Quyền Lực Thứ Tư
Chương 6 :
Ngày đăng: 15:13 19/04/20
Báo
DAILY MAIL
Ngày 8 tháng Hai, 1946
YALTA: HỘI NGHỊ TAM CƯỜNG
Khi Keith trở lại học năm cuối tại trường Thánh Andrew, chẳng ai ngạc nhiên khi ông hiệu trưởng không bảo cậu làm lớp trưởng.
Tuy nhiên, có một ghế khá nhiều quyền lực mà cậu rất muốn, cho dù chẳng ai trong số học sinh ở trường cho cậu một chút cơ hội để có được ghế đó.
Keith hy vọng trở thành tổng biên tập của tờ Thánh Andy, tạp chí của trường, giống như cha cậu trước đây. Địch thủ của cậu là một học sinh cùng lớp tên là Tomkins "Mọt sách", từng là phó tổng biên tập từ năm trước và được ông hiệu trưởng coi là có "đôi tay an toàn". Tomkins đã được vào danh sách nhận học bổng của trường Cambridge nghiên cứu về tiếng Anh, được sáu mươi ba học sinh lớp 12 có quyền bỏ phiếu coi là có năng lực nhất. Nhưng đó là trước khi có người nhận ra rằng Keith muốn ghế đó đến mức nào.
Ngay trước khi bầu cử diễn ra, Keith bàn luận vấn đề này với cha khi họ đi dạo trong khu vực của gia đình ở ngoại ô.
"Cử tri thường đổi ý vào phút cuối", cha cậu bảo. "Họ phần lớn dễ bị mua chuộc hoặc doạ nạt. Đó là kinh nghiệm của cha, cả trong chính trị lẫn thương trường. Cha không biết tại sao học sinh lớp 12 trường con lại có thể khác". Hầu tước Graham dừng lại khi họ tới đỉnh đồi nhìn xuống khu nhà. "Và đừng bao giờ quên con có lợi thế hơn phần lớn các ứng cử viên trong các cuộc bầu cử ".
"Sao lại thế?" Cậu thanh niên mười bảy tuổi hỏi trên đường từ đồi về nhà.
"Với một cử tri đoàn nhỏ xíu như thế, con biết hết các cử tri".
"Nếu con được lòng mọi người hơn Tomkins thì mới có lợi thế", Keith nói. "Nhưng lại không phải vậy".
" Ít ai chỉ dựa vào việc được lòng dân để đắc cử đâu con ạ", cha cậu trấn an. "Nếu thế thì nửa số lãnh đạo trên thế giới đã bị rụng từ lâu. Không ví dụ nào rõ hơn trường hợp của Churchill".
Keith chăm chú lắng nghe lời cha trong khi họ trở về nhà.
Trở lại trường, cậu chỉ còn mười ngày để thực hiện những khuyến nghị của cha cậu trước khi cuộc bầu cử bắt đầu. Cậu thử đủ các kiểu thuyết phục mà cậu có thể nghĩ ra: vé tới xem các trận đấu ở sân vận động MCG, bia và những bao thuốc lá lậu. Thậm chí cậu còn hứa với một học sinh là sẽ đi chơi với chị gái cậu ta. Nhưng mỗi lần ngồi tính số phiếu, cậu lại càng không tin tưởng mình sẽ được đa số. Đơn giản là vì không có cách nào để biết người ta bỏ cho ai trong cuộc bầu phiếu kín. Và Keith càng không yên tâm bởi việc ông hiệu trưởng không úp mở gì về chuyện ai là người ông muốn đắc cử.
Khi chỉ còn bốn mươi tám tiếng trước khi bầu cử diễn ra, Keith bắt đầu xem xét cách thứ hai mà cha cậu bày cho là doạ dẫm. Nhưng dù suốt đêm nằm tính kỹ chuyện này, cậu vẫn không thể tìm được cách nào có khả năng thực thi nhất.
Chiều hôm sau, cậu tiếp Alexander Duncan, người mới được chỉ định làm lớp trưởng.
"Mình muốn có vé xem trận Victoria đấu với Nam Úc ở sân vận động MCG",
"Đổi lại, tớ được gì?", Keith vẫn ngồi cạnh bàn hỏi.
