Nam Quốc Sơn Hà

Chương 47 : Công cha, nghĩa mẹ

Ngày đăng: 09:02 19/04/20


Tại căn cứ Nham-biền, Đại-Việt.



Ngày 19 tháng giêng năm Đinh-Tỵ, niên hiệu Anh-vũ Chiêu-thắng thứ nhì đời vua Nhân-tông bên Đại-Việt, nhằm niên hiệu Hy-Ninh thứ mười đời vua Thần-tông nhà Tống (Đinh-Tỵ, DL.1077)



Trong khi trận Như-nguyệt, Vạn-xuân, Phú-lương diễn ra, thì hạm đội Bạch-đằng từ sông Lục-Nam tốc thẳng đến mỏm Nham-biền, rồi đổ quân lên.



Đạo thủy quân hạm đội Bạch-đằng, của đô đốc Trần An có nhiệm vụ đánh trại phía Đông, do hàng tướng Lưu Báo với gần năm vạn quân khê động Tống trấn đóng. Tuy bị bất ngờ, nhưng khoảng cách từ bãi sông tới trại tới sáu dặm (3km), khi thấy quân Việt đỗ bộ, quyân Tống còn đủ thời giờ báo động, sẵn sàng nghinh chiến. Thủy quân Việt rất thiện chiến, nhưng quân số chỉ bằng một phần năm quân Tống, nên khi tới nơi, đô đốc Trần An cho dàn trận cách xa hơn dặm, rồi dùng Lôi-tiễn bắn vào. Sau hai loạt nã Lôi-tiễn, trại Tống bốc cháy khắp nơi. Bấy giờ thủy quân mới công phá doanh trại địch. Cuộc chiến diễn ra cực kỳ ác liệt.



Ninh-viễn đại tướng quân, Dũng-Tâm hầu Tạ Duy với phu nhân Phương-Quế chỉ huy hiệu Vạn-tiệp đánh căn cứ Bắc Nham-biền. Trong căn cứ chỉ còn có năm chỉ huy tân-đằng-hải, cùng với thương binh, do một đô thống chỉ huy. Từ bãi sông đổ bộ đến căn cứ dài tới tám dặm. Khi quân Việt đổ bộ, Tống đã biết, chuẩn bị nghênh chiến. Quân tân-đằng-hải vốn không thiện chiến, thiếu phối hợp, lại chỉ bằng một phần tư hiệu Vạn-tiệp thì chống sao nổi? Quân Việt dàn ra, rồi đánh vào trại. Cuộc chiến không đầy hai khắc (30 phút) thì quân Việt đã tràn ngập. Hầu hết tân-đằng-hải đầu hàng.



Lập tức Tạ Duy sai chim ưng báo cho Trung-Thành vương biết. Không đầy nửa khắc sau, hầu được lệnh vương giúp thủy quân đánh trại Đông. Hiệu Vạn-tiệp reo lên, rồi tiến về phía Đông. Hai khắc sau hai đạo Vạn-tiệp, thủy quân bắt tay được với nhau.



Tạ Duy hỏi đô đốc Trần An:



– Đô đốc! Tình hình ra sao?



– Chúng chống trả mãnh liệt. Vì quân số mình ít, quân chúng đông mà thủ, nên tôi chỉ mới cho nã Lôi-tiễn mà thôi. Giặc cùng chớ đánh. Vậy chúng ta dọa cho chúng bỏ chạy, rồi đuổi theo tiêu diệt thì hay hơn. Bây giờ tôi đánh vào mặt Đông, tướng quân đánh mặt Bắc. Mặt Nam thì trại Tống bị hiệu Thần-điện đánh úp rồi. Vậy ta để hở mặt Tây cho chúng chạy.



Tạ Duy đồng ý. Hầu cho dàn quân đánh vào mặt Bắc. Còn phu nhân Phương-Quế chi huy Lôi-tiễn nã vào trại Tống. Hai đạo quân cùng nã Lôi-tiễn trong nửa giờ, thì toàn thể trại Tống biến thành một biển lửa. Bấy giờ cả hai mặt Đông, Bắc cùng đánh vào. Quân phòng thủ chống trả được hơn khắc, thì trại bị tràn ngập. Số đông quân Tống đầu hàng.



Lưu Báo đã biết chiến thhuật của Thiên-tử binh là không bao giờ mạo hiểm truy kích địch. Vì vậy y cho đội cung thủ đi đoạn hậu, còn tiền quân rút chạy về phía Như-nguyệt.



