Nam Quốc Sơn Hà

Chương 45 : Nam-thiên Tứ Đại Thần Khí

Ngày đăng: 09:02 19/04/20


Tín-Nghĩa vương hướng Minh-Không, Đạo-Hạnh:



– Xin nhị vị sư phụ ban pháp dụ.



Đạo-Hạnh chắp tay vái cử tọa một lượt, rồi nói:



– Vương gia đưa ra năm phương lược cứu nước. Vậy bần tăng cũng đưa ra hai phương lược nữa là bẩy. Ta tạm gọi là Thất lược trấn quốc.



Cao nhất là Linh-Nhân hoàng thái hậu, thấp nhất là thị vệ đứng hầu đều im lặng, hồi hộp nghe hai phương lược của hai thánh tăng Đại-Việt. Vì từ lâu, khắp Hoa-Việt đều tôn hai ngài là đấng trí tuệ cao thâm vô cùng tận.



– Trong Thiên-hạ này, nơi nào tụ được nhiều linh khí, thì sẽ có chúa thánh, tôi hiền ra đời; mưa hòa, gió thuận, dân chúng ấm no. Ngược lại, nơi nào có nhiều ác khí nảy sinh, thì sẽ có quỷ vương, ma quái đội lốt quan; gió bão, hạn hán nảy sinh, dân chúng đói khổ. Xưa, khi vua Minh tế cáo trời đất, chia Thiên-hạ làm hai, Bắc thành Trung-nguyên, Nam thành Đại-Việt. Trong khi linh khí miền Bắc tản ra khắp nơi, thì Linh khí Lĩnh-Nam tụ về vùng Giao-chỉ, Cửu-chân. Thế nhưng cuối đời Tây-Hán, linh khí miền Bắc phân tán ra khắp nơi, bởi vậy mới có nạn Vương Mãng cướp ngôi. Linh khí Lĩnh-Nam cực thịnh, nên mới có việc vua Trưng cùng 162 tướng khởi nghiệp, suýt làm đổ triều Hán.



Ngài ngừng lại một lát rồi tiếp:



– Thời Bắc thuộc, vua Đường thấy linh khí Đại-Việt ta quá thịnh, mới sai Cao Biền sang làm thứ sử Giao-châu để yểm tất cả các thế đất linh. Biền thành công hầu hết, duy hai nơi thất bại là núi Tản và Cổ-pháp. Thế đất Tiêu-sơn ở Cổ-pháp tụ khí thiêng Nam-nhạc, nên mới sinh đức Thái-tổ nhà ta, lập ra bản triều trên hai trăm năm. Trong khi Biền yểm đất thiêng Lĩnh-Nam, thì y quy hướng tất cả hồn, phách linh khí vào bụng ba mươi sáu con trâu vàng, rồi đem về chôn ở trong lòng núi Thái-sơn.



Minh-uy đại tướng quân Quách Y hỏi:



– Bạch sư thúc, thủa nhỏ con có nghe thầy đồ kể truyện này. Thầy nói rằng Biền thu ba mươi sáu ngôi sao ở Thiên-hà chiếu xuống Lĩnh-Nam, rồi đem về giam ở núi Thái-sơn. Nay sư thúc lại kể rằng hồn và phách. Vậy có gì khác nhau giữa sao với hồn, phách?



– Con hỏi thực phải! Này con hãy nghe cho kỹ, sư thúc vì con mà nói.



Tiếng ngài Đạo-Hạnh thật đầm ấm, thật trong nhẹ, hợp với tư thái, nét mặt từ ái của ngài; khiến cử tọa đều có cảm tưởng đang nghe đức Phật A-di-đà thuyết pháp:



– Sao là tinh thể, kết hợp khí của vũ trụ mà thành. Sao chiếu xuống Thiên-hạ thành linh khí. Linh khí bàng bạc trong trời đất, gặp cây nuôi cây, gặp hoa nuôi hoa, gặp người tạo cơ thể con người thành hùng tráng, thần minh sáng suốt. Cái thần minh đó gọi là hồn và phách. Này con hãy nghe: Lột quần áo ra, thì con với đứa trẻ chăn trâu cũng giống nhau. Nhưng sao con lại làm đại tướng, trí dũng có thừa mà đứa trẻ lại là mục đồng chất phác? Cái mà con với trẻ mục đồng khác nhau đó là do phách, và hồn tạo ra.



Quách Y reo lên:



– Con hiểu rồi! Con hiểu rồi.



– Con thử nói cho sư thúc nghe xem nào?



– Khi sao ở Thiên-hà chiếu xuống thế gian, con người thấu, cảm ánh sáng đó, hợp với mưa, nắng, núi, sông cho nên thể thì giống nhau, mà phách và hồn thì khác nhau. Thế thì từ con sâu, cái kiến, con chó, con mèo cho đến con người đều có hồn và phách. Nhưng mỗi cơ thể thấu cảm linh khí của tinh hoa sơn xuyên, nhật nguyệt mà khác nhau. Nay Cao Biền yểm hết thế đất thiêng, đào lấy những kết tinh của thế đất đem đi. Thế nhưng...



– Thế nhưng sao?



– Thế sao y lại bỏ vào ba mươi sáu con trâu vàng? Mà không bỏ vào con rồng, con phượng? Thưa sư thúc?



