Nam Quốc Sơn Hà

Chương 44 : Thánh tăng cứu nước

Ngày đăng: 09:02 19/04/20


Sau khi chiếm được Bắc ngạn sông Cầu, thì đã sang ngày 23 tháng Chạp, là ngày ông Táo chầu trời. Quách Quỳ sai ngựa lưu tinh thượng biểu về Biện-kinh, tâu thắng trận. Trong biểu nói rõ: Từ bản doanh của Quỳ tới lăng tẩm triều Lý còn ba mươi dặm (15 km), tới Thăng-long chỉ năm mươi dặm (25km). Hiện Quỳ cho quân nghỉ ăn tết, đợi sang giêng sẽ tiến quân vào ổ, bắt Lý Càn-Đức, với Lê-thị Yến-Loan đem về phục mệnh. Trong biểu, Quỳ xin triều đình cắt cử những chức quan cai trị gửi sang càng sớm càng tốt.



Chiều ba mươi tết, Quỳ ban lệnh giết trâu, mổ bò khao quân, mừng giao thừa. Quỳ cho phép các doanh được tổ chức những trò giải trí để quân khỏi nhớ nhà: Nào thi bắn tên, thi đánh vật, thi leo dây, hoặc họp nhau ca hát. Trong khi quân-sĩ ăn thịt, uống rượu mừng Xuân Đinh Tỵ, thì Quỳ cho họp chư tướng tại bản doanh ở phía Bắc bến đò Như-nguyệt để định kế đánh Thăng-long.



Hàng tướng Hoàng Kim-Mãn mách cho biết: Có ba con đường tới Thăng-long, Lý Thường-Kiệt đã cho lập phòng tuyến kiên cố chờ đợi. Con đường gần nhất là con đường qua bến đò Như-nguyệt. Lý Thường-Kiệt đã bố trí tại đây những lực lượng tinh nhuệ chờ đợi. Con đường gần thứ nhì là con đường Vạn-xuân, nằm cuối phòng tuyến Như-nguyệt, chỗ hội tụ ba con sông Lục-Nam, sông Cầu, sông Đuống. Tại đây cũng có phòng tuyến rất kiên cố. Ba là con đường bến đò Phú-lương men theo núi Tam-đảo, chỗ này cũng có phòng tuyến rất kiên cố.



Quách Quỳ nhắc lại cho tướng sĩ hiểu tình hình: Ta đã phân chia quân làm ba mặt trận đóng dài trên sông Cầu. Thứ nhất, mặt trận trên bến đò Phú-lương trao cho Yên Đạt làm chánh tướng, Khúc Chẩn làm phó tướng, với ba tướng xung-kích Lôi Tự-Văn, Lữ Chân, Lý Hiếu-Tông; ngoài ra còn có bọn hàng tướng Hoàng Sầm-Mãn, Nùng Thuận-Ninh, Sầm Khánh-Tân làm hướng đạo. Mặt trận Vạn-xuân trao cho Tu Kỷ làm chánh tướng, Đào Bật làm phó tướng, với bốn tướng xung kích Địch Tường, Quản Vi, Giới Định, Lý Thật; hai hàng tướng Lưu Báo, Nùng Sĩ-Trung làm hướng đạo. Mặt trận Như-ngyệt, Triệu Tiết làm chánh tướng, Miêu Lý làm phó tướng, với năm tướng xung kích Diêu Tự, Vương Tiến, Bình Viễn, Đặng Trung, Lưu Mân; các hàng tướng Nùng Thịnh-Đức, Nùng Quang-Lâm, Hoàng Kim-Mãn làm hướng đạo. Hai tướng kị binh Trương Thế-Cự, Vương Mẫn lưu động, do chính Quách Quỳ chỉ huy.



Quỳ nhấn mạnh:



– Ta đã sai sứ hẹn với đô đốc Dương Tùng-Tiên, phó đô-đốc Tô Tử-Nguyên tiến quân chiếm cửa Đông-kênh, sau đó vượt sông vào Như-nguyệt để chở quân vượt sông Cầu đánh Thăng-long. Vậy chư tướng hãy cho quân ăn tết ba ngày. Sang ngày mùng bốn, thì sai quân vào rừng đốn nứa, đốn tre làm bè. Ngày mười lăm phải xong. Còn quân sĩ thì kể từ ngày mười lăm đều đặt trong tình trạng ứng trực, để khi có lệnh là vượt sông liền.