Bộ chỉ huy của Trung-Thành vương đi theo hiệu Thần Điện của Tuyên-vũ đại tướng quân Tín-Tâm hầu Triệu Thu với phu nhân Phương-Liễu, đánh trại Nam Nham-biền. Trại này do chính binh Tống trấn đóng. Nhưng chính binh đã xuất trận hết, trong trại chỉ còn bảo binh, thương binh, do tướng Giới-Định chỉ huy. Vì vậy khi thấy hiệu Thần-điện vừa dàn ra ngoài trại, đánh trống, rồi dùng Thần-nỏ nã Lôi-tiễn vào, thì bảo binh bỏ chạy. Thế là trại vỡ. Vương lệnh cho Triệu Thu đánh vào trại trung ương, nơi đặt tổng hành doanh, chứa lương của Tu Kỷ. Hiệu Thần-điên reo lên, rồi tiến về trung ương. Trại trung ương trống trơn, chỉ còn lại hơn năm trăm thương binh.



Tín-Tâm hầu Triệu Thu vừa chiếm được trại trung ương, còn đang kiểm kê kho đụn, thì Trung-Thành vương với vương phi tới. Hầu tường trình tự sự. Đúng lúc đó vương nhận được báo cáo của đô đốc Trần An, Ninh-viễn đại tướng quân Tạ Duy rằng đã chiếm xong căn cứ phía Đông. Bọn Lưu Báo, Giới Định rút chạy về phía Như-nguyệt.



Vương ra lệnh cho Triệu Thu:



– Em cùng Phương-Liễu khẩn đem Thần-nỏ, với bản bộ quân mã đuổi theo ngay, đừng cho chúng chạy thoát về Như-nguyệt. Ta tăng viện cho hai em hai cặp vợ chồng Lý Lục, Lý Thất, vì võ công Giới Định rất cao.



Hầu tuân lệnh điểm binh lên đường liền. Đuổi không đầy hai khắc, thì đã thấy tàn quân Tống đang chạy phía trước. Lưu Báo biết có chạy, cũng khó thoát thân. Y cho dàn quân ra ở chân núi, sẵn sàng nghênh chiến. Quân số của y còn ước hơn vạn, đông hơn hiệu Thần-điện nhiều.



Hầu nói với phu nhân:



– Em với Mai-Lục, Mai-Thất đánh vào bên trái; còn anh với Lý Lục, Lý Thất đánh vào bên phải.



Hiệu Thần-điện xung vào trận. Quân Tống tuy vừa bại trận, nhưng bây giờ lâm thế cùng đường, bắt buộc phải tử chiến. Hai bên giao tranh ác liệt. Quân Tống dựa lưng vào núi, nấp sau những phiến đá dùng cung tên chống lại, thành ra Thần-nỏ hóa vô dụng. Sau hơn hai khắc giao tranh, thì hàng ngũ Tống bắt đầu rối loạn. Cánh trái của Phương-Đơn đã chiếm được một phần sườn núi. Cuộc đánh cận chiến bắt đầu.



Giữa lúc đó, có tiếng ngựa hí, tiếng quân reo. Triệu Thu nhìn lại phía sau: Xa xa, một đoàn kị binh Tống dàn ra đang phi tới như bay. Phía trước thì quân của Lưu Báo, phía sau thì kị binh. Hầu hô lớn:



– Phải thanh toán bộ binh, chiếm sườn núi, bằng không thì kị binh tới sẽ nguy lắm.



Quân Việt tấn công ào ạt, nhưng kị binh tới nhanh quá. Hầu cầm cờ biến thế trận: Hiệu Thần-điện chia làm hai, quay lưng vào nhau chiến đấu. Phu nhân đánh quân Lưu Báo, còn hầu chống với kị binh.



Chân núi là khu đất bằng, kị binh dàn ra xung vào trận mạnh như thác đổ. Lập tức Thần-nỏ tác xạ. Nhưng kị binh phi đến gần tầm sát hại của Thấn-nỏ, rồi quay đầu phi ngược trở lại. Cứ như thế, sau hai loạt tên bắn vô ích, đến lần thứ ba thì kị binh Tống ào ạt chọc sâu vào phòng tuyến Việt phóng lao, bắn tên, tấn công thực sự. Hiệu Thần-điện vẫn can trương quay lưng vào nhau chiến đấu.



Hiệu Thần-điện trước đã đánh trại Nam, trại trung ương, rồi giao chiến với bộ binh Lưu Báo, sức giảm phân nửa, tên gần cạn. Bây giờ phải chống nhau với đội kị binh thiện chiến bậc nhất của Tống, nên sau hai đợt xung phong của kị binh, phòng tuyến bị cắt làm ba. Triệu Thu ra lệnh cho quân rút lên núi, tử chiến với bộ binh Tống, tránh mũi nhọn của kị binh.



