Nam Quốc Sơn Hà

Chương 48 : Tri-tôn Đầu-thượng -quả-cảm, Hùng-vĩ Đại Vương

Ngày đăng: 09:02 19/04/20


Vũ Quang nhìn sang bên trái, chỗ phòng tuyến của hiệu binh Hồng-châu, mặt trận đã vỡ, quân Lưu Mân ùa vào trong lũy rồi. Đội võ sĩ phái Tản-viên hơn trăm người đang tử chiến cản lại. Hầu cầm cờ xanh phất lên, thì từ phía sau, Hùng Nhân, Hùng Nghĩa, Hùng Lễ dẫn đội hổ hơn trăm con phóng đến như bay xông vào trợ giúp võ sĩ Việt, lập tức cánh quân của Lưu Mân bị đánh bật lại. Trong khi đội báo, voi xông vào đánh đội võ sĩ của Đặng Trung.



Hầu nhìn sang bên phải, cánh quân của Miêu Lý đã tràn vào trong lũy. Công chúa Thiên-Ninh với Miêu Lý đang đấu chưởng đến một mất, một còn. Hầu cầm tù và rúc lên. Từ đâu đó một đàn ong bay đến rợp trời, nhào xuống đốt hậu quân Tống ngoài chiến lũy. Hàng ngũ quân Tống bị rối loạn, bỏ chảy tứ tán. Đội võ sĩ Côn-luân đang bị võ sĩ Tản-viên, báo, voi vây đánh, bây giờ không có quân bộ giúp sức, thoáng một cái, bị giết gần hết.



Đặng Trung thấy nguy, y hú lên một tiếng dài, rồi y với bốn gã Đông, Tây, Nam, Bắc cùng bỏ phòng tuyến tiến đến đài của Vũ Quang. Lý Nhất, Mai Nhị thất kinh hồn vía, vội bỏ trận tuyến quay lại cứu Vũ Quang. Nhưng đã chậm, năm người cùng phát chưởng hướng cột đài. Rầm một tiếng, đài từ từ đổ xuống. Lý Nhị, Mai Nhị cản bốn gã Đông, Tây, Nam, Bắc lại. Đặng Trung nhảy lên vung kiếm chém Vũ Quang. Biết thế nguy, hầu rút kiếm đưa vào ngực Trung, như lối đánh cả hai cùng chết. Đặng Trung vội thu kiếm về nhảy lộn ra phía sau để tránh thế kiếm ác liệt. Bốn gã Đông, Tây, Nam, Bắc cùng Đặng Trung vây lấy Vũ Quang, Lý Nhị, Mai Nhị. Trận Việt không người điều khiển, bắt đầu rối loạn.



Bỗng có tiếng quát:



– Sư đệ đừng sợ! Có ta đây.



Hai nhà sư Viên Căn, Viên Mộc, từ ngoài nhập cuộc, tấn công hai gã Đông, Tây; vợ chồng Lý Nhị đấu với hai gã Nam, Bắc. Vũ Quang được rảnh tay, hầu đưa kiếm vào cổ Đặng Trung. Y khinh thường không đỡ kiếm của hầu, mà vòng tay thọc kiếm vào cổ hầu, để hầu phải thu chiêu về đỡ đòn. Nhưng đã chậm, đầu y bay khỏi cổ, trong khi kiếm của y xớt vào cổ hầu, máu phun ra ra xối xả. Kinh hãi, hầu vội xé vạt áo buộc vết thương, tiếp tục cầm cờ chỉ huy.



Trận thế Việt lại nối liền với nhau. Trận chiến diễn ra ác liệt.



Về phía công chúa Thiên-Ninh, công chúa đã phát huy hết công lực, nhưng vẫn không địch nổi Miêu Lý. Y quát lên, rồi phát ra một chiêu với tất cả bình sinh công lực, định kết liễu tính mệnh bà. Công chúa nghiến răng đỡ. Bình một tiếng người bà bay bổng lại phía sau. Miêu Lý không nhân nhượng, y đánh tiếp một chiêu nữa. Công chúa đành nhắm mắt chờ chết. Thì thình lình có tiếng quát thanh thoát, rồi một người mặc quần áo vàng phi thân tới phát chưởng mạnh đến nghiêng trời lệch đất đánh vào lưng Miêu Lý. Biết rằng nếu không thu chưởng về đỡ, thì người sẽ nát ra như tương mà chết, Miêu Lý vội chuyển tay về sau đỡ. Bùng một tiếng người y rung động, cánh tay tê rần. Y nhìn lại thì ra Âu Hoàng.



Công chúa Thiên-Ninh thoát nạn, bà lại cầm cờ chỉ huy, Âu Hoàng, Âu Thanh, Âu Huyền dẫn đầu đội võ sĩ Việt đánh như hổ đói vồ mồi, hàng ngũ Tống bị đánh cắt làm nhiều khúc. Trận chiến diễn ra khủng khiếp.



Sự xuất hiện của bốn nhà sư chùa Báo-ân với Thần-vũ lục anh, khiến các võ sĩ Tản-viên lấy lại được thế công, thoáng một cái, hơn hai trăm võ sĩ Côn-luân bị giết hết.



Trong bốn nhà sư, thì Viên Diệp có võ công cao nhất. Ông đấu với gã Bắc thắng thế rõ rệt. Thấy máu ở cổ Vũ Quang chảy nhiều quá, cần phải kết thúc trận đánh mau chóng; ông quát lên một tiếng, đánh ra chiêu Lôi đả Ân tặc, gã Bắc vỡ làm năm sáu mảnh. Ông tiếp năm lá cờ trên tay Vũ Quang rồi đánh hai chiêu đẩy hai gã Nam, Bắc ra xa, nói với Lý Nhị:



– Sư huynh mau thay thế Vũ đệ. Còn Vũ đệ mau lui về băng bó.