Miêu Lý hỏi:



– Thưa nguyên soái, nếu đã có thủy quân chở mã bộ quân qua sông, thì sao phải làm bè?



– Giặc có mười vạn binh ở Nam ngạn. Ta muốn thắng giặc, thì phải đem ít nhất ba mươi vạn binh một lúc. Với quân số này, thì thủy quân không đủ khả năng vận tải trong một chuyến, vì vậy ta phải đóng bè.



Quỳ nói lớn:



– Đúng ngày mười sáu, cả ba cánh quân cùng vượt sông, phá chiến lũy. Chiếm được chiến lũy rồi, thì cánh quân Như-nguyệt tiến nhanh về đánh Thăng-long. Cánh quân của Yên Đạt tiến dọc theo Nam ngạn sông Cầu, tiến về vây Tây Thăng-long. Cánh quân Tu Kỷ đi song song tiến về vây phía Đông Thăng-long.



Y bảo Nguyễn Dư và bọn du thủ du thực theo trong quân:



– Người là em ruột Nguyễn Căn, mà Nguyễn Căn hiện trấn ở bên kia sông. Ta muốn dùng người làm hướng đạo. Nhưng sợ người xót tình anh em, nên không muốn người dự vào trận đánh này.



Triệu Tiết biết Quách Qùy khích Nguyễn Dư, y làm bộ bênh hắn:



– Tôi xin bảo đảm với nguyên soái là Nguyễn Dư sẽ trung thành với ta. Dư theo ta, chỉ với mục đích muốn giết thằng anh Căn mà thôi. Để chứng tỏ trung thành với ta, Dư đã cho người dò thám tình hình Thăng-long, tôi xin để Dư trình bầy.



Ghi chú,



QTNC chép về Nguyễn Dư như sau: Đứng xa mà trông Nguyễn Dư với Nguyễn Căn, thì ai cũng tưởng rằng một, nhưng nhìn kỹ ra, thì cái mặt y gẫy như lưỡi cầy, cái cằm nhọn hoắt. Mỗi khi nói, y hay làm điệu bộ, chù mỏ ra phụng phịu.



Được Triệt Tiết bênh vực, Dư đứng lên nói. Y không biết nói tiếng Hán, mà nói tiếng Việt, thành ra chỉ bọn Quách Quỳ, Triệu Tiết, Khúc Chẩn, Yên Đạt, Tu Kỷ đã từng học tiếng Việt, từng sang Đại-Việt hiểu được mà thôi:



– Bẩm nguyên soái, tên Căn là kẻ thù truyền kiếp của con. Nó đắc tội với con vô cùng, con chỉ muốn ăn tươi nuốt sống nó.



– Được! Ta tin người! Thế người cho ta biết, từ Như-nguyệt tới Thăng-long có quân Việt trấn đóng không?



– Thưa quan đại nguyên soái có. Có rất nhiều. Từ Như-nguyệt tới Cổ-pháp, lăng tẩm của triều Lý, có tới mười sáu xã. Như tất cả xã thôn Đại-Việt, các xã này đều có lũy tre bao bọc, ngoài lũy tre có hào sâu. Nếu nguyên soái muốn tiến quân về Cổ-pháp thì phải đánh các xã này, bằng không khi quan quân đi qua, chúng sẽ đánh tập hậu thì nguy lắm.



Quách Quỳ khen:



– Giỏi, người quả có tài đại tướng mà tên Thường-Kiệt không biết dùng. Người tiếp đi.



– Từ phòng tuyến Như-nguyệt tới Thăng-long chỉ có năm mươi dặm. Nhưng trên đường đi phải qua khu rừng tre mênh mông. Sau rừng tre là chiến lũy Cổ-pháp. Trong chiến lũy Cổ-pháp, rừng tre có đến bốn hiệu binh trấn đóng, đó là hiệu Quảng-thánh, Quảng-vũ, Ngự-long và Phù-đổng.