– Giản dị thôi! Tộc Việt chúng ta là con cháu vua Thần-Nông. Tộc Hoa cũng là con cháu vua Thần-Nông. Nhưng sau triều đình Thần-Nông phương Bắc bị vua Hoàng-Đế đánh bại. Vua Hoàng-Đế là dân du mục, săn bắn. Người Hoa sau tôn vua Hoàng-Đế là Quốc-tổ. Bởi vậy Biền mới bắt tinh hoa 36 ngôi sao, bỏ vào bụng trâu, đem về chôn ở núi Thái-sơn, để diệt linh khí Nam phương, cái linh khí dùng sức trâu để canh tác.



Nói đến đây, ngài đưa mắt nhìn Linh-Nhân hoàng thái hậu. Hậu tiếp lời ngài:



– Đến đời vua Thái-tông nhà Tống, sau khi bị bại ở Chi-lăng, Bạch-đằng; nhà vua sai bẩy đạo sĩ của phái Hoa-sơn lên núi Thái-sơn đào trâu vàng đem về, rồi lấy đồng đen đúc thành hộp. Mỗi hộp để chín lá bùa, giam một trâu, sau đó cất vào một nơi cực mật trong kinh thành Biện-kinh. Hồi Khai-Quốc vương đi sứ, người đã sai Kinh-Nam vương đột nhập ngự thư phòng vua Tống Nhân-tông tìm di chúc của vua Thái-tông nói về việc này, nhưng không ra manh mối. Hơn bốn chục năm qua, Kinh-Nam vương có tai mắt khắp nơi trong triều Tống, mà cũng chỉ biết rằng ba mươi sáu hộp đồng đó để ở trong kho tại Hoàng-cung. Đích thân vương âm thầm đột nhập tìm kiến nhiều lần mà không thấy.



Ngài nhìn Trần Trung-Đạo:



– Vừa rồi, trong dịp người của ta làm rối loạn phủ đệ Vương An-Thạch, cùng hoàng cung Tống, vô tình đã tìm ra nơi để hộp giam trâu vàng.



Nghe hậu cùng đại sư Đạo-Hạnh thuật, trên cao nhất là các công chúa, phò mã, cho tới văn võ các quan đều ngẩn người ra. Thực vạn vạn lần họ cũng không ngờ các vua triều Lý lại giữ một bí ẩn ghê gớm về đất nước như thế.



Đạo-Hạnh tiếp:



– Bần tăng với sư huynh phải tìm trăm phương ngàn kế mới xin Hy-Ninh đế thưởng công trị tà, bằng cách ban cho ít đồng đen, chính mình chọn. Nhà vua truyền quan giữ kho dẫn sư huynh sư đệ bần tăng vào kho tả, trong khi ba mươi sáu hộp đồng để ở kho hữu. Bần tăng giả chọn đi chọn lại hết kho tả, mà cũng không được đồng như ý muốn. Viên thái giám đưa bần tăng với sư huynh sang kho hữu, thì hỡi ơi! Vừa vào kho, bần tăng đã thấy ngay.



Ngài lắc đầu:



– Ba mươi sáu cái hộp được đặt trên một bệ theo hình Tiên-thiên bát quái. Xung quanh đầy những tượng hổ, báo, rắn, cùng mô hình núi sông Đại-Việt. Anh em bần tăng vờ như không biết gì, sau khi lựa đồng, lẳng lặng cáo từ ra về, đến đêm báo cho Côi-sơn tam anh biết.



Đến đây, ngài đưa mắt cho Côi-sơn tam anh. Trần Phụ-Quốc tiếp:



– Khi được sư phụ báo tin, anh em thần tức tốc dùng chim ưng báo cho sư đệ Tự-Mai biết, vì chỉ người của Tự-Mai mới có khả năng đột nhập kho đồng hữu lấy ba mươi sáu cái hộp ra. Cái khó khăn là phải báo cách nào để qua được mắt công chúa Huệ-Nhu; vì công chúa với sư đệ luôn ở cạnh nhau như bóng với hình. Cuối cùng thần báo cho sư phụ (ghi chú: Đó là Trần Tự-An) biết. Lập tức người triệu sư đệ tới để dạy dỗ võ công, rồi nói cho y biết. Y giả rủ công chúa Huệ-Nhu lên đường sang Tống, rồi chính y điều động chân tay đột nhập kho đồng hữu, lấy ba mươi sáu cái hộp trao cho ba anh em thần mang về nước.



Nghe Phụ-Quốc thuật, mọi người như đang đi trong đêm, được đốt lên cây đuốc, nhìn rõ mọi vật. Bởi trước đây họ chỉ nghe nói hai vị được vua Tống ban đồng, rồi làm phép lấy hết kho đồng, rồi Hy-Ninh đế sai Tổng-lĩnh thị vệ Lý Hiến đem quân đuổi theo. Họ thắc mắc rằng dù võ công cao, làm sao hai vị có thể mang được hết kho đồng đi? Xá gì chút đồng mà nhà vua phải sai thị vệ đuổi theo?



Từ đầu đến cuối, ngài Minh-Không ngồi trầm tư, để ngài Đạo-Hạnh trình bầy. Bây giờ ngài mới nói:



– Ta đã tìm lại được tinh hoa linh khí mấy nghìn năm tộc Việt. Bần tăng đem đặt vào chỗ cũ của nó được mấy tháng nay. Còn ba mươi sáu cái hộp với bùa, bần tăng tìm ba mươi sái cái xương sọ của tướng sĩ Tống tử trận bỏ vào, rồi đem chôn ở khắp các cửa sông, cửa biển Đại-Việt làm quỷ trấn áp quân Trung-nguyên. Còn ba mươi sáu con trâu thì sẽ ném xuống đáy hồ Tây với tất cả tinh hoa võ công Đại-Việt, để làm thần trấn Thăng-long.