Vũ Quang nhảy lên mình ngựa phi về hướng Thăng-long.



Giữa lúc trận chiến nghiêng ngửa chưa phân thắng bại, thì lại năm trái Lôi-tiễn nổ trên không. Tiếp theo Lôi-tiễn nổ liên tiếp ở khu rừng tre phía hậu quân Tống, lửa cháy ngụt trời.



Bất giác chư tướng Tống cùng quay đầu nhìn lại: Suốt một giải rừng tre, cờ Việt bay phất phới, quân reo dậy đất. Kị binh Việt đang phi như bay đuổi theo mười hai kị mã Tống nằm rạp xuống, ra roi cho ngựa chạy.



Miêu Lý kinh hoàng, vội lệnh cho quân rút khỏi chiến lũy. Lệnh vừa ban ra, quân sĩ un ùn bỏ chạy, bỏ cả lá chắn. Bấy giờ quân Việt mới xuất hiện truy kích. Tống bỏ lại tử sĩ, thương binh la liệt trong chiến lũy; chồng chất trên bờ chiến lũy, dưới con hào, và trên những thửa ruộng đầy nước.



Ghi chú,



Bình luận về trận chiến thê thảm này, gia phả Lưu thị chép về Lưu Mân như sau:



« Thảm thương thay, những chiến binh Tống kinh nghiệm có thừa, võ nghệ cao cường, trung nghĩa không thiếu; suốt cuộc đời sống ở miền Bắc, luyện tập chiến đấu ở vùng sa mạc. Bây giờ bị bọn ngu tướng (chỉ Quách Quỳ, Triệu Tiết) đẩy vào vùng bùn lầy, lội nước lõm bõm; đi đứng xoay sở đã khó khăn, thì còn nói gì đến chiến đấu? Họ giống như người bị trói chân trói tay. Khổ cho họ, họ phải đối địch với đội quân Việt thiện chiến hơn, dược dưỡng sức nên khoẻ hơn, được nuôi ăn đầy đủ hơn; trong lòng lại quyết tử để bảo vệ sống còn cho đất nước. Tướng của họ lại biết lựa chọn địa thế, để diệt khả năng chiến đấu địch, tăng khả năng chiến đấu quân mình».



Gia phả của họ Đặng chép về Đặng Trung có hơi khác:



« Tổ (Trung) tiến trước quân sĩ, đánh phá được chiến lũy Cổ-pháp, rồi kịch chiến với Hổ-uy thượng tướng quân, tước Thành-Tâm hầu tên Vũ Quang. Người giết được Quang, nhưng cũng bị trúng thương tuẫn quốc. Quách Qùy cố che dấu việc tiến binh vụng về, nên không tâu rõ rằng trận đánh thất bại, vì quân triều phải lội qua bùn lầy lên tới gối. Còn quân Việt thì phục ở trong bắn ra ».



Quân Tống rút ra khỏi tầm tên quân Việt, tập trung lại trên các bờ ruộng, trên nghĩa địa, thì đội kỵ binh Việt lại biến mất trong rừng tre.



Công chúa Thiên-Ninh gọi Mai Nhị:



– Miêu Lý cho quân rút khỏi tầm tên, y đã tưởng được yên thân ư? Khó lắm. Em cho nã Lôi-tiễn lên đầu chúng, để chúng kinh hoàng.



Lá cờ đỏ phất lên, tiếp theo những tiếng vi vu rít lên không gian, rồi hàng chục, hàng trăm mũi Lôi-tiễn nổ chụp trên đầu chỗ quân Tống tập trung. Mệt mỏi sau cuộc giao chiến thất bại, bây giờ bị Lôi-tiễn nã. Quân Tống không còn lòng dạ chiến đấu, quẳng vũ khí chạy tán loạn ra cánh đồng, vượt khỏi tầm Lôi-tiễn.



Mười hai kỵ mã Tống đã tới trước Miêu Lý. Y nhận ra bẩy kị mã không phải kị binh của y mà là quân chấp lệnh (quân chuyên chuyển lệnh) cạnh Quách Quỳ, với bẩy kị mã già, mũ che kín gần hết mặt. Miêu hỏi chúng:



– Các người đi đâu đây?



Viên đôi trưởng thở hổn hển:



– Quách nguyên soái truyền tướng quân hãy ngừng tấn công để chỉnh đốn lực lượng. Bởi toàn bộ cánh Nham-biền của ta bị diệt. Nguyên soái đang chuẩn bị lực lượng phá chúng. Để lừa chúng, người giả sai sứ chiêu hàng Lý Càn-Đức, hẹn cho y phải đầu hàng trước giờ Ngọ ngày mai. Được tin này ắt chúng yên tâm, không tấn công ta nữa, như vậy tướng quân với đô tổng quản Yên Đạt có thời giờ chỉnh đốn binh mã trước khi vào Thăng-long.



– Tình hình rừng tre ra sao? Có gặp kị binh của ta không? Tại sao bị kị binh Giao-chỉ đuổi theo?



– Khi tôi đến rừng tre, thì vừa gặp lúc quân Việt xuất hiện, giết đám kị binh giữ ngựa, rồi cướp ngựa. Chúng tôi kinh hoàng bỏ chạy về hướng này. Chúng cho một đoàn đuổi theo chúng tôi, đến đây thì rút chạy.



Trương Thế-Cự cau mặt:



– Ngựa bị bệnh, sao chúng có thể dùng được?