Quân kị lại ào ạt xung phong, tên bắn như mưa, một mũi tên trúng giữa bụng hầu. Tuy đau thấm tâm can, nhưng sợ binh sĩ trông thấy, hầu rút kiếm cắt đứt đuôi tên, rồi xé vạt áo buộc bụng lại, sau đó tiếp tục đứng chỉ huy quân. Nhờ Lý Lục, Lý Thất võ công cao cường đứng đầu hàng quân chống với kị binh, nên hàng ngũ chưa đến nỗi loạn.



Nhìn lại phía trận của phu nhân, bất giác hầu kinh hãi rụng rời, vì phu nhân đang giao chiến với Lưu Báo, đầu tóc rũ rượi, có vẻ yếu thế lắm rồi. Mai-Lục đấu với Giới Định ngang tay. Còn Mai-Thất đang thay thế phu nhân chỉ huy quân chống trả.



Trong lúc quân Việt đang chiến đấu tuyệt vọng, thì bỗng kị binh Tống reo lên rồi rút chạy về phía Tây. Hầu kinh ngạc nghiến răng chịu đau quan sát: Từ phía Đông, hiệu binh Đằng-hải đang tiến đến như gió, bên trái Trần Ninh, Ngọc-Hương, bên phải Lý Ngũ, Mai Ngũ; Thần-nỏ chỉ bắn hai loạt, khiến mấy trăm kị mã ngã ngựa.



Một thiếu phụ cực kỳ xinh đẹp tung người khỏi mình ngựa tiến về sườn núi. Chỉ nhấp nhô mấy cái, bà đã tới chỗ Phương-Liễu đang giao tranh với Lưu Báo. Bà rút kiếm đưa vào ngực y, y lộn người ra sau tránh, nhưng bà đã tung người theo, kiếm chặt y làm hai khúc. Thiếu phụ thấy Phương-Liễu đang ôm ngực thở hổn hển, bà hỏi:



– Có sao không em?



Phương-Liễu nhìn lại: Người cứu mình là vương phi Trinh Dung. Bà thở khò khè:



– Em bị trúng tên vào ngực trái, đã cắt chuôi.



Vương phi vội bồng Phương-Liễu lên, đưa lại chỗ Triệu Thu. Hầu ngồi dựa lưng vào phiến đá, cho Trần Ninh băng bó. Hầu hỏi phu nhân:



– Em! Có sao không?



– Em bị trúng hai mũi tên, một vào ngực trái, một vào bụng. Em cắt tên... máu ra nhiều... lại phải đấu với Lưu..ưu..ưu.



Đến đó phu nhân nghẹo đầu sang một bên. Hầu thét lên:



– Liễu! Liễu sao rồi?



Đến đó hầu giật lên mấy cái, rồi ngả đầu vào lòng phu nhân. Người ngoài đứng xa tưởng rằng đó là cặp tình nhân trẻ đang âu yếm nhau, đâu ngờ, họ đã cùng nhau ra đi, để về với thế giới vua Hùng, vua Trưng, trường thọ với non sông.



Về phía Mai-Lục đấu với Giới Định ngang tay. Định Thấy trận tuyến bên mình tan vỡ, y đâm đại một bát-xà-mâu rồi tung người lên cao chạy khỏi vòng vây. Nhưng khi y vừa đáp xuống, thì một thanh kiếm đưa vào cổ y, rồi có tiếng trong trẻo ra lệnh:



– Buông vũ khí đầu hàng, bằng không ta nhả kình lực.



Giới Định nhìn lại, thì ra Mai-Thất. Y chưa kịp phản ứng, thì Mai-Lục đã điểm vào huyệt Đại-chùy của y. Y tê liệt ngã xuống. Quân Việt trói y lại.



Ghi chú,



Tuyên-vũ đại tướng quân Tín-Tâm hầu Triệu Thu tuẫn quốc năm 26 tuổi, phu nhân Phàn Phương-Liễu tuẫn quốc năm 25 tuổi. Sau khi hết giặc, triều đình nghị công phong cho hầu tước Anh-văn, Tuyên-vũ đại vương, phu nhân được phong Trang-Ninh quận chúa, truyền xây đền thờ. Trải qua biết bao lớp sóng phế hưng, cho đến nay (1995) sau 918 năm, đền thờ ngài vẫn còn tại xã Cung-nhượng, tổng Thọ-xương, phủ Lạng-giang, tỉnh Bắc-giang, nay là Hà-bắc. Độc giả muốn thâm cứu thêm về tiểu sử ngài, xin xem bài tựa, NQSH quyển 1, mục 7.2.3.



Trời đã về chiều.



