Thiên Táng

Chương 5 : Gia đình tây tạng

Ngày đăng: 04:05 19/04/20


Vẫn bồng bềnh ở một nơi nào đó giữa sự sống và cái chết, Văn cố mở mắt ra. Cô đang nằm trên nền đất, nhưng thật ấm áp và dễ chịu. Tia sáng chói chang chiếu từ trên xuống khiến cô khó nhìn mọi thứ xung quanh. Cô gắng sức di chuyển cái cơ thể yếu ớt. Bản năng mách bảo cô rằng mọi bộ phận cơ thể của cô ở đó, nhưng đầu óc thì trống rỗng kỳ lạ.



“Đây có phải là ánh nắng trên trần gian không,” Văn tự hỏi, “hay là ánh hào quang linh thiêng trên Thiên đường?”



Một khuôn mặt thân quen cúi xuống chỗ cô.



“Cô thế nào, menba?” Đó là Zhuoma.



“Zhuoma ư?” Văn có thể cảm thấy mình đang quay trở lại với cuộc sống. “Chúng ta ở đâu vậy?”



“Chúng ta đang ở trong nhà một gia đình dân du mục, đây là lều của họ. Thật là may cho chúng ta, chúng ta đã đi đến rìa những vùng đất thấp, mùa đông họ sống ở đây. Chị đã gục xuống. Tôi không biết phải làm gì nếu Gela, ông chủ gia đình, không nhìn thấy chúng ta.”



Văn cố gượng dậy.



“Đừng cử động,” Zhuoma nhắc nhở. “Họ đã bôi ít thuốc mỡ lên trán chị. Chị cảm thấy thế nào?”



“Ba lô của tôi…” Văn sờ soạng xung quanh khu vực cô nằm, tìm bọc đồ mà cô đã mang theo rất cẩn thận từ Trịnh Châu.



“Mất rồi,” Zhuoma nói. “Nhưng cuốn sách chị mang trong túi áo vẫn còn. Tôi đặt nó cạnh gối của chị. Chắc hẳn nó rất có ý nghĩa đối với chị. Ngay cả khi bất tỉnh, chị vẫn khư khư giữ nó.”



Một bé gái chừng mười một hay mười hai tuổi đi vào trong lều mang theo một cái bát làm bằng đất nung, bẽn lẽn đưa cho Zhuoma rồi lại chạy ra ngoài. Zhuoma bảo Văn rằng cái bát đựng nước mới lấy về, do một trong những đứa con gái của gia đình mang vào. Những người khác trong gia đình đang làm việc bên ngoài lều. Họ định sớm chuyển tới các bãi chăn thả mùa xuân, nhưng từ giờ tới đó Văn có thể ở lại đây nghỉ ngơi.



“Nhưng làm sao tôi có thể buộc họ phải chấp nhận tôi?” Văn hỏi. “Chắc chắn là dù không có cái gánh nặng của một người ốm thì cuộc sống của họ cũng đủ khó khăn rồi.”



“Người Tây Tạng mở rộng cửa cho tất cả lữ khách,” Zhuoma khẽ nói, “cho dù họ giàu hay nghèo. Đây là truyền thống của đất nước chúng tôi.” Sau đó cô đi ra nói chuyện thêm với gia đình này.



Ngay khi cô gái đi, Văn mở cuốn sách Tuyển tập tiểu luận của Lương Thực Thu và lấy tấm hình Khả Quân ra xem. Giữa mọi thứ xa lạ này, anh vẫn đang mỉm cười với cô. Sau đó cô tranh thủ quan sát kỹ nơi trú ngụ khác thường mà cô đang ở. Căn lều có bốn mặt được ghép từ những tấm lông lớn, căng lên trên bốn cọc gỗ vững chắc. Có một cửa sổ ở đỉnh lều, mở ra đóng vào nhờ một miếng nắp đậy. Chính đó là nơi chiếu xuống luồng sáng đã làm Văn lóa mắt khi cô thức giấc. Bây giờ cô quan sát làn khói từ bếp lò đang nhảy nhót hết lẫn vào lại tỏa ra khỏi tia sáng đó. Một cái bếp lò đơn giản làm từ một tảng đá lớn hình con thuyền kê trên hai tảng đá nhỏ, đặt ở giữa lều. Cạnh bếp là một cặp ống thổi và những chồng bát, đĩa và lọ sơn rực rỡ, cùng với vài vật dụng gia đình mà Văn không biết tên gì. Một bên lều, Văn nhận ra một thứ chắc hẳn là bàn thờ của gia đình. Phía trên chiếc bàn đặt những đồ tôn giáo có treo một bức hình Đức Phật Tây Tạng thêu trên mảnh gấm kim tuyến nhiều màu. Phía bên phải là một vật lớn hình trụ làm bằng đồng thiếc. Xa hơn nữa là một đống nào nỉ nào thảm, cả chăn lẫn quần áo. Phía bên kia bàn thờ là những bao tải chất cao ngút đựng đầy thứ gì đó có mùi giống phân thú vật. Cửa ra vào là một vạt lều, người lớn phải cúi khom người mới đi qua được. Ở hai bên vạt lều người ta sắp xếp những đồ dùng gia đình và dụng cụ dành cho súc vật.