Đội trưởng chấp lệnh nói:



– Tế tác của ta ở Thăng-long thu lượm được tin tức báo về cho Quách nguyên soái rằng ba vị mắc mưu bọn Giao-chỉ. Nhưng tin đến quá trễ.



–?!?!?!



– Trương tướng quân bị Giao-chỉ lừa mà không biết. Nguyên trong khi thiết kế, chúng tính trước rằng Như-nguyệt bị thất thủ, ắt ta đem kị mã đánh về Thăng-long. Chúng dùng thuốc nhuyễn cân tưới lên khắp cỏ non vùng rừng tre. Chúng lại bầy ra vụ cho ba con trâu, ba đứa cỡi, thổi tù và, khiến ta dừng quân lại, rồi ngựa ăn cỏ độc, gân cốt nhuyễn ra.



– Lẽ nào quận chúa Minh-Thúy cũng giúp bọn Giao-chỉ hại ta?



– Không! Quận chúa bị lầm lẫn mà thôi. Quận chúa không biết chiến mã ta bị trúng độc. Người tưởng chúng ăn phải cỏ độc, nên người mới lấy trộm thuốc giải cỏ độc cho ta, dặn ta cách trị v.v; trong khi ngựa của ta ăn phải thuốc nhuyễn cân. Cho nên khi các vị đem quân đi rồi, thì binh tướng Giao-chỉ xuất hiện, không đầy nửa khắc trên hai trăm kị binh giữ ngựa bệnh bị giết hết. Chúng đem thuốc giải nhuyễn cân cho chiến mã ta uống. Hơn khắc sau, ngựa khoẻ như thường. Lập tức kị binh Giao-chỉ cỡi chiến mã của ta cùng hiệu binh Ngự-long tiến lên lập phòng tuyến ở rừng tre chặn đường tiếp tế của tướng quân. Thành ra bây giờ tướng quân tiến lên thì vướng chiến lũy Cổ-pháp, lui lại thì gặp chiến lũy rừng tre.



Miêu Lý nhăn mặt:



– Ngự-long? Thế quân nào trấn ở chiến lũy kia?



– Thưa chúng dùng hư binh cả. Hiệu Quảng-vũ vẫn còn ẩn ở trong rừng Bắc-biên. Hiệu Ngự-long ẩn ở trang ấp gần rừng tre. Còn trong chiến lũy kia chỉ có hiệu binh địa phương Hồng-châu với hiệu Quảng-thánh mà thôi.



Miêu Lý giận cành hông, y hỏi:



– Tin tức có cho biết tướng Giao-chỉ nào bầy mưu này không?



– Nghe nói là công chúa Thiên-Ninh.



– Con tiện tỳ thực xảo trá, ban nãy suýt nữa ta giết được thị. Sau này chiếm Thăng-long rồi ta sẽ bắt thị cho một trăm tên quân hiếp mới nư giận.



Nghe viên đội trưởng chấp lệnh nói, lòng Miêu Lý ngút lửa hận:



– Mình ngu thực. Chúng lợi dụng địa thế, ém quân ở trong. Vì vậy chỉ có một hiệu Thiên-tử binh với một hiệu địa phương, mà mình tưởng có tới bốn hiệu, nên dàn quân thực rộng. Rút cuộc quân không chết vì giao chiến, mà chết vì chông, vì tên, vì Thần-nỏ. Nghĩ một đời Đặng Trung trí dũng có thừa, từng tung hoành trên sa mạc Tây-thùy hai mươi năm qua anh hùng là thế, mà nay bỏ thân ở chốn man mọi này. Thảm thương thực.



Nhìn về phía chiến lũy, bất giác y nổi giận cành hông: Công chúa Thiên-Ninh ngồi trên chiếc xe tứ mã, bên cạnh có ba nàng Âu với sáu thiếu nữ đang tấu nhạc, mà lại là nhạc chiến thắng của nhà Chu bên Trung-quốc. Phía sau quân Việt đang nở cổng ra ngoài thu nhặt tử thi quân Tống. Miêu Lý bàn với các tướng:



– Ví thử ban nãy, không thấy đám kị binh xuất hiện, thì chúng ta đã chiếm được chiến lũy. Từ đây về Thăng-long còn có hai mươi dặm (10 km). Ta biết rõ hai hiệu Ngự-long, Phù-đổng đều chặn đường tiếp tế của ta, trong khi Thăng-long trống trơn. Ta có nên tiến đánh Thăng-long, bắt Càn-Đức, Yến-Loan, tạo thành một chuyện thống khoái kim cổ chăng?



Bọn Trương Thế-Cự, Lưu Mân đều đồng ý. Viên đội trưởng chấp lệnh nói:



– Chính vì giặc sợ tướng quân đánh Thăng-long, chúng mới dùng toàn lực đánh vào quân ta ở Nham-biền. Một vạn quân triều chết, bốn vạn bị bắt sống. Toàn bộ mười lăm vạn quân bị bắt, bị giết hết. Hiện tên Chiêu-Văn đang đem hai hạm đội, chở thêm hai hiệu Thiên-tử binh đi ngược sông Cầu tiến về Như-nguyệt. Trên bộ tên Hoằng-Chân chỉ huy hai hiệu nữa đánh phía sau. Còn vợ chồng Đinh Hoàng-Nghi chiếm Chi-lăng, vợ chồng Tôn Mạnh chiếm Quyết-lý, vợ chồng Thân Cảnh-Long chiếm lại Lạng-châu. Đường về của ta bị mất. Có tin thủy quân Việt đánh chiếm Khâm, Liêm, đang tiến về Quảng-châu. Xin tướng quân tạm cho quân nghỉ, chờ nguyên soái thanh toán hai đạo của Hoằng-Chân, Chiêu-Văn rồi sẽ tiến công cũng chưa muộn.