Sau khi kiểm điểm lại nhân mã, tù binh; Trung-Thành vương cử đô thống Lý Lục, với phu nhân là Mai Lục thay thế Triệu Thu chỉ huy hiệu Thần-điện. Vương truyền lệnh cho hiệu Đằng-hải, Thần-điện dựa lưng vào chân núi đóng trại, rồi sai giải Giới Định lên. Quân vừa dẫn Giới Định vào, vương thân cởi trói cho y, rồi mời ngồi. Mặt Giới Định lạnh như tiền, y thản nhiên ngồi, không nói không rằng. Vương rót rượu, đem giò, chả, nem mời y:



– Giới tướng quân là tinh hoa của tộc Hán, võ công cao, văn chương nức tiếng Tây thùy. Tôi ở mãi miền thấp nhiệt này, mà cũng nghe danh Tương-giang túy khách.



Giới Định là một tướng võ, nhưng cũng như Trương Thế-Cự, y là một thi nhân có danh đương thời, với biệt hiệu là Tương-giang túy-khach. Bây giờ dù bị cầm tù, dù đối diện với tướng Đại-Việt, nhưng thấy kẻ đối đầu tỏ vẻ hâm mộ văn chương của mình, y cố giữ cái phong nhã:



– Đa tạ vương gia quá khen, Giới này thực xấu hổ. Vương gia khen tiểu tướng có võ công cao, mà lại bị bại về tay một thiếu nữ Việt. Còn văn chương nức tiếng, thì thực Giới không dám nhận. Này, không biết vương gia đã đọc những áng văn nào của tiểu tướng?



Miệng nói, y tiếp chung rượu từ tay Trung-Thành vương uống cạn, tay cầm đũa gắp nem (chả giò) ăn.



– Kiến văn của tôi hủ lậu lắm, sở dĩ tôi được nghe danh Tương-giang túy-khách là do một lần đứng hầu mẫu thân với cậu mợ út của tôi. Trong câu chuyện, cậu mợ không ngớt khen từ của tướng quân rằng: « Bảo rằng hùng tráng, thì cũng thực hùng tráng; bảo rằng tươi như hoa, như cỏ Xuân, thì cũng thực tươi ». Mợ út cứ khen bài « Túy ngọa Hy-hà »( Uống say nằm bên bờ sông Hy-hà) với bài « Điểu minh Xuân dạ » (Chim hót đêm Xuân), thì chỉ có thơ của Ngụy Võ-đế (Tào Tháo) là hơn được mà thôi.



Ghi chú,



Giới Định người đất Trường-sa, sinh giờ Tý ngày 29 tháng 9 năm Giáp-Tuất, nhằm niên hiệu Cảnh-hựu nguyên niên đời vua Tống Nhân-tông (1034), tự là Minh-Đạo, hiệu là Tương-giang túy khách. Thi tiến sĩ bị trượt, bỏ văn theo võ. Sau nhiều lần lập chiến công ở Tây-thùy lên tới chức đô-thống, rồi Tả-thiên ngưu vệ thượng tướng quân. Trong khi theo Quách Qùy sang đánh Đại-Việt, bị bắt ở trận ngã ba sông Thương, sông Lục-Nam. Sau chiến tranh, Giới xin ở lại Thăng-long dạy học. Trong thời gian này, Giới kết hôn với một thôn nữ tên Bùi-thị Như-Phương, sinh được hai con trai. Niên hiệu Nguyên-hữu thứ tám đời vua Tống Triết Tông, nhằm niên hiệu Hội-phong thứ nhì đời vua Nhân-tông bên Đại-Việt, Giới 60 tuổi (1093), dẫn vợ con hồi hương. Tác phẩm để lại có thi tập Tương-giang túy khách cảo lục, gồm 35 bài từ, 59 bài thơ. Thi tập này được hội Văn-học Trường-sa tái bản năm 1988. Năm 1990, tôi có dịp tiếp xúc với danh ca Giới Thu-Hoa, hậu duệ của Giới Định tại Nhạc-dương lâu bên bờ hồ Động-đình, nhờ đó tôi được đọc gia phả họ Giới. Kể từ Giới Định tới Thu-Hoa trải 33 đời.



Giới Định kinh ngạc:



– Không biết cữu phụ, cữu mẫu của vương gia là ai?



Trung-Thành vương lấy thanh trủy thủ mà Mai-Lục tịch thu được trên người Giới Định ra trao tận tay y:



– Là người đã ban thưởng cho tướng quân thanh trủy thủ này.



Giới Định bật người dậy:



– Thì ra vương gia là cháu Kinh-Nam vương. Hèn gì quân Giới Định này bị tan, thân Giới Định này bị bắt thì cũng là sự thường thôi.



