Nhạc Phi Diễn Nghĩa
Chương 38 : Hồi thứ ba mươi tám
Ngày đăng: 08:33 19/04/20
Đứng trên bờ, Ngột Truật vô cùng giận dữ khi thấy con thuyền đã vượt qua tầm bắn của cung nỏ.
Ngột Truật quay lại hỏi quân sư:
- Bây giờ biết liệu sao đây?
Hấp Mê Xi đáp:
- Bất quá chúng trốn qua Hà Nam tìm Nhạc Phi là cùng, chúng ta cứ việc đến đó thì gặp.
Ngột Truật nói:
- Nếu vậy để ta dẫn binh đi trước đuổi theo chúng nó, còn quân sư ở lại thôi thúc lương thảo đem đốn cho mau.
Nói rồi Ngột Truật hô quân cứ dọc theo sông Tiền Đường đuổi theo. Đi được
hồi lâu bỗng thấy ba người dân chài đang đứng bờ sông câu cá, Ngột Truật hỏi:
- Ba vị đứng đây câu cá có thấy một chiếc thuyền chở bảy tám người đi ngang qua đây không?
Ba người đồng thanh đáp không nghĩ:
- Có, có chiếc thuyền chở độ bảy tám người già có, trẻ có đi ngang qua đây.
- Thế thì ba vị dẫn ta đuổi theo, nếu bắt được ta sẽ trọng thưởng.
Ba người kề tai nói nhỏ:
"Để ta lừa hắn chạy theo mé sông khi nước triều lên chết cho bõ ghét".
Một người lên tiếng nói:
- Được ông hãy theo chúng tôi.
Rồi Ngột Truật dẫn binh theo ba người ấy chạy dọc theo mé sông. Chẳng bao
lâu bỗng thấy nước triều lên, sóng bủa dữ dội, dâng cao hơn mười trượng, sóng dữ cuồn cuộn như muôn ngựa phi nhanh. Chỉ vì tại chỗ sông Tiền
Đường này, nước thủy triều lên vô cùng nguy hiểm, chỉ trong giây phút
sóng bủa mịt trời, rủi đang đứng dưới mé sông không tài nào thoát khỏi.
Ngột Truật hoảng vía kinh hồn, vội quay ngựa chạy nhanh lên chỗ cao
đứng, còn cả vạn quân lẫn ba ông chài đều bị cuốn trôi theo dòng nước... Về sau mới biết ba người ấy là dân châu Kim Chúc, quyết liều chết cứu
chúa, nên giả làm kẻ chài lưới đánh lừa Ngột Truật. (Sau này Cao Tông
phong là Một Tràng Thổ Địa Châu Kim Chúc tam tướng công. Đến nay di tích ấy vẫn còn).
Ngột Truật biết mình lầm kế ông chài bị hao binh tổn tướng nên giận lắm, kế thấy quân sư hớt hải chạy đến, nói:
- Tôi nghe quân báo hết hồn hết vía, tuy hao hết một số quân nhưng Chúa
công bình yên vô sự là may lắm rồi, thôi bây giờ phải theo đến Hồ Quảng
bắt cho được Khương Vương để rửa hờn.
Nói rồi vội thôi thúc binh mã đuổi theo.
Cao Tông được hải thuyền cứu thoát, chạy một hồi, bỗng thấy một chiếc
thuyền lớn từ bên kia xăm xăm lướt tới Khi đến sát, mấy tên cường đạo từ thuyền lớn nhảy sang muốn ra tay, bỗng nghe các đại thần la lớn lên:
- Không được làm kinh động thánh giá.
Mấy tên cường đạo hỏi:
- Thánh giá nào, ở đâu?
Lý Thái sư nói:
- Ấy là vua Cao Tông Tống triều thiên tử đó.
Mấy tên cường đạo nghe nói vội chạy vào trong khoang thuyền bắt cả Cao Tông cùng các quan đại thần trói lại bỏ hết qua thuyền lớn giải thẳng về Xà
Sơn nạp cho một vị đại vương.
Vị đại vương ấy hỏi:
- Hôm nay nghe chúng bay bắt được ai đó.
Lâu la đáp:
- Chúng tôi bắt được Tống Triều hoàng đế.
Vị đại vương ấy nghe bốn tiếng Tống Triều hoàng đế lửa giận phừng lên, hét lớn:
- Hãy đem chém phắt cho ta!
Lý Can nói:
- Hãy khoan đã, chốn này là rừng biển chúng ta không có cánh bay đi đâu
mà sợ, hãy nói cho rõ ràng minh bạch, bọn ta có thù hận chi với ngươi,
thì dù có chết cũng cam lòng!
