Nam Quốc Sơn Hà

Chương 39 : Trung-nghĩa Thiên Thu

Ngày đăng: 09:02 19/04/20


Tham-tướng Triệu Tú tiếp:



– Quả đúng như đại nhân đoán, tên đi bên trái Hoằng-Chân là Đô-thống Vũ Quang, với con vợ tên Võ Kim-Liên. Tên đi bên phải là Đô-thống Đinh Hoàng-Nghi, y là con tể tướng Đinh Nho-Quan của Nùng Trí-Cao hồi trước. Võ công y bình thường, nhưng y là người có tài dùng binh bậc nhất trong mười hai tướng trẻ; vợ y tên Phương-Quỳnh là học trò tên hoạn quan Lý Thường-Kiệt. Còn hai cặp thiếu niên, thì một cặp mặc quần áo mầu lam, chồng tên Hùng Trí, vợ tên Âu Lam; cặp thiếu niên mặc quần áo hồng đã từng đối chưởng với Hứa, Vương đại nhân hôm qua; chồng tên Hùng Tín, vợ tên Âu Hồng. Bốn đứa này đã dùng thú binh quấy rối ta đêm trước.



Đến đây, thì quân Việt chỉ còn cách trại Tống không đầy hai dặm (1 km). Ba hồi tù và rúc lên. Chưa đầy một khắc, quân Việt dàn thành trận thế. Rồi một đội nhã nhạc hơn năm chục người đi hai bên, Trung-Thành vương ngồi trên cỗ xe do đôi cọp kéo. Vợ chồng Hùng Trí, Hùng Tín đi sau. Gió Xuân thổi nhẹ trên cánh đồng Ngọc-tuyền đầy cỏ non, trăm hoa đua nở. Khi xe đến trước trại, thì nhã nhạc im bặt. Âu Hồng bước lại cổng trại cung tay:



– Trung-Thành vương nước Đại-Việt, xin được cầu kiến với Trương đại nhân.



Trương Thủ-Tiết bàn với các tướng:



– Ta nghe tên Hoằng-Chân tài trí không thua Kinh-Nam vương làm bao. Y có điên hay không, mà chỉ đem mấy người vào trại ta để nộp mạng? Hoặc giả y có mưu gì chăng?



Hứa Dự đáp:



– Với đội quân hùng-tráng thế kia, nếu y cho đánh trại, thì ta không thể đương nổi; ấy là chưa kể hai đạo đóng ở Đại-giáp, Hỏa-giáp có thể đánh vào hai hông. Ta cứ mở cửa tiếp đón y, xem y muốn gì?



Trương bèn cho mở cổng trại, rồi dẫn bốn tướng ra ngoài. Y cung tay:



– Đô-giám Quảng-Nam Tây-lộ Trương Thủ-Tiết xin ra mắt vương gia. Giữa lúc hai bên giao tranh, không biết vương gia tới đây có chuyện gì?



Trung-Thành vương mỉm cười:



– Trương Đô-giám cầm quân đến đây là vì sự nghiệp họ Triệu. Hậu bối đem quân đến ây là vì sự sống còn của tộc Việt. Nghĩ cho kỹ, giữa Đô-giam với hậu bối không thù, không oán, mà phải xua quân đánh nhau đã hai ngày. Vãn bối thấy binh tướng của Đô-giám quá mệt mỏi, nên tạm thời cho quân hưu chiến, rồi đem ít quà tết tới đây mời Trương đại nhân với Ôn, Trương, Hứa, Vương tướng quân cùng uống rượu mừng Xuân; đợi vài ngày sau, quân hai bên đều khoẻ, rồi sẽ tính sau, không biết Trương đại nhân nghĩ sao?



Vương quay lại chỉ vào bốn chiếc xe, trên chứa đầy thực phẩm. Bốn chiếc xe do ngựa kéo từ từ tiến lên. Âu Thanh cung cung, kính kính đến trước Thủ-Tiết trao tờ giấy hồng, trên có ghi số lễ vật. Thủ-Tiết tiếp lấy đọc: Lợn (heo) quay năm con, gà hấp ngũ vị hương mười con, vịt quay mười con, giò lụa hai mươi cây, giò thủ hai mươi cây, bánh chưng một trăm cặp, bánh dầy một nghìn cặp, nước mắm chắt (nhĩ) năm hũ, trà năm cân.



