Nam Quốc Sơn Hà
Chương 18 : Thâm hiểm khó lường
Ngày đăng: 09:02 19/04/20
Ỷ-Lan nhớ lại chuyện cũ: hồi nàng bị giam lỏng ở Thăng-long, một hôm nàng du kinh thành với nhà vua (bấy giờ giả làm nho sinh). Nhà vua bị công tử cháu tể-tướng Dương Đạo-Gia bắt về phủ thừa Thăng-long. Nàng tìm đến con thuyền thăm sư phụ, thì không thấy sư phụ đâu. Còn sư mẫu với đò phu bị giết, trong miệng tọng cái chân chó. Như vậy rõ ràng sư mẫu của nàng bị Mộc-tồn Vọng-thê hòa thượng giết. Hôm rồi sư phụ nhập hoàng thành thăm nàng. Nàng hỏi vụ ấy, thì người nói rằng người đúng là Trần Tự-An. Người giao đấu với Mộc-tồn Vọng-thê hoà thượng. Hòa thượng bị thua, người đuổi hòa thượng tới Thanh-hóa. Hôn nay nảy ra Mộc-tồn Vọng-thê hòa thượng lại là sư bá của nàng. Nàng hỏi:
– Bạch sư bá, đệ tử có một sư phụ, người cùng sư mẫu chuyên ở trên thuyền. Hơn năm trước, sư mẫu bị chết trên đò ở hồ Tây, miệng bị nhét cái chân chó. Phải chăng sư bá đã giết bà?
Viên-Chiếu, cùng Mộc-tồn cùng đưa mắt nhìn nhau, Ỷ-Lan thấy dường như trong cái nhìn ấy ngụ một điều gì bí ẩn. Mộc-tồn hòa thượng hỏi ngược lại:
– Phu nhân nhiều sư phụ quá. Ta làm sao mà biết được người là ai. Cái ông sư phụ mà phu nhân muốn hỏi đó tên là gì vậy?
– Sư phụ đệ tử xưng là một đại hiệp lừng danh Hoa-Việt, nhưng người cấm không cho đệ tử nói tên người ra. Sư bá ơi, người đang đi tìm sư bá để trả thù đấy. Sư bá phải đề phòng lắm mới được.
Mộc-tồn hòa thượng lắc đầu:
– Con ơi! Con đã gặp một ma đầu dơ bẩn nhất thiên hạ. Y mạo xưng là đại hiệp Tự-An, mà con không biết. Y chính là Đinh Kiếm-Thương. Hôm ấy ta tìm đến con đò định giết y, nhưng chỉ gặp vợ y. Vì những liên hệ quá khứ của vợ y với tiền nhân ta, ta không muốn giết mụ, nên điểm huyệt cho chân mụ tê liệt, rồi ngồi chờ y về. Con có biết vợ y là ai không?
Bây giờ Ỷ-Lan mới thực sự tin sư phụ của nàng là ma đầu Đinh Kiếm-Thương đội danh Tự-An:
– Con có nghe biết.
Nàng kể: chính sư phụ là vua Bà thuật cho con nghe. Vợ của người là một ca kĩ, tên Đào Hà-Thanh, lừng danh đất Việt tài sắc khôn bì, bà từng là vợ của đại hiệp Trần Tự-An. Sau đại hiệp Tự-An phóng thích cho đi theo sư phụ.
– Đúng thế. Cái con người như mụ, từ một cô gái ca kỹ, bỗng trở thành một đại phu nhân, như vậy còn không đủ sao? Thế mà khi chồng cho trở về với ma đầu cũng muối mặt ừ hự. Điều này thì tha thứ được, bởi cái tình là cái chi chi, không ai giải thích nổi. Nhưng y thị đã sống với chính đạo phái Đông-a gần hai chục năm, thế mà lại hỗ trợ ma đầu, ngang nhiên mạo danh chồng cũ, hỏi ai có thể tha thứ cho thị?