Thấy mọi người ngơ ngác không hiểu, ngài tiếp:



– Nguyên cách đây hơn năm, bần tăng có duyên hội ngộ với quốc sư Huệ-Sinh, lão tiên sinh Trần Tự-An, tiên nương Bảo-Hòa, Quan-âm Bình-Dương, Thái-sư Dương-Bình, phò mã Thân Thiệu-Thái, U-bon vương Lê Văn. Các vị đưa ra ý kiến rằng: Thời vua Hùng, phò mã Sơn Tinh đã chép tất cả võ công lại thành bộ Văn-lang vũ kinh; nhờ vậy mà sau này Bắc-bình vương Đào Kỳ tìm được, rồi đem quảng bá, mà không đến nỗi tuyệt tích. Thời Lĩnh-Nam, võ học tộc Việt cực thịnh, vua Trưng sợ sau này mai một đi, mới ủy cho Bắc-bình vương Đào Kỳ, tể tướng Phương Dung, công chúa Phùng Vĩnh-Hoa chép tất cả tinh hoa lại, thành bộ Lĩnh-Nam vũ kinh. Đến thời Thuận-Thiên, vua bà Bình-Dương, tiên nương Bảo-Hòa tìm lại được, rồi luyện thành.



Ngài dừng lại, móc trong túi ra một cái hộp, rồi mở ra. Trong hộp có một trăm cái thẻ đồng. Ngài chỉ vào thẻ đồng:



– Các vị đưa ý kiến: Hiện nay võ học Đại-Việt ta tối thịnh, cũng nên chép thành sách để lại cho đời sau. Các vị ủy cho Kinh-Nam vương, U-bon vương, Quan-âm Bình-Dương với bần tăng chép lại. Sau khi chép, mỗi vị giữ một bản. Bần tăng dùng nội lực khắc vào trăm cái thẻ đồng này một bản nữa. Bây giờ bần tăng dùng trăm thẻ, ba mươi sáu con trâu vàng, chôn ở đáy hồ Tây, làm vật trấn Thăng-long. Như vậy, vĩnh viễn từ nay cho đến muôn ngàn năm sau, Trung-nguyên không bao giờ có thể cai trị Đại-Việt ta quá hai kỷ.



Tây-hồ thất kiệt đều là đệ tử của Minh-Không bồ tát, Quy-Đức đại tướng quân Trần Di hỏi:



– Bạch sư phụ! Sư phụ, sư thúc đã đem linh khí từ phương Bắc về Thăng-long, con nghĩ mình nên yểm khiến Trung-nguyên vình viễn không chiếm được Đại-Việt lấy một ngày thì hơn là để Trung-nguyên cái trị mình hai kỷ.



Đại sư Minh-Không chiếu con mắt từ ái nhìn đệ tử:



– Thông minh! Sư phụ biết con có lòng son với nước, mà đặt câu hỏi đó. Nhưng con ơi! Trong những ngày sư phụ, sư thúc cùng với Côi-sơn tam anh thiết kế giả làm ma, làm quỷ khiến toàn thể người trong phủ Vương An-Thạch, trong nội cung Tống hóa điên, hóa khùng; lỡ tay làm quá khiến Thanh-Hư đạo trưởng với đại pháp sư Nguyên-Đăng chết oan. Nghiệp quả từ đó sinh ra, nên sau này Đại-Việt ta thế nào cũng bị Trung-nguyên cai trị nữa, trong khoảng hai kỷ.



Ghi chú,



Thuật Phong-thủy (Địa-lý) xuất phát từ Trung-quốc vào thời Chiến-quốc (thế kỷ thứ ba trước Tây-lịch). Cho đến đời Hán (thế kỷ thứ tư) đời Đường (thế kỷ thứ bẩy) thì cực thịnh. Hiện nay tại Hương-cảng, Đài-loan, Trung-quốc đã đưa vào đại học, vì có thể thử nghiệm được bằng khoa học.



Tương truyền Cao Biền sang cai trị nước ta, y đã yểm tất cả các thế đất phát đế vương, yểm tất cả các linh thần để diệt anh khí. Đến đời Lý, hai đại sư Minh-Không, Đạo-Hạnh sang vân du Trung-quốc, tìm ra nơi đặt bùa yểm, mới phá đi. Hai ngài nhân đó, phối hợp thuật Phong-thủy với Mật-giáo của nhà Phật thành một thuật mới, để giữ linh khí Đại-Việt trong việc bảo quốc. Về sau ngài Đạo-Hạnh đã dùng một phần của thuật này để thoát xác, đầu thai làm con của Sùng-hiền hầu, rồi lên làm vua, đó là vua Lý Thần-tông.



Sang đời Trần, thuật này càng thịnh, Thủy-Tiên công chúa (Dưỡng nữ đức thánh Trần, phu nhân Phạm Ngũ-Lão), đã dùng bắt sống tên Nguyễn Linh-Nhan.



Sau khi hết giặc Mông-cổ, Chiêu-Văn vương Trần Nhật-Duật, Hưng-Võ vương Trần Quốc-Hiến, Hưng-Nhượng Trần Quốc-Tảng chép lại thành sách, mang tên Vạn pháp quy nguyên. Bộ này được xử dụng như một thứ vũ khí quốc phòng, suốt đời Trần, đời Lê.