Quách Quỳ à lên một tiếng:



– Từ hôm vợ chồng Tôn Mạnh, Đinh Hoàng-Nghi rút khỏi Quyết-lý, Chi-lăng, ta cứ lo lắng rằng chúng ẩn náu trong rừng Bắc-biên để đánh sau lưng ta. Nào ngờ chúng rút về Cổ-pháp. Hà, tại Như-nguyệt chỉ có hai hiệu Thiên-tử binh thôi. Còn tại Cổ-pháp chúng có tới ba hiệu Thiên-tử binh với hiệu kị binh Phù-đổng. Khó đấy.



Đến đây hỏa đầu quân loan báo:



– Tiệc rượu đã xong, xin mời nguyên soái cùng chư tướng nhập tiệc mừng Xuân.



Quỳ bước ra khỏi căn lều, ngước mắt nhìn trời: Đúng là đêm ba mươi tết, màn đêm một mầu đem đặc, đến nỗi xoè bàn tay ra mà không nhìn thấy gì. Quỳ cầm cây pháo thăng-thiên châm lửa, tung lên trời. Chiếc pháo nổ đến đùng một tiếng, rối toả ra ánh sáng như ngôi sao. Lập tức các trại khác cũng đốt pháo, đánh trống, khua chiêng mừng Xuân mới.



Không khí mừng Xuân, mừng chiến thắng thực là nhộn nhịp. Lại có đội quân làm được con lân, múa trước cửa trướng Quách Qùy. Nhiều sòng bạc mở ra, quân sĩ tụ nhau đỏ đen, reo hò.



Quỳ cùng chư tướng nhập tiệc, người người đưa lời chúc tụng lẫn nhau. Rượu được hai tuần, Quỳ uống hết một bát lớn, rồi nói:



– Hôm nay là ngày tết. Hồi nãy ta ra lệnh chuẩn bị đổ bộ sau rằm tháng giêng. Ta muốn cùng chư tướng vào Thăng-long ngày hai mươi tháng giêng, hái một cành đào, sai ngựa mang về Biện-kinh dâng hoàng thượng.



Chư tướng hồ hởi vỗ tay hoan hô.



Giữa cái không khí đó, Triệu Tiết hơi cau mày lại, vì y nghe đâu đó có tiếng quân reo hò, la hét ở phía Đông. Y vẫy tay cho chư tướng im lặng. Chư tướng cùng đã nghe thấy tiếng reo. Họ đưa mắt nhìn nhau. Trong căn trại có đến hơn trăm người mà không một tiếng động.



Nùng Quang-Lâm nói cứng:



– Chắc binh sĩ vui đùa la hét đó thôi!



Lát sau, tiếng la hét lại từ phía Tây vọng lại, rồi tiếng la hét ngay doanh đóng ở bờ sông. Lần này lẫn cả tiếng trống báo động. Quỳ với các tướng bỏ tiệc rượu ra ngoài nhìn: Ba doanh Đông, Tây, Nam lửa bốc cháy ngùn ngụt.



Lôi Tự-Văn chỉ về phía Phú-lương:



– Kìa! Chết thật! Quân của ta ở Phú-lương có sự, lửa đang bốc cao.



Lý Thật chỉ tay về phía Vạn-xuân:



– Kìa, trại của ta ở phía Nham-biền cũng bốc cháy.



Đến đó quân báo:



– Giặc dùng thuyền đổ bộ dọc bờ sông, xung phong đánh ba doanh trung ương, Đông, Tây. Hai trại sát bờ sông bị tràn ngập. Địch đã đánh vào tới trại thứ ba. Chư quân đang ra sức chống trả.



Quách Quỳ ban lệnh:



– Bỏ tiệc, chư tướng đâu trở về đó.



Quỳ buột miệng ban lệnh rồi, y tự biết rằng lệnh đó khó thi hành, vì đường từ Như-nguyệt đến Phú-lương, Nham-biền đâu có gần? Dù võ công cao, địch tấn công tứ phía thì liệu trong đêm tối, chư tướng có thể về tới nơi không?



Tuy nhiên các tướng ở vùng Phú-lương, Nham-biền cũng lên ngựa với tùy tòng đốt đuốc ra đi. Còn các tướng tại trại Như-nguyệt thì trở về với quân.



Quân báo liên tiếp:



– Giặc từ sông đổ bộ lên ba doanh. Chúng rất hung hãn, lại có hổ, báo, chó sói yểm trợ. Quân ta không phòng bị, chết rất nhiều, ba dẫy trại sát bờ sông bị chọc thủng. Chúng đang đánh vào dẫy thứ tư.