Trương Thủ-Tiết chỉ tay vào trong:



– Xin mời vương gia.



Trung-Thành vương vẫy tay, đội nhã nhạc lùi lại, vương cùng vợ chồng Hùng Trí, Hùng Tín vào trại. Phân ngôi chủ khách xong. Binh Tống đã đem hết lễ vật bầy ra.



Trung-Thành vương cung tay nói:



– Các vị tướng quân! Các vị đều là những tướng giỏi, thưởng phạt công bằng, mệnh lệnh nghiêm minh, trí dũng song toàn; binh lính đều thiện chiến. Thế nhưng các vị bị tên thư sinh mặt trắng Vương An-Thạch bầy ra ma pháp Thanh-miêu, Trợ-dịch, Bảo-giáp, Nông-điền, Thủy-lợi... khiến cho lòng dân oán hận. Trong nước cứ trăm người thì chín mươi người chống đối. Chính vì vậy Thạch mới đem bọn Thẩm Khởi, Lưu Di xuống Nam thùy, luyện quân, tích trữ lương thảo để đánh Đại-Việt, với ý nghĩ đem chiến công ra che lấp tội lỗi. Đứng trước cái thế một mất, một còn, nên chúng tôi phải tiến quân sang tự vệ. Rút cuộc, đưa đến các vị cùng chư quân phải lăn mình vào chỗ chết, mà không đáng! Tiếc quá! Tiếc quá!



Vương thở dài:



– Nay các vị tiến lên cứu Ung-châu, thì bị chặn ở Hỏa-giáp, lùi lại thì bị cắt ở Đại-giáp. Đóng quân ở chỗ vô dụng, lương thảo không còn. Ví dù chư vị có cố phá được vòng vây lùi về, thì bọn Lưu Di, Vương An-Thạch sẽ đổ lỗi lên đầu các vị... rồi không những các vị lâm cảnh đầu bị chặt đem bêu, thân bị vứt cho ruồi nhặng, dòi bọ đục khoét; mà đến vợ con, gia thuộc e không bị giết, thì cũng bị tịch biên điền sản, rồi sẽ phải sống kiếp tôi đòi. Ôi! Nghĩ thực đáng thương.



Hứa Dự hỏi:



– Theo như vương gia thì chúng tôi phải làm gì?



– Kẻ thức thời mới là người tuấn kiệt. Cô-gia nghĩ khắp thiên hạ, đâu không là nhà? Các vị còn ngại ngùng gì mà không cho quân hạ cờ đầu hàng, rồi sang Đại-Việt sống, để dành tấm thân mai hậu; một khi Vương An-Thạch không còn nữa, các vị lại trở về cố lý.



Ôn Nguyên-Dụ cười nhạt:



– Tên nhãi con Lý Hoằng-Chân kia, suốt mấy ngày nay, người chuyên cắn trộm, đánh lén, thực đúng là đồ Nam-man, không đáng mặt anh hùng. Hôm trước, người bầy trò sai tên Đinh Hoàng-Nghi tới trả tù binh, rồi sai hai vợ chồng tên Hung Tín dùng Chu-sa huyền âm chưởng đánh lén, làm cho Hứa Dự, Vương Trấn bị thương. Hôm qua đến lượt con vợ tên Hùng Nghĩa dùng Chu-sa huyền âm chưởng đánh ta. Bây giờ người lại mang lễ vật đến đây để mong làm nản lòng ta ư? Được! Người hãy rời khỏi nơi đây tức thời, ta quyết đem quân ra đại chiến với người.



Trương Thủ-Tiết vẫy tay ra hiệu cho Ôn Nguyên-Dụ im lặng rồi nói:



– Nếu như vương gia có lòng tử tế, thì xin cho lui binh khỏi núi Đại-giáp, để chúng tôi rút về Côn-lôn chỉnh đốn binh mã, rồi mời vương gia đến quyết chiến một trận, không biết vương gia nghĩ sao?