Từ chiếc nệm trên nền đất, Văn cố suy đoán đôi điều về những vị chủ nhà, nhưng cô thấy không thể đoán được gia đình này sung túc đến mức nào nếu chỉ dựa vào rất nhiều đồ trang trí bằng vàng và bạc treo trên tường, hay những đồ dùng mòn vẹt, rất nhiều bát, vại cùng chỗ ngủ đơn sơ. Với cô mọi thứ đều rất mới mẻ và lạ lẫm, nhất là cái mùi kỳ lạ của phân, của mồ hôi và mùi da sống của thú vật.



Tiếng bước chân từ ngoài đi vào và lần đầu tiên trong đời, Văn cảm thấy thật yên bình biết bao khi ghé sát tai xuống cỏ mà nghe tiếng chân người. Khi Zhuoma bước lại vào căn lều, xung quanh cô là cả một đám kẻ cao người thấp, đủ mọi lứa tuổi. Khi Văn nằm đó nhìn lên những khuôn mặt xa lạ, đầu cô choáng váng.



Zhuoma giới thiệu những vị chủ nhà. Gela[4], chủ gia đình, vợ anh ta là Saierbao[5], em trai là Ge’er[6]. Gia đình họ có sáu đứa trẻ nhưng lúc này chỉ bốn đứa có mặt bởi hai đứa con trai đã vào tu viện rồi. Văn khó mà nghe kịp những cái tên Tây Tạng của sáu đứa trẻ. Mấy cái tên đó thậm chí còn có vẻ khó hiểu hơn cả những cái tên La tinh trong từ điển y khoa mà cô chưa bao giờ có thể nhớ nổi. Zhuoma giải thích rằng mỗi cái tên chứa một âm tiết của câu thần chú thiêng liêng mà mỗi người Tây Tạng thốt ra hàng trăm lần mỗi ngày: Án ma ni bát mê hồng. Cô gái gợi ý rằng Văn chỉ cần gọi mỗi đứa trẻ theo từng âm tiết đơn của câu thần chú: điều này có nghĩa cậu con trai cả là ‘Án’ và cậu con trai tiếp theo, hiện ở trong tu viện là ‘Ma’. Hai đứa bé gái sẽ là ‘Ni’ và ‘Bát’. ‘Mê’ sẽ dành cho cậu con trai khác, cũng đã vào tu viện, và đứa nhỏ nhất là ‘Hồng’. Văn nhờ Zhuoma nói lời cảm ơn tới gia đình họ giúp cô và nhìn họ cười bẽn lẽn khi Zhuoma dịch lại.



Suốt những tuần kế tiếp, Văn được Gela và cô vợ Saierbao hiền lành của anh ta chăm sóc cho khỏe lại, họ cho cô uống trà sữa pha với thuốc thảo mộc hàng ngày. Zhuoma bảo cô là gia đình họ hoãn việc chuyển tới những đồng cỏ mùa xuân cho tới khi cô đủ sức khỏe để kham nổi chuyến đi.



Hai người phụ nữ thảo luận hồi lâu xem họ sẽ tiếp tục cuộc tìm kiếm như thế nào. Zhuoma nghĩ họ nên ở lại với gia đình này cho đến khi thời tiết ấm lên. Đến mùa hè, cả hai người hẳn đã học đủ để biết làm cách nào để sống sót được ở ngoài trời, và gia đình này hẳn đã tích trữ được đủ thực phẩm dự trữ để có thể san sẻ cho họ một ít đồ ăn và một đôi ngựa. Văn thấy lo lắng trước cái dự định phải chờ đợi lâu đến thế. Điều gì có thể xảy ra với Khả Quân trong khoảng thời gian chờ đợi này? Nhưng Zhuoma trấn an cô. Gia đình này đang lên kế hoạch đi về phía Bắc tìm những đồng cỏ mùa xuân. Có thể, cô gái nói, họ sẽ gặp những dân du cư khác hoặc khách lữ hành dọc đường đi, và những người đó có thể cung cấp cho họ tin tức về Khả Quân và Thiên An Môn.



