Hẹn Ước Nơi Thiên Đường

Chương 16 :

Ngày đăng: 17:19 18/04/20


Tiệc mừng thọ ở biệt thự Kinh Tây vừa kết thúc. Ngô Hiểu ở trong phòng riêng gọi điện cho đám bạn bè, rồi chạy ra bảo phải đến gặp đài truyền hình bàn chuyện diễn cho chương trình ca nhạc. Anh vội vã chào ông Lương, ngồi lên cái xe ông Công bố trí, không biết đi đâu. Ông Thiên không hỏi nhiều, nghĩ, dù sao thì bữa tiệc mừng sinh nhật này cũng nhất cử lưỡng đắc: thằng con trai về; những khúc mắc giữa hai bố con đã được hóa giải; họp mặt vui vẻ với những trợ thủ cũ một thời long đong vất vả, đối với sự phát triển của Tập đoàn cũng có triển vọng. Với ông Mai Khởi Lương, suốt cả buổi tối trong bầu không khí thân tình, cùng bàn bạc, thảo luận, có thêm những câu chuyện thực tế.



Ông Mai Khởi Lương là khách cuối cùng đến mừng thọ, vừa trông thấy Ngô Hiểu liền ghé tai ông Thiên, cười nói: “Thế nào, giảng hòa với con trai chưa?” Ông Thiên cười, có đôi chút an ủi, đôi chút bối rối, đôi chút tự trào, nói: “Tôi có thể chỉ huy ngàn vạn binh mã, nhưng không bảo được con, không biết cách dạy con. Vài hôm nữa tôi sẽ bảo nó đến xin lỗi cháu San. Hôm nay tại sao anh không cho cháu đến, cháu vẫn ở Bắc Kinh chứ?”



Ông Lương lạnh lùng lắc đầu, không trả lời. Ông Thiên rất hiểu biểu hiện ấy của ông Lương, ấy là muốn nói, việc gì phải hỏi. Ông Thiên cũng hiểu được, nếu Mai San đến, ngộ nhỡ Ngô Hiểu tỏ ra lạnh nhạt với cô, chẳng hóa ra làm hai người lớn cùng mất mặt. Vậy là ông không nói thêm, chuyển sang chuyện tiệc mừng sinh nhật.



Tiệc mừng thọ ngũ tuần ông Chủ tịch tập đoàn Trường Thiên không xa hoa như mọi người tưởng. Trong bữa tiệc, ngoài món vây cá của nhà hàng Kinh Thiên đưa đến, còn đều là những món ăn bình thường do một đầu bếp của biệt thự Kinh Tây làm. Mọi người uống chút rượu trắng, uống không nhiều. Sau bữa cơm, mấy vị cán bộ cũ cáo từ ra về trước, ông Thiên giữ ông Tường lại cùng tiếp ông Lương, cùng nhảy valse, nhảy tango với mấy cô gái trẻ được ông Công mời đến. Ông Thiên hình như đã gặp hai cô gái này ở đâu rồi, nhìn kỹ, ông không quen. Hai cô đều tươi như hoa đào. Ông Công giới thiệu, hai cô nhảy với ông Lương và ông Tường mấy bài. Ông quên mất tên cô gái đang nhảy với ông Lương. Cô này mặc áo đen váy đen, khiến ông Thiên cảm thấy như tang tóc. Tuy ông biết bây giờ thanh niên thích mặc những màu ngả đen, nhưng theo ông, màu đen dù sao cũng ám chỉ tang tóc, không may mắn. Cô gái nhảy với ông Tường mặc đồ kiểu Trung Quốc đã được cách tân, môi son, lông mày trang điểm giống như các tiểu thư thời xưa, nhưng cái tên Aly rất hiện đại, rất Tây, không hợp với trang phục và cách trang điểm. Ông Thiên biết rằng mình không hiểu nổi lớp thanh niên ngày nay.