"Lá phiếu của tớ. Đó là chưa kể tớ có thể tác động những cử tri khác".
"Trong bầu phiếu kín ư? Cậu đừng khoác lác".
"Cậu nghi lời nói của tớ không đáng để cậu tin ư?".
"Đại khái là như vậy", Keith trả lời.
"Còn cậu nghĩ thế nào nếu tớ cung cấp cho cậu những chuyện bẩn thỉu của Cyril Tomkins?"
"Còn tuỳ thuộc chuyện đó có thể bôi nhọ được hắn không đã".
"Chuyện này mà tung ra thì chắc chắn nó sẽ phải rút khỏi cuộc đua".
"Nếu đúng như thế thì tớ không chỉ kiếm cho cậu hai vé ở hạng ghế dành cho hội viên, mà sẽ đích thân giới thiệu cậu với bất cứ cầu thủ nào cậu muốn gặp. Nhưng trước khi trao vé, tớ muốn cậu cho biết chuyện về Tomkins thế nào đã".
"Sau khi tớ nhìn thấy vé”.
"Cậu nghĩ lời nói của tớ không đáng để cậu tin ư?" Keith nhăn nhở hỏi lại.
"Đại khái là như vậy”.
Keith mở ngăn kéo trên cùng, lấy ra một hộp nhỏ. Cậu tra chiếc khoá rất nhỏ vào ổ và xoay tròn. Cậu mở nắp, tìm kiếm bên trong, cuối cùng lấy ra hai cái vé mỏng dài.
Cậu giơ cao để Alexander nhìn cho rõ.
Nhìn thấy nụ cười trên mặt cậu bé, Keith bảo: "Nào, chuyện gì mà cậu dám bảo sẽ làm Tomkins ngứa ngáy?”.
"Nó là thằng đồng tính luyến ái".
"Với ai?", Penny hỏi. "Anh đâu có chơi cho đội bóng?".
"Ừ, họ cũng chưa tuyệt vọng đến mức cần có anh", Keith cười bảo. "Nhưng anh phải có mặt trong cuộc phỏng vấn để vào trường Oxford".
"Vậy thì việc quái gì phải lo? Nếu chẳng may phải vào đó học, nó càng khẳng định nỗi sợ tồi tệ nhất của người ta về người Anh".
"Anh biết thế, nhưng...", cậu vừa nói vừa mặc lại quần lần thứ hai.
"Nhưng em nghe bố em bảo với ông Clarke là ông đưa tên anh vào danh sách chẳng qua chỉ để làm vừa lòng mẹ anh thôi”.
Penny hối tiếc ngay là đã buột miệng nói ra câu đó.
Keith nheo mắt nhìn cô gái lúc đó đang nằm, mặt không hề đỏ.
Keith dùng số báo thứ hai để bày tỏ quan điểm của mình về giáo dục tư thục.
"Trong khi chúng ta sắp bước vào nửa sau của thế kỷ XX, tiền bạc không còn có thể đảm bảo cho một nền giáo dục tốt", bài bình luận tuyên bố. "Những trường tốt nhất cần phải được mở cửa cho bất cứ học sinh nào tỏ ra có khả năng, chứ không phải chỉ cho những người sinh ra trong những gia đình khá giả”.
Keith chờ đợi cơn thịnh nộ của ông hiệu trưởng, nhưng phía nhà trường lại hoàn toàn im lặng. Ông Jessop không đáp lại lời thách thức ấy. Có thể ông bị tác động bởi việc Keith đã gây quỹ được 1.470 bảng trong số 5.000 bảng cần cho việc xây sân vận động mới. Cũng phải thừa nhận rằng phần lớn số tiền đó là trích từ những người ký hợp đồng với bố cậu, những người mà Keith ngờ rằng họ đóng góp với hy vọng tên tuổi của họ trong tương lai sẽ không bị nêu trên trang nhất của các báo.
Thực ra cậu viết không phải để phàn nàn, mà vì tờ Melbourne Age sẵn sàng trả 10 bảng cho việc đăng bài đó. Nó là đối thủ chính của Hầu tước Graham, muốn đăng lại bài báo dài 500 từ này. Keith vui vẻ chấp nhận số tiền nhuận bút đầu tay, nhưng chỉ để thứ Tư sau lại thua sạch trong cá cược, để cuối cùng cho cậu thấy hệ thống của Joe May Mắn không phải là không thể sai.