– Thế thì được. Cô-gia xin y lời Trương đô giám. Sáng mai, quân Việt sẽ rút khỏi núi Đại-giáp, để các vị lui quân.



Nói xong vương đứng dậy cung tay hành lễ, rồi cùng tùy tùng rời khỏi trại Tống.



Giữa lúc đó, chim ưng mang thư của nguyên-soái Thường-Kiệt đến mặt trận cho Trung-Thành vương. Vương mở ra đọc:



« Các đại thần Tống triều, thuộc Cựu-đảng, Tân-đảng tranh cãi nhau từ ngày 20 tháng chạp, đến nay chưa ngã ngũ.



Cựu-đảng chủ hòa, Tân-đảng chủ chiến.



Phe chủ hòa do Ngô Sung đứng đầu, chủ trương chém Thẩm Khởi, Lưu Di cùng một số biên thần chủ chiến, rồi sai sứ sang Đại-Việt giảng hòa; yêu sách Đại-Việt phải dâng biểu tạ tội, trả hết tù hàng binh cùng lương thảo. Phe chủ chiến do Vương An-Thạch cầm đầu, chủ trương lập hành doanh, đem quân nghiêng nước sang chiếm Đại-Việt, đặt làm quận huyện. Phechủ hòa cãi rằng, hiện tài nguyên Nam thùy không còn; bảo-binh tan nát, thành trì hủy diệt, lương thảo không còn, thì phải đem quân với lương từ Tây, Bắc xuống. Như vậy phải lụy Liêu, Hạ, bằng không hai nơi này đem quyân vào thì nguy khốn thay. Phe chủ chiến không chịu, nhất định nhân dịp này đem quân chiếm Đại-Việt là có danh nghĩa. Sau khi chiếm Đại-Việt sẽ đánh Chiêm, Lào, Chân, Xiệm, Lý. Bấy giờ sẽ quay lên Bắc rửa hận bị Liêu làm nhục bao năm qua.



Cuối cùng nhà vua nghiêng theo phe chủ chiến. Triều đình lại họp bàn định. Nay đã quyết định năm việc khẩn cấp.



– Một là cử hai đại thần thuộc Khu-mật viện là Trươn Thuật, Tạ Quý-Thành ngay ngày hôm sau lên đường xuống Quảng-Tây tổ chức trướng lệnh.



– Hai là cho thiết lập ngựa chạy trạm từ Ung-châu về Biện-kinh (20 tháng chạp).



– Ba là cách chức Lưu Di, cử Thạch Giám thay thế (22 tháng chạp). Sai tập họp hết bảo-binh vùng Kinh, Hồ, Lưỡng-Quảng thành từng ”chỉ huy” một, mỗi chỉ huy năm trăm người, sai huấn luyện võ-nghệ, xung phong hãm trận, đưa xuống cản quân Việt (23-24 tháng chạp)



– Bốn là điều đạo binh thứ 19 xuống Đàm-châu (Trường-sa), đạo binh 35 xuống Quế-châu, để chặn không cho quân Việt tiến đánh vùng Bắc Ngũ-lĩnh; vì ba đạo binh 1, 2, 3 ở Quế-châu, đã được Lưu Di cử Trương Thủ-Tiết đem xuống cứu Ung-châu, thành ra Quế-châu không có quân trấn thủ (25 tháng chạp).



– Năm là cử Triệu Tiết đang trấn thủ Diên-châu (Thiểm-Tây) lĩnh chức « An-nam đạo hành doanh mã bộ đô tổng quản chiêu thảo sứ » kiêm chức Quảng-Nam Tây-lộ An-phủ-sứ (Tức Quảng-Tây); sai Lý Hiến làm phó; Yên Đạt làm phó đô tổng quản; Ông Cảo làm quản câu, tức coi về thư từ, trướng lệnh. Đem tất cả binh tinh nhuệ ở miền Tây, Bắc, chuyển về Nam-thùy để đánh Đại-Việt. Vậy xin vương giải quyết ba đạo binh đệ 1, 2, 3, và kị binh 47 càng sớm càng tốt ».



