng chiếm được nước Thục dễ dàng. Nào ngờ thất bại. Y quên mất một điều, mỗi khi đấu với một võ sư Trung-nguyên,
Lý Thân thường giả vờ chống đỡ, dò biết hết chiêu thức. Lộ số võ công
của địch, rồi đem về nghiên cứu ra cách khắc chế. Hôm sau y chỉ phản
công mấy chiêu là thắng được. Khi về nước, y tập trung hết tất cả võ
công Trung-nguyên tìm ra nguyên lý, ưu điểm, khuyết điểm, rồi chế ra một thứ nội công, quyền, cước, kiếm, trượng phá võ công chúng ta.
Nhiệm Đăng hiểu ra:
– Khi chúng ta giao đấu với địch thủ, phải cố gắng tìm ra những sơ hở
của đối phương, rồi mới tìm chiêu thức của mình khắc chết được mà phản
công. Còn hậu duệ của Lý Thân đấu với chúng ta, chỉ cần đánh bừa đi, từ
chiêu số đến nội công, đều đã bao hàm khắc tinh với chúng ta. Thế thì
hồi ấy chắc Đồ Thư bị bại!
Nhiệm Mãng thở dài:
– Bại thì còn khá. Dân số Lĩnh Nam hồi đó bất quá vài triệu người, quân
lính bất quá trăm ngàn, thế mà Đồ Thư mang tới 500 ngàn quân sang đánh,
toàn quân bị diệt, y bỏ xác tại Lĩnh Nam. Từ đó võ lâm Trung-nguyên khi
đụng chạm với võ lâm Lĩnh Nam thường bị bại dễ dàng. Hai thiếu nữ mà các ngươi gặp, tuổi bất quá 19-20, thời gian luyện tập chưa lâu, mà đã như
vậy. Nếu sư phụ y xuất hiện, ta e rằng đến sư huynh ta là Triệu Khuôn
cũng lạc bại.
Nhiệm Đăng nhớ ra điều gì:
– Con nghe nói rằng Hán Quang Vũ bị ta đánh thua, y cho gọi người em kết nghĩa trấn thủ Lĩnh Nam là Nghiêm Sơn về, giao cho toàn quyền điều động binh mã đánh Ích-châu. Nghiêm Sơn lấy vợ Việt, khéo thu phục võ lâm
nhân sĩ Lĩnh nam, họ theo giúp rất đông. Hai cô gái hôm nay chắc thuộc
đám người đó.
Nhiệm Mãng chỉ lên núi:
– Bây giờ quân của ta đông hơn, địch ở trên núi. Chỉ cần vây nửa buổi là chúng chết khát. Ta cần đấu chưởng với hai cô gái Việt, để biết rõ nội
công, chiêu số chúng như thế nào.
Bỗng binh sĩ la hét náo loạn. Nhiệm Mãng hỏi sao, họ chỉ về phía trước: Khói trong thành Võ-đô bốc lên mịt mù.
Nhiệm Mãng kinh hoàng:
– Chúng ta không cần vây bọn này nữa. Hãy trở về Võ-đô xem sao đã.
Nhiệm Mãng cùng Điền Nhung dẫn quân trở về. Đi một lát gặp một đám tàn quân chạy tới. Chúng quỳ rạp xuống đường mà khóc:
– Không biết cọp ở đâu nhiều quá, đến mấy trăm con tràn vào thành với
quân Hán. Thành đã bị chiếm mất rồi. Tất cả vợ con, thân thuộc chúng tôi bị hãm trong tay giặc, không chừng bị cọp ăn thịt hết cũng nên. Xin
tướng quân kíp trở lại chiếm thành.
Nhiệm Mãng lòng nóng như lửa đốt:
– Các ngươi đã đốt lửa gọi quân ở Lưỡng-hà khẩu về chưa?
– Thưa có, thủy quân Lưỡng-hà khẩu về đến giữa đường bị một đạo Hán quân khác chiếm Lưỡng-hà khẩu. Bao nhiêu chiến thuyền bị địch bắt hết. Thủy
quân quay trở lại thì bị một đội báo mấy trăm con tấn công. Binh lính bị báo cắn chết quá nửa, số còn lại bị bắt.
Nhiệm Mãng thúc quân đi cho mau, nhưng phía hậu quân của Nhiệm Đăng náo
loạn lên. Nguyên Phùng Dị, Vương Thường thấy quân Thục từ thành đổ ra
đánh vào sau mình, theo kế Vĩnh Hoa, chạy lên núi lập trận. Được một lát thấy khói bốc lên tại Võ-đô. Hai tướng biết quân Hán đã vào Võ-đô. Tiếp theo thấy binh Thục chia làm hai, một cản hậu, một hối hả trở về, biết
rằng chúng đang náo loạn. Hai tướng cho quân đuổi theo rất gấp.
Dẫn đầu binh Hán là Quỳnh Hoa, Quế Hoa khiến Nhiệm Đăng càng uất lên.
Cạnh hai nàng còn Phùng Dị, Vương Thường võ công cao ngang với sư phụ y. Nhiệm Đăng là tướng tài bên Thục, can đảm có thừa, y thúc quân cương
quyết chặn hậu. Cho nên Phùng Dị, Vương Thường tả xung hữu đột cũng
không chọc thủng được tuyến quân Thục.
