Phượng Hoàng Đồ Đằng
Chương 6 : Sinh hữu hà hoan [sống, có gì vui?]
Ngày đăng: 22:04 21/04/20
Sáng sớm, Trương thị dẫn theo một đám người hầu, bao vây tiểu viện [1] hẻo lánh của Minh Đức. Mụ sai một tên đầy tớ vừa đập cửa rầm rầm vừa la hét ỏm tỏi: “Tiểu thiếu gia [2] còn chưa chịu dậy? Mặt trời lên quá đỉnh đầu rồi! Có ai sung sướng như cậu, mỗi ngày chỉ nhàn rỗi rong chơi mà vẫn được ăn cơm trắng!”
Trương thị khoác áo lông khôi thử [3] đứng một bên sang sảng ra lệnh: “Gọi to gõ mạnh vào! Bảo người thỉnh lão gia đến xem đứa con ngoan do lão sinh ra!”
Tên đầy tớ nghe vậy càng hăng say đập hét, mãi đến lúc nghe ‘két’ một tiếng, mới thấy Minh Đức khoác một tấm hắc y trường bào, sắc diện vô tình đẩy cửa bước ra, buông một câu: “Thái thái vẫn khỏe?”
Trương thị im lặng đánh giá y từ đầu xuống chân, sắc mặt của y rất khác mọi ngày, bình thường luôn thản nhiên châm chọc, hôm nay rõ ràng có vẻ rất cáu kỉnh (với cả chính thất đại thái thái như mụ). Nhìn kỹ có thể thấy mặt y tái nhợt, trên người lại thoang thoảng một mùi kỳ lạ, tựa như mùi máu tươi.
Trương thị gườm gườm diễu quanh y một vòng, bĩu môi móc mỉa: “Nhìn đại thiếu gia kìa! Trời đã sáng rõ, vẫn trốn trong phòng ngủ kỹ! Đêm qua chắc lại trốn đi ăn chơi trác táng chứ gì? Nhìn con trai ngoan kìa!”
Mụ vừa nói vừa xỉa xói những móng tay đỏ choét vào mặt Minh Đức. Biểu cảm của y càng lúc càng chán ghét, hơi hướng mắt sang phía khác. Cho rằng lòng tự tôn của mình bị tổn hại, mụ bèn sấn sổ nhào tới chụp lấy tay y: “Cái gì đây? Tại sao ngươi lại nặng mùi máu đến vậy? Ra ngoài giết người cướp của à?”
Bàn tay trắng nõn nà của mụ bỗng ướt nhớp nháp một thứ chất lỏng thắm đỏ. Chưa từng gặp qua tình huống này, mụ chỉ biết gào tướng lên: “A! —— Là ngươi tự đâm đầu vào chỗ chết nha!”
Hạ nhân kẻ vội vàng nhào tới đỡ thái thái, kẻ hốt hoảng kêu la rầm trời. Trương thị run rẩy chĩa tay vào mặt Minh Đức, lắp bắp: “Ngươi ngươi ngươi… ngươi dám nhìn ta kiểu đó à?? Ngươi định ăn thịt ta? Ngươi là tên dã chủng [4]phạm thượng tác loạn! Người đâu, mau kêu lão gia! Kêu lão gia tới đây!”
Thượng Quan Thị lang đang nằm phê trên giường tiểu thiếp thì bị đánh thức, hiển nhiên lửa giận phừng phừng bốc cao. Tên người hầu sợ đến mức lạc giọng: “Minh Đức thiếu gia… cậu ấy… cậu ấy…”
Thượng Quan Thị lang một cước đạp hắn văng xuống đất: “Ấy ấy ấy cái khỉ gì?? Rặt một lũ hạ tiện vô dụng!”
Tên người hầu cuống quýt đứng lên nói tiếp: “…Cậu ấy giết… giết người! Máu! Toàn là máu!”
Bản mặt già nua trắng bệch vì sợ, lão cuống cuồng chạy đến từ đường, thấy diện mạo Minh Đức như vậy, chỉ biết ngoạc mồm mà chửi rủa: “Đồ đáng chết! Dám học đòi thói gây rối đánh lộn?! Người đâu, mang gia pháp [5] đến đây! Hôm nay ta phải giáo huấn tên nghịch tử này đến nơi đến chốn!”
Hạ nhân theo lệnh Trương thị, đã sớm đem gậy đến. Thượng Quan Thị lang cầm ‘gia pháp’ trong tay, vận hết khí lực giáng thẳng xuống người Minh Đức, không ngờ y bình thường chỉ trầm mặc lặng lẽ, hôm nay bất thần đưa tay chụp gọn cây gậy.