Ông quen với những người như ông Mai Khởi Lương. Hai người quen nhau nhiều năm, thuộc lòng tính cách và những ý thích trong đời sống của ông ta như thuộc bàn tay mình, thậm chí biết rõ ông ta thích ăn món gì, thích uống rượu gì. Ông Lương không giấu giếm mình thích khiêu vũ. Họ Mai được coi là nhà tư sản dân tộc nổi tiếng ở Thượng Hải phồn hoa đô hội. Ông Lương sinh ra trong chế độ Trung Quốc mới, lớn lên dưới ngọn cờ đỏ, tuy không được giáo dục Tây học thời cũ, không được rèn luyện trong trào lưu Âu hóa, nhưng là con nhà thế gia, ăn đồ Tây, chơi quần vợt, nhảy đầm... tất thảy đều thạo. Bây giờ, có thể tuổi đã cao, mới khiêu vũ vài vòng trán đã lấm tấm mồ hôi, miệng thở phì phò. Ông Thiên thấy vậy, liền bảo ngừng nhạc, sau đấy cùng ông Tường mời ông vào thư phòng uống trà. Ông Công đưa hai cô gái ra bể bơi sau nhà đi bơi. Họ vừa đi, tất cả trở nên yên tĩnh. Chủ khách ba người uống trà bích la xuân, bắt đầu câu chuyện trong thư phòng.



Ông Tường mở đầu câu chuyện từ bữa tiệc mừng thọ hôm nay: “Anh Lương, có thể anh không biết, buổi lễ mừng sinh nhật hôm nay là do chúng tôi ép anh Thiên mới chịu tổ chức đấy. Anh Thiên chưa bao giờ tổ chức mừng sinh nhật. Chúng tôi phải nói đến anh, anh sẽ đến, anh Thiên mới đồng ý đấy.”



Ông Lương cười, nói: “Tôi cũng vậy, về cơ bản không tổ chức mừng sinh nhật. Thế hệ chúng ta ngay từ nhỏ đã được Đảng giáo dục, hơi một chút cái chữ đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân lại lóe lên, đến bây giờ vẫn còn chứng tật ấy.”



Ông Tường thao thao bất tuyệt: “Đấy chỉ là vấn đề quan niệm. Thực tế thì nghĩ đến cái riêng không phải là xấu, cái riêng là động lực phát triển của xã hội. Chúng tôi làm quản lý doanh nghiệp, trước hết phải giải quyết được vấn đề lợi ích cá nhân của nhân viên mới có thể động viên được tính tích cực của mọi người. Cho đến nay, xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa mới tỉnh ra rằng, chế độ tư hữu không phải là xấu. Hiến pháp nước ta tuy không như hiến pháp các nước tư bản định nghĩa rõ ràng tài sản tư hữu là thiêng liêng, không được xâm phạm, nhưng ít ra cũng đã chỉ rõ, kinh tế tư hữu là bộ phận cấu thành kinh tế xã hội chủ nghĩa, được Nhà nước bảo hộ theo pháp luật, đấy cũng là giác ngộ lịch sử, là tiến bộ lắm rồi!”



Tất nhiên ông Lương hiểu ý trong câu nói của ông Tường, nhưng cái thông minh của ông ta ở chỗ cố ý làm ra vẻ ngu đần. Ông ta nói: “Ôi, hiến pháp sửa đổi như vậy rồi, ấy là căn cứ theo tình thế thay đổi. Dẫu vậy, hiện tại chế độ công hữu vẫn là chủ thể của kinh tế xã hội chủ nghĩa. Bước tiếp theo, Thành ủy Cát Hải sẽ căn cứ vào sự nhất trí của tỉnh ủy, nắm lại vấn đề cải cách doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp Trường Thiên của các anh đi đầu, sẽ cho một vài kinh nghiệm.”



Ông Ngô Trường Thiên nói: “Cái khó của cải cách doanh nghiệp nhà nước theo tôi là không có chủ sở hữu đúng với ý nghĩa, tức là, doanh nghiệp nhà nước không có chủ. Quyết sách đầu tư, lợi nhuận, lợi ích, phương hướng phát triển lâu dài của nó, khen thưởng và kiểm soát đối với các cấp kinh doanh, vẫn chưa có ai với chức năng chủ doanh nghiệp lao vào lo lắng, đứng ra gánh vác trách nhiệm. Bây giờ chủ doanh nghiệp nhà nước là ai, là nhà nước. Nhà nước chỉ là một khái niệm, không phải là cá nhân cụ thể. Nhà nước chuyên trách quản lý vốn của nhà nước cũng chỉ là một cơ cấu, người phụ trách cơ cấu ấy cứ vài năm lại thay đổi, từ bản năng đến tâm thế đều không giống như chủ doanh nghiệp tư nhân cùng sống cùng chết với doanh nghiệp. Cho dù có thể, tình cảnh nhân sự cấp trên cấp dưới của doanh nghiệp nhà nước hết sức phức tạp, miệng lưỡi thì lớn, mặt nào cũng quản thật chặt. Nếu quản lý lỏng lẻo sẽ chẳng khác gì điển hình Chử Thời Kiện của doanh nghiệp Hồng Tháp tỉnh Vân Nam. Các bộ phận hữu quan của nhà nước là chủ doanh nghiệp Hồng Tháp đã quản lý ông Chử Thời Kiện ra sao? Công lao của ông ấy thật to lớn, tạo cho nhà nước một khối tài sản lớn, nhà nước đã cổ vũ và tặng thưởng cho ông ấy bao nhiêu vật chất? Rất ít rất ít. Được thôi, anh không tặng thưởng cho ông ta, ông ta tự tặng thưởng cho mình. Ông ta lập một quỹ đen nho nhỏ trị giá trên trăm triệu, không phải là công lao một ngày, liệu ai đã phát hiện? Liệu ai ngăn cản ông ta, giám sát ông ta, hạn chế ông ta? Người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước có thể không phải một mình ông Chử Thời Kiện.”