– Giặc cũng từ sông đổ bộ vào căn cứ Nham-biền, Phú-lương. Tại hai nơi này, mỗi nơi chúng đổ bộ làm hai cánh, đánh ép lại. Hai nơi này chạm đích rất nặng. Ta với giặc đang hỗn chiến.



Quách Quỳ, Triệu Tiết lên đài cao đứng nhìn: Dưới ánh đuốc chập chờn, quân Việt như đàn hổ đói, dàn hàng ngang xung sát. Quân Tống chống không nổi, cứ lùi dần.



Tại khu Tây, do Miêu Lý, Vương Tiến, Bình Viễn đã trở về trại, đang đứng đốc quân chống trả. Tại khu giữa, Diêu Tự, Nùng Thịnh-Đức, Nùng Quang-Lâm, Hoàng Kim-Mãn đã giữ vững được phòng tuyến. Tại khu Đông, Lưu Mân, Đặng Trung trở về tới nơi, thì trại bị vỡ, quân sĩ bỏ chạy tán loạn.



Quân lại báo:



– Giặc dùng hạm đội Thần-phù chở ba hiệu Thiên-tử binh. Chúng lợi dụng đêm tối đổ binh lên ba nơi đánh trộm. Đạo đột kích ở phía Tây là hiệu Thần-điện do tướng Triệu Thu với vợ là Phương-Liễu chỉ huy. Đạo đột kích ở giữa là hiệu Bổng-thánh do tướng Mai Cầm với vợ là Phương-Đơn chỉ huy. Đạo đột kích ở phía Đông là hiệu Hùng-lược do tướng Ngô Ức với vợ là Phương-Dược chỉ huy.



Quân Tống bị bất ngờ, hỗn loạn, bốn doanh trại gần bờ sông bợ vỡ, người chết la liệt. Quân Việt đánh đến hàng thứ năm, thì quân Tống đã kịp thời chỉnh đốn hàng ngũ chống lại rất gắt.



Quách Quỳ đã nhìn rõ ba tướng Việt, cùng với ba bà vợ đứng đốc chiến. Y nói với Ôn Cảo, Triệu Tiết:



– Hôm trước ta tưởng trong các tướng chỉ huy Thiên-tử binh, chỉ có vợ chồng tên Đinh Hoàng-Nghi, Lý Tam là ghê gớm. Hôm nay ta mới biết đứa nào cũng thế cả. Phải làm cách gì giết đi một cặp, thì họa may chúng mới chùn nhụt.



Y ra lệnh:



– Báo cho Miêu Lý giữ vững mặt Tây, Đặng Trung giữ vững mặt Đông. Ta dồn chủ lực diệt vợ chồng Mai Cầm, Phương Đơn.



Quân chấp lệnh đi rồi, y bảo Triệu Tiết:



– Điều hai đội thiết-đột, hai đội cung thủ từ doanh Bắc về, giết cho bằng được thằng Mai Cầm với con Phương Đơn.



Quân chấp lệnh đi liền. Thoáng một cái thiết đột với cung thủ tới; quân Tống ở phòng tuyến doanh giữa dạt ra, các đội thiết đột, cung thủ tiến lên trước. Một đội thiết đột, một đội cung thủ đi cánh phải; một đội thiết đột cung thủ khác đi cánh trái. Cung thủ bắn, thiết đột xung lên, tiến ra bờ sông, rồi cánh trái quay về phải, cánh phải quay về trái. Thế là hiệu Bổng-thánh bị vây ba mặt như hình chữ U, sau lưng là sông.
– Hai thánh tăng cùng với bốn hòa thượng chùa Báo-ân giá lâm.



Linh-Nhân hoàng thái hậu vẫy Long-biên tứ hùng, Tây-hồ thất kiệt ra ngoài đón rước.



Linh-Nhân hoàng thái hậu cung tay:



– A-di-đà Phật! Chúng đệ tử xin tham kiến nhị vị bồ tát. Tứ vị sư huynh.



Minh-Không đáp lễ:



– Nhọc thánh thể Thái-hậu cùng chư vị ra đón. Nghe Thái-hậu cũng chư tướng nghị kế giữ nước. Anh em bần tăng tuy hạc nội mây ngàn, nhưng cũng là con dân Đại-Việt, nên đến thái hậu cho ra trận làm bốn phận con dân.