Ghi chú,



Như vậy so với ngày nay thì Triệu Tiết làm tổng tư-lệnh, Lý Hiến làm tư-lệnh phó, Yên Đạt làm tư-lệnh hành quân, Ôn Cảo làm tham mưu trưởng.



TS, TTTTGTB chỉ thuật qua việc Trương Thủ-Tiết đem quân cứu viện, rồi bị quân Việt đón đánh, y cùng bốn tướng Ôn Nguyên-Dụ, Trương Biện, Hứa Dự, Vương Trấn tử trận. Trong khi mộ chí của năm người đều thuật lại trận đánh này bằng nhiều chi tiết khác nhau. Tôi tổng hợp năm mộ chí mới vẽ ra được trận đánh khủng khiếp này. Trong TTCTBK, Giang Văn-Dụ thời Khang-Hy chú giải bia Ôn Nguyên-Dụ cho rằng: Con cháu năm tướng đã đề cao quân Việt quá đáng, mục đích biện luận cho việc bại trận của tổ tiên mình. Nhưng đến thời Càn-Long, sau khi Tôn Sĩ-Nghị đại bại ở Đại-Việt (1789), Vương Dã-Nam lại cho rằng bia, mộ chí năm tướng chép đúng. Tống thua vì bốn điều quân Tống không bằng quân Việt, đó là tổ chức, huấn luyện, trang bị, kỷ luật.



Sau khi Trung-Thành vương rời trại Tống trở về, Trương Thủ-Tiết họp chư tướng bàn luận. Vương Trấn đưa ý kiến:



– Lý Hoằng-Chân là một tướng mưu trí trùm hoàn vũ, y lại có tài dùng binh không kém Kinh-Nam vương. Nay tự nhiên y hứa mở đường cho ta rút quân, chưa chắc đã là thực. Nếu ta rút quân, có thể y cho phục binh chờ đợi để tiêu diệt. Ta khó mà bảo toàn tính mệnh.



– Tôi cũng nghĩ thế.



Hứa Dự tiếp:



– Trước mắt ta có bốn con đường đi. Một là đầu hàng thì mạng sống được bảo toàn, nhưng gia đình sẽ bị liên lụy. Ta không thể đi đường này. Hai là đóng quân ở đây chờ viện binh, thì viện binh ít ra phải vài tháng mới tới, mà lương thảo của ta thì tuyệt rồi. Ta cũng không thể đi đường này. Ba là tin lời Hoằng-Chân rút lui. Ví thử Hoằng-Chân có thiện tâm mở đường cho ta lui quân; cho rằng ta lui quân trót lọt, nhưng không cứu được thành Ung, thì trước sau gì cũng bị họa sát thân. Con đường này càng không thể đi được. Bốn là, lợi dụng quân Giao-chỉ đóng trên Hỏa-giáp không làm bao, ta liều lĩnh đánh lên, phá vòng vây, rồi tiến về thành Ung. Trong Tô Giàm đánh ra, ta từ ngoài đánh vào, may ra cứu được Giàm. Chỉ có con đường này khả dĩ đi được mà thôi.



Trương Biện nhăn mặt:



– Nếu như ta đánh lên Hỏa-giáp, rồi phía sau Hoằng-Chân cho quân đuổi theo, thì chẳng hóa ra ta chui đầu vào rọ ư?



Hứa Dự chỉ lên bản đồ:



– Từ đây lên Hỏa-giáp chỉ có một đường đi, Hoằng-Chân không bao giờ nghĩ rằng ta dám hành sự liều lĩnh như vậy. Khi y biết, tập trung được quân, đuổi theo; thì ta đã phá xong vòng vây, tiến về thành Ung rồi.



Các tướng bàn luận phân vân chưa quyết, thì tế tác vào báo:



– Quân Giao-chỉ tên núi Hỏa-giáp đã nhổ trại tiến về thành Ung; còn quân đóng trên núi Đại-giáp đã đổ đồi, tiến về hợp với quân của Trung-Thành vương.