Ông chỉ Viên-Chiếu: ta với sư phụ người có lệ, bất cứ kết tội ai, chúng ta chỉ đánh có ba chiêu. Sau ba chiêu ấy, nếu chúng đỡ được, tránh được, thì coi như trắng án, suốt đời không bao giờ chúng ta truy lùng y nữa. Hôm ấy ta ngồi chờ Đinh Kiếm-Thương, lát sau y trở về, ta kể tội y rồi ra tay giết. Ta đánh một chiêu, y đỡ được, nhưng người bay xuống hồ. Ta đánh chiêu thứ nhì, y cũng đỡ được, nhưng người y bay bổng lên bờ, nằm bất động. Ta định đánh chiêu thứ ba, giết chết y, thì mụ Hà-Thanh dùng cái chầy đập vào lưng ta. Ta phải quay lại bắt cái chầy. Thế là đủ ba chiêu. Ta nổi giận hỏi y: mi lĩnh hai chiêu, con mụ này một chiêu. Ta chỉ muốn giết mi chứ không muốn gết mụ. Vậy bây giờ mi muốn chết hay để cho mụ chết? Kiếm-Thương chỉ vào mụ: mụ phải chết. Vì suốt bao năm ở với y, mà mụ cứ bắt y phải xưng là đại hiệp Tự-An, và gọi y là Tự-An. Như vậy chứng tỏ y thị xa Tự-An, mà lòng vẫn nhớ Tự-An. Ta quay lại hỏi mụ rằng: y nói có đúng không? Thị chưa trả lời thì y bỏ chạy mất. Ta nổi giận, giết chết mụ, rồi ra đi.
Trước đây mỗi khi Ỷ-Lan thấy người ta nói đến Mộc-tồn Vọng-thê hòa thượng là kinh hồn táng đởm. Nay nàng tiếp xúc với ông, chỉ thấy ở ông một người đầy tình cảm. Nàng tò mò:
– Sư bá. Trong thế gian, thiếu gì thực vật, mà sư bá cứ phải ăn thịt chó?
Viên-Chiếu đưa cặp mắt từ bi nhìn Ỷ-Lan, rồi nói nhỏ:
– Trước kia sư bá cũng ăn chay đấy chứ. Nhưng sau này người giao chiến với đại địch nức tiếng thiên hạ. Sư bá giết được y, nhưng rồi người cũng bị thương đến thập tử nhất sinh. Thái sư phụ tuy cứu sư bá thoát khỏi cái chết thực, nhưng cả đời sư bá cứ phải ăn thịt chó để trị bệnh. Nếu sư bá không ăn thịt chó, thì chỉ nửa tháng sau là chết mà thôi.
Ỷ-Lan đã từng nghe nói nhiều về việc ăn thịt chó để bồi bổ cơ thể. Nào là khi ăn thịt lợn, lỡ một mẩu thịt mắc vào răng, thì chỉ nửa ngày là có mùi hôi thối chịu không được. Nhưng khi ăn thịt chó, mà thịt mắc vào răng, thì dù ba ngày, năm ngày cũng không thấy có mùi hôi. Nào những người bị ợ chua, lạnh bụng, ăn thịt chó là khỏi ngay. Nào thịt chó có tính chất bổ dương cực mạnh... Những điều nàng nghe nói, bất quá là dân gian truyền khẩu, chứ nàng chưa từng biết sự thực ra sao. Hôm nay nghe sư phụ là Liên-Hoa hòa thượng, nức tiếng y học đương thời nói ra, nàng mới thực sự chú ý.
– Bạch sư phụ, thịt chó dùng để trị bệnh được ư?
Ỷ-Lan hỏi: công dụng của thịt chó ra sao? Con có nghe nói nhiều lần, nhưng không được đầy đủ. Xin sư phụ đừng tiếc công chỉ dậy.