Đến triều Nguyễn, Vạn-pháp quy nguyên vẫn được coi như quốc sách giữ nước.



Khi vua Gia-long chiếm được nước, đã dùng thuật chép trong Vạn pháp quy nguyên để trấn áp linh khí triều Tây-sơn, ý định diệt tận gốc, không cho con cháu Tây-sơn trung hưng. Việc yểm này sử chép: Đem xương sọ của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Quang-Toản bỏ vào trong ba cái vò (chum, lu), cùng với nhiều bùa. Lại lấy máu một con vượn đen, ba con chó mực, bẩy con chồn hôi đổ vào vò, rồi dùng nhựa sắn thuyền bịt kín miệng. Trên nắp vò, dùng một thanh kiếm đâm sâu xuống xuyên qua xương sọ. Ngoài vò dán bùa, dùng xiềng; xiềng ba cái vò, đem giam trong ngục tối lẫn với các tử tội. Mỗi ngày một nhất đẳng thị vệ thân vào ngục kiểm soát. Hàng tháng, một vị đại thần thuộc Cơ-mật viện tới kiểm một lần. Các tử tội bị giam, đều cho biết ba ông vò rất thiêng. Cho đến cuộc chính biến năm 1885, vua Hàm-Nghi rời kinh thành ra đi, ba ông vò được di thần thời Tây-sơn ăn cắp đem đi gỡ bùa, rồi chôn cất cẩn thận.



Khi phụ thân giảng dạy cho tôi về thuật Phong-thủy, người chỉ có quyển thứ năm của bộ Vạn-pháp quy nguyên chép thuật Dương-trạch (để hướng nhà), cùng thuật trị bệnh tà. Nhưng người lại không phải là y sĩ, nên không hiểu nội dung thuật trị bệnh tà nói gì, dĩ nhiên không giảng cái thuật này cho tôi. Sau này học y khoa, tôi mới đem ra nghiên cứu lại.



Năm 1976, trong khi trị bệnh cho góa phụ một cựu công sứ từng cai trị Bắc-Kỳ, bà tặng tôi một số sách cũ của ông. Trong số sách đó có bộ Vạn-pháp quy nguyên. Bộ này ông cựu công sứ ghi chú ở đầu là Nhảm nhí, dị đoan. Tôi biết ông không hiểu nổi. Bởi sách viết với trình độ khoa học Đông-phương rất cao. Người đọc phải hiểu rất cặn kẽ bằng này vấn đề:



1. Về triết học, gồm bộ kinh Dịch, nhất là các thuyết âm dương, học thuyết ngũ hành, tiên thiên bát quái.



2. Về y học phải hiểu thấu bộ Hoàng-Đế nội kinh tố vấn, bộ Nạn-kinh, bộ Mạch-kinh.



3. Phải có kiến thức rất sâu về sử, về địa lý Hoa-Việt.



4. Phải có cái học rất rộng về thiên văn, lịch số, phong thủy.



5. Đủ kiến thức về kinh điển Phật-giáo.



Sách lại viết bằng văn đời Trần, một loại cổ văn trúc trắc, đầy điển cố. Xin cử một thí dụ để độc giả hiểu rõ hơn: Như muốn học toán trình độ lớp 12, mà không biết gì về hình học, đại số, lượng giác thì sao học cho nổi.



Khi mới tìm được, tôi đem công bố vài chi tiết trên tờ Văn-nghệ tiền phong ở Hoa-kỳ, thì có rất nhiều độc giả viết thư đòi cho nghiên cứu. Chín phần mười những thư đó tôi không trả lời, vì bấy giờ tôi đã ba mươi bẩy tuổi rồi, mà những gì ông cha ủy cho làm, chưa được lấy một phần năm; tôi không thể ăn rồi ngồi viết hàng nghìn lá thư trả lời những thắc mắc về vấn đề ấu trĩ về học thuật Đông-phương. Tuy nhiên, có những người lịch sự, viết thư xin « trao đổi kinh nghiệm ». Tôi đồng ý tiếp. Khi đối diện, tôi mới bật ngửa ra rằng những vị đó nhìn cái cây đổ nằm ngang, cũng không biết rằng nó tượng trưng cho chữ nhất! Cũng có người rất giỏi về phong thủy đến tìm tôi, khi tôi đưa sách ra để cùng nghiên cứu, thì vị đó lại mù tịt về y học. Tuy nhiên, tôi cũng gặp được mươi vị ở Trung-quốc, vài vị ở Đài-loan, Hương-cảng, mươi vị người Việt kiến thức rất rộng để thảo luận về bộ này. Dĩ nhiên cuộc thảo luận đem lại cho tôi nhiều bài học quý giá. Trong các vị người Việt đó, có giáo sư Lương Kim-Định, sư phụ tôi là cố hòa thượng Chân-Thường, văn hữu Nguyễn Đức-Sách (Úc).



Sau khi nghiên cứu tường tận, tôi cảm thấy rùng mình. Vì những thuật đó ngoài chương dùng để trị bệnh tà ra, còn lại quá bá đạo, quá ác độc. Bản sư Chân-Thường khuyên tôi đừng đem ra thử. Bốn thân hữu tình nguyện làm vật thí nghiệm để xem nó ra sao. Sau khi tôi thử, cả bốn đều gặp những truyện thảm khốc. Từ đó tôi ngừng.