Y chỉ vào năm kị mã già nói nhỏ:



– Đây là năm đại sư Pháp-Minh, Pháp-Đức, Pháp-Thiên, Pháp-Hạ. Nguyên soái truyền rằng: Bốn vị phải ẩn thân, ngày mai nguyên soái thanh toán bọn Hoằng-Chân, Chiêu-Văn, rồi sẽ cho ba tướng Vương Tiến thống lĩnh hai tướng Bình Viễn, Vương Mẫn đem quân tiếp viện cho tướng quân. Trong đội quân tiếp viện sẽ có thêm năm đại sư Pháp-Tiên, Pháp-Trị, Pháp-Quốc, Pháp-Cách, Pháp-Vật. Mười đại sư thình lình xuất tấn công giết tướng giặc như giết chuột. Bấy giờ tướng quân sẽ tiến thẳng về Thăng-long.



Miêu Lý chỉ vào chiến lũy Cổ-pháp mà than:



– Chỉ vì Quách nguyên soái muốn giữ bí mật đến giờ chót, mà mình phải hy sinh mấy vạn tướng sĩ tại đây. Ví thử người cho mười đại sư xuất hiện trước, thì ta đã chiếm được Cổ-pháp, và đang vây Thăng-long rồi. Hỡi ơi!



Y lắc đầu:



– Bao nhiêu lương thực, với các đội hỏa đầu quân của ta để ở rừng tre bị Giao-chỉ tràn ngập. Đường tiếp tế phía trước thì hiệu Phù-đổng, Ngự-long lập chiến lũy cắt mất. Phía sau thì hiệu Quảng-thánh, Hồng-châu đóng chặn đường. Ta lâm thế tiến không xong, mà lùi cũng không được, chiều nay không có lương, thì làm sao đây?



Nguyễn Dư chỉ vào hai làng bên đường:



– Thưa tướng quân, hai làng này là nơi đồn trú lương thảo của Giao-chỉ, không biết bây giờ có còn không, hay đã di chuyển đi rồi.



Miêu Lý ra lệnh:



– Làng này là nơi đồn trú lương thảo, mà sao Thiên-Ninh lại không cho lập chiến lũy?



– Thưa làng nào, thị cũng cất đấu lương thảo, chứ không phải chỉ hai làng này mà thôi.



– Ta đánh Như-nguyệt như sét nổ, nếu thực sự trong làng chứa lương, thì chúng chưa di chuyển đi đâu. Người dẫn theo mấy tên bảo binh vào dò thám xem sao! Nhớ không được giết hại dân chúng.



Nguyễn Dư đi một lúc rồi trở về đưa ra cuốn sổ:



– Thưa tướng quân, quả như tướng quân đoán, lương thảo vẫn còn nguyên, chúng chưa di chuyển kịp. Trong làng chỉ còn đàn bà, trẻ con, người già, còn trai tráng thì bị bắt đem vào chiến lũy hết rồi.



Miêu Lý cầm sổ coi: Gạo mới sáu nghìn thùng (tương đương với ngày nay là sáu mươi nghìn kg), tôm khô nghìn cân, cá khô nghìn cân, mắm trăm cân. Y xem xuống dưới, còn có cả đường, đậu, chảo, nồi, bát, đũa. v.v.



Miêu Lý mừng rỡ vô cùng. Nhưng vốn tính cẩn thận, y cho gọi y sĩ tới kiểm lại xem, thực phẩm của Nam nan ăn vào có ngộ độc không. Sau khi kiểm soát, y sĩ trình:



– Ta ơn trời Phật, hai kho này toàn thực phẩm thượng hạng. Gạo có ba loại, một là gạo nếp tía, vừa thơm vừa dẻo; hai là gạo tám, vừa thơm vừa mềm; ba là gạo rự vừa dẻo vừa mềm. Cá khô thì toàn cá thu, cá chim; tôm thì toàn tôm he.



Miêu ra lệnh:



– Vào làng lấy gạo, cá khô, tôm khô phát cho quân ăn. Với số gạo này, đủ nuôi ba vạn người trong hai ngày.



Quân sĩ được phát gạo, cá khô, tôm khô, vội cùng nhau nấu cơm chiều ăn. Quân Tống đa số là người miền Bắc, chưa từng dược ăn cá thu, cá chim, tôm he, mực khô, với gạo tám. Đây là lần đầu tiên họ được ăn nhừng sản phẩm, mà họ chỉ được nghe kể trong những câu truyện cổ tích.



Trương Thế-Cự bàn với Miêu Lý:



– Bây giờ chúng ta phải hành động ra sao? Quân của ta bộ còn gần hai vạn; kị tuy không còn ngựa, nhưng số người cũng hơn vạn. Tổng cộng hơn ba vạn. Dù quân trong rừng tre, cộng với quân trong chiến lũy Cổ-pháp, ta vẫn đông hơn chúng. Nay lại thêm năm vị đại sư nữa, thì ta có hy vọng thắng chúng. Vậy ta nên chọn một trong hai đường: Hoặc phá vòng vây rừng tre mở thông đường về Như-nguyệt, hoặc phá chiến lũy Cổ-pháp tiến về Thănglong. Ta nên chọn đường nào?



Miêu Lý thở dài:



– Thôi đành theo lệnh nguyên soái, chờ đến trưa mai.