– Thịt chó thuộc dương tính. Nó tác dụng vào tỳ, thận, vị kinh. Cho nên những người tỳ vị hư hàn, thận dương hư, thì dùng thịt chó trị được. Nhất là thịt chó còn ăn với gia vị như riềng, lá mơ, húng quế v.v. là những vị dương tính khá mạnh. Như sư bá người, bị trúng độc của đối phương, khiến tỳ, vị kinh bị tổn thương nặng. Cho nên người cần ăn thịt chó để điều trị.
Ỷ-Lan không chịu:
– Nếu như sư bá bị tổn thương hai kinh tỳ-vị, thì có thể dùng cáp-giới (tắc kè), nhân sâm, lộc nhung, phục-linh cũng được. Dùng thịt chó làm gì? Đệ tử nguyện dâng sư bá ít cân nhân sâm, lộc nhung thay thế thịt chó. Không biết sư bá có thu nhận không?
Viên-Chiếu lắc đầu:
– Không được con ơi! Sư-phụ, sư-bá đâu phải không tiền mua nhân sâm, lộc-nhung? Mà dù chúng ta không có tiền mua, thì thập phương cũng cúng dường. Con phải biết rằng mỗi dược vật đều có đặc tính riêng, dù rằng cùng tác dụng vào những kinh mạch giống nhau. Như cùng bổ dương, nhưng nhân-sâm, lộc-nhung, can-khương, quế-chi lại có dược tính đặc biệt khác hẳn nhau. Thịt chó có đặc tính trị vết thương, làm liền vết thương mau chóng. Con không nghe người ta thường nói: xương gà, da chó sao? Con gà bị gẫy xương, thì chỉ ba ngày là liền. Vì vậy y học mới dùng xương gà bó bột cho người bị gẫy xương. Còn da chó thì khi bị rách, chỉ một ngày là liền, càc danh y mới dùng da chó để nấu cao trị thương.
Ông nhìn Ỷ-Lan, rồi đưa mắt nhìn Mộc-tồn hòa thượng:
– Huống hồ sư bá của con, trong khi giao đấu với đối phương, phải dùng nội công thượng thừa chống với Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng, một mặt dùng Thiên-vương chưởng đánh đối thủ, rồi bị đối thủ dùng răng cắn vào mặt... Cho nên dù sau đó người giết chết đối thủ, nhưng người bị độc tố nhập cơ thể, khiến cho tỳ-khí, thận-khí khó lưu thông, luôn bị hàn tà làm cho cực kỳ khổ sở. Chỉ duy có thịt chó là làm cho cơn hàn biến đi, cho nên người phải ăn thịt chó là thế.
Lời giải thích của đại sư Viên-Chiếu làm cho Ỷ-Lan tỉnh ngộ. Nàng lại càng phục sư bá: ông ăn thịt chó công khai, và tự nhận. Nhưng còn vọng thê thì sao? Không biết hồi trẻ sư bá đã lấy ai làm vợ, và tại sao lại xa cách nhau? Biết đâu bà chẳng chết rồi???
Mộc-tồn hòa thượng cười:
– Vả thịt chó rất đặc biệt, khi ăn thịt gà, thịt lợn nhiều người ta sẽ chán, chứ ăn thịt chó thì không bao giờ chán cả. A-Di Đà-phật, ăn thịt chó hay ăn thịt gà cũng đều là sát sinh, chứ có khác gì đâu?
Chi-hậu nội-nhân Nguyễn Bông từ ngoài vào cúi đầu:
– Tâu phu nhân, hai hoàng tử Hoằng-Chân, Chiêu-Văn xin cầu kiến.
– Mời hai hoàng tử vào.
Hoằng-Chân, Chiêu-Văn cùng Trinh-Dung, Ngọc-Nam vào bảo điện hành lễ với Ỷ-Lan, Viên-Chiếu. Khi hai ông thấy Mộc-tồn hòa thượng, thì kinh hoảng, tay chắp lại, miệng lắp bắp:
– Đệ tử kính... kính...