Nhiệm Mãng là Phiêu-kị đại tướng quân của Thục, võ công, trí dũng tuyệt
vời, y không tỏ vẻ nao núng, hạ lệnh cho binh sĩ lùi về Vọng-tử quan,
đóng quân ven núi.
Vĩnh Hoa truyền lệnh thu quân. Các tướng Hán vào thành. Bấy giờ họ mới phục Phùng Vĩnh Hoa, lạy rạp xuống đất mà chúc tụng.
Chu Á Dũng đứng lên hiến kế:
– Giặc mất thành, lương thực không có, muốn vượt sông thì không có
thuyền bè. Đóng ở Vọng-tử quan thì lương thảo không có. Xin quân sư cho
đánh một trận để bắt Nhiệm Mãng.
Phùng Vĩnh Hoa cười:
– Chu tướng quân ước tính tình hình như vậy cũng tạm gọi là có mưu lược. Nhưng không phải là kế tốt nhất. Tướng quân thử nghĩ coi, Nhiệm Mãng là Phiêu-kị đại tướng quân Thục, trấn nhậm Võ-đô với một vạn thủy quân,
một vạn kị binh, ba vạn bộ binh. Thế mà bị ta đánh một trận thành mất,
cửa ngõ vào Thành-đô bị mở. Thủy quân bị giết hơn ba ngàn, còn lại đầu
hàng. Chiến thuyền, khí giới mất hết. Ba vạn bộ binh hao mất một. Một
vạn kị binh mất trên năm ngàn. Bây giờ chỉ còn hai vạn bộ binh với năm
nghìn kị binh đóng ở Vọng-tử quan, lương thực không có. Không biết chiều nay sẽ lấy gì ăn. Bất cứ giá nào y cũng phải liều một trận tìm đường
thoát thân. Trong các đường thoát thân, chắc chắn y sẽ rút về phía
Bích-khẩu, vượt sông Dương-bình quan. Vậy ta phục quân ở đó chắc chắn
bắt được y.
Các tướng hớn hở, muốn đi đánh liền. Vĩnh Hoa nói:
– Giặc cùng chớ đuổi. Bây giờ tôi phải làm cho Nhiệm Mãng mất tinh thần
đã, sau mới làm tan quân của y được. Vậy Chinh-tây Phùng tướng quân thủ ở Lưỡng-hà khẩu thay cho sư bá Cao Cảnh Minh. Tại đây có một vạn bộ binh
Hán và hơn năm ngàn hàng binh thủy quân Thục. Phùng tướng quân cho chiến thuyền tuần tiễu dọc từ Lưỡng-hà khẩu tới Lâm-giang, ngăn đường giặc
qua sông. Tuyệt đối không được lên bờ giao chiến.
Phùng Dị lên đường liền. Vĩnh Hoa tiếp:
– Hoành-giả Vương tướng quân lĩnh một vạn quân bộ, năm ngàn quân kị ra
đóng ở đồn Lâm-giang, không cho giặc trở về Dương-bình quan. Tuyệt đối
không rời khỏi trại.
Vương Thường lãnh lệnh lên đường. Vĩnh Hoa tiếp:
– Trung-lang tướng Lai Háp trấn thủ Võ-đô, giữ vững thành. Tôi để lại cho một vạn quân, như vậy đủ không?
Lai Háp gật đầu:
– Nếu trong một tháng tôi giữ được. Quá một tháng thì không nổi.
Vĩnh Hoa gật đầu:
– Tôi chỉ cần một ngày thôi.
Nàng tiếp:
– Tiền-quân hiệu-úy Chu Á Dũng dẫn một vạn quân bộ, phục ở phía Nam sông Hán-thủy. Thấy Nhiệm Mãng đến đó thì đổ ra đánh ngay trước mặt, không
cho chúng về Dương-bình quan. Xin Cao Cảnh Minh sư bá đi cùng với Chu
tướng quân. Vì e Nhiệm Mãng xuất hiện, Chu tướng quân không phải địch
thủ của y.
Nàng đứng lên nói với Khất đại-phu:
– Thái sư thúc cùng Quế Hoa, Quỳnh Hoa và cháu đi bắt Nhiệm Mãng.
Nàng gọi Hắc Hổ và Hắc Báo tướng lại dặn nhỏ mấy câu. Hai người vâng dạ, gật đầu đi liền.
Vĩnh Hoa cùng Khất đại-phu đi thẳng đến Vọng-tử quan. Binh Thục đang
trên đường đến Hán-thủy. Nhiệm Mãng đi đầu, thấy Vĩnh Hoa chỉ có bốn
người với mười quân kị, y cho quân dừng lại. Điền Nhung chỉ Quế Hoa,
Quỳnh Hoa cho Nhiệm Mãng biết.
Quế Hoa, Quỳnh Hoa phi ngựa lên trước. Quỳnh Hoa nghiêng mình thi lễ:
– Tiểu nữ là Trần Quỳnh Hoa, gái Việt đất Lĩnh Nam xin vấn an Phiêu-kị
đại tướng quân, Kiến-oai đại tướng quân, Xa-kị đại tướng quân. Hôm nay
ra trận, vì việc nước chúng tôi phải qua lại mấy chiêu với các vị, thực
rất lấy làm áy náy. Tuy được các vị nhẹ tay cho, tôi thấy các vị có khí
phách anh hùng, vì vậy đến đây tạ lỗi.