Đâu đó tiến nhã nhạc rất êm dịu vọng lại, y đưa mắt nhìn: Công chúa Thiên-Ninh cùng ba nàng Âu Hoàng, Âu Thanh, Âu Huyền đang dẫn quân thủng thẳng theo sau y, đầy đe dọa.



Một đoàn trâu kéo xe từ chiến lũy từ từ đi tới. Miêu Lý nhận ra đây chính là đoàn xe trâu của Võ Kim-Liên với Trần-Triệu Minh-Thúy đã chở xác tử sĩ sư một kị binh trả về cho Tống hôm trước. Nhưng lần này, thì đoàn xe dài gấp bội. Trên mỗi lưng trâu, có một người cỡi, kéo theo một chiếc xe chất đầy xác chết. Đoàn xe tới gần, y nhận ra người ngồi cạnh Minh-Thúy không phải là Võ Kim-Liên, mà là một thiếu phụ mình hạc xương mai, dáng điệu uy nghi; tuổi tuy cao, nhưng cực kỳ xinh đẹp. Thiếu phụ mặc y phục của vương phi Tống. Y vội cùng đội võ sĩ ra cản đường.



Quận chúa Minh-Thúy chỉ thiếu phụ hỏi Miêu Lý:



– Miêu tướng quân, người có biết ai đây không?



Miêu Lý đã nhận ra thiếu phụ là Yên-vương vương phi Lê Thiếu-Mai. Trước đây khi Yên-vương còn tại thế, vương phi cùng vương trấn Bắc-thùy, thì y chỉ là một đội trưởng kị binh. Y vội nghiêng mình thi lễ:
– Tên ôn con kia! Mi có giỏi hãy cùng lão gia đấu vài nghìn chiêu, chứ người chỉ biết dùng mưu cắn trộm, thì lão gia có chết cũng không phục.



Kim-Loan cười lớn:



– Chư tướng có nghe Vũ-kị đại tướng quân nói không? Này Trương tướng quân, phàm dụng binh, thì trước hết dùng mưu để thắng đối phương. Khi không còn cách nào nữa, mới phải lăn vào chém giết nhau. Từ lúc Trương hầu đem đoàn kị binh vô địch đến rừng tre, phu quân tôi chưa bắn một mũi tên, đánh một chiêu võ, mà bắt được hai đội thám mã kị binh. Một trận phục kích nho nhỏ, diệt trọn sư đệ nhất. Một vài hũ thuốc, bắt hơn năm nghìn chiến mã, khiến cho đội kị binh vô địch thành đội kị binh đi bộ. Đó mới là đại tướng; chứ còn lăn mình vào đấm đá nhau hùng hục, thì chẳng hóa ra mình cũng như trâu, như bò sao?



Binh tướng Việt cười ồ lên.



Trong khi Kim-Loan nói, Miêu Lý dặn ba gã Đông, Tây, Nam:



– Cục diện ngày hôm nay, dù chúng ta có bản lĩnh nghiêng trời lệch đất cũng không thoát khỏi vòng vây này. Vậy trong khi thị mải nói, ba người vọt tới kiềm chế vợ chồng thị, bắt chúng phải mở vòng vây cho ta.



Ba người gật đầu, vận khí đứng chờ.



Trong khi đó Kim-Loan tiếp:



– Còn như cái việc các vị ăn gạo tám, gạo rự, gạo nếp cùng khô cá thu, cá chim, chúng tôi có mời các các vị đâu? Có ai vô lý như Trương hầu không? Trương hầu sai quân đi cướp về ăn, rồi chẳng may thực phẩm miền Nam không hợp với tỳ vị người miền Bắc mà sinh bệnh, bây giờ quân hầu lại chửi chúng tôi! Hỡi ơi! Đạo lý ở chỗ nào vậy?



Ba gã Đông, Tây, Nam cùng vọt người lên, chỉ nhấp nhô mấy cái, ba người đã vượt khỏi vòng vây của đội cung thủ Long-biên với đội binh thú. Ba người cùng lạng người tới cạnh voi, phóng chưởng đánh xuống đầu vợ chồng Phạm Dật. Chưởng phong làm quân sĩ đứng gần muốn nghẹt thở. Phạm Dật, Kim Loan như không biết đến cái nguy hiểm. Nàng tiếp:



– Hỡi ơi!



Đến đây chưởng phong đã bao trùm hai người. Ba gã Côn-lôn biến chỉ thành trảo chụp đối thủ. Bỗng từ hai bên với của Phạm Dật, Kim-Loan, có ba bóng trắng, đen, xanh xẹt lên cao như bốn con hạc, rồi cùng phát chưởng tấn công vào trước mặt ba gã Côn-lôn. Kình phong mạnh muốn nghiêng trời lệch đất. Ba gã Côn-lôn kinh hãi, vội biến trảo thành chưởng đỡ. Bình, bình, bình ba gã Côn-lôn bắn vọt trở về chỗ đứng cũ như chính chúng nhảy về vậy. Cả ba gã đều cảm thấy cánh tay tê liệt, khí huyết chạy nhộn nhạo cực kỳ khó chịu.



Bon Miêu Lý nhìn lại, xem ai mà có công lực mạnh như vậy? Bất giác chúng đều ngẩn người ra, vì đó là ba thiếu nữ mình hạc xương mai, tuổi tuy lớn, nhưng vẫn còn giữ được vẻ đẹp hiếm có.



Miêu Lý hỏi Nguyễn Dư:



– Ba con đượi non nào vậy?



– Chúng họ Thân, có tên Mai, Lan, Cúc. Chúng hông còn trẻ đâu. Tuổi chúng khoảng trên dưới năm mươi; tất cả đều là đệ tử của tiên nương Bảo-Hoà tức sư muội của Lý Thánh-tông, Lý Thường-Kiệt.