Mộc-tồn hòa thượng nói lớn:
– Bần tăng là người tu hành, là thầy chùa ăn thịt chó. Sau thời gian tu hành, quên hết cả anh em, họ hàng rồi. Hai hoàng-tử chẳng nên đa lễ.
Ỷ-Lan kinh ngạc nghĩ thầm:
– Đối với ta, thì Mộc-tồn là đại sư bá, ta phải hành lễ với người là lẽ thường. Còn trước mặt hai hoàng tử, thì sư bá chỉ là nhà sư. Đáng lẽ sư bá phải hành lễ với hai hoàng tử, chứ có đâu hai hoàng tử vừa thấy người đã líu ríu, cung cung, kính kính như vậy? Phải chăng sư bá là bậc trưởng thượng của hai hoàng tử?
Hai hoàng tử cúi đầu:
– Dạ...dạ... đệ tử nhớ rồi.
Mộc-tồn hoà thượng nói với hai hoàng tử như cha nói với con, như sư phụ nói với đệ tử:
– Ỷ-Lan phu nhân có một đạo tấu chương gửi về cho hoàng-thượng, trong tấu chương trình việc vinh quy. Phiền hai hoàng tử nhập hoàng-thành trao tận tay cho hoàng-thượng. Nếu trường hợp không trao tận tay cho hoàng-thượng thì trao cho Quốc-phụ cũng được. Hai hoàng tử có thể dẫn đám trẻ này cùng về Thăng-long một lúc.
Đến đây ông dùng Lăng-không truyền ngữ nói vào tai hai người:
– Hai hoàng-tử nhớ nhé, đây là tấu chương tuyệt mật, liên quan đến quốc sự; tính mệnh hai hoàng tử có thể mất chứ tấu chương này không thể lộ ra ngoài.
Hai hoàng tử líu ríu lĩnh tấu chương cất vào bọc, hành lễ rồi lên đường.
Đến đó Nguyễn Bông cúi đầu trước Ỷ-Lan:
– Tâu phu nhân, trời về chiều. Xin phu nhân hồi gia cho.
Ỷ-Lan đứng dậy cung tay:
– Bạch sư bá, sư phụ, để tử lớn mật dám thỉnh sư phụ, sư bá về Thăng-long để thuyết pháp cho nội cung. Xin sư bá, sư phụ đừng tiếc công, di đại giá Phật-gia một phen.
Viên-Chiếu vui vẻ:
– Được chứ! Được chứ! Thuyết pháp thì sư bá với ta sẵn sàng.
Nói xong câu đó, Viên-Chiếu thấy dường như Ỷ-Lan còn điều gì muốn bạch, mà ngập ngừng. Ông vận nội nhãn giới để thầy trò đạt đến độ « nhân ngã tương thông » rồi hỏi:
– Minh-Đệ! Thầy thấy trong tâm con có điều gì thực trong sáng, thực thuần thành, mà chưa bầy tỏ ra hết. Con ơi! Thầy yêu thương con như đức Thích-ca Mâu-ni, như Khổng-tử yêu đệ tử. Vậy con còn điều gì chưa thỏa tâm nguyện, thì cứ nói ra.
Ỷ-Lan đỉnh lễ một lần nữa rồi trình bầy bằng giọng tha thiết:
– Bạch sư bá, bạch sư phụ. Từ ngày nhập cung đến giờ, hoàng thượng cực kỳ sủng ái con, ban cho con rất nhiều vàng bạc, châu báu, lương tiền. Nhưng... nhưng con coi những thứ đó như của phù vân, nên vẫn ăn tiêu dè sẻn như hồi còn hàn vi; vì vậy con có tâm nguyện rằng: Nhân chùa Từ-quang nhỏ hẹp, dựng đã lâu, gạch đã mủn, gỗ đã mục, không biết sẽ xụp đổ lúc nào. Con muốn... con muốn sư bá, sư phụ cho con dùng tiền bạc đó trùng tu lại, mà không dám bạch.
– Con bị trúng độc!