Thời gian 1980-1982, do tính bồng bột, tôi có đem vài thuật ra trừng trị một đại ma đầu trong làng báo ở Hoa-kỳ. Kết quả, y sống dở chết dở cho đến chết. Năm 1990 tôi lại trị một nữ ma đầu ở Ivry sur Seine thuộc Pháp; thị bị táng gia bại sản, thân bại danh liệt, trong khi tinh thần trở thành ngớ ngớ, ngẩn ngẩn, khật khật, khùng khùng. Mà ác một điều, tôi đã gỡ ra, mà thị vẫn không khỏi. Sau vụ này, quá hối hận, tôi tìm bản sư sám hối. Từ đấy tôi bỏ không đem ra thử nữa.



Tuy nhiên, tôi đã có chủ ý, tự hứa, đợi đến tuổi cổ lai hy, sẽ đem ra thử lại một lượt, rồi dịch, chú giải để lại cho hậu thế. Bấy giờ lỡ sự gì không hay xẩy đến, thì có chết cũng chẳng sao.



Trở lại với lời ngài Đạo-Hạnh, quả nhiên cuối đời Trần, sau khi đánh tan giặc Hồ Quý-Ly, người Minh cai trị Đại-Việt trong hai kỷ, từ 1407-1428. Rồi từ đấy về sau, không bao giờ họ có thể cai trị ta nữa.



Công chúa Thiên-Ninh hỏi đại sư Đạo-Hạnh:



– Hồi nãy đại sư phụ có dạy rằng đại sư phụ có thêm hai phương lược giữ nước nữa. Phương lược đem linh khí trở về là một. Vậy còn phương lược thứ nhì?



Minh-Không đáp ngay:



– Phương lược thứ bẩy, là vào thời vua Tống Nhân-tông, phía Bắc Trung-nguyên bị Liêu xâm chiếm, bắt cắt đất, nộp vàng lụa, lương thực rất nhiều. Nhà vua nhân đó sai văn thần soạn ra bộ sách đặt tên là Thiên-thư nghị chế (Xin xem NQSH



Rồi ngài dùng lăng không truyền ngữ rót vào tai Linh-Nhân hoàng thái hậu, Đại-tư-mã Thường-Kiệt với công chúa Thiên-Ninh. Ba vị nghe xong đều cung tay:



– Diệu pháp. Trí tuệ đại sư phụ thực vô song.



Minh-Không bảo Thường-Kiệt:



– Thôi, Đại-tư-mã tiếp tục điều quân đi thôi.



Ghi chú,



Đại-Việt có hàng ngàn cao tăng đắc pháp thành bồ tát, nhưng hai thiền sư Minh-Không, Đạo-Hạnh được thiền sử tôn là thánh tăng. Hai ngài được thờ ở khắp nơi, được coi là hai vị tăng có tư tưởng nhập thế bậc nhất. Xét chung về hành trạng của hai ngài, tôi thấy hai ngài thoát ra ngoài khuôn khổ Phật-giáo Đại-thừa, Tiểu-thừa từ Ấn-độ truyền vào. Hai ngài đã hoà lẫn tinh hoa của Phật-giáo Ấn-độ vào với tinh hoa chủ đạo tộc Việt thành Phật-giáo Đại-Việt, với tinh thần nhập thế, đem đức từ bi hỷ xả của đức Thế-tôn bảo vệ đất nước.



Vua Lý Thánh-tông làm chùa Thiên-phúc niên hiệu Long-thụy Thái-bình thứ 4 (1058) ngài Đạo-Hạnh tu ở đây. Vua Lý Nhân-tông không có con trai, xuống chiếu chọn con trai trong hàng tôn thất để lập làm thái tử. Em vua là Sùng-hiền hầu cũng chưa có con trai. Bấy giờ thánh tăng Đạo-Hạnh đến chơi nhà hầu. Hầu tỏ ý muốn có con trai. Ngài dặn: « Bao giờ phu nhân sắp lâm bồn thì báo cho bần tăng biết ». Ba năm sau phu nhân của Sùng-hiền hầu họ Đỗ có thai. Lúc lâm bồn trở dạ mãi không đẻ được. Hầu nhớ lời ngài Đạo-Hạnh dặn trước, vội sai người báo với ngài. Lập tức ngài tắm rửa, rồi vào hang xuất hồn đầu thai làm con Sùng-hiền hầu. Phu nhân sinh ra con trai ngay sau đó, đặt tên là Lý Dương Hoán. Niên hiệu Hội-tường Đại-khánh thứ 8 (1117) Dương-Hoán được vua Lý Nhân-tông lập làm thái tử. Khi vua Lý nhân-tông băng, thái tử Dương-Hoán lên nối ngôi vua, tức vua Lý Thần-tông.



Thời còn là thái tử, vua Lý Thần-tông bị bệnh Zonna, đau đớn gầm thét như cọp, da sần sùi trông giống da cọp, nên người đương thời đồn rằng ngài hóa hổ. Bấy giờ trong dân gian trẻ con truyền nhau hát rằng:



Tập tầm vông,



Có sư Nguyễn Minh-Không,



Chữa được bệnh thái tử.



Triều đình sai sứ về Thần-quang tự mời ngài Minh-Không tới Thăng-long trị bệnh cho thái tử. Bệnh khỏi. Khi thái tử lên ngôi vua, phong ngài Minh-Không làm Quốc-sư, truyền lập đền thờ sống. Đền đó nay là chùa Quán-sứ, ở số 73 phố Quán-sứ Hà-nội.