Lưu Mân than:



– Mẹ cha nó, đàn bà Việt đẹp thực, ba con đượi này tuổi trên năm mươi, mà sao trông như hơn hai mươi vậy?



Bỗng mặt ba gã Côn-môn tím bầm lại, rồi màu ứa ra ở thất khiếu (hai mắt, hai mũi, hai tai, và miệng). Cả ba lảo đảo ngã lăn ra.



Từ đầu đếo cuối, nhà sư Pháp-Tuệ không nói, không rằng, bây giờ ông tới bắt mạch ba gã Côn-lôn, rồi đọc kinh vãng sinh. Miếu Lý hỏi:



– Đại sư! Họ chết vì lý do gì?



– Đúng ra với ba chiếu võ của phái Tản-viên không thể khiến Côn-lôn tam kiệu mất mạng. Nhưng... nhưng ban chiêu võ được xử dụng bằng « Bức mạch công» hay còn có tên là Cổ-loa tâm pháp.



Nghe đến Cổ-loa tâm pháp, các cao thủ Tống mặt nhìn mặt, chân tay phát run. Bởi họ biết thức nội công này do đại hiệp Trần Tự-An, phụ thân Kinh-Nam vương chế ra, ai trúng phải, thì các mạch màu đều vỡ tan ra mà chết. Họ từng thấy Kinh-Nam vương xử dụng đấu với các cao thủ Tây-hạ, Liêu. Cứ mỗi chiêu, một người mất mạng.



Có tiếng nhã nhạc đâu đó vọng lại, rồi một thớt voi tiến tới. Người ngồi trên bành là một thiếu nữ sắc nước hương trời, bọn tướng Tống nhận ra là Bà-chúa-kho. Voi rẽ vòng vây tiến vào trong, công chúa Thiên-Ninh hướng các cao thủ Tống:



– Sự thể đã như thế này, mà các vị còn muốn dùng võ công thoát khỏi nơi đây ư? Khó lắm! Ví dù các vị có phá được vòng vây này, thì liệu trên con đường dài tới Như-nguyệt có mấy đội sói, mấy đội ưng canh phòng; các vị chạy đến đâu cũng bị chúng tru tréo lên, rồi hổ, báo, tiễn thủ xông ra cản trở, thì trước sau cũng uổng mạng mà thôi.



Trương Thế-Cự khảng khái:



– Công chúa điện hạ! Trong trận này, chúng ta thấp cơ, thua trí, thì quyết lấy cái chết để báo đáp đấng quân phụ, chứ nhất định không chịu hàng đâu. Ví dù chúng tôi hang Việt, thì triều đình cũng giết cả nhà chúng tôi. Vì vậy chúng tôi đành chịu chết, để được triều đình phủ tuất, thân được phong thần, gia đình được hưởng ân huệ của triều đình còn hơn hàng.



– Ta không muốn, cũng không đòi tướng quân hàng mà.



– Thế thì công chúa định thế nào đây?



– Này Trương tướng quân, tướng quân bị đẩy sang đây là do giấc mộng điên cuồng của tên hủ Nho Vương An-Thạch, mà nay y đã bị cách chức rồi. Bây giờ tướng quân hàng Việt, thì sẽ bị thiên hạ chê cười rằng hèn nhát, rằng bất trung. Còn như tử chiến, thì trở thành thứ ngu trung, chết cho cái ngông cuồng của tên Vương An-Thạch, muôn nghìn năm sau võ lâm, nhân sĩ sẽ chê bai.



– Đúng thế.



Pháp-Tuệ ứng lời: Không biết công chúa có cao kiến gì khác để cứu chư vị tướng quân hiện diện không?



Công chúa Thiên-Ninh mỉm cười:



– Trước khi xuất trận, Kinh-Nam vương với công chúa Huệ-Nhu đã dặn tôi rằng: Khi đối trận với bộ hạ cũ của người thì phải nới tay, không thể giết, cũng chẳng nên làm nhục. Vì vậy, hôm nay tôi xin mời các vị quá bộ ghé Thăng-long nghỉ ngơi, đợi hết chiến tranh, chúng tôi sẽ đưa các vị về Trung-nguyên.



Miêu Lý giận cành hông, y quát lên:



– Như vậy thì không khác gì chúng tôi bị cầm tù. Này công chúa, đầu kẻ sĩ có thể chặt, chứ không thể làm nhục. Đã đến nước này, chúng tôi xin một trận liều chết chứ chứ không chịu nhục.



– Vậy thì được! Chúng tôi xin giúp chư vị tướng quân được trở thành những tên ngu trung, chết cho cái ngông cuồng của tên hủ nho Vương An-Thạch. Hiện chúng tôi có bốn vị sư tỷ Mai, Lan, Cúc, Trúc, tôi xin mời ba vị tướng quân chỉ giáo cho vài chiêu. Nếu như bên các vị thắng hai thì các vị cứ việc thư thả trở về Như-nguyệt. Còn như chúng tôi thắng hai, thì xin mời các vị về Thăng-long. Không biết chư vị nghĩ sao?



Miêu Lý chỉ vào ba nhà sư chữ Pháp-Tuệ, Pháp-Minh, Pháp-Đức:



– Không được! Muốn cho công bằng, thì bên Đại-Việt cử người đại diện cho Đại-Việt; còn bên Đại-Tống cũng phải do bên Đại-Tống chỉ định.



Y chỉ vào năm nhà sư Thiếu-Lâm là Pháp-Minh, Pháp-Đức, Pháp-Thiên:



– Tôi xin cử ba vị đại sư đây lĩnh giáo cao chiêu của các tiên cô phái Tản-viên.