Ôn Nguyên-Dụ nhảy phắt lên:



– Vậy thì ngay bây giờ, bao nhiêu đồ dùng nặng để lại hết, thương binh cũng không mang theo. Ta chờ trời tối sẽ âm thầm tiến lên núi Hỏa-giáp. Để đánh lừa địch, ta vẫn để nguyên trại, đèn các cửa trại vẫn đốt sáng, lại duy trì đội quân tiếp tục đánh trống hiệu cầm canh.



Đêm mùng sáu tháng giêng, khi màn đêm buông xuống, Ôn Nguyên-Dụ dẫn đạo binh đệ nhất lên đường trước. Khi tới chân núi Hỏa-giáp y cho đội thám mã đi dò đường. Lát sau thám mã báo rằng quân Việt đã rút khỏi, bao nhiêu bếp đã lấp hết, chúng bỏ lại trên núi một số đồ dùng vô ích. Ôn yên tâm cho quân vượt núi. Khi sang đến chân núi bên kia, cũng không thấy bóng dáng một tên quân Việt, y cười thầm:



– Tên Hoằng-Chân tưởng ta sợ hãi rút lui, nên bỏ không chặn phía trước nữa. Y nào ngờ!!!



Ôn sai người báo với Trương Thủ-Tiết. Thủ-Tiết cho đạo đệ nhị leo núi, đạo đệ tam tiếp theo. Y với các tham tướng đi giữa hai đạo đệ nhị, đệ tam. Còn đạo kị binh 47 đi sau làm đoạn hậu.



Khi lên tới đỉnh Hoả-giáp, Trương đứng trên mỏn núi cao quan sát về hướng Đông, nơi Trung-Thành vương đóng quân, thấy đèn đuốc lập lòe trên một khoảng thung lũng rộng, y cười với chư tướng:



– Ngày mai, ít ra phải tới Ngọ Hoằng-Chân mới biết ra tiến quân, y có tập trung quân đuổi theo thì cũng phải sáng ngày kia (mốt) mới lên đường được. Bấy giờ ta đã bắt tay được với Tô Giàm rồi.



Thình lình ba chiếc pháo thăng thiên vọt lên trên trời, nổ tung, ánh sáng tỏa ra hình ba con chim ưng sáng chói trong đêm tối. Rồi tiếp theo hàng loạt tiếng Lôi-tiễn bắn lên trời, nổ rung động không gian, ánh lửa sáng lòa rừng núi. Lại tiếng máy bắn đá kêu rít lên những tiếng ghê sợ. Lôi-tiễn, đá đổ chụp lên đầu đội hình quân Tống đang đi. Quân reo, trống thúc, chiêng rền. Quân Việt từ trong các hốc đá, trong rừng bắn ra. Quân Tống không biết quân Việt ở đâu, thành ra chỉ biết tìm chỗ núp.



Thủ-Tiết kinh hồn, hỏi viên tướng tham quân Triệu Tú:



– Lỗi tại ta! Lỗi tại ta! Người đã rộng lượng, mở đường cho ta lui, mà ta làm ngược, nên ta phải lĩnh cái hậu quả này. Làm sao bây giờ???



Y đứng trên mỏm đá cao, trông về hướng Bắc, nơi đạo kị mã đi đoạn hậu; y rùng mình khi thấy dưới ánh lửa chập chờn hiện ra cảnh hỗn loạn: Kị-binh bị trúng phục binh của Thần-nỏ, Thần-hổ, Thần-báo. Kị-mã bị bắn ngã lổng chổng, còn ngựa thì bị Thần-hổ, Thần-báo, Thần-ngao tấn công bỏ chạy tán loạn. Dù khoảng cách hơn sáu dậm (3 km), y cũng nhìn thấy tướng chỉ huy đoàn phục kích là Lý Đoan, Ngọc-Liên, Hùng Nghiã, Âu Thanh.