Lão cố sức giằng ra, nhưng tay y như được đúc bằng thép, không mảy may di động. Thượng Quan Thị lang hai mắt trừng to, giận đến mức mặt tím tái: “Đại nghịch bất đạo! Tưởng ta không dạy nổi ngươi?!!” Tiếp theo lại cố sống cố chết giơ gậy định đánh y.
Minh Đức sắc mặt băng lãnh, chỉ nhẹ nhàng hất tay, ‘cộp’ một tiếng đã thấy cây gậy văng xa tít mù. Thượng Quan Thị lang bị đẩy mạnh, suýt chút nữa mặt thân ái hôn đất, lồm cồm bò dậy vỗ đùi chửi rủa: “Hỗn trướng [6]! Hỗn trướng! Phản loạn! Vô vương pháp! Người đâu, áp giải thằng nghịch tử này đến phòng tạm giam, không cho nó ăn cơm!”
Phòng tạm giam ở ngay cạnh kho chứa củi, bên ngoài bị phong kín bởi một ổ khóa to đùng, bên trong là thạch thất trống huơ trống hoác. Tiết trời tam cửu [7] rét thấu xương, Minh Đức trầm mặc rúc vào một góc, tay cầm vài ba quyển sách, vốn do Thượng Quan Thị lang đưa cho, bảo y đọc để chuẩn bị tham dự xuân vi [8].
[1] tiểu viện: chái nhà, nơi trú ngụ, căn phòng nhỏ
[2] nguyên bản dùng “ca nhân”: tiếng gọi thiếu kính trọng một nam nhân bằng tuổi
[3] khôi thử: một loại động vật to cỡ con sóc, sống ở Tân Cương, lông mềm như nhung, màu vàng sáng có bụi đen li ti [nên mới gọi là khôi (tro bụi) thử (con chuột)], thường dùng làm áo khoác hoặc khăn quàng cổ, cực kỳ quý báu
Minh họa “áo khoác bằng lông khôi thử” – một cảnh trong phim “Hồng lâu mộng”:
[4] dã chủng: thứ/đồ thô lỗ, ngang ngược
[5] gia pháp: hình cụ để cha mẹ trừng phạt con cái [hoặc chủ nhân trừng phạt đầy tớ] thời phong kiến
[6] hỗn trướng: tiếng chửi, tương tự “vô lại, vô liêm sỉ, khốn nạn…”
[7] tam cửu: Theo cách tính toán thời tiết của nông lịch Trung Quốc, trong mùa đông có “cửu cửu” ngày (9 x 9 = 81 ngày), tính từ ngày Đông chí (ngày bắt đầu mùa đông, thường rơi vào ngày 21 hoặc 22 tháng 12 Dương lịch), 9 ngày tiếp theo gọi là “nhất cửu”, 9 ngày tiếp theo nữa gọi là “nhị cửu”… cứ thế mà tính đến “cửu cửu” thì xem như mùa đông kết thúc, mùa xuân lại về. Dân gian có câu “Sổ cửu hàn thiên, lãnh tại tam cửu” (đếm cửu cửu ngày lạnh, rét nhất chính là tam cửu). “Tam cửu” thường bắt đầu từ ngày 9 đến ngày 17 tháng Giêng (Dương lịch)
[8] xuân vi: kỳ thi mùa xuân/kỳ thi Hội. Thời phong kiến có ba kỳ thi lớn: thi Hương, thi Hội và thi Đình. Thi Hội là kỳ thi về Nho học do bộ Lễ của triều đình phong kiến tổ chức ba năm một lần tại các trường trung ương để tuyển chọn người có tài, học rộng. Đậu kỳ thi Hội thì mới được phép dự thi Đình. Kỳ thi Hội thường được tổ chức vào mùa xuân nên còn được gọi là “xuân vi” [theo Wikipedia]
[9] cửu phượng: phượng đại diện cho Hoàng hậu, tương tự như rồng đại diện cho Hoàng đế, người Trung Quốc tin rằng số 9 [cửu] tượng trưng cho sự vĩnh cửu và trường tồn của đất trời, thế nên những gì thuộc về vua chúa cũng đều gắn với số 9…
[10] Thị lang phường: “phường” là khu vực thị dân tụ họp buôn bán, ở đây có thể hiểu “Thị lang phường” là “khu vực xung quanh phủ đệ của [Thượng Quan] Thị lang”
[11] tú lâu: tú: việc thêu thùa – lâu: nhà có lầu
[12] gia: tiếng tôn xưng chủ nhân hoặc người bề trên
[13] cẩu cấp khiêu tường: [thành ngữ] chó nổi khùng cũng có thể leo tường [QT đại nhân dịch là “chó cùng rứt giậu”, rất là hay, rất là sát ý, xin hoan hô QT đại nhân! ^O^]
[14] dược cao: thuốc đun cho đặc sệt lại, để giữ được lâu