Đại vương ấy gật đầu:
- Được
rồi, muốn biết rõ căn nguyên bị bắt và cái chết của các ngươi, hãy theo
một tên đầu mục của ta đi ra ngoài kia xem thì biết.
Nói rồi cho gọi một tên đầu mục dẫn Vua tôi Cao Tông đi ra ngoài. Đến đây lại thấy hai bên vách đáy những bức tượng.
Lý Can hỏi tên đầu mục:
- Những bức tượng này là sự tích chi vậy?
Đầu mục đáp:
- Đó là sự tích Lương Sơn Bạc, Đại vương Tống Giang xuất thần. Còn đại
vương của ta đây chính là người ở Bắc Kinh rất có đanh vọng, xưng là
Lãng Tử Yến Thanh, vì thấy Tống đại vương một đời trung nghĩa lại bị
gian thần hại chết một cách oan ức, nên người vừa chán đời vừa căm hận
như vậy.
Lý Can nghe nói liền xem qua các bức tượng hồi lâu rồi gật đầu lẩm bẩm:
- Đúng là sự tích này đây.
Nói rồi tức khóc rống lên kể lể tiếc thương Tống Giang một bậc trung nghĩa
mà bị thác oan. Rồi lại nổi giận lôi đình mắng nhiếc Yến Thanh không
tiếc lời, Lý Can nhiếc:
- Yến Thanh, mi quả là đứa vong ân bội
chúa, đã bất tài chẳng biết làm sao giết cho được Thái Kinh và Đồng Quân là bọn gian thần để báo thù cho chúa minh, lại tham sinh úy, tử bỏ đến ở chốn này hưởng sự sung sướng một mình.
Lãng Tử Yến Thanh ngồi bên trong nghe Lý Can mắng nhiếc thậm tệ, không một chút tức giận lại nghĩ
thầm: "Lão già này mắng ta như vậy có lý lắm chứ chẳng phải không".
Nghĩ rồi gọi đầu mục vào bảo:
- Ngươi hãy đưa bọn chúng xuống mé biển bỏ đó cho chúng đi đâu thì đi.
Đầu mục vâng lệnh dắt Vua tôi bảy tám người đem bỏ dưới mé biển rồi trở về
núi. Cao Tông cùng bọn đại thần nhìn nhau vừa khóc, vừa nói:
- Ở đây sông nước mênh mông, lũ cường đạo lại đem bỏ chúng ta chỗ này biết đường nào mà đi? Trước sau gì cũng chết đói.
Còn đang than khóc, bỗng thấy một chiếc thuyền lớn đang trương buồm xăm xăm lướt tới. Mấy vị đại thần mừng rỡ, đồng thanh kêu cầu cứu.
Hôm sau chư tướng tề tựu trước Linh Quang điện thấy có treo một tấm bản văn như sau:
- Võ Xương Khai Quốc Công, Thiếu Bảo, đô đốc Đại Nguyên soái Nhạc Phi bố cáo rằng:
"Nay bổn soái vâng mệnh vua thống lĩnh lục quân, hiệp với chư tướng diệt Kim phò Tống, hết lòng với vua, vì vậy quân tướng phải tuân theo những điều luật sau đây:
- Nghe điểm danh không đến thì chém.
- Tự tiện vào quân môn thì chém.
- Nghe chiêng chẳng lui thì chém.
- Ra binh một mình thì chém.
- Cướp giựt của dân thì chém.
- Gian dâm vợ con người thì chém.
- Tiết lậu cơ binh thì chém.
- Ra trận cãi lại thì chém.
- Cờ bạc trong cơ binh thì chém.
- Bày điều họa phúc thì chém.
- Chẳng giữ pháp độ thì chém.
- Cười nói rầy rà thì chém.
Say rượu vào dinh thì chém."
Đời Đại Tống vua Kiếm Viêm năm... tháng... ngày...
Lúc ấy Ngưu Cao nghe chư tướng đọc rõ từng điều một. Khi nói đến hai điều sau cùng, trong lòng bất mãn vô cùng, nói:
Đừng đọc tầm bậy, đai huynh ta đã biết hễ chúng ta uống rượu say thì hay nói lớn tiếng, có lẽ nào đại huynh lại biên hai điều ấy vào đó? Thôi, để
chút nữa ta đi đại vào viên môn xem thử đại huynh có chém ta không?
Khi chư tướng vào đến trước dinh, bỗng thấy Trương Bảo chạy truyền:
- Hôm nay Nhạc Nguyên soái không ra trướng, xin chư tướng hãy lui về, mai sớm sẽ tề tựu đến hầu lệnh.