Bỗng có tiếng quát thanh thoát:



– Khoan!



Một thớt voi từ từ tiến tới. Tướng sĩ Tống cùng mở to mắt nhìn: Trên bành có hai thiếu nữ, tuổi khoảng mười bẩy, mười tám. Một người là quận chúa Minh-Thúy, còn một người nữa sắc nước hương trời. Mùi trầm hương từ thiếu nữ này bốc ra thơm ngát. Cao nhất là công chúa Thiên-Ninh, cho tới các tướng thấp nhất của Đại-Việt cùng cung cung kính kính hướng voi hành lễ.



Miêu Lý hỏi Nguyễn Dư:



– Con lỏi nào mà Thiên-Ninh phải hành lễ vậy? Không lẽ là Linh-Nhân hoàng thái hậu?



– Không phải đâu! Y thị họ Thân tên Bảo-Hòa, chưởng môn phái Tản-viên đấy!



Miêu Lý kinh hãi:



– Ta nghe nói tiên nương Bảo-Hòa lớn hơn Kinh-Nam vương hai ba tuổi gì đó, thế thì nay ít ra y thị cũng phải bẩy mươi tuổi rồi mới đúng; có đâu trẻ như con gái mười bẩy mười tám thế kia?



– Thị tu tiên, nên trẻ hoài không già.



Công chúa Bảo-Hòa không coi bọn tướng sĩ Tống ra gì, ngài hướng năm vị sư chữ Pháp:



– A-di-đà Phật, không biết cơ duyên nào khiến năm vị thần tăng giá lâm Đại-Việu thấp nhiệt này? Kìa, cả đại sư Pháp-Tuệ, sao lại để cà sa nhuốm bụi trần thế này?



– Đa tạ tiên nương quá khen! Anh em bần tăng hạ sơn cũng chỉ vì quốc sự như tiên nương cả.



Tiên nương vẫn lễ độ, ngọt ngào:



– Nếu như ba vị thần tăng xuất thủ, thì bên Đại-Việt, tôi xin cùng mấy đệ tử phải ứng tiếp cho phải đạo lý. Không biết các vị nghĩ sao?



Nghe tiên nương đề nghị, Pháp-Tuệ kinh hãi:



– Công chúa điện hạ! Khi công chúa cùng đại hiệp Thông-Mai danh trấn Hoa-Việt, thì anh em bần tăng còn là những thiếu niên. Trong trận Khâm-châu trước đây, công chúa đã thắng bang trưởng Hồng-thiết giáo Trung-nguyên là Đặng Đại-Bằng. Không lẽ nay công chúa lại hạ thể đấu với anh em bần tăng, chẳng hóa ra lớn bắt nạt nhỏ ư?



– Thôi được, các vị đại sư đã tự xin thua, thì tôi cũng chẳng xuất thủ làm gì. Bên Đại-Việt, trận đầu do Thân Mai xuất thủ. Nhưng tôi có một đề nghị: Xuất quân chiếm Đại-Việt là tên hủ nho Vương An-Thạch với Hy-Ninh. Còn giữa các cao tăng Tống, Việt, không thù không oán. Vậy tôi xin, nếu sau ba trăm chiêu, mà không phân thắng bại thì coi như hòa. Không biết đại sư nghĩ sao? Không biết bên Tống, vị nào tứ giáo trận đầu?



Miêu Lý cẩn thận hơn:



– Nếu như cả ba trận cùng hòa thì tiên nương định sao?



– Cũng dễ thôi! Quận chúa Minh-Thúy đây sẽ đưa quý vị về Thiên-trường để Kinh-Nam vương với công chúa Huệ-Nhu, để vương với công chúa dẫn quý vị về trả cho Tống triều.



Pháp-Tuệ chỉ Pháp-Minh:



– Sư đệ bần tăng đây xin được lĩnh giáo cao chiêu của Thân tiên tử.



Thân Mai cung tay:



– Xin mời đại sư!



Hay tay bà chắp lại vái dài, rồi biến thành chiêu Ác ngưu nan độ, trong Tản-viên chưởng pháp, kình lực mạnh như nghiệng trời lệch đất. Bọn Miêu Lý kinh hãi nghĩ thầm:



– Hỡi ơi! Bốn con lỏi này là sư muội của tên yêm hoạn Thường-Kiệt có khác. Không biết Pháp-Minh có thắng được thị hay không?



Pháp-Minh thấy đối phương là nữ, mà dùng dương chưởng thì coi thường. Ông cũng chắp tay đáp lễ, rồi biến ra chiêu Vô-vô minh trong Kim-cương ban nhược chưởng tấn công. Chưởng chưa ra hết, mà mọi người như muốn nghẹt thở. Thân Mai tung người lên cao, khiến chưởng của Pháp-Minh trúng vào ụ đất cạnh đó đến ầm một tiếng. Ụ đất bay tung lên cao, bụi tỏa ra một vùng lớn. Pháp-Minh đánh hụt, lập tức phát chiêu Vô lão tử đánh từ dưới chuyển lên trên, kình phong mạnh như núi lở băng tan. Thân Mai chĩa ngón tay phát một chỉ xuyên vào giữa chưởng của Pháp-Minh đến véo một tiếng. Chỉ xuyên qua chưởng trúng giữa ngực đối thủ. Pháp-Minh kinh hãi vội lăn mình xuống đất tránh chiêu chỉ ác liệt. Thân Mai không nhân nhượng đánh theo một chỉ nữa. Pháp-Minh lại tung người lên cao tránh, rồi đánh xuống một chưởng. Đến đây, cả hai cùng biết rõ bản lĩnh của nhau.