Tuy nhiên, Keith mong đợi cơ hội gây ấn tượng với cha mình bằng cái cú nho nhỏ đó. Ngày thứ Bảy, cậu đọc lại toàn bộ áng văn của mình được đăng lại trên tờ Melbourne Age. Họ không thay đổi một chữ nào, nhưng đã cho nó một cái tít khác hẳn: "Người thừa kế của Hầu tước Graham đòi học bổng cho thổ dân".
Một nửa trang báo dành cho quan điểm cấp tiến của Keith, nửa trang còn lại là bài của phóng viên chính phụ trách mảng giáo dục của tờ báo. Người này lập luận rất thuyết phục cho giáo dục tư thục. Độc giả được mời phát biểu quan điểm của mình và thứ Bảy sau đó là một ngày rất tai hại cho Hầu tước Graham.
Keith rất mừng cha cậu không bao giờ nói đến vấn đề này, mặc dù cậu nghe thấy ông nói với mẹ cậu:
"Thằng bé sẽ học được nhiều điều trong chuyện này. Nhưng dù sao tôi cũng tán thành hầu hết những điều nó viết".
Nhưng mẹ cậu thì ngược lại.
Trong những ngày nghỉ, Keith dành các buổi sáng để cô Steadman phụ đạo thêm, chuẩn bị cho kỳ thi cuối khoá.
"Học hành cũng là một hành động bạo ngược dưới hình thức khác", cậu tuyên bố sau một buổi học căng thẳng.
"Thế cũng chưa thấm gì so với cái bạo ngược là ngu dốt suốt quãng đời còn lại của cậu", cô ta trấn an.
Sau khi cô Steadman cho cậu một số chủ đề để ôn, Keith đến toà báo Courier làm việc suốt ngày hôm đó. Giống như cha, cậu thấy dễ hoà nhập với các phóng viên hơn là với đám con cái nhà giàu, quyền thế ở trường Thánh Andrew, những đứa mà cậu vẫn phải lấy lòng để quyên tiền xây sân vận động.
Việc đầu tiên cậu được giao ở toà báo là làm việc với một phóng viên tên là Barry Evans phụ trách mục hình sự; anh này chiều nào cũng phái cậu đến toà án để theo dõi các vụ án, nào là móc túi, đục tường khoét vách, nào là ăn cắp trong cửa hàng và đôi khi cả chuyện đa thê. "Hãy tìm những tên tuổi mà mọi người có thể nhận ra ", Evans bảo cậu. "Hoặc tốt hơn nữa là tên những người có liên quan đến những nhân vật nổi tiếng. Tốt nhất là những người nổi tiếng". Keith làm việc cần mẫn, nhưng kết quả không phải hoàn toàn tương xứng với những cố gắng của cậu. Mỗi khi có bài được đăng trên báo, cậu thường thấy nó đã bị sửa chữa không thương xót.
"Tôi không muốn biết ý kiến của cậu", tay phóng viên hình sự nhắc đi nhắc lại. "Tôi chỉ muốn sự thực". Evans đã được tập sự ở toà báo Manchester Guardian, nên không bao giờ mệt mỏi nhắc lại câu nói của C.P. Scott: "Bình luận thì tự do, nhưng sự thực mới là thiêng liêng". Keith quyết định nếu cậu là chủ bút một tờ báo, cậu sẽ không bao giờ thuê mướn ai đã từng làm cho tờ Manchester Guardian.
Cậu trở lại trường để vào học kỳ hai và dùng bài bình luận trong số báo đầu tiên của trường để gợi ý đã đến lúc nước Úc cắt các mối liên hệ với Anh. Bài báo tuyên bố rằng Churchill đã bỏ rơi Úc, chỉ tập trung vào cuộc chiến ở châu Âu.
Một lần nữa tờ Melbourne Age lại gạ Keith quảng bá ý kiến của mình đến số lượng độc giả rộng hơn, nhưng lần này cậu từ chối, mặc dù số tiền được trả khá hấp dẫn là 20 bảng, tức là gấp bốn lần số tiền cậu kiếm được trong hai tuần với tư cách phóng viên tập sự tại tờ Courier. Cậu quyết định chuyển bài đó cho tờ Adelaide Gazette, một trong những tờ báo của cha cậu, nhưng ông tổng biên tập gạch chéo bài báo trước khi đọc đến đoạn hai.