Đó là truyện sau.



Hầu như các chùa miền Bắc đều thờ hai ngài, cho đến nay (1995) tôi còn ghi lại được những chùa, đền chính thờ hai ngài.



1. Chùa Chúc-thánh.



Hay còn gọi là chùa Phả-lại ở trên núi xã Phả-lại, huyện Quế-dương, tỉnh Bắc-ninh.



Tài liệu



Xin xem phần nói về chùa Chúc-thánh trong hồi này.



2. Chùa Quán-sứ.



Trước kia thuộc thôn Yên-tập, huyện Thọ-xương, Hà-nội. Nay tọa lạc tại số 73 phố Quán-sứ, Hà-nội. Khởi đầu là ngôi đền, được kiến tạo do sắc chỉ của vua Lý Thần-tông để thờ sống Minh-Không thiền sư. Đời vua Trần Dụ-tông (1341-1369), công quán để đón tiếp sứ giả Chiêm-thành, Vạn-tượng, Nam-chưởng v.v. gần đền, nên vua ban sắc xây ngôi chùa ngay trước đền để các sứ giả lễ Phật, vì vậy chùa mang tên là Quán-sứ.



Tài liệu



– Thăng-long cổ tích khảo,



– Hoàng Việt địa dư chí,



– Đại-Việt địa dư chí,



– Bắc-thành địa dư chí lục,



– Hà-nội sơn xuyên phong vực,



– Bắc-kỳ giang sơn cổ tích danh thắng bị khảo,



– La-thành cổ tích vịnh.



Chùa Quán-sứ



3. Nguyễn Minh-Không từ



Đền thờ quốc sư triều Lý Nguyễn Minh-Không, tại xã Điềm-xá, huyện Gia-viễn, tỉnh Ninh-bình. Đền được kiến tạo niên hiệu Đại-định thứ 2 (1141) đời Lý Anh-tông.



Tài liệu



– Đại-Việt sử ký toàn thư (Lý kỷ, Thần-tông bản kỷ),



– Ninh-bình sử tích,



– Ninh-bình toàn tỉnh địa chí khảo biên,
Sau loạn tìm về đến Phổ-minh,



Hoa đồng cỏ nội ngút trời xanh.



Văn bia sứt mẻ nhòe mây khói,



Mắt Phật âu sầu chiếu ngũ canh.



Cõi phép cùng trời bao rộng lớn,



Người đây vẫn nói đất linh thiêng.



Não lòng đỉnh cổ rầy đâu tá?



Mới biết vô hình thắng hữu hình.



Hiện nay vạc không còn nữa, nhưng tháp, chùa Phổ-minh vẫn còn đó. Chùa, tháp cùng vời đền thờ các vua Trần, đền thờ Hưng-Đạo vương ở cạnh nhau. Du khách muốn hành hương, có thể dùng xe, đi về hướng Bắc thành phố Nam-định, qua khu Lò-trâu, tới những đoạn sông Vỵ-hoàng chỗ còn, chỗ bị lấp, rồi quẹo trái là đến khu di tích lịch sử này. Đầu tiên là cái sân ngoài, có cây đa cổ. Qua lần cổng thứ nhất tới cái hồ. Đi vòng qua bờ phải hồ tới đền thờ đức thánh Trần. Vòng qua trái hồ là đền thờ các vua Trần. Bên trái đền thờ vua Trần là tháp và chùa Phổ-minh. Trong đền thờ đức thánh Trần cũng như các vua Trần. Hai đền, chùa, tháp còn giữ được khá đầy đủ tượng, câu đối, hoành phi cổ.



Tháp Phổ-minh hiện được các nhà sản xuất tranh sơn mài, các họa sĩ dùng làm cảnh tiêu biểu cho di tích lịch sử, văn hóa Việt-Nam. Nếu đi sâu vào Tức-mạc còn có lăng đức thánh Trần và vương phi, nhưng lăng này là lăng vọng, chứ không phải lăng thực.



Độc giả muốn thâm cứu về chùa, tháp Phổ-minh, có thể đọc thêm các sách:



Trung-quốc:



– Quách-thị Nam-chinh,



– Triệu-thị chinh tiễu Giao-chỉ ký,



– Giao-chỉ linh thần kỷ sự.



Việt-Nam:



– Đại-Việt sử ký toàn thư (đệ ngũ kỷ),



– Hoàng-Việt nhất thống địa dư chí,



– Đại-Việt địa chí,



Tháp Phổ Minh



– Nam-định tỉnh địa dư chí,



– Phương-đình mạn hứng tập,



– Tồn thi cảo,



– Đại-Nam nhất thống chí,



– Đồng-Khánh địa dư chí lược,



– Toàn Việt thi lục.



Chùa Phổ-minh



Thần khí thứ tư



Chang-Lan nghe Viên Căn nói về linh khí Đại-Việt, mà lòng nàng nảy ra cảm giác khó tả. Bảo rằng vui, thì cũng vui, bảo rằng lo âu thì cũng lo âu. Bởi nếu Đại-Việt tụ nhiều linh khí, thì đất Chiêm của nàng e khó đứng nổi. Nàng hỏi:



– Em nghe nói tinh hoa của Hoa-hạ là một con trâu bằng vàng nằm ở trong lòng núi Thái-sơn. Biết bao đời, các anh hùng Trung-nguyên thi nhau bắt giữ nó mà không được. Vụ này do đâu mà ra?