Lễ nghi tất.



Tây-hồ thất kiệt là đệ tử của Minh-Không, nên bẩy tướng kéo ghế lại ngồi bên ngài. Linh-Nhân hoàng Thái-hậu với Long-biên ngũ hùng là sư đệ sư muội của bốn nhà sư Viên, nên tứ hùng cùng lại ngồi bên bốn ngài.



Lý Thường-Kiệt tóm lược những gì đã nghị sự cho sáu vị nghe.



Minh-Không chỉ Tín-Nghĩa vương:



– Bần tăng thấy dường như vương gia đã có đến năm sách lược bảo quốc, mà sao chưa tâu lên Thái-hậu?



Tín-Nghĩa vương kinh hoàng, vì năm sách lược đó, ông hoạch định trong tâm, mà sao vị sư phụ này lại biết. Chợt động tâm cơ, vương chửi thầm:



– Mình thực sơ tâm! Hai vị bồ tát này luyện Mật-giáo đến trình độ tối cao, thì tất cả những gì mình suy nghĩ, ngài cũng thấy, đâu có lạ?



Vương cung tay:



– Xin tuân pháp dụ của sư phụ.



Vương cung tay hướng Thái-hậu:



– Thần xin đưa ra năm diệu kế để giữ nước.



– Xin hoàng thúc cứ nói.



– Cái ngày mà Quách Quỳ vượt sông e không xa. Ta không thể cản bước tiến quân của y. Phòng tuyến Như-nguyệt của ta cực kiên cố, với hai hiệu Thiên-tử binh Bổng-thánh của Mai Cầm, Phương-Đơn; Bảo-thắng của Quách Y, Phương-Tiên quyết tử trấn ở đây. Vậy sách đầu tiên của ta là chấp nhận trận đánh Như-nguyệt, ta mất một, Tống mất mười. Nếu như trong khi đánh, thấy quân mình chết nhiều quá, Quách Qùy cho lui quân, thì e rằng sau này khó có thể đủ khả năng vượt sông nữa; đây là thượng sách cho ta. Bằng y chịu hy sinh hai mươi vạn người, để phá Như-nguyệt thì ta cũng đành chấp nhận.



Quan Thái-phó Quách Sĩ-An hỏi:



– Khi ta biết chủ tâm của Tống là dùng hết khả năng đánh Như-nguyệt. Vậy sao ta không phối trí tại đây ba, bốn hiệu binh nữa cho ăn chắc?



Tín-Nghĩa vương lắc đầu:



– Thưa quan Thái-phó, phòng tuyến Như-nguyệt phía trước là sông, đã đắp thành lũy. Phía sau là vườn, ruộng, địa thế rất hẹp, không thể đồn trú quá hai hiệu binh. Vả có đem nhiều binh tới đây cũng vô ích, mà chỉ nên đồn trú dọc đường Như-nguyệt Thăng-long mà thôi. Vì vậy tôi đã đề nghị đem thực nhiều Thần-nỏ, thú-binh, cùng các cao thủ. Nhân Như-nguyệt gần Tản-lĩnh, tôi đã xin tiên nương Bảo-Hòa viện cho đội võ sĩ phái Tản-viên nghìn người. Với nghìn người này, có sức mạnh bằng mười vạn quân.



Nhiều đại thần chau mày tỏ vẻ không đồng ý vì: Phía sau Như-nguyệt năm mươi dặm thì tới Thăng-long. Như-nguyệt thất thủ, thì e hai khắc sau kị mã đã tới kinh đô rồi. Quan tổng trấn Thăng-long Ngô Thường-Hiến hỏi:



– Ví thử Tống chịu hy sinh 20 vạn người để phá cho được Như-nguyệt thì vương gia tính sao?