Ông Thiên có phần kích động. Ông Lương cười, giúp ông thả lỏng: “Thế nào, anh cũng muốn làm một Chử Thời Kiện nữa à?”



Tuy là những lời thả lỏng, nhưng ông Thiên và ông Tường vào lúc ấy nói rất đúng, kiếm đã rút ra khỏi vỏ. Ông Tường rất nghiêm túc:



“Nếu chúng tôi muốn làm Chử Thời Kiện thì đã làm rồi, thuận tiện hơn ông ta. Tham ô trên tài khoản, không còn gì ngu xuẩn hơn. Lần này Chủ tịch Tập đoàn của chúng tôi trù hoạch một chiến dịch, chỉ trong hai tháng riêng thị trường cổ phiếu đã lãi mấy trăm triệu. Nếu cá nhân chúng tôi muốn kiếm ngoài, bản thân cứ lặng lẽ đăng ký một công ty hoặc để vợ con tham gia, cũng chỉ cần một đêm sẽ trở thành triệu phú. Nhưng những chuyện như vậy chúng tôi cũng không nghĩ đến, tiền kiếm được đều là của công ty. Điều này không phải sợ chính quyền thanh tra, giám sát. Chúng tôi tin ở anh Thiên học được lý thuyết “tự gạt” của Tăng Quốc Phiên, tự mình quản lý mình.”



Ông Lương cứ vờ hồ đồ, nói với giọng nghiêm túc: “Điều này đủ chứng minh, bản thân các anh là những người vì chung quên riêng, rất nghiêm khắc với bản thân. Nếu tổng kết kinh nghiệm thành công của doanh nghiệp nhà nước, điều quan trọng nhất là ê-kíp lãnh đạo phải liêm khiết, tự mình phải gương mẫu chấp hành mọi quy định, luật lệ.”



Cái mẹo chuyển chủ đề câu chuyện của ông Lương vừa rõ ràng lại rất khéo léo. Ông Thiên buộc phải từ từ đưa câu chuyện trở lại: “Sở dĩ chúng tôi không làm như vậy là vì mấy người khai sáng Tập đoàn Trường Thiên trước sau đều coi công ty là của bản thân. Tập đoàn Trường Thiên dựa vào vốn chúng tôi huy động, bản thân phấn đấu gian khổ, từ nhỏ đi lên. Nếu Thành ủy các anh bổ nhiệm cán bộ, chính quyền cấp đủ vốn thì không thể được như ngày hôm nay.”



Để lái câu chuyện, ông Lương không hồ đồ chút nào, kịp thời tiếp luôn một câu: “Ôi dào, các doanh nghiệp nhà nước ở Cát Hải, phần lớn cán bộ đều do Thành ủy bổ nhiệm, nhà nước cấp vốn, cũng không ít doanh nghiệp ăn nên làm ra. Những hiện tượng vừa rồi các anh nói, đúng là có ở một số doanh nghiệp nhà nước. Nhưng kết luận của các anh có cả quan điểm cá nhân.”