Trung-Thành vương nói:



– Trước khi ra trận, cậu út tôi có dạy: Binh tướng Tống đều là thủ hạ cũ của cậu mợ. Chẳng may Hy-Ninh hoàng đế tin dùng ma pháp của tên cẩu nho Vương An-Thạch, mà bị đẩy vào vòng chiến với Đại-Việt. Vậy khi ra trận, tuyệt đối tránh chém giết. Nếu bắt được tù binh thì phải đối xử tử tế, rồi đưa về Thiên-trường cho cậu mợ nuôi. Đợi hết chiến tranh, cậu mợ sẽ đưa về Tống, như vậy bọn mặt dơi tai chuột không dám kết tội rồi giết cả nhà như tù binh thời vua Thái-tông bị bắt ở Chi-lăng, Bạch-đằng.



Giới Định chắp tay hướng Trung-Thành vương vái ba vái:



– Đa tạ Kinh-Nam vương, đa tạ Thái Công-chúa, đa tạ vương gia.



Chợt thấy Mai-Lục, Mai-Thất đứng hầu sau vương phi Trinh Dung, Giới Định hỏi:



– Giới này bị bại về tay hai tiểu cô nương mà trong lòng còn ấm ức. Cứ như con mắt của Giới này, thì nhị vị cô nương chưa quá cái tuổi đôi mươi, mà sao công lực lại cao thâm đến như thế?



Vương phi Trinh-Dung đáp bằng giọng cực kỳ ôn nhu:



– Để tôi giới thiệu với Giới tướng quân, hai nữ tướng này khuê danh là Mai Lục, Mai Thất...



Giới Định bật lên tiếng than:



– Hỡi ơi! Tiểu tướng đã bại về tay hai trong Thập-bát Kim-cương, ái đồ của Mộc-tồn hòa thượng thì không ân hận gì nữa.



Sau khi khoản đãi Giới Định cùng một số tướng sĩ bị bắt, Trung-Thành vương truyền đem tất cả tù binh chở về Thiên-trường trao cho Kinh-Nam vương với công chúa Huệ-Nhu.



Vương phi Trinh-Dung bàn:



– Triệu Thu, Phương-Liễu tuẫn quốc, em đề nghị cho Lý Lục, Mai Lục thay thế chỉ huy hiệu Thần-điện. Tinh thần binh tướng hiệu này đang giao động. Vậy ta nên cho hiệu này về trấn chiến lũy Vạn-Xuân, đem hiệu Long-dực đến đây thay thế.



– Được. Để anh viết thư cho Chiêu-Văn, báo tình hình.



Chiều hôm sau, tức ngày 20 tháng giêng, Dương Minh, Phương-Cúc, cùng hiệu Long-dực tới. Trung-Thành vương cử Lý Thất, Mai-Thất làm phó thống lĩnh cho Dương Minh, Phương-Cúc.



Vương ra lệnh:



– Chim ưng của Khu-mật viện báo cho biết, chiến tuyến Như-nnguyệt bị vỡ. Vậy chúng ta phải tiến thực mau, uy hiếp hậu cứ Như-nguyệt của Tống, bằng không Thăng-long nguy mất. Ta đã cho hạm đội Bạch-đằng chở hiệu Vạn-tiệp theo sông Cầu đi sau hạm đội Thần-phù giả tiến về Như-nguyệt. Vậy bây giờ hiệu Đằng-hải đi làm tiền đội, hiệu Long-dực đi làm hậu đội tiến về Như-nguyệt. Khi còn cách Như-nguyệt năm chục dặm, ta đóng quân lại để uy hiếp hậu cứ Quách Qùy, bắt y phải rút quân từ chiến lũy Như-nguyệt về. Như vậy công chúa Thiên-Ninh mới có thể tái chiếm chiến lũy.



Quân tướng rầm rập, rầm rập lên đường.
– Nam nhi đại trượng phu dám làm thì dám chịu. Quận chúa yên tâm, tôi xin đem danh dự bảo đảm rằng, nếu như sau này có sự gì không hay xẩy ra cho quận chúa, cho tôi. Tôi xin gánh chịu.



Kim-Liên bảo Minh-Thúy:



– Biểu muội! Em về đi thôi, để chị đi một mình được rồi. Bằng không em về trễ, thì cậu mợ lại trách phạt đấy.



Ghi chú,



Từ sau trận bình Chiêm, bốn thiếu nữ Việt-kiều Lê Kim-Loan, Võ Kim-Liên, Trần Ngọc-Liên, Trần Ngọc-Hương được Khai-Quốc vương nhận làm nghĩa nữ; mà Khai-Quốc vương phi là chị của Kinh-Nam vương. Vì vậy Kim-Liên với Minh-Thúy có tình chị em con cô, con cậu.



Kim-Liên ngửa mắt lên trời hú một tiếng dài liên miên bất tuyệt, vang vang đi rất xa. Lát sau có một con trâu từ trong rừng chạy tới. Thế-Cự nhận ra đó là một trong ba con trâu, mà ban nãy người ta cỡi chạy qua để dụ cho thám mã đuổi theo, rồi bị giết.