– Đó là điều tôi mong đợi. Nếu như Quách Quỳ nướng 20 vạn người vào đây, thì ta đánh một hai trận nữa, ắt y không còn lực, chỉ có thể rút lui. Vì từ Như-nguyệt tới Thăng-long có ba đoạn đường. Một là Như-nguyệt đến rừng tre khoảng hai mươi dặm, hai bên có 18 xã. Theo phương lược của Quách Quỳ, thì y cho kị binh đi trước, bộ binh đi sau, dùng tân-đằng-hải đánh các xã. Ta dùng hai hiệu binh các lộ, chia cho các xã hợp với hoàng nam để chống lại quân tân-đằng-hải. Như thế là sách dùng tân-đằng-hải kiếm lương với dân phu bị phá; mà kị binh, bộ binh tiến trước thấy hai sườn bị uy hiếp phải dừng lại. Đây là sách thứ nhì.



Chư tướng vỗ tay hoan hô.



– Đoạn đường thứ nhì là từ rừng tre tới Cổ-pháp, khoảng mười dặm, hai bên có mười xã, ta cũng áp dụng như trên. Ngay trước Cổ-pháp là vòng đai bảo vệ Thăng-long của công chúa Thiên-Ninh với hai hiệu Ngự-long của Phạm Dật, Kim-Loan; Quảng-vũ của Vũ Quang, Kim-Liên. Phòng tuyến này còn chắc hơn phòng tuyến Như-nguyệt nữa. Quân Tống đến đây dù Quách Qùy có muốn hy sinh giống Như-nguyệt, thì e không còn đủ quân nữa. Trong khi đó dọc đường, quân các lộ của ta với hoàng nam đánh chặn dường tiếp tế lương thảo. Như vậy Tống không thể xuống Thăng-long được. Đây cũng vẫn nằm trong sách thứ nhì.



Thái sư Lý Đạo-Thành hỏi:



– Khải vương gia, ví thử Quách Qúy nhất quyết thí quân ở Cổ-pháp, thì Thăng-long nguy tai!!!



– Thưa Thái-sư, tiểu bối chưa trình bầy xong mà.



Tín-Nghĩa vương giảng giải: Sách thứ ba, là ta lợi dụng Tống dùng hết khả năng đánh Như-nguyệt, còn hai mặt Nham-biền, Phú-lương là hư. Ta hãy tưởng tượng rằng khi chiến lũy Như-nguyệt thất thủ, quân kị bộ Tống đang tiến về Thăng-long. Ta dùng đạo binh lưu động của Trung-Thành vương đánh tan một trong hai đạo Nham-biền, Phú-lương, rồi tiến về uy hiếp bản doanh Quách Quỳ, đốt cháy kho lương. Dĩ nhiên Quách Quỳ phải rút quân về bảo vệ lấy căn bản. Nếu y không rút về, thì chỉ nửa ngày quân y sẽ tan, vì không có lương ăn!



Vương nhấn mạnh:



– Cái khó khăn là chiến lũy Cổ-pháp phải cầm chân kị binh ít nhất trong hai ngày, để đạo binh Trung-Thành vương có thời giờ hành sự. Không biết công chúa Thiên-Ninh giữ nổi chiến lũy Cổ-pháp trong bao nhiêu lâu?



Công chúa Thiên-Ninh tự tin:



– Xin hoàng thúc yên tâm, cháu có thể giữ được ít nhất một tháng.



Chư tướng vỗ tay hoan hô.



Tín-Nghĩa vương tiếp:



– Bấy lâu nay, triều đình bắt Thân phò mã với công chúa Thiên-Thành; công chúa Côi-sơn với phò mã Tôn Mạnh; thượng tướng quân Đinh Hoàng-Nghi với phu nhân ẩn thân trong rừng. Bây giờ ta thư cho ba vị ấy xuất hiện, vượt biên sang Tống đốt kho lương, đánh úp các đồn Quyết-lý, Chi-lăng, rồi trấn giữ tại đây. Tống bị cắt đường vận lương, bị tuyệt đường về, ắt Quỳ phải dồn hết lực lượng khai thông đường Như-nguyệt sang Trung-nguyên, Như thế y không thể tiến về Thăng-long được. Đây là sách thứ tư.



Vương đưa mắt nhìn Côi-sơn tam anh:



– Sách thứ năm, phi tam vị sư bá, không ai thực hiện nổi.



Trần Trung-Đạo hỏi:



– Sách này ra sao?



– Sách này ta đã dùng sau trận Côn-lôn, Đại-giáp, Ngọc-tuyền, Hỏa-giáp, Ung-châu. Nay dùng lại một lần nữa.