Câu chuyện đã được nói ra, lại nói rất sâu, tất nhiên ông Thiên không thể thoái lui. Ông vẫn từ tốn tranh biện:



“Đúng là cũng có nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn tốt, nhưng phân tích tỉ mỉ thì mỗi doanh nghiệp đều có nguyên nhân. Có doanh nghiệp theo kịp thị trường, có doanh nghiệp mượn tay cơ chế độc quyền, có doanh nghiệp là do phẩm chất đạo đức người lãnh đạo. Nhưng vấn đề không chỉ xuất phát từ những trường hợp riêng lẻ, mà phải nghiên cứu chung. Tôi nói là nói chung, tức là bản tính con người. Nhất là động lực hành vi của người Trung Quốc chúng ta không thể tách rời chữ “tư”. Điều này hình thành trong quá trình lịch sử truyền thống văn hóa ngàn năm, không thể coi nhẹ. Văn hóa Trung Quốc lấy tư tưởng Nho gia làm mạch chính, mà trung tâm của văn hóa Nho gia là nhân luận. Hiện thực xã hội Trung Quốc là thế này: một con người, dù là làm việc, dù là tận tụy với trách nhiệm, đều trước hết lấy bản thân làm điểm trung tâm. Từ đấy lần lượt xem xét, xem sự việc này có quan hệ thân sơ, gần xa gì với mình, sau đấy mới quyết định làm thế nào, tận tụy với trách nhiệm ra sao. Trung quân tức là trung với ‘vua’ của bản thân, giữ hiếu tức là giữ hiếu với cha mẹ mình, yêu con trẻ trước hết yêu con cái mình, cha mẹ con cái mình có ăn có mặc rồi mới tính đến người khác. Cái gọi là ‘tôn kính cha mẹ mình như thế nào thì hãy tôn kính cha mẹ người khác như thế, yêu thương con cái mình như thế nào thì hãy yêu thương con cái người khác như thế’ cũng là từ mình mới đến người. Nếu việc này không vì bản thân, mà làm vì người khác, thậm chí chỉ vì cái thứ chủ nghĩa rỗng tuyếch, làm vì tinh thần hoặc vì cơ cấu, lại hoàn toàn khác. Ở Trung Quốc chúng ta, tự cổ chí kim không thiếu những việc vì cá nhân bất chấp gia đình. Vì gia đình bất chấp đoàn thể, vì đoàn thể mà tổn hại đến quốc gia, tổn hại dân tộc, tổn hại thiên hạ! Lợi ích quốc gia và lợi ích bản thân trên cán cân nội tâm của đại đa số người bình thường, nói chung đều nghiêng về lợi ích bản thân. Không phải không có Lôi Phong, nhưng ngày nay không còn là thời đại Lôi Phong, ý nghĩa hiện thực biểu dương tinh thần Lôi Phong chỉ là trừng trị cái ác, khuyến khích cái thiện, đề cao công đức và yêu thương, không phải là tăng tốc đi lên cộng sản chủ nghĩa bằng cơ chế phân phối xã hội.”



Quan điểm lý luận này của ông Ngô Trường Thiên định nói lên điều gì, kì thật ông đã để lộ cốt tủy, nhưng ông vẫn cố tình không liên hệ đến thực tế của bản thân. Ông Lương nghe rồi cười khà khà, tiếng cười thật chua cay, Ông phải đưa ông Thiên và ông Tường đến thẳng với chủ đề của mình:
Ông Thiên sững sờ, nói: “Sự việc đến nước ấy tôi sẵn sàng gánh trách nhiệm.”



Ông nói, nhưng bàn tay mở cửa bỗng chùng xuống. Ông Tường nói: “Anh Thiên, chúng tôi theo anh bao nhiêu năm nay. Anh không được hưởng phúc, chúng tôi cũng không được hưởng. Anh nổi tiếng, chúng tôi được gì? Tại sao chúng tôi một lòng theo anh?”



Lâu lắm ông Thiên không nói chuyện sâu sắc với những người thân tín của mình. Ông mở lòng, nói: “Nếu giữ được quyền sở hữu tài sản của tập đoàn, anh cũng có một phần, tôi cũng đang tính cả anh Công.”



Ông Công bật khóc, những thớ thịt trên mặt co giật. Ông ta vừa khóc vừa nói: “Anh Thiên, em không lấy bất cứ đồng nào đâu, chỉ cầu mong suốt đời theo anh, cầu xin anh đừng bỏ em.”