– Làm sao mà trúng độc được. Mẹ cũng ăn bánh mà có việc gì đâu?
Ỷ-Lan biết thuốc độc này phải một ngày mới chết, nàng vờ nói với em trai là Lực:
– Em hãy gọi thầy lang đến ngay. Để chị cho nữ binh đưa Minh-Can về phòng.
Nói rồi nàng điểm vào huyệt Nội-quan, Thái-khê, Thái-xung, Thái-uyên, Công-tôn của ả, để ngăn không không cho chất độc chạy vào tạng phủ. Nàng vẫy tay cho nữ binh đem ả về phòng. Bà Thiết theo sát phiá sau.
Minh-Can còn nói vọng lại:
– Chị Ỷ-Lan, chị cứu em với.
Trong khi Ngọc-Huệ ra lệnh cho thị-vệ, cung-nga thái giám chuẩn bị xa giá hồi cung, thì Ỷ-Lan vẫy công chúa Thiên-Ninh theo nàng vào phòng Minh-Can. Minh-Can rên:
– Mẹ ơi! Con bị trúng độc. Thứ độc này thầy lang trị không được đâu. Phải có thuốc giải của sư huynh Đoàn Quang-Minh.
Tuy ghét Ỷ-Lan, nhưng bà Thiết đã đẻ ra nàng, nên hành-động không ăn bánh, không uống trà mà ăn xôi bắp, uống nước chè tươi của nữ binh đã khiến bà nghi ngờ. Bây giờ thấy Minh-Can đau đớn khốn khổ, lại khai ra rằng phải có thuốc giải của Đoàn Quang-Minh, thì bà nghi chính Minh-Can đã đánh thuốc độc Ỷ-Lan, nhưng Ỷ-Lan biết trước, nên bằng cách nào đó, Ỷ-Lan làm cho thuốc độc quay lại làm Minh-Can bị trúng độc. Bà hỏi Minh-Can:
– Bây giờ Đoàn Quang-Minh ở đâu?
Minh-Can run run, quằn quại:
– Hiện Đoàn sư huynh ẩn ở đâu chính con cũng không biết.
– Vậy thì làm sao mẹ tìm được nó?
Thói quen từ xưa, bất cứ khó khăn, bất cứ đau khổ gì của Minh-Can bà Thiết cũng đổ lên đầu Ỷ-Lan. Bà quay lại hỏi nàng:
– Làm thế nào bây giờ? Mày đi tìm Đoàn Quang-Minh về cho nó ngay. Nó mà chết thì mày cũng phải chết, rồi tao cũng chết theo chứ sống sao được?
Công chúa Thiên-Ninh vốn đã biết những uẩn khúc trong gia đình Ỷ-Lan, nay sự việc xẩy ra, nàng đã đoán đến tám phần vụ đầu độc này rồi. Nàng thấy bà Thiết vô lý quá thì không chịu được, nàng chỉ vào Minh-Can:
– Thưa bà, tuy phu-nhân do bà đẻ ra được, nhưng nay là một mẫu nghi thiên hạ. Xin bà giữ gìn lời nói. Bà không thể dùng ngôn từ đầu đường xó chợ với phu-nhân. Nếu bà mà còn nói nửa lời vô phép với phu nhân thì tôi khoét một mắt con ác phụ này. Bà nói hai câu, thì tôi khoét hai mắt nó. Bà nói ba câu thì tôi chặt đến hai tay nó.
Bà Thiết tưởng Thiên-Ninh cũng dễ bắt nạt như Ỷ-Lan, bà nhảy choi choi lên, mồm rống như trâu, như bò:
– Con tôi đẻ ra, tôi muốn chửi, muốn đánh, muốn làm gì thì làm, cô không được xen vào. Cô tưởng...
Thiên-Ninh chụp Minh-Can, nhắc bổng lên ném ra sân. Vì công lực nàng khá cao, nên Minh-Can bay ra ngoài đến vù một cái cạnh Nguyễn Bông. Nguyễn Bông bắt lấy, để xuống đất. Nàng ra lệnh cho đội nữ binh:
– Khoét mắt nó ngay tức thời.