Văn không có lựa chọn nào khác ngoài chấp nhận tình thế hiện tại, mặc dù nằm yếu ớt trên giường, không thể cùng Zhuoma giúp đỡ gia đình một số công việc, lại còn bị đứng ngoài lề cuộc nói chuyện bởi cô không biết nói tiếng của họ, cô cảm thấy ngày dài ra vô tận. Trong thời gian hồi phục, cô quan sát những công việc thường làm của gia đình Tây Tạng này. Cô bị ấn tượng bởi cái trình tự nghiêm ngặt hàng ngày của họ, dường như ngày nào cũng theo một khuôn mẫu đã tồn tại trong nhiều thế hệ. Mỗi thành viên rất hạn chế trao đổi bằng lời khi bắt đầu công việc. Dường như ai cũng biết chỗ của mình và ngày nào họ cũng có hàng núi việc để làm.



Gela và Ge’er, cùng với sự trợ giúp của cậu con cả Án, chịu trách nhiệm về những công việc quan trọng bên ngoài, như chăn thả, giết mổ bò và cừu, thuộc da, sửa chữa dụng cụ gia đình và tu bổ căn lều. Zhuoma bảo cô rằng theo định kỳ những người đàn ông này phải rời khỏi nhà để đi mua những vật dụng gia đình cần thiết. Saierbao và hai đứa con gái thì vắt sữa, đánh sữa lấy bơ, nấu nướng, đi lấy nước và nặn phân thành bánh để đốt, nhóm chất đốt thắp sáng cho căn lều. Họ còn xe chỉ và làm dây thừng nữa.



Văn vô cùng khâm phục các kỹ năng tạo dựng cuộc sống tự cung tự cấp của gia đình này, nhưng cô thấy nản lòng vì phải học quá nhiều. Thậm chí để ăn cho được các bữa ăn của họ cũng đòi hỏi phải học một loạt quy tắc mới. Ngoài các dụng cụ nấu nướng ra thì trong căn lều không có dĩa, cũng chẳng có thìa hay đũa. Đồ dùng duy nhất khi ăn chỉ là một con dao dài mười xăngtimét giắt ở thắt lưng. Lần đầu ăn khi Văn cố dùng con dao này để cắt miếng thịt cừu, cô suýt cứa vào tay. Bọn trẻ xúm xít quanh cô tò mò thích thú như thể chúng đang xem một con thú diễn trò, mồm há hốc vì khiếp sợ.




“Nếu mình tìm được Khả Quân, hai đứa sẽ cùng đi thăm ngôi đền đó,” Văn tự nhủ.



Suốt thời gian Văn và Zhuoma ở cùng với gia đình, cánh đàn ông chưa bao giờ đi vắng khỏi lều quá một ngày, nên Văn lấy làm lạ khi Gela và Ge’er chuẩn bị cho một chuyến đi xa. Họ sửa soạn mang theo bò và cừu, cùng với hai tấm khăn khata trắng lấy từ chỗ gia đình cất giữ đồ cúng tế. Cô hỏi Zhuoma xem họ đi đâu vậy.



“Họ sắp đi thăm một người thợ đá mani, ông ấy sẽ giúp khắc thần chú mani lên đá để họ được bảo vệ chống lại cái ác và làm ăn phát đạt,” Zhuoma đáp. “Chị không thấy là chúng ta thường đi qua những tảng đá khắc đầy chữ và tranh đó sao?”



Văn đã băn khoăn khi thấy những dòng chữ được khắc trên đá, rồi thì cô lại gặp những đống đá nhỏ đẽo gọt cẩn thận ở khắp nơi. Tuy nhiên cô vẫn nhớ đinh ninh rằng người Tây Tạng kiêng hỏi han về tôn giáo nên không dám hé môi gì về chuyện đó. Càng ở lâu với gia đình Gela, cô càng cảm động trước tinh thần tôn giáo của họ, nên cô rất vui khi Zhuoma đề nghị sẽ nói cho cô biết thêm về các tảng đá mani trong khi họ đi lấy nước.



Kể từ cuộc nói chuyện kéo dài lần đầu trong cabin chiếc xe tải quân đội, Zhuoma và Văn luôn tránh đả động quá nhiều về chính trị và tôn giáo, như sợ rằng làm vậy có thể sẽ hại đến tình bạn đang nảy nở dần giữa họ. Nhưng bây giờ, Zhuoma dường như rất sẵn lòng giải thích về tôn giáo của Tây Tạng cho Văn, như thể mấy ngày gần đâu cô đã làm nảy sinh một lòng tin cậy mới trong lòng Zhuoma.