Sự kích động tình cảm của ông Công khiến ông Thiên phải đau lòng. Hai mươi năm sóng gió cùng hội cùng thuyền, lúc này quá khứ hiện về. Ông Tường nói: “Việc quyền sở hữu tài sản nếu làm được, chúng tôi có cổ phần hay không, không quan trọng. Anh là con người vì mọi người. Theo anh, chúng tôi không sợ đói. Nhưng việc hôm nay để lộ ra ngoài, anh Lương Bí thư Thành ủy coi như xong. Tên anh ấy bị dính bẩn, liệu còn ai đứng ra giúp anh trong chuyện này? Chẳng bao lâu sau Thành ủy sẽ cử người về tuyên bố: tài sản của tập đoàn Trường Thiên thuộc quyền sở hữu của Công ty đầu tư vốn, trực thuộc Ủy ban quản lý vốn nhà nước, cán bộ do ban tổ chức quản lý. Công lao của anh Thiên coi như mất trắng, khí tiết tuổi già không giữ nổi. Không cách chức anh nhưng cũng sẽ tăng cường giám sát, tăng cường ban lãnh đạo. Anh được gắn chức Chủ tịch Tập đoàn nhưng Thành ủy cử về một Tổng giám đốc điều hành và một Bí thư đảng ủy! Anh Thiên, anh không tin những điều chúng tôi nói hay sao?”



Ông Thiên từng bước lui khỏi cánh cửa, ngồi phịch xuống sofa. Ông Tường miêu tả cái kết cục của bản thân ông Thiên và của tập đoàn Trường Thiên. Ông rất rõ, quyết không phải là một pho truyện diễn nghĩa đầy tính li kì. Lúc này đúng là thời khắc quan trọng của ông Lương chốn quan trường, cũng là thời khắc quan trọng nhất trong cuộc đời ông Thiên, vào lúc sóng gió này chuyện nọ sẽ đẻ ra chuyện kia, không thể nói mạnh. Việc phân định quyền sở hữu tài sản có liên quan đến ông, tất nhiên liên quan cả đến ông Tường, ông Công và lợi ích thiết thân từ nay về sau của rất nhiều cốt cán trong Tập đoàn; quan hệ đến hai mươi năm phấn đấu của ông, cuối cùng liệu có được hưởng thành quả mà cá nhân đáng được hưởng không? Lẽ nào mở mắt nhìn công lao của mình mất sạch!



Ông Tường, ông Công toàn thân mệt mỏi, ngồi xuống sofa. Căn phòng yên tĩnh, một lúc sau mới nghe thấy ông Công cố nén tiếng khóc: “Anh Thiên, em có lỗi, anh cứ để em chết. Em đã làm hỏng chuyện, em có chết cũng không chuộc được lỗi.”



Ông Thiên hít thở thật sâu, rồi từ từ thở ra, cuối cùng ông hỏi một câu có tính chất bước ngoặt:



“Cô gái này chết, có những ai biết?”



Câu hỏi của ông Thiên làm ông Công thôi không khóc nữa, ông ta đáp: “Chỉ có ba chúng ta.”



Ông Thiên cố tình nhìn thẳng vào mắt ông Tường. Ông Công lại nói: “Cô Aly trên gác cũng biết.” Ngừng giây lát, ông lại nói: “Còn... anh Lương, Bí thư. Nhưng anh Lương chưa biết chết.”



Ông Tường nói: “Có thể cho tiền cô gái trên lầu. Những cô gái này chỉ cần cho tiền mọi chuyện đều ổn.”



Ông Thiên cúi đầu, rất khó quyết tâm. Một lúc sau ông cảm thấy đấy cũng là một đường, một lúc sau lại đau xót tự hỏi: Làm thế nào để đi được con đường ấy? Lúc này họ nghe thấy tiếng chuông ở cổng biệt thự vọng vào. Tiếng chuông không lớn, nhưng cả ba đều giật mình.



Muộn thế này rồi ai đến?



Rất nhanh chóng, chị giúp việc gõ cửa thư phòng, thông báo có một cô gái còn trẻ đến tìm Ngô Hiểu.



Lại là một cô gái. Ông Thiên mệt mỏi đứng dậy, định ra phòng khách phía trước xem ai. Ông quay lại, nhìn ông Tường, nói:



“Anh lên nói chuyện trước với cô gái trên lầu.”



Hình như đấy là một quyết định, một quyết định vội vã và tất nhiên. Ông Tường và ông Công cùng gật đầu, vẻ mặt không biết là được giải thoát hay nặng nề hơn. Ông Thiên đi qua dãy hành lang tối om, lòng ông cũng tối đen. Khi bước vào phòng khách sáng đèn ông mới nhìn thấy, ngồi chờ ở kia là bạn gái của Ngô Hiểu. Cô gái xinh đẹp đã từng phỏng vấn ông, sau đấy là tình yêu trên hết.