Ỷ-Lan biết Thiên-Ninh chỉ dọa bà Thiết, nên nàng đứng im, mặc Thiên-Ninh hành động.
Nữ binh dạ ran. Một người xách Minh-Can ra giữa sân, một người khoa thanh đoản đao sáng loáng lên hỏi Thiên-Ninh:
– Tâu điện hạ, khoét mắt phải hay mắt trái ạ?
Minh-Can bở vía, kêu thảm thiết:
– Mẹ ơi! Mẹ cứu con với.
Bà Thiết vẫn cứng đầu, miệng bà thét lên the thé, tay chỉ mặt Ỷ-Lan:
– Mày nỡ lòng nào đứng nhìn em mày bị khoét mắt hở con diều tha, con quạ mổ kia?
Công-chúa Thiên-Ninh nổi giận, nàng vẫy tay ra lệnh:
– Trói nó lại, khoét cả hai mắt nó, rồi xẻo từng miếng thịt một.
Nữ binh kéo Minh-Can lại gốc cau. Y thị vùng vẫy, rời khỏi tay nữ binh, rồi chạy đến bên Ỷ-Lan, quỳ gối xuống rập đầu binh binh:
– Em cắn cỏ em lạy chị, chị cứu em với. Từ nay em xin làm thân trâu ngựa cho chị.
Thiên-Ninh rút kiếm ra chỉ vào cổ ả, tay túm ả đem vào tẩm phòng Ỷ-Lan, rồi nói với bà Thiết:
– Kể từ lúc này, tôi truyền bà phải cấm khẩu, bằng không tôi xẻo thịt nó.
Bà Thiết vừa mở miệng định nói, Thiên-Ninh thích mũi kiếm vào cổ Minh-Can, lập tức máu chảy ra liền. Bà Thiết vội ngậm miệng, nhắm mắt lại. Rồi ra khỏi tẩm phòng.
Thiên-Ninh chỉ mặt Minh-Can:
– Mi muốn được tha, thì phải khai thực tất cả những gì đã làm từ mấy hôm nay. Nào đi họp với bọn Tống, bọn Chiêm, với Thượng-Dương hoàng hậu. Nào việc mi bỏ thuốc độc định giết Ỷ-Lan phu nhân hôm qua, cùng hôm nay. Nếu mi chỉ khai sai một câu, thì ta sẽ xẻo thịt mi liền.
Minh-Can kinh hoàng, vội cầm bút viết. Thị cũng muốn dấu diếm đôi chút, nhưng thấy mắt Thiên-Ninh sắc như dao cau, mũi kiếm luôn kề cổ, thì thị bở vía, lại phải khai thực. Đợi cho thị khai xong, Thiên-Ninh đọc một lượt, rồi truyền nữ binh trói thị lại, giải về Thăng-long.
Ỷ-Lan hỏi Thiên-Ninh:
– Này Ninh! Ninh bảo trước hoàn cảnh này mình phải hành động như thế nào?
Thiên-Ninh bàn:
– Cháu cũng đang định hỏi cô câu đó. Đối với cô cháu mình, như tướng ngoài trận, cần phải có quyết định mau chóng, chứ không phải mỗi sự, mỗi việc lại tấu về triều. Triều đình là gì? Là phụ hoàng, là đại thần. Thì cô cháu mình cũng có thể là phụ hoàng, là đại thần được. Như khi cô biết chân tướng Nguyễn Bông, một mặt cô nhờ sư Viên-Chiếu, Mộc-tồn theo dõi y, một mặt cô gửi tấu chương về. Với tấu chương của cô gửi về hôm trước, phụ hoàng đã bàn với đại-ca Thường-Kiệt cùng một vài đại thần. Tất cả cùng đi đến quyết định rằng: không nên bắt giam Nguyễn Bông vội. Vì Nguyễn Bông ẩn vào cung làm việc e không phải mình y mà còn có phe đảng của y. Y cũng không khác gì con rết có hàng trăm chân. Nay ta mới thấy cái thân thì đừng ra tay vội. Đợi đến khi nào tất cả chân của chúng phơi bầy ra, rồi đập chết cũng chưa muộn.