Kim-Liên túm áo Minh-Thúy tung lên cao. Minh-Thúy lộn một vòng, rồi đáp xuống lưng trâu. Nàng ra roi, miệng hô:



– Nghé oọ...ọ...ọ.



Con trâu lồng trở về hướng Nam.



Trương Thế-Cự gửi một viên tham tướng đem mấy tên kị binh của sư đệ nhất sống sót dẫn đoàn trâu của Kim-Liên hướng về Như-nguyệt.



Thế-Cự họp với Miêu Lý, Lưu Mân, Bình Viễn bàn việc tiến binh. Miêu Lý ra lệnh:



– Sư đệ kị đệ nhất vì khinh địch mà trúng phục binh. Sư đệ nhị, đệ tam chẳng may ngựa bị trúng độc. Bây giờ ta để lại mấy trăm kị binh ở đây trông coi ngựa, còn lại ta dùng kị binh như bộ binh, tiến về Thăng-long.



Thế-Cự đành tùng quyền, trong khi chờ ngựa phục hồi sức khỏe.



Thế-Cự bàn:



– Theo như tin tức của phó nguyên soái Triệu Tiết, thì từ đây về Thăng-long, quân Giao có hai hiệu Thiên-tử binh Ngự-long, với Quảng-thánh. Trong khi ta có sáu đạo binh, lại thêm đạo kị, như vậy quân số đông gấp ba chúng. Ta cứ tiến trước, gặp giặc thì đánh. Phía sau còn sáu đạo binh 10, 11, 12, 13, 14, 15 với hơn trăm chỉ huy tân-đằng-hải. Ta thừa sức đánh bọn chúng.



Sau khi bàn luận, thì Đặng Trung dẫn đạo đệ tứ đệ ngũ đi đầu, Lưu Mân dẫn đạo đệ lục, đệ thất đi thứ nhì, Miêu Lý dẫn đạo đệ bát, đệ cửu đi thứ ba. Trương Thế-Cự dẫn đạo kị binh đi bộ cuối cùng.



Quân sĩ rầm rộ lên đường. Bốn đạo quân đi thành một tuyến dài đến hơn mười dặm trên con đường rộng, hai bên là cánh đồng lúa mới cấy. Quân rời rừng tre được khoảng năm dậm, thì đội tiền phong trở lại báo với Bình-Viễn:



– Trình tướng quân, phía trước có một bãi đất hoang rộng mênh mông, đó là nghĩa địa, có thể dàn quân được. Sau nghĩa địa là ruộng mới cấy, nước không sâu. Sau khu ruộng là chiến lũy chắn ngang đường đi. Không biết bên trong có bao nhiêu quân trấn đóng?



Đặng Trung dẫn hơn chục võ sĩ vọt ngựa lên quan sát: Trên đường di, một cái cổng lớn chắn ngang. Giữa cổng là con bùi nhùi khổng lồ che kín. Hai bên cổng là lũy tre cao vút, mỗi bên kéo dài đến bốn dặm. Ngoài lũy tre có cái lạch rộng ước hơn hai trượng, nông sâu không biết bao nhiêu, nhưng dưới hào đầy chà, cọc lởm chởm.



Đặng Trung hỏi Nguyễn Dư:



– Đồn này là đồn gì vậy?



– Thưa tướng quân đây không phải là đồn, mà là xã Cổ-pháp, nằm trên con đường thông với Thăng-long. Trong xã có khoảng trăm hoàng nam, hoàng nữ trấn đóng.



Viễn sai quân đem loa đến, rồi truyền bọn du thủ, du thực của Nguyễn Dư dùng loa chiêu dụ. Nhưng phía trong vẫn im lìm, không một tiếng động.



Đặng Trung ra lệnh:



– Phá cổng tiến vào!



Đội thiết đột dẫn đầu tiến lên, khi vưa tới cổng, thì một tiếng lệnh vang lên. Véo, véo, véo, tên từ trong lũy bắn ra, kình lực khiến tên rít lên tiếng vi vu. Thoáng một cái, trăm thiết đột đều bị trúng đầu, cổ, ngã lăn ra bên đường.



Bấy giờ trong lũy trống thúc vang dội, quân reo dậy đất, cờ xí kéo lên bay phất phới. Nhưng vẫn không thấy một bóng người. Trong khi quân Tống ùn lại trên đường, đành tập trung vào khu nghĩa địa.



Miêu Lý, Đặng Trung đã vọt ngựa tới. Miêu Lý chỉ vào lũy tre dài năm dặm:



– Đúng là một làng, nhưng giặc đã lợi dụng địa thế dùng làm chiến lũy. Kìa, con hào đầy những chông, chà mới dựng lên. Nhưng không biết đạo quân nào trấn ở trong?