Y lại nhìn về hướng Nam, nơi đạo quân đệ nhất đã đổ đồi, thì chỉ còn thấy cảnh quân Tống đầu hàng bị quân Việt lùa ngồi thành từng hàng, hai tay đưa lên đầu.
Tôi giải đoán như thế này: Tư-mã-Quang lấy ngày quân Việt thực sự tấn công coi như ngày thất thủ. Ngày quân Việt khởi sự rút tức ngày thành Ung bị tràn ngập, nên mới có sự khác biệt.



TS quyển 446, TTTTGTB chép rằng khi quân Việt vào thành Ung, quá tức giận giết hết quân và dân, xếp đầu thành 580 đống, mỗi đống 100 đầu. Sau này các sử gia Việt-Hoa cứ theo đó chép lại. Có lẽ TS, TTTTGTB căn cứ vào tấm bia, của một Nho sĩ Tống soạn vào niên hiệu Nguyên-phong thứ nhì (1079) đời Tống Thần-tông. Tấm bia này hiện còn lưu trữ ở viện bảo tàng Quảng-Tây. Nội dung đọan này như sau « Quân Giao-chỉ đánh lâu mới vào được thành, khi vào được thì trong thành chỉ còn hơn sáu nghìn quân. Hai bên hỗn chiến nửa ngày, thì quân Tống chết hết. Quân Giao chặt đầu xếp thành 580 đống, mỗi đống 100 đầu. Họ (quân Giao) lại thu nhặt xác chết của gần mười vạn quân Tống chết trước đó, vùi tạm trong thành; đem đốt đi ».



QTNC chép rằng khi quân Việt vào thành Ung, quân trong thành chỉ còn hơn sáu nghìn người. Họ đều chiến đấu đến khi chết hết. Vậy 580 đống, 58.000 người bị giết, chất đống là số người sống sót, sau hơn tháng chiến đấu. Chứ thực sự quân thủ thành khoảng mười vạn.



Niên hiệu Thái-Ninh thứ năm đời vua Nhân-tông nước Đại-Việt



Ngày hai mươi tháng ba, Thái-Ninh hoàng đế, thiết đại triều ở điện Càn-nguyên, để nghe nguyên-soái Lý Thường-Kiệt tâu trình về công cuộc Bắc-phạt.



Các quan tề tựu đông đủ, nhà vua cùng Linh-Nhân hoàng thái hậu từ trong cung đi ra. Lễ quan xướng:



– Hoàng thượng giá lâm.



Nhạc tấu bản Nguyên-thọ. Nhà vua đưa tay ra hiệu miễn lễ. Lễ quan hô:



– Bình thân.



Thái-sư Lý Đạo-Thành bước ra:



– Tâu Thái-hậu, tâu Bệ-hạ. Nguyên-soái Lý Thường-Kiệt cùng chư tướng đem quân Bắc phạt đã về tới Thăng-long. Hôm nay thần xin thiết đại triều, để nguyên soái Thường-Kiệt tâu trình lên bệ hạ.



Linh-Nhân hoàng thái hậu tuyên chỉ:



– Kể từ khi ta khởi binh, hàng ngày triều đình đều nhận được tấu chương của Nguyên-soái cùng Tôn quân-sư gửi về. Nhưng tại sao cái ngày vui hôm nay, bách quan hiện diện đầy đủ, mà Tôn quân sư lại không tới?



Phò-mã Hoàng Kiên tâu:



– Sau khi hạ thành Ung, sư phụ, sư mẫu của thần vào thành, tận mắt nhìn xác chết của hơn mười vạn người. Có người chưa chết hẳn, còn đang quằn quại. Có xác chết còn đang chảy máu. Có xác chết sình thối, chương lên. Cũng có xác chết thịt rữa gần hết. Sư phụ, sư mẫu thần chợt cảm thấy thương tâm; trên đường về Thăng-long, người luôn thở dài. Khi qua Bắc-ngạn, người gặp lại đại sư Mộc-tồn, Viên-Chiếu, Pháp-Nhẫn; ba vị đại sư đem cái lẽ vô-thường của thế gian ra giảng giải. Sư phụ, sư mẫu thần ngộ đạo, đã vào chốn Không-môn. Người có để lại một tờ biểu xin dâng lên Bệ-hạ.