Trung-Đạo bật cười:



– Sách này tuy không có kết quả ngay, nhưng nó thấm vào tâm não muôn nghìn năm sau của người Hoa rằng: Cho con em đánh sang Đại-Việt, thì chỉ có đi, mà không có về.



Phò mã Hoàng Kiện hỏi:



– Trình sư bá, chi tiết áp dụng ra sao?



– Ta khích động cho gia đình tử sĩ sang đào mả đem xác về, để gây trấn động giang sơn Tống, gây bất mãn, lo sợ cho binh Tống. Không biết số tổn thất chính xác của Tống ở mỗi mặt trận là bao nhiêu? Chôn tại đâu?



Trung-Thành vương trình:



– Sau trận đột kích của ta vào Vình-bình, Tây-bình, Lộc-châu, cùng cuộc phục kích đánh truy binh của Tống cộng bốn lần Tống đánh Quyết-lý, Chi-lăng, số quân triều chết khoảng hai vạn. Quách Qùy đã cho đưa tử thi về nguyên quán, khiến dân phu phục dịch cực kỳ khổ sở, dọc đường gây ấn tượng kinh hoàng cho dân chúng. Cho nên Quách Quỳ tạm bỏ chương trình đưa xác tử sĩ về nguyên quán. Số quân tân-đằng-hải chết trận tại Bắc-biên là sáu vạn, đa số quê ở vùng Trường-sa được chôn ngay ở biên giới. Từ trận Đâu-đỉnh, trận đánh đêm Giao-thừa, quân triều chết hơn bốn vạn, quân tân-đằng-hải chết hơn chín vạn, đa số quê ở Quảng-Đông, Quảng-Tây y cho chôn ở Bắc Như-nguyệt. Quách Quỳ, đợi sau chiến tranh sẽ cải táng đưa về nguyên quán.



Linh-Nhân hoàng thái hậu hỏi:



– Triều đình có nhận được tin của Đinh Hoàng-Nghi báo cho biết Quách Quỳ không cho cắm gỗ đề tên tử sĩ lên mộ là ý gì vậy?



– Tâu, vì y sợ quân Tống sống thăm mồ mả bạn hữu tử trận, nên không cho đề tên kẻ xấu số lên ván, cắm ở mộ; mà chỉ cho viết trên nắp áo quan, đợi sau chiến tranh, mới đào lên đem về nguyên quán.



Trung-Đạo hỏi:



– Có cách nào lấy được danh sách tử sĩ Tống tại các mặt trận không?



– Thưa sư bá cháu đã có trên tay.



Trung-Thành vương đáp: Vì Quỳ bắt dân ta xẻ gỗ làm quan tài chôn tử sĩ Tống, cùng chôn cất, cháu lợi dụng cho tế tác len lỏi vào, nên đã lấy được đầy đủ họ tên, cấp bậc, quê quán. Không biết sư bá dùng làm gì?



– Tốt lắm. Trước đây, ta đã cho đệ tử đón đường giết ngựa trạm của Tống, tịch thu được nhiều văn kiện. Nhờ đó ta biết ấn, chữ ký, binh phù của Ôn Cảo, Triệu Tiết, Quách Quỳ. Ta đã cho khắc mấy chiếc ấn giống của chúng. Bây giờ ta chép danh tính của tử sĩ Tống từng huyện một, rồi giả công văn gửi đến các huyện; lệnh cho huyện loan báo hung tín tới gia đình. Trong thư ta sẽ ghi rõ mồ hiện chôn tại đâu, thân nhân có thể sang thăm, hoặc tự cải táng mang về.



Linh-Nhân hoàng thái hậu nhắm mắt lại một lát rồi nói:



– Sách này rất độc. Hãy cứ tưởng tượng, gần hai chục vạn dân phu, bảo binh, tân-đằng-hải tử trận, thì ít ra cũng có mười vạn gia đình đi tìm xác con em. Họ đâu có đi một mình? Tính trung bình mỗi tử sĩ có ba người đi tìm xác, thì ít ra cũng có sáu mươi vạn người tràn qua biên giới. Bấy giờ Quách Quỳ ắt biết đây là mưu của ta, nhưng đành thúc thủ. Y không thể sai quân cản những người này. Nhược bằng y có sai, thì quân cũng không tuân.