Sư Viên-Căn khen:



– Sư muội bác học thực. Nguyên thời vua Thần-Nông mới định thiên hạ, ngài quy liễm linh khí sơn xuyên, giang hà, cương vực, nhật nguyệt, tinh đẩu xuống núi Thái-sơn. Cho nên đá trong lòng núi kết tinh thành con trâu vàng. Khi thiên hạ thanh bình, hoặc có chúa thánh ra đời, thì những đêm trăng sáng con trâu vàng thường chui ra khỏi núi, bay lửng lơ trên các ngọn cây, ánh sáng chiếu rực một vùng. Tại núi Thái-sơn có mỏ đồng đen, các nhà phong thủy Hoa-hạ mói rằng đồng đen là mẹ vàng. Chính đồng đen đã kết tinh thành trâu vàng. Cho nên vua các đời đều thu nhặt đồng đen ở núi Thái-sơn cất trong kho, rồi làm phép trấn yểm, để giữ cho con trâu vàng không rời núi. Bởi trước đây, đã có lần Ngũ-hồ ở phương Bắc làm cách nào không biết, họ gọi được con trâu vàng rời Thái-sơn về với họ. Từ đấy Ngũ-hồ thay nhau chiếm Trung-nguyên làm vua, sử gọi là Ngũ-hồ loạn hoa.



Chang-Lan lại hỏi:



– Sư huynh à! Trước khi rời Thăng-long lên Chi-lăng, em nghe nói hai thánh tăng đem đồng từ Tống về đúc quả chuông, đánh lên, tiếng vang rền không gian. Không biết các ngài đánh thế nào, mà con trâu vàng nằm trong núi Thái-sơn tưởng tiếng mẹ gọi, vùng chạy về Đại-Việt. Khi về đến nơi, không thấy mẹ đâu, nó nhảy lung tung, thành ra đất lún, khiến hồ Tây trở thành rộng hơn đến mấy mẫu. Sự thực việc này ra sao?



Viên Căn xua tay:



– Sư muội nghe lầm rồi. Sự thực như thế này. Ngài mang đồng từ Tống về, đầu tiên đúc tượng phật Quỳnh-lâm. Khi linh khí tượng tỏa hào quang trấn quốc rồi, ngài mới đúc vạc Phổ-minh. Vạc Phổ-minh an vị, linh khí chư bồ tát, chư thần chiếu xuồng sáng vở trời Thiên-trường. Bấy giờ các ngài mới đúc đỉnh tháp Báo-thiên cùng một lúc với quả chuông lớn gọi là chuông Ngân-thiên. Chuông mang tên Ngân-thiên, vì vì tiếng vang tới trời. Sau khi đỉnh đưa lên tháp, thần linh tụ về, ngài mới làm phép, đánh chuông, tiếng chuông vang rền, khiến con trâu vàng nằm ở trong núi Thái-sơn chạy bổ về Đại-Việt. Khi về đến nơi, ngài làm phép, khiến nó bị sa lầy ở hồ Tây. Ngài bèn bỏ 100 thẻ đồng, khắc tinh hoa võ thuật các phái của Đại-Việt vào một quả chuông nhỏ, rồi lấy dây buộc chân trâu với quả chuông. Sau đó ngài làm phép, ném quả chuông xuống đáy hồ, rồi nguyền rằng: « Nhà nào một vợ một chồng, đẻ mười con trai, thì ra kéo được cái chuông với con trâu vàng ». Từ đấy, đêm đêm, dân Thăng-long thường thấy con trâu vàng đi lập lờ trên mặt hồ Tây.



Phương-Quỳnh hỏi:



– Như vậy là tinh hoa hồn nước của Hoa-hạ đã bị ngài chuyển về Đại-Việt ta rồi phải không?



– Đúng thế.



Ghi chú,



Thăng-long cổ tích khảo lại chép rằng: Đền Kim-ngưu ở thôn Tây-hồ, phường Võng-thị, Thăng-long; nay thuộc quận Ba-đình, Hà-nội. Tương truyền hồi Cao Biền làm An-Nam đô hộ phủ, thường đi khắp các danh lam, địa linh nước ta đặt bùa yểm long mạch. Khi Biền đào sông yểm núi Long-đọi (huyện Duy-tiên, tỉnh Nam-Ninh), sơn thần núi ấy thấy nguy, hóa hình thành con trâu vàng, bơi qua sông Đường-giang lên phía Bắc, rồi dừng lại ẩn náu ở vùng hồ Tây gần thành Đại-la (Thăng-long). Những đêm trời đẹp, dân chúng thấy trâu vàng hiện lên ở bãi sông. Nhân đó lập đền thờ.



Thuyết này không hợp với các sư kiện lịch sử, tôi bỏ qua.



Phương-Quỳnh hỏi tiếp:



– Vậy quả chuông Ngân-thiên, ngài để đâu? Phép mầu của chuông là gì, có giống tượng phật Quỳnh-lâm, vạc Phổ-minh, đỉnh tháp Báo-thiên không?



– Khác nhiều lắm. Sau khi đánh chuông gọi trâu vàng về Thăng-long. Hai ngài sai chở chuông đem về chùa Chúc-thánh trên núi Phả-lại, thuộc lộ Đông-triều.



Thấy Hoàng-Nghi tỏ vẻ đăm chiêu, Viên Căn hỏi:



– Sư đệ có gì không hiểu chăng?