Lễ quan tiếp biểu dâng lên. Linh-Nhân hoàng thái hậu mở ra, thì trong trục giấy, không có biểu, mà chỉ có mấy câu trong kinh Lăng-già, xưa bồ-tát Đại-Huệ tán thán phật Thích-ca mâu-ni:



Thế gian ly sinh diệt,



Do ư hư không hoa.



Trí bất đắc hẫu vô,



Nhi sinh đại bi tâm.



(Thế gian lìa sinh, diệt,



Ví như hoa hư không.



Trí chẳng thấi có, không,



Mà khởi tâm đại bi).



Cả triều thần cùng bàng hoàng.



Thái hậu hỏi:



– Tôn sư thúc là người để hết tâm chí vào cuộc bảo vệ Xã-tắc, không thể một chốc, một lát, mà sư bá, với sư phụ có thể thuyết pháp khiến người bỏ đi được. Cô-phụ này muốn biết chi tiết hơn. Điều này xin Tín-Nghĩa vương thuật lại cho cả triều đình biết.



Tín-Nghĩa vương tuân chỉ đứng dậy. Vương thuật chi tiết từ khi Long-biên ngũ hùng chế ra Lôi-tiễn bắn vào thành Ung, Tôn Đản đang đêm choàng dậy, lên trúc đài quan sát thấy đàn bà, trẻ con trong thành bị bắn cháy như cây đuốc, xác chết xếp thành đống; cái thì đứt đôi, cái thì gẫy cân, cái thờ cháy vàng... ông đã tái mặt, tỏ vẻ không vui. Lại đến khi trận đánh núi Hỏa-giáp diễn ra, ông lên thăm chiến trường, lội dọc núi, chính mắt nhìn bốn vạn xác chết ngổn ngang; lại một lần nữa, mặt ông xạm lại. Sau hai trận đó, ông bà cùng một số tướng không tán thành diệt Ung-châu. Nhưng Ung-châu vẫn bị phá, khi quân Việt vào thành, trong thành hơn mười vạn người, mà chỉ còn mấy trăm người sống sót; một lần nữa ông bà trở thành trầm ngâm khác thường. Rồi trên đường về Thăng-long, ông bà bỏ đi.



Cả triều đình đều im lặng, nhìn nhau để tìm lấy cái gì giải thích rõ ràng hơn về việc ra đi của Tôn Đản, Cẩm-Thi.



Công-chúa Thiên-Ninh tâu:



– Khi đại quân về qua sông Hồng, thì sư thúc, sư thẩm gặp đại sư Mộc-tồn, Viên-Chiếu, Pháp-Nhẫn đang neo thuyền giữa sông. Hai vị sang thuyền của ba đại sư. Năm vị thảo luận suốt một ngày. Hôm sau sư thúc trao trục giấy cho đệ tử. Người nói rằng đó là biểu nhờ Hoàng phò mã dâng lên Thái-hậu.



Triều đình nghị sự, thăng thưởng tướng sĩ có công; lại phủ tuất cho gia đình các tử sĩ.



Trước hết là:



Trung-Thành vương, Lý Hoằng-Chân



Kiểm-hiệu thái-sư, Thượng-thư lệnh kiêm trung-thư lệnh, Thăng-long tiết độ-sứ, Tả kim ngô đại tướng quân, quản Khu-mật viện. Phu-nhân Nguyễn-thị Trinh-Dung được phong Minh-đức Thạc hòa, Chí nhu công chúa.



Tín-Nghĩa vương, Lý Chiêu-Văn



Kiểm-hiệu thiếu-sư, Khai-phủ nghị đồng tam-tư, Võ-minh quân tiết độ sứ, Thượng-thư tả bộc xạ, Đồng trung thư môn hạ bình chương sự, Phụ-quốc đại tướng quân, Khu-mật viện sứ. Vương-phi Lê Ngọc-Nam được phong Ninh-đức, Trang-duệ, Hiếu-khang công chúa.