Chư tướng nghe lệnh bèn đưa nhau ra về, còn Ngưu Cao nói thầm:
- Để sớm mai ta uống rượu cho say vùi rồi sẽ đến xem thử đại huynh ta có thái độ gì thì biết.
Nhạc Nguyên soái khi thấy chư tướng về hết rồi liền sai Trương Bảo đi gọi
Thang Hoài, Thang Hoài theo chân Trương Bảo vào dinh ra mắt Nhạc Nguyên
soái. Nhạc Nguyên soái liền nói:
- Nay gọi hiền đệ đến đây không
có việc gì khác, chỉ vì điều luật ta truyền ra thì nhằm trúng chứng bệnh của Ngưu đệ cho nên hôm nay ta không thăng trướng, vì e lệnh mới phát
ra mà không chém nó thì làm sao điều khiển được ba quân được? Còn như cứ phép mà làm, thì phương hại nghiêm trọng đến tình huynh đệ. Vậy thì
hiền đệ hãy làm như vầy, như vầy... thì mới vô sự.
Nhạc Nguyên
soái nói nhỏ xong xuôi, Thang Hoài vội đi thẳng đến dinh Ngưu Cao, thấy
Ngưu Cao đang ngồi uống rượu, còn Ngưu Cao thấy Thang Hoài bước vào thì
nói lớn:
- Thang Nhị ca đến đúng lúc lắm, vậy hãy uống với đệ vài chén cho vui.
Thang Hoài lại rót uống vài chén rồi nói:
- Ta có một việc cần bàn bạc với hiền đệ:
Ngưu Cao hỏi:
- Việc gì vậy?
Thang Hoài nói:
- Hiền đệ có biết tại sao hôm nay Nhạc đại huynh không chịu thăng trướng
không? Ta biết rõ việc này lắm, vì đại huynh muốn sai người đi Tương
Châu thôi thúc lương thảo, ngặt vì có quân Phiên ngăn không ai dám đi,
nên Nhạc đại huynh buồn rầu không chịu thăng trướng, còn ta đây một mình cũng chẳng dám đi, không biết làm sao mà lập cho được cái công lao ấy,
nên phải đến đây bàn bạc với Ngưu đệ.
Ngưu Cao nói:
- Ồ, thứ quân Phiên nô mà sợ nỗi gì? Để mai đệ đi một mình cho Thang huynh xem.
Thang Hoài nói:
- Nếu vậy thì ngày mai đệ đừng uống rượu để vào nhận lệnh mà đi, kẻo để người khác giật công này thì uổng lắm.
Ngưu Cao nói:
- Đệ cảm ơn huynh.
Thang Hoài từ biệt ra về.
Sáng hôm sau, Nhạc Nguyên soái thăng trướng, chư tướng làm lễ ra mắt xong
xuôi phân đứng hai bên nghe lệnh. Thang Hoài xem thấy Ngưu Cao cúi đầu
lẳng lặng đi vào dinh trong lòng mừng thầm.
Nhạc Nguyên soái nói:
- Muốn thắng được địch quân, điều cần yếu là lương thảo phải đầy đủ, nay
là lúc giao binh vô cùng quan trọng, vậy việc lương thảo càng cần kíp
hơn nữa, ngặt vì dưới núi có quân Phiên ngăn trở, làm sao ra khỏi dinh
của chúng nó được? Chẳng hay có ai dám nhận lệnh bổn soái đi qua Tương
Châu vận lương không?
Nói chưa dứt lời, Ngưu Cao liền bước ra nói:
- Tôi xin đi.
Nhạc Nguyên soái dùng kế khích tướng, nói:
- Lần này đệ nên nhường cho tướng khác. Phải là người rất tài ba mới có thể vượt ra khỏi quân Phiên được!
Ngưu Cao đáp:
- Sao Nguyên soái lại đề cao địch quân lắm vậy? Quân Phiên tặc sức lực
tài cán bao nhiêu mà sợ? Nếu tôi ra không làm được thì xin dâng thủ cấp.
Nhạc Nguyên soái nói trịnh trọng:
- Vậy ta sẽ giao cho tiên phong Đô Thống lệnh tiễn và phong thư đây, hạn trong bốn ngày đêm phải
đến Tương Châu, Đô thống phải cẩn thận và đi cho mau, về cho chóng.
Ngưu Cao vâng lệnh cất bức văn thư vào mình, tung mình lên ngựa, vung giản côn xông thẳng xuống núi.
Nhạc Phi và chủ tướng xúc động trông theo vị tướng quân trung kiên mà lòng dung cảm có thừa.