Tào Tặc
Chương 10 : Tiếng gáy đầu tiên
Ngày đăng: 00:01 22/04/20
Kiến thức của Tào Cấp nông cạn, từ nhỏ tới lớn chưa hề đi quá khỏi trấn Trung Dương.
Nhưng Vương Mãnh thì khác, y làm đại soái, từng dẫn quân Khăn Vàng tung hoành Nam Dương nên kiến thức rộng rãi. Nguyên An tiên sinh là ai thì Tào Cấp có thể không biết, Tào Bằng cũng chưa nghe nói tới nhưng Vương Mãnh biết. Nguyên An tiên sinh tên là Bàng Quý là người của Lộc Sơn môn ở Tương Dương, danh sĩ Kinh Châu.
Khi Lưu Biểu mới tới Kinh Châu, còn chưa ổn định. Lúc đó có Trương Hổ, Trần Sinh chiếm cứ Tương Dương tác oai tác quái.
Khi đó, một là Lưu Biểu không có binh, hai là không có tướng, chỉ có một cái danh hiệu Kinh Châu mục và đeo theo một cái dòng dõi nhà Hán.
Có điều, vào thời Lưu Biểu có tám cái tên danh chấn thiên hạ. Chớ có xem thường điều này, đôi khi chỉ cần nó mà chống đỡ được với thiên quân vạn mã.
Cho dù là thời hậu thế là một người như vậy cũng được mọi người tranh giành tới máu chảy đầu rời. Còn những năm cuối ca thời Đông Hán thì danh tiếng lại càng có tác dụng lớn hơn nữa.
Lưu Biểu liền mời Bàng Quý xuất mã.
Cả hai người cưỡi ngựa đi vào thành Tương Dương, với ba tấc lưỡi thuyết phục được Trương Hổ, Trần Sinh giải tán mấy vạn đại quân. Nhờ đó mà Lưu Biểu không mất một người nào, chiếm được Tương Dương, nổ phát súng chinh phạt Kinh Châu đầu tiên của y. Nói một cách khác, nếu không có Bàng Quý, Lưu Biểu muốn đứng vững ở Kinh Châu cũng không phải là chuyện dễ dàng.
Ngoại trừ lần đó ra, Bàng Quý còn có một danh hiệu khác. Ở Kinh Châu có một cách nói: Lộc Sơn môn có nhị Bàng, tiểu Bàng hiền nhất.
Bàng Quý tự Nguyên An, chính là Bàng lớn trong nhị Bàng của Lộc Sơn Môn. Còn huynh đệ của lão chính là danh sĩ nổi danh cực phú của Kinh Châu - Bàng Đức.
Còn về phần Tư Mã Huy thì là Hoằng Nông Tư Mã chính là một chi của họ Bàng, là một trong những thần đồng hiếm có, cũng là danh sĩ của Kinh Châu.
Còn ngược lại vị Văn Sính - Văn Trọng Nghiệp kia thì không có chút tiếng tăm gì. Ít nhất, Vương Mãnh cũng không rõ là Văn Sính làm cái gì. Có điều đối với võ nghệ của Văn Sính, Vương Mãnh có một sự e ngại. Tào Bằng mở miệng nói lãnh giáo khiến cho Vương Mãnh đổ mồ hôi lạnh.
Đừng nói tới Bàng Quý và Tư Mã Huy, cho dù là Văn Sính muốn giết Tào Bằng cũng chẳng khác gì giết một con kiến.
Lãnh giáo?
Ở thời đại này, lãnh giao chính là tranh cãi, làm mất mặt.
"Đứa nhỏ này có phải điên rồi không?"
Đang yên đang lành lại đi làm bẽ mặt Tư Mã Huy và Bàng Quý?
Văn Sính trầm mặt xuống, tay vịn thanh kiếm, đồng thời trợn đôi mắt hổ.
Một tia sát khí từ trên người y lặng lẽ tản ra. Tào Bằng cảm nhận được liền thấy toàn thân rét run, miệng đắng ngắt.
Có điều, hắn vẫn không hề sợ hãi. Hắn đang đánh cuộc.
Đánh cuộc Tư Mã Huy sẽ đứng ra nói chuyện. Nếu Tư Mã Huy là danh sĩ, trong Tam Quốc diễn nghĩa lại là thầy của Gia Cát Lượng, Từ Thứ, Bàng Thống thì chắc chắn không thể như người thường. Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, Tư Mã Huy xuất hiện cũng không nhiều nhưng vẫn làm cho người ta khắc sâu ấn tượng về một người "thanh lịch, tao nhã, hiểu biết và lương thiện".
Đặc biệt là trong các danh sĩ, bàn luận về quan lại trong triều hoàn toàn theo ý mình. Mà người bị phê phán cho dù biết cũng không thể nào trách tội, càng không thể tức giận mà ngược lại còn phải tới tận nơi thỉnh giáo, thậm chí còn phải tỏ vẻ lòng biết ơn. Nếu tùy ý trả thù sẽ bị người ta nói là lòng dạ hẹp hòi.
Trong lịch sử, ở năm Kiến An thứ ba, Viên Thiệu khiêu khích Tào Tháo.
Lúc đó, Tào Tháo đối với Viên Thiệu ít nhiều vẫn có sự lo lắng. Nhưng mưu sĩ của y khi đó là quân sư Quách Gia đã vạch ra mười điều thắng và mười điều bại.
Nói trong số quần hùng của Tam Quốc thì mưu sĩ mà Tào Tháo yêu thích nhất cũng không phải là Gia Cát Khổng Minh mà mọi người đều biết.
Người mà y sùng bái nhất chính là Giả Hủ và Quách Gia, thường xuyên đau lòng vì cái chết của Quách Gia. Trong lịch sử, Quách Gia cũng không để lại nhiều dấu vết lắm nhưng luận mười thắng mười bại cũng là một trong những dấu vết kinh điển của ông.
Đời sau có chuyên gia nghiên cứu đã nói rằng mười thắng mười bại không phải xuất phát từ Quách Gia, nhưng Tào Bằng vẫn tin rằng đó là từ y. Hiện giờ, hắn đang muốn cầu danh đối với Bàng Quý và Tư Mã Huy, nên trong lúc đàm luận về Viên Thiệu và Tào Tháo đã lấy ra.
Bàng Quý và Tư Mã Huy quay sang nhìn nhau.
Mười thắng mười bại đó giống như một tiếng chuông khiến cho người ta tỉnh ngộ.
Ngay cả Văn Sính ngồi bên cạnh cũng gật đầu liên tục. Chỉ với bằng đó kiến thức cung đủ cho gã xem trọng Tào Bằng thêm vài phần.
- Ngươi nói Tào Tháo tất thắng?
Thiếu niên đứng bên cạnh Bàng Quý vẫn im lặng đột nhiên lên tiếng hỏi.
Tào Bằng chẳng hề do dự, gật đầu nói:
- Đúng thế.
- Vậy nếu không thắng thì sao?
- A?
- Ta nói là nếu Tào Tháo thua bởi Viên Thiệu thì sao?
Lời nói của thiếu niên có một chút gì đó như đấu khẩu.
Hiển nhiên rằng lời nói của Tào Bằng đã đánh động được Bàng Quý và Tư Mã Huy nhưng chưa thuyết phục được thiếu niên.
Tào Bằng cũng không nôn nóng trả lời, dưới ánh mắt của Bàng Quý và Tư Mã Huy, hắn trầm ngâm một lúc rồi ngẩng đầu nói:
- Nếu Tào Tháo thua thì sinh linh phải chịu khổ.