Ngược Về Thời Minh
Chương 100 : Cứu chồng chốn pháp trường
Ngày đăng: 13:21 30/04/20
Vương Cảnh Long thấy giai nhân áo xanh da trắng miệng thì nói lời "dối lòng", nhưng mắt lại ngấn lệ, chỉ tưởng rằng mình đã nói trúng chuyện thương tâm của nàng ta nhưng nàng không dám thú nhận nên lòng mừng khấp khởi. Hắn lập tức làm ra vẻ thành thật, lấy giọng điệu chân thành thuyết phục:
- Tô tiểu thư! Hôm nay Vương mỗ mạo muội đến đây chính là để cứu cô nương ra khỏi hố lửa. Cô nương không nói ra lời tự đáy lòng, thế là vẫn không tin tại hạ sao? Xin tiểu thư chớ hoài nghi tấm lòng chân thành của tại hạ. Không dám giấu Tô tiểu thư, hôm nay Tam ty hội thẩm, Nghê Khiêm của Khâm Thiên Giám không chịu nổi tra tấn nên đã nhận tội rồi. Hoàng thượng đã hạ chỉ giờ Ngọ ngày mai sẽ lôi cả bốn người Dương Lăng ra cửa chợ khai đao xử chém. Ha ha! Cô nương không cần phải sợ hắn nữa!
Lời hắn thốt ra như sấm sét giữa trời quang. Ngọc Đường Xuân lảo đảo lùi về phía sau mấy bước, mặt hoa tái nhợt, giọng run rẩy:
- Ngươi... Ngươi nói cái gì? Dương đại nhân người... Người sẽ bị chém đầu ư? Ta không tin! Không thể tin! Ta không tin!
Vương Cảnh Long thấy dáng vẻ khiếp đảm hoảng sợ của nàng càng khiến người ta thêm động lòng, bèn ra vẻ doạ dẫm:
- Vương mỗ tuyệt không nói dối! Chẳng những Dương Lăng phải chết mà e rằng cả nhà họ Dương cũng sẽ không yên ổn. Cô nương hoa nhường nguyệt thẹn, quốc sắc thiên hương, chẳng lẽ không sợ bị sung làm quan nô(*), bán vào Giáo Phường ty chịu khổ ư?
(*: nô lệ cho quan lại)
Lúc này trong đầu Tô Tam chỉ ầm ầm dội lại lời nói ngày mai Dương Lăng sẽ bị xử chém, hoàn toàn không thể mở miệng trả lời. Vương Cảnh Long thấy mặt Ngọc Đường Xuân tái mét, bờ môi run run đã đánh mất vẻ hồng hào, còn tưởng rằng lời mình nói đã dọa được nàng, liền dịu giọng an ủi:
- Tuy nhiên tiểu thư cũng không cần phải quá sợ!
Ngay khi Vương mỗ trông thấy tiểu thư lần đầu thì đã thương nhớ khôn nguôi, không thể nào quên. Sao có thể đành lòng nhìn tiểu thư chịu khổ như vậy! Tô tiểu thư, Dương Lăng lấy cô nương làm thiếp nhưng lại giấu giếm gán cho danh phận nô tỳ, thấy rõ hắn chỉ vì tướng mạo của cô nương mà chưa từng có nửa điểm chân tình với cô nương. Tiểu thư còn chưa mau chóng tỉnh ngộ sao?
Hắn thở dài một hơi, cất giọng tiêu sái hỏi:
- Nàng là giai nhân, sao lại theo giặc?
Ngọc Đường Xuân nghe vậy liền giật mình. Vị Vương công tử này hiển nhiên biết không ít nội tình, hắn nói như vậy chỉ vì muốn cứu mình ư? Nếu như Hoàng Thượng thật sự muốn tống cả nhà họ Dương vào Giáo Phường ty, hắn làm gì có cách cứu người cho nổi? Chẳng lẽ hắn còn có chủ ý gì khác?
Ngọc Đường Xuân là người như thế nào chứ? Nàng là người sống bằng nghề vui cười trước mặt người, gạt giấu lệ sau lưng, rất giỏi việc che giấu tình cảm. Nảy lòng nghi ngờ, nàng lập tức lao lên phía trước, phủ phục xuống thút thít:
- Hồng Phất dạ bôn (1), Lục Châu trụy lầu (2). Những nữ tử mạng khổ như nô tỳ chúng tôi cả đời cũng chỉ cầu có được một đấng lang quân có tình mà thôi. Dương Lăng không phải là kẻ thiện lương, mong công tử hãy xót thương mà cứu lấy tiểu tỳ!