Nguyễn Dư chỉ vào cây cờ soái mầu hồng, thêu con rồng vàng, với hàng chữ « Đại-Việt Thiên-tử binh Ngự-long » một lá khác « Long-nhương thượng tướng quân, Thiện-Tâm hầu, Phạm »:



– Chỗ kia là hiệu Ngự-long.



Y lại chỉ vào cây cờ soái mầu vàng, thêu con rồng trắng, với hàng chữ « Đại-Việt Thiên-tử binh Quảng-thánh », một lá khác « Hổ-uy thượng tướng quân, Thành-Tâm hầu, Vũ »:



– Chỗ kia là hiệu Quảng-thánh.



Miêu Lý cau mày:



– Ta nghe nói, tại vòng đai này, quân Giao có hai hiệu Ngự-long, Quảng-thánh, tại sao lại còn cây cờ thiêu hình con ngựa phun lửa với cây cờ thêu hình con rồng đen kia nữa. Đó là hiệu quân nào?



– Kỳ hiệu thêu con ngựa phun lửa là của hiệu binh Phù-đổng. Tướng chỉ huy là Vũ-kị thượng tướng quân Hà Mai-Việt, võ công bình thường, nhưng là một tướng dụng binh như thần. Còn kỳ hiệu con rồng đen là của Quảng-vũ của vợ chồng Đinh Hoàng-Nghi, Lý Tam.



Miêu Lý, Đặng Trung, Lưu Mân cùng các hiệu binh Tống từng bị Đinh Hoàng-Nghi với hiệu Quảng-vũ đánh cho những trận kinh thiên động địa. Nay nghe Nguyễn Dư nói, cả ba cùng chột dạ.



Lưu Mân cau mày:



– Sau khi Đâu-đỉnh thất thủ, vợ chồng Đinh Hoàng-Nghi, Lý Tam cùng hiệu Quảng-vũ biến mất, tưởng đâu chúng còn ở trong rừng. Nào ngờ chúng rút về trấn ở đây.



Lưu Mân hỏi Nguyễn Dư:



– Tại sao cạnh kỳ hiệu Ngự-long, Quảng-thánh còn có soái kỳ của Phạm Đật, Vũ Quang, mà sao cạnh kỳ kiệu của hiệu Quảng-vũ với Phù-đổng lại không thấy có soái kỳ của Đinh Hoàng-Nghi với Hà Mai-Việt?



Nguyễn Dư trả lời bằng cái lắc đầu.



Miêu Lý ra lệnh:



– Cũng may cho ta, song song với chiến lũy có khu đất cao đầy mồ mả. Ta tập trung quân vào đây, dàn trận, rồi chỉ cần lội bùn hơn hai dặm là tới hào. Vậy Đặng tướng quân đánh vào bên trái, Lưu tướng quân đánh vào bên phải, tôi dánh vào chính giữa. Trương tướng quân bảo vệ hậu quân.



Ba đạo quân rời con đường cái quan tiến vào khu nghĩa trang, dàn thành trận song song với chiến lũy. Trống lệnh, thanh la lệnh, cờ phất liên tiếp.



Ba tiếng trống lệnh vang lên. Hơn sáu vạn quân tinh nhuệ của Tống từng tung hoành trên sa mạc Tây-thùy, Bắc-thùy, rời khu đất khô ở nghĩa địa tràn xuống ruộng. Còn ngựa không thể lội bùn phải để lại trên bãi đất.



Quân dẵm lên lúa, bùn chỉ tới mắt cá. Nhưng đây là những đội quân sinh sống ở sa mạc đã quen, bây giờ lội bùn lên tới dầu gối đã lấy làm khó khăn, chứ đừng nói vận động chiến. Người thì rút chân lên không nổi, kẻ thì ngã xuống, bùn nước ướt hết quân phục. Lại nữa quân phải mang theo y phục, chăn, màn, cung, tên, đao, mộc, thuẫn, quá nặng. Nhiều người bị lún tới háng đứng như trời trồng, đồng đội phải xách nách lôi ra khỏi hố.



Các tướng cho lệnh:



– Chỉ mang theo vũ khí tùy thân. Còn lại, để trên bãi đất.



Từ nghĩa trang tới bờ chiến lũy không quá hai dặm (1 km) mà quân lội ỳ ạch mãi mới được nửa đường. Khi quân còn cách chiến lũy một lằn tên, thì cờ lệnh phất lên, ra hiệu ngừng lại, chuẩn bị hàng ngũ để xung phong.



Trong chiến lũy vẫn im lìm.