Phò-mã Thân Cảnh-Long



Kiểm-hiệu tư-đồ, Thượng-thư tả thừa, Khu-mật viện sứ, Phiêu-kị thượng tướng quân, tổng-trấn Bắc-cương, tước Lạng-quận vương.



Phò-mã Hoàng Kiện



Phụ-quốc thái-phó, Đồng-trung thư môn hạ bình chương sự, Binh-bộ thượng thư, Kinh-Bắc tiết độ-sứ, Uy-viễn đại học-sĩ, Khu-mật viện sứ, Thuần-nghĩa quốc công.



Lý Thường-Kiệt



Phụ-quốc thái-úy, Dao-thụ Nam-bình tiết độ-sứ, thượng-trụ quốc, Hoài-hóa đại tướng quân, Khai-quốc công, Thiên-tử nghĩa đệ.



Lý Kế-Nguyên



Thái-tử thái phó, Tham-tri chính sự, Thượng-thư tả thừa, Khu-mật viện sứ, lĩnh Đại-đô đốc thủy-sư Đại-Việt, Gia-thụy công.



Các vị thủ lĩnh Bắc-cương



Lư Kỷ, Hoàng Kim-Mãn, Vi Thủ-An trước đây lĩnh ấn đại tướng quân, tước hầu. Nay đều thăng lên Tiết độ sứ, tước Quốc công.



Thần-vũ ngũ-hùng được phong chức Đô-thống, tước Bá. Thần-vũ ngũ Âu được phong nhất phẩm phu nhân.



Vũ-kị thượng tướng quân Hà Mai-Việt được phong tước hầu. Tất cả vẫn giữ nguyên chức cũ, như hồi chưa xuất chinh.



Long-biên ngũ hùng đều được thăng chức thượng tướng quân, tước hầu. Bốn phu nhân sau trận bình Chiêm được phong nhất phẩm phu nhân, nay lại lập đại công, nên phong làm quận chúa. Duy Phương-Quỳnh đã lập công trong lần dẹp loạn họ Dương, nay lại lập công lớn nữa, nên cũng được phong quận chúa.



Phạm Dật được phong chức Long-nhương thượng tướng quân, tước Thiện-tâm hầu. Phu nhân Lê Kim-Loan được phong Thiên-ân Nhu-mẫn quận chúa.



Vũ Quang được phong Hổ-uy thượng tướng quân, tước Thành-tâm hầu. Phu-nhân Võ Kim-Liên được phong Trang-hòa Thiên-đức quận chúa.



Đinh Hoàng-Nghi được phong Quán-quân thượng tướng quân, tước Chính-tâm hầu. Phu nhân Phương-Quỳnh được phong Tuyên-đức Thạc-hòa quận chúa.



Lý Đoan được phong Hoài-hóa thượng tướng quân, tước Trực-tâm hầu. Phu-nhân Trần Ngọc-Liên được phong Thiên-y Đại-từ quận chúa.



Trần Ninh được phong Vân-ma thượng tướng quân, tước Nhu-tâm hầu. Phu nhân Trần Ngọc-Hương được phong Thiên-hương Thuần-mẫn quận chúa.



Xét về công lao, Tây-hồ thất kiệt ngang với Long-biện ngũ hùng, tất cả được thăng tướng, tước hầu. Nhưng các phu nhân mới dự trận Bắc phạt, nên chỉ được phong nhất phẩm phu nhân.



Trần Di được phong Qui-đức đại tướng quân, tước Hư-tâm hầu.



Dương Minh được phong Trung-vũ đại tướng quân, tước Kính-tâm hầu.



Triệu Thu được phong Tuyên-vũ đại tướng quân, tước Tín-tâm hầu.



Mai Cầm được phong Tuyên-uy đại tướng quân, tước Từ-tâm hầu.



Quách Y được phong Minh-uy đại tướng quân, Minh-tâm hầu.



Ngô Ức được phong Định-viễn đại tướng quân, tước Huệ-tâm hầu.



Tạ Duy được phong Ninh-viễn đại tướng quân, tước Dũng-tâm hầu.



Ngoài ra các quan văn võ chiếu công lao đều được thăng thưởng cao thấp khác nhau.