– Có! Điều đệ thắc mắc là ngài Minh-Không tu ở chùa Chúc-thánh. Tại sao ngài không đúc chuông tại đây, mà đúc ở Thăng-long rồi chở về chi cho tốn sức Phật-tử?



– Ngyên do như thế này. Chùa Chúc-thánh là nơi xuất thân của Minh-Không bồ tát. Sau khi dùng chuông Ngân-thiên gọi con kim ngưu từ núi Thái-sơn về hồ Tây, ngài Minh-Không, Đạo-Hạnh thấy rằng thần linh Đại-Việt tuy nhiều, nhưng ác qủy, ác ma không thiếu. Lại nữa sau những lần chiến tranh Hoa, Việt, binh tướng Trung-quốc bỏ mình tại Đại-Việt không biết bao nhiêu mà kể. Một số đã trở về quê quán, một số đã đi đầu thai. Một số vì quá uất ức không siêu thoát được, vẫn chập chờn đi lại trên đất nước ta. Hai ngài bèn chiêu hồn họ về chùa Sùng-khánh Báo-thiên để làm chay giải oan cho họ. Khốn thay, có một số không tuân, cứ vơ vẩn chờ quân Tống đến Thăng-long là trợ giúp. Các ngài đành thu tất cả hồn phách họ vào chuông Ngân-thiên rồi dùng thuyền chở về chùa Chùa-thánh. Trong khi đi đường, có không biết bao nhiêu oan hồn tử sĩ Trung-quốc trầm dưới đáy sông, không sao lên được. Chúng làm sóng làm gió giúp quân Tống. Vì vậy, hai ngài đành tùng quyền thu hết hồn chúng vào trong chuông, rồi ném xuống sông Lục-đầu.



Chang-Lan ngơ ngác:



– Họ là oan hồn tử sĩ trận nào vậy?



– Họ chết trong trận đánh biển Đông giữa công chúa Gia-Hưng Trần Quốc với Nam-an hầu Đoàn Chí, trận Lãng-bạc, hai trận Bạch-đằng, mới đây trận đánh Khâm, Liêm.



Phương-Quỳnh à lên:



– Mấy hôm trước, muội nghe đồn hai ngài đem chuông về treo trên gác chuông. Sau gác chuông sụt lở, làm chuông chìm xuống sông Lục-đầu. Muội lấy làm lạ, là từ chùa, tới bờ sông Lục-đầu khá xa, đâu có truyện gác chuông sụt lở. Thì ra thế.



Ghi chú,



Nhiều thuyết nói rằng Nam-thiên tứ khí là:



– Tượng phật Quỳnh-lâm,



– Đỉnh tháp Báo-thiên,



– Vạc Phổ-minh,



– Chuông Quy-điền, thực lầm lớn.



Vì chuông Quy-điền không do ngài Minh-Không, Đạo-Hạnh đúc.



Chùa Chúc-thánh còn gọi là chùa Phả-lại. Đây là một trong những ngôi chùa danh tiếng trong Thiền-sử Việt-Nam. Chùa ở trên núi xã Phả-lại, huyện Quế-dương, tỉnh Bắc-ninh. Nay là huyện Quế-võ, tỉnh Hà-Bắc. Chùa được xây vào niên hiệu Thuận-Thiên thứ mười tám (1027) đời vua Lý Thái-tổ. Chính sư Minh-Không, Chân-Không đã tu ở đây. Sau này, vua Trần Nhân-tông đi tu cũng có lần đến đây giảng kinh.



Vị đại thần cuối đời Trần là Nguyễn Sưởng qua đây cảm tác một bài thơ nhan đề:



Đề Phả-lại sơn tự



Thế áp ngao đầu, thống bách man,



Chử ba cô điểu tịch dương gian.



Giang bàn lão tướng luận binh địa,



Vân ủng tiên hoàng trách tích san.



Tuế nguyệt xâm xâm phong bán lạc,



Thủy thiên mạc mạc điểu song hoàn.



Thắng du phủ ngưỡng thành trần tích,



Liêu vị bằng cao phá lữ nhan.



Huệ-chi Phạm Tú-Châu dịch như sau:



Thế đè cá dữ cắn trăm nơi,



Sóng bãi, chiều buông cánh nhạn côi.



Vua dựng gậy thiền, non khói phủ,



Tướng bàn chiến sự, bãi sông bồi.



Lá phong rụng nửa, năm theo tháng,



Chim chóc về đôi, nước lẫn trời.



Chớp mắt cuộc chơi thành dấu cũ,



Lên cao, lữ khách hãy tươi cười.



Còn rất nhiều danh sĩ làm thơ ca tụng cảnh chùa Chúc-thánh, chép hết vào đây, e dài giòng quá.



Độc giả muốn thâm cứu thêm về chùa Chúc-thánh, xin đọc thêm các sách:



Trung-quốc:



– Quách-thị Nam chinh,



– Triệu-thị chinh tiễu Giao-chỉ ký,



– Giao-chỉ linh thần kỷ sự.



Việt-Nam:



– Toàn Việt thi lục,



– Lã-Đường di cảo,



– Hoàng Việt thi tuyển,



– Nam Việt địa dư chí,



– Hoàng Việt địa dư chí,



– Thiền-uyển tập anh,



– Đại-Nam nhất thống chí,



– Bắc thành địa dư chí,



– Bắc-ninh tự miếu bi văn,



– Bắc-ninh toàn tỉnh địa dư,



– Đồng-Khánh địa dư chí lược,



– Nam sử lược biên.