Nàng nói nhỏ hơn: Bây giờ tới vụ hoàng-hậu với bọn Tống. Cô cháu mình đã ban chỉ cho Nguyễn Căn điều động thị-vệ mật theo dõi bọn chúng, lại tấu về triều rồi. Bất biết triều đình quyết định ra sao, cô cháu mình cũng phải có phản ứng ngay.
Những lời của Thiên-Ninh làm Ỷ-Lan nhớ lại chuyện cũ chép trong Thái-tổ thực lục (xin đọc Anh-hùng Tiêu-sơn, Thuận-thiên di sử, cùng tác giả). Bấy giờ công chúa Bảo-Hòa, Bình-Dương cùng ra ngoai làm việc. Hại vị đã tự quyết hầu hết mọi việc, để đối phó với biến cố xẩy ra, chứ không nhất thiết tâu về triều. Nay nghe Thiên-Ninh nói, Ỷ-Lan nổi hùng tâm tráng trí lên:
– Mình với Thiên-Ninh phải quyết định một phần.
Nghĩ vậy, nàng kéo Thiên-Ninh, làm như ra bờ ao ngắm đồng ruộng, rồi nói:
– Vụ này mình nên chia làm ba. Một là đối phó với Chiêm, hai là đối phó với Tống. Ba là đối phó với gian tế trong cung. Trước hết với Chiêm, ta để cho Khu-mật viện, vì vụ này không khẩn. Nhưng chủ trương của cô là ta phải nhân Tống ở xa, Trị-bình hoàng đế mới lên ngôi vẫn còn kinh hãi qua việc Nam du. Ta nên đánh Chiêm, rồi lập lên một triều đình do dân Việt bên ấy cầm đầu. Đối với Tống, ta phải tạo cho phe thái-hậu, Văn Ngạn-Bác với phe Hàn Kỳ và bọn chủ Nam xâm... tranh quyền nhau càng quyết liệt càng tốt. Có như vậy họ mới để ta yên.
Thiên-Ninh góp ý:
– Hai tấu chương vừa gửi về, thì một là của cô, hai là của cháu. Dù biết rằng Dương hậu, Nguyễn-Bông làm gian tế cho Tống, nhưng triều đình thế nào cũng nghĩ rằng cô cháu mình muốn hạ Dương hậu. Nên mình phải kiếm cách khác.
Nàng thở dài: còn vụ nội gián này thì có đấy, vì Thượng-Dương hoàng hậu dính vào. Cứ như ý cháu, thì mình làm gì chăng nữa, triều đình cũng không thể xử tử Hoàng-hậu. Nếu vụ án họ Dương, làm cho Dương đảng tan nát, thì vụ này ta làm cho Dương hậu hết quyền. Ta cần gài cho Dương-hậu với Nguyễn Bông phạm pháp quả tang, rồi đem đảng của chúng ra chặt đầu. Bấy giờ Dương hậu sẽ mất quyền mẫu-nghi thiên hạ.
Ỷ-Lan nắm lấy tay Thiên-Ninh, nàng ghé miệng vào tai cô công chúa thông minh nói nhỏ:
– Mình phải làm như thế, như thế... là được.
Một thiếu phụ, một thiếu nữ, chưa ai tới hai mươi tuổi, nắm tay nhau, miệng cười tươi như hoa, giữa cánh đồng làng Siêu-loại, bàn quốc sự. Có ai ngờ trong khoảnh khắc đó, sau này làm rung chuyển giang sơn Tống, Việt, Chiêm, và muôn đời sử sách ghi lại những trang sáng chói của tộc Việt. Đó là chuyện sau.