Vào tuần thứ hai của học kỳ, Keith nhận thấy vấn đề khó khăn nhất của cậu là làm sao thoát được Penny, đến lúc này đã không còn tin vào các lí do cậu đưa ra để giải thích tại sao không chịu gặp cô ta, ngay cả lúc cậu nói thật. Cậu đã mời Betsy đi xem phim vào chiều thứ Bảy tuần sau. Tuy nhiên, vẫn còn vấn đề chưa được giải quyết là, làm sao đi chơi với cô này trước khi rũ bỏ được cô kia.
Trong lần gặp gần đây nhất ở phòng thể thao, khi cậu gợi ý có lẽ đã đến lúc hai đứa phải chia tay..., Penny bóng gió rằng sẽ kể với bố về những chuyện hai người thường làm chiều thứ Bảy. Keith không ngại việc cô kể với ai, nhưng cậu rất không muốn làm mẹ cậu buồn. Suốt cả tuần cậu ở lỳ trong phòng, học bài miệt mài đển mức không ngờ, tránh đi bất cứ chỗ nào có thể chạm trán với Penny.
Chiều thứ Bảy, Keith luồn vào thành phố gặp Betsy ở ngoài rạp Roxy. Không gì giống như ba lần vi phạm nội quy trong một ngày, cậu nghĩ. Cậu mua hai vé có dự thưởng xem bộ phim "Những con chuột của Tobruk", dẫn Betsy vào một ghế đôi hàng cuối cùng. Tới khi dòng chữ "hết phim" hiện trên màn ảnh, cậu chẳng biết phim nói gì, còn lưỡi thì đau rát. Keith nóng lòng chờ thứ Bảy sau, khi đội bóng sang đấu ở sân khách, cậu có thể giới thiệu Betsy những lạc thú trong sân vận động.
Cậu mừng là Penny không tìm cách liên hệ với cậu trong mấy tuần tiếp theo. Vì thế thứ Năm, khi đến bưu điện gửi thư cho mẹ, cậu hẹn gặp Betsy vào chiều thứ Bảy. Cậu hứa sẽ đưa cô tới một nơi mà cô chưa từng bao giờ đặt chân.
Ngay khi chiếc xe chở đội bóng vừa khuất, Keith quanh quẩn sau những hàng cây ở phía bắc sân vận động chờ Betsy. Sau khoảng nửa giờ chờ đợi, cậu bắt đầu tự hỏi không biết cô có tới không, nhưng chỉ một lát sau cậu nhìn thấy cô đang đi qua cánh đồng, và lập tức hết sốt ruột. Mái tóc vàng dài của cô buộc bằng sợi cao su vổng lên như đuôi ngựa. Cô mặc chiếc áo thun bó sát người, làm cậu nhớ đến Lara Turner (1), chiếc váy đen ngắn đến nỗi khi đi, cô không còn cách nào khác là bước những bước rất ngắn.
Keith đợi cô đến chỗ cậu sau hàng cây, rồi khoác tay, nhanh chóng dẫn cô về phía sân vận động. Cứ vài bước cậu lại dừng để hôn cô, và khi còn cách sân khoảng hai chục mét thì lần ra được chỗ khoá váy của cô.
Khi họ đến cửa sau, Keith lấy từ túi ra một chìa khoá to cho vào ổ. Cậu từ từ xoay, rồi đẩy cho cửa mở, sờ soạng tìm công tắc đèn. Cậu bật đèn, chợt nghe tiếng rên. Keith không tin vào những gì cậu thấy. Bốn con mắt đang chớp chớp nhìn cậu. Cô gái lấy tay che mặt dưới ánh đèn, nhưng Keith nhận ra cặp đùi ấy, cho dù không nhìn rõ mặt. Cậu chăm chú nhìn cậu con trai đang nằm đè lên người cô gái.
Duncan Alexander chắc chắn sẽ không bao giờ quên cái ngày cậu tập tễnh vào đời.
(1)Lara Turner: tài tử điện ảnh luôn luôn mặc áo thun bó sát người