Quận chúa Minh-Thúy hỏi tiên nương Bảo-Hòa:



– Sư bá, theo sư bá, trận này ai sẽ thắng?



– Pháp-Minh là thần tăng của Thiếu-Lâm, ông đã luyện tới cùng kỳ cực tinh hoa võ thuật của phái này. Mà tinh hoa võ thuật Thiếu-Lâm xuất phát từ thiền công của Phật-gia là một thoại thần công chính đại quang minh. Còn Thân Mai là đệ tử đằc ý của sư bá. Mai ở trên Tản-lĩnh từ hồi sáu bẩy tuổi, trải qua hơn bốn mươi năm khổ công luyện tập, đã học đến cùng kỳ cực của võ công Tản-viên.



– Thưa sư bá, cháu nghe phụ vương nói rằng võ công Tản-viên nức tiếng vô địch thiên hạ. Vậy sư tỷ Thân Mai phải thắng đại sư Pháp-Minh chứ?



– Không hẳn thế đâu con ơi! Võ công Tản-viên do tổ sư Sơn-Tinh sáng lập đặt trên căn bản thuần dương, mà võ công trấn môn là Phục-ngưu thần chưởng nức danh thiên hạ. Sau này Vạn-tín hầu Lý Thân dùng võ công âm nhu đấu với tổ Sơn-Tinh ba ngày ba đêm bất phân thắng bại. Cuối cùng hầu phải dùng Long-biên kiếm pháp mới thắng được tổ. Tuy thắng tổ, nhưng ngài cũng khâm phục Phục-ngưu thần chưởng; ngài cùng tổ thảo luận với nhau hơn tháng, cuối cùng ngài dùng nội công âm nhu của mình luyện được Phục-ngưu thần chưởng âm nhu. Vì cương, nhu trái ngược nhau, nên khó có người luyện thành. Thời Lĩnh-Nam chỉ có ba người luyện được, đó là Khất đại phu Trần Đại-Sinh, Bắc-bình vương Đào Kỳ và phu nhân của Khất đại phu là Chu Tái-Kênh. Tới những ngày gần đây, Bố-Đại hòa thượng lại hợp nội công dương cương của Tản-viên, nội công âm nhu của Long-biên, thiền công, với Phục-ngưu thần chưởng cương nhu mà chế thành Mục ngưu thiền chưởng dạy cho anh ta là Thiệu Thái. Trong khi ngài dạy anh ta, ta cũng có mặt; ta dùng nội công âm nhu, dương cương thử luyện Mục-ngưu chưởng, nhưng ta không chế chỉ nổi cái nhân ngã tứ tướng của nhà Phật, nên Mục ngưu thiền chưởng lại hóa ra một loại chưởng mới cực kỳ hung ác. Ta không dạy chưởng này cho Thân Mai. Tuy vậy Mai đã học được tất cả những tinh hoa của Phục nưu thần chưởng âm, nhu. Chỉ dùng Phục ngưu thần chưởng cương, nhu thì Mai có thể thắng Pháp-Minh. Nhưng thể tố Pháp-Minh to lớn, lại đang tuổi khí huyết sung mãn, nhưng thể tố Thân Mai lại quá nhỏ bé, vì vậy trong vòng ba trăm chiêu, không ai có thể thắng ai.



– Thưa sư bá, nế như ba trận đều hòa, thì sư bá có để cho cháu dẫn họ về yết kiếm phụ vương không?



– Dĩ nhiên là sư bá giữ lời hứa. Con nên nhớ rằng trong cuộc Nam xâm của Tống này, giữa mấy nghìn tướng Tống, trăm vạn binh Tống với toàn thể Đại-Việt vốn không thù không oán. Binh, tướng Tống đều là những anh tài tinh hoa của Trung-thổ. Chỉ vì tham vọng điên cuồng của Vươg An-Thạch, mà họ phải xa quê hương, xa cha mẹ, vợ con, thân bằng để xuống miền Nam thấp nhiệt này. Đúng ra, ta chỉ cần hô một tiếng, thì quân Đại-Việt sẽ băm vằm họ ra ngay, nhưng ta không muốn giết họ.



– Vậy sao sư bá không tha cho họ?



– Có ba điều không thể tha cho họ. Một là trong khi chúng ta ở đây, thì công chúa Thiên-Ninh đang dẫn đại quân tập kích quân Tống ở Nam ngạn sông Cầu. Ta tha cho họ về, thì kế hoạch bị lộ. Hai là ta tha cho họ về, rồi Quách Qùy lại sai họ dẫn quân đánh Đại-Việt nữa, như vậy Linh-Nhân hoàng thái hậu sẽ không bằng lòng. Ba là nếu như Quỳ không dùng họ, thì sau này họ trở về Trung-thổ, bọn hủ nho sẽ nêu là những cái quái qủy gì, nào là nhục mệnh quân vương, nào là tướng để mất quân, rồi đem cả nhà họ ra chém.



Minh-Thúy hiểu ngay:



– Con hiểu rồi. Nếu như nay họ được giao cho phụ vương, phụ vương sẽ sai người vưa về trả cho triều đình, lấy lý do rằng họ đã làm hết sức, đã tận trung với quân phụ. Nhưng chẳng may binh lực Đại-Việt quá hung hậu mà sa cơ. Phụ vương mủi lòng vì thương họ là bộ hạ cũ, xin với Đại-Việt tha cho họ. Như vậy, bọn mặt dơi tai chuột ở Tống triều vì kinh sợ phụ vương, mà không dám hại họ.



– Con thông minh thực, thông minh ngang với cô mẫu Thanh-Mai của con.