Vương Cảnh Long mừng rỡ, vội vàng bước lên đỡ nàng dậy, an ủi:
- Tiểu thư không cần đa lễ! Vương mỗ có thể có được người ngọc như tiểu thư, chính là ôm được mộng đẹp, cầu còn không được.
Nói rồi hắn không nhịn được bèn sỗ sàng vuốt nhẹ cổ tay mềm mại của Ngọc Đường Xuân.
- Nếu như để tỷ gặp nhân chứng đó, tỷ sẽ có biện pháp làm cho hắn... làm cho hắn trở nên điên điên khùng khùng, lời nói của hắn sẽ không thể làm chứng cứ được nữa. Chỉ có điều phải làm sao mới có thể gặp hắn đây? Huống chi chính ngọ ngày mai Dương đại nhân sẽ... sẽ... Không kịp nữa rồi!
Nghe bọn họ nói như vậy, tâm tư Hàn Ấu Nương trở nên linh hoạt, nàng chợt nhớ đến lời Dương Lăng nhờ Tiền Ninh chuyển lại cho nàng. Thế là tinh thần phấn chấn, nàng bèn bảo ba người Ngọc Đường Xuân:
- Những chuyện này có thể từ từ rồi tính, việc cấp bách trước mắt là ngăn cản việc hành hình. Ấu Nương đã có chủ ý, có lẽ có thể buộc được Hoàng Thượng phải phúc thẩm. Nhưng biện pháp này rất là nguy hiểm, cũng có khả năng khiến cho Hoàng Thượng phẫn nộ, chém đầu chúng ta ngay tức khắc. Các vị tỷ muội... các vị thật sự nguyện ý ở lại?
Ba người con gái đồng loạt kiên quyết gật đầu, không hề có chút do dự. Hàn Ấu Nương nén lệ đứng lên bái lạy ba người. Ba người Cao Văn Tâm thấy vậy lật đật quỳ xuống hoàn lễ. Cao Văn Tâm nói:
- Phu nhân vạn lần chớ làm như vậy, chúng tôi thật không dám nhận.
Hàn Ấu Nương ngậm lệ cười nói:
- Tuyết Nhi nói rất đúng, vì tướng công, dù chỉ còn một tia hy vọng, ta cũng phải nỗ lực tranh thủ. Tướng công vì ta mà chống lại thánh chỉ, một đứa con gái như ta lại không tố được ngự trạng sao? Ba vị ở nhà họ Dương ta gặp đại nạn mà không rời bỏ, Ấu Nương thay mặt tướng công tạ ơn các vị. Nếu không chê, Ấu Nương nguyện cùng các vị kết làm tỷ muội, từ đây đồng cam cộng khổ, họa phúc cùng chia!
Ba vị cô nương đưa mắt nhìn nhau, rồi cùng dập đầu lạy theo Ấu Nương. Bầu trời đang trút cơn mưa dầm dề bỗng loé ánh chớp, liền sau đó là một tiếng sấm nổ vang rền, toàn bộ khung cửa sổ rung lên bần bật.
...
Chú thích:
(1) Hồng Phất dạ bôn là một câu truyện kể về một người con gái. Nàng vốn là người của Dương Tố, một kẻ vô cùng giàu có. Về sau nàng gặp được Lý Tĩnh (sau là đại thần nhà Đường), một kẻ nghèo kiết xác, tiền đồ mờ mịt, nàng đã chọn y. Trong đêm tối nàng trốn ra ngoài cùng theo y chịu khổ, lang bạt, cuối cùng cũng đổi được một cuộc sống tốt đẹp.