Đứng trên mỏm đất cao quan sát trận tuyến, Miêu Lý thấy trận thế bên Tống đã xong. Y dơ tay ra lệnh. Ba chiếc pháo thăng thiên tung lên trời, rồi nổ tan. Quân Tống reo hò xung phong. Người thì bước những bước khó khăn, kẻ thì ngã, nhưng rồi tất cả chỉ còn cách bờ chiến lũy 20 trượng.



Trong chiến lũy vẫn im lìm. Quân Tống tiến gần hơn nữa. Đâu đó, có tiếng rít vi vu, rồi ba quả Lôi-tiễn bay lên giữa bầu trời, nổ tung thành ba trái cầu lửa. Tên trong chiến lũy bắn ra vun vút. Quân Tống ngã lổng chổng. Nhờ bắn bất ngờ, quân Việt thành công được hai loạt tên. Đến loạt thứ ba quân Tống vội lấy thuẫn, lá chắn ra che, rồi tiếp tục tiến vào.



Bỗng quân Tống la ơi ới:



– Chông! Tôi dẵm phải chông!



– Tôi cũng dẵm phải chông!



Trận tuyến Tống bị rối loạn. Người khỏe đỡ người bị chông. Quân Việt núp trong lũy, rình địch sơ hở, không che kín người là buông tên.



Miêu Lý ban ra một lệnh khủng khiếp:



– Ném xác tử sĩ về trước làm chỗ để chân, che cho khỏi chông rồi tiến lên.



Quân Tống reo hò, tiến tới sát con hào. Đội này dùng lá chắn chăng lên che chở cho đội kia dùng đao chặt, kéo những cây chà. Hơn khắc sau, đã có đội vượt hào tiến vào tới chiến lũy.



Nếu chiến lũy Như-nguyệt gồm những cây tre trơ trọi cắm lên tường đất, thì chiến lũy này lại là những bụi, những cụm tre với cành lớn, cành nhỏ, lá, gai xen nhau, kết lại thành bức tường. Thỉnh thoảng có quãng trống, thì lại được lấp bằng những cây tre khổng lồ kết thành dậu.



Quân Tống tấn công vào những quãng trống đó, dùng dao chặt rào. Quân Việt từ trong bắn ra.



Hơn hai khắc sau, tại hơn mười chỗ, bụi tre mỏng, quân Tống đã phá được hàng rào, chúng reo hò, tràn vào trong như nước vỡ bờ. Nhưng khi chúng vừa tràn vào thì bị Thần-nỏ bắn ngã lổng chổng.



Người trước bị bắn ngã, thì người sau tiến lên. Nhưng Thần-nỏ đã được đưa đến hàng chục dàn, thi nhau tác xạ. Quân Tống chết chồng đống lên nhau. Lớp này ngã, lớp kia nối tiếp.



Quân Việt dàn sau Thần-nỏ đứng chờ sẵn, hễ quân Tống lọt qua lưới Thần-nỏ là làm thịt liền. Cuộc chém giết cực kỳ khốc liệt. Mỗi lúc quân Tống tràn vào một nhiều.



Đặng Trung đưa mắt nhìn: Phía sau quân Việt, một tướng trẻ đứng trên cái đài khá cao, tay đang cầm cờ phất lia lịa chỉ huy quân.



Trung hỏi Nguyễn Dư:



– Viên tướng kia là ai vậy?



– Y là Hổ-uy thượng tướng quân, tước Thành-Tâm hầu tên Vũ Quang, chỉ huy hiệu Thiên-tử binh Quảng-thánh, là một trong Long-biên ngũ hùng. Con mụ Kim-Liên chở xác chết ban nãy chính là vợ y. Nếu tướng quân muốn chiếm được chiến lũy này, thì phải giết cho được y.



Đặng Trung phất cờ gọi đội võ sĩ của Trương Thế-Cự đến, rồi ra lệnh cho bốn gã Đông, Tây, Nam, Bắc:



– Bốn vị nhân huynh phải tìm mọi cách giết tên nhóc con kia cho ta.



Bốn võ sĩ bàn sơ với nhau, rồi bốn người dẫn bốn đội võ sĩ đánh thốc vào phòng tuyến Việt. Phòng tuyến bị cắt ra làm đôi. Lập tức hai đội tiếp tục đánh thẳng, hai đội đánh bọc sang tả, hữu. Thoáng một cái bốn đội đã tới gần đài chỉ huy.



Một tiếng tù và rúc lên, đội võ sĩ phái Tản-viên hơn trăm người do Lý Nhị, Mai Nhị chỉ huy phóng đến như bay cản đội võ sĩ Côn-lôn lại. Hai đội võ sĩ lăn xả vào đấu với nhau.



Quân Tống tràn vào mỗi lúc một đông.