(2) Lục Châu trụy lầu là một câu truyện cổ kể về số phận một ca kỹ nổi danh thời Tấn. Tán kỵ thường thị Thạch Sùng trên đường đi sứ trở về thì gặp một đám cường đạo đánh cướp mẹ con Lục Châu. Sùng hạ lệnh cho quân sỹ đánh đuổi cường đạo, cứu mẹ con Lục Châu, đồng thời đưa Lục Châu về Lạc Dương. Tôn Tú là thuộc hạ của Phan Nhạc, theo Phan đi đón Sùng, thấy vẻ đẹp của Lục Châu sỗ sàng khen ngợi, bị mắng cho. Tôn thẹn quá hoá giận, nhờ vả Tư Mã Luân, rình cơ hội đoạt lấy Lục Châu. Tư Mã Luân muốn soán vị đã lâu, nhưng lại sợ Tư Mã Duẫn sẽ đối đầu với mình, nên sau đó dùng kế của Tôn Tú, giết chết Tư Mã Duẫn. Tôn Tú thừa cơ tấu lời sàm ngôn, giết chết Thạch Sùng, Phan Nhạc, rồi bao vây Kim Cốc viên, lùng bắt Lục Châu. Bị cưỡng ép, Lục Châu đã nhảy lầu tự tử.
(3) Lương Hồng Ngọc, người Sở Châu, Hoài An, sinh vào niên hiệu Sùng Ninh, đời Tống Huy Tông (1102), mất năm 1153. Nàng xuất thân trong một gia đình cả cha và ông nội đều là những võ tướng kiệt xuất của Đại Tống, vì dẹp loạn Phương Lạp thua trận nên bị tội chém đầu, khiến cảnh nhà lâm vào túng quẫn. Nàng phải bán thân, nhưng với tinh thần quật khởi, đã trở thành một nữ tướng duy nhất xuất thân từ kỹ nữ, thành phần được coi là thấp kém trong xã hội phong kiến. Nàng lấy chồng là Hàn Thế Tung, một danh tướng nhà Tống, cùng thời với Nhạc Phi.
(4) Văn Thiên Tường (6/6/1236 - 9/1/1283), người Cát Châu, Lô Lăng (nay là huyện Cát An, Giang Tây), là anh hùng dân tộc Trung Hoa. Ban đầu có tên Vân Tôn, tự Thiên Tường, sau khi được tiến cử vào triều, đổi thành Thiên Tường, tên tự thành Lữ Thiện, sau khi đỗ trạng nguyên lại đổi tên tự thành Tống Thuỵ. Sau vì cư trú ở Văn Sơn, nên lại có hiệu là Phù Hưu đạo nhân. Văn Thiên Tường trung liệt danh truyền hậu thế. Sau khi ông bị bắt làm tù binh, Nguyên Thế Tổ (Hốt Tất Liệt) lấy cao quan hậu lộc dụ dỗ khuyên hàng, Văn Thiên Tường thà chết không chịu khuất phục, ung dung chấp nhận hy sinh, được hậu thế khen ngợi. Ông cùng với Lục Tú Phu, Trương Thế Kiệt được sử Tàu xưng làm "Tống mạt tam kiệt" (ba bậc hào kiệt thời mạt Tống).
(5) Lục Phiến môn (nha môn cửa xanh) là một nha môn nằm gần cửa Tây trong thành Bắc Kinh phồn hoa, là nơi làm việc của các thư lại (quan đưa chuyển công văn). Tương truyền "Lục Phiến môn" được bộ Hình lập nên nhằm giải quyết các thế lực tàn dư và cường hào lục lâm, là trại huấn luyện bí mật, chuyên huấn luyện những thiếu niên khoẻ mạnh làm tay sai.
(6) Lạc khoản (trong thư pháp cũng gọi là khoản thức) là dòng chữ nhỏ để tên họ và ngày tháng ở trên các bức hoạ hay bức đối trướng.
(7) Ngô hoàng ở đây nghĩa "vua của chúng ta" chứ không phải là vua nước Ngô. Trong Hán ngữ, "Ngô hoàng" hay "Ngô vương" chỉ danh xưng của các vị hoàng đế phương Bắc nói chung. Có ý kiến cho rằng, vì người sáng lập ra triều đại nhà Minh, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, sau khi đánh chiếm Tập Khánh (Nam Kinh ngày nay), được Tiểu Minh vương Hàn Lâm Nhi tiến phong làm Ngô Quốc công, cho nên các vị vua triều Minh sau đó được gọi là Ngô hoàng. Dân ta khi xưa chống quân xâm lược phương Bắc cũng gọi chúng là giặc Ngô.