“Có một số người,” cô gái giải thích, “cảm thấy mình có thiên hướng mạnh mẽ muốn đến sống ở những ngọn núi thiêng, ngày nào cũng đi chọn những hòn đá hay mặt đá để khắc lên đó các thần chú mani. Thường thì hễ nơi nào có đám cưới hoặc đám tang, có người hay thú bị ốm hay có bất cứ chuyện không hay nào xảy ra trong một gia đình, chủ gia đình sẽ lên núi để dâng cúng và cầu nguyện xin được đoái thương. Họ dâng bò, cừu và các món đồ khác cho người thợ đá, người này sẽ chọn cho họ một hòn đá trên ngọn núi đó rồi khắc lên đấy sáu âm tiết của đại thần chú. Người ta có thể khắc bằng nhiều loại thư pháp khác nhau và tô bằng nhiều màu. Một số hòn đá mani được khắc trọn cả đoạn kinh Phật, những hòn khác tạc hình Đức Phật.



“Người ta không mang những hòn đá mani theo mình. Đó chỉ là biểu tượng dành cho đức tin và giúp họ được khuây khỏa tinh thần. Chính vì vậy chị mới thấy hàng đống đá mani giữa những tảng đá núi mà chúng ta đi ngang qua.”



Văn chăm chú lắng nghe lời giải thích của Zhuoma.



“Càng ngày tôi càng thấy đức tin thấm nhuần vào mọi thứ ở Tây Tạng,” Văn nói. “Ở đây, người ta phó thác mình trọn vẹn cho trời và thiên nhiên. Ngay cả núi non, sông hồ, cây cỏ cũng nói lên đức tin.”



“Đúng vậy,” Zhuoma nói. “Thậm chí dù ở đây, miền Bắc này, cuộc sống rất khác với vùng đất của gia đình tôi, nơi có đường sá, có nghề nông và đông dân cư hơn, người Tây Tạng chúng tôi đều có chung một tinh thần tôn giáo. Bởi vì chúng tôi tách biệt với thế giới bên ngoài, nên chúng tôi tin rằng ở đây tất cả mọi thứ giữa trời và đất đều hiện hữu như phải thế. Chúng tôi tin rằng chính thần linh của chúng tôi là những thần linh duy nhất và tổ tiên chúng tôi là nguồn gốc của toàn bộ sự sống trên thế giới này. Chúng tôi bị cắt lìa khỏi nhịp tiến của thời gian. Nhà nông chúng tôi gieo hạt, đấy chỉ là họ để mặc số phận mùa màng của họ cho trời. Không có kỹ thuật làm nông hiện đại nào cả. Nhà nông hành xử như tổ tiên họ từ hàng trăm hàng ngàn năm trước, cũng như dân du mục. Cả hai nhóm đều có cuộc sống rất gian khổ. Họ có nghĩa vụ dâng cúng phần nhiều vụ mùa và gia súc của mình cho tu viện. Đó là một gánh nặng rất lớn cho người dân trong khi họ vốn đã có rất ít, nhưng họ phải kính trọng các lạt ma vì các vị này bảo vệ họ.



“Người ta tin rằng Đạt Lai Lạt Ma ở miền Nam Tây Tạng và Ban Thiền Lạt Ma ở miền Bắc Tây Tạng là những đại diện cao nhất cho các thần linh. Khi các ngài qua đời, người ta tìm một hóa thân của các ngài thông qua cầu nguyện và những nghi thức đặc biệt chẳng hạn như ném khăn choàng khata, những chiếc chai quý và thuốc quý xuống một cái hồ được lựa chọn đặc biệt, sau đó mặt nước sẽ tiết lộ bản đồ, bản đồ chỉ cho thấy nơi vị hóa thân sẽ ra đời. Sau khi được chọn, các vị Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma mới sẽ sống suốt phần đời còn lại trong những cung điện nguy nga.”



“Khác với bên Trung Quốc quá,” Văn nói. “Với chúng tôi, tôn giáo không phải là một thế lực mạnh. Chúng tôi chỉ tuân lời các lãnh tụ thế tục mà thôi.”



“Nhưng ai kiểm soát và bảo vệ các lãnh tụ đó?” Zhuoma băn khoăn hỏi.



“Lương tâm,” Văn đáp.



“‘Lương tâm’ là cái gì?”



“Nó không phải là một cái gì,” Văn nói. “Nó là một hệ thống đạo lý.”



“Vậy ‘hệ thống đạo lý’ là gì?”



Văn ngẫm nghĩ. Cô đột nhiên nhận ra rằng đây là một câu hỏi rất khó trả lời. Cô nghĩ đến Khả Quân, một người vốn phải tìm câu trả lời cho mọi câu hỏi rồi sau đó lại tìm một lời đáp cho mọi câu trả lời. Có lẽ Tây Tạng cũng đã khiến anh ấy thay đổi nốt.



Đến lúc đó hai người phụ nữ đã tới hồ, liền dừng lại để đặt thùng đựng nước xuống.



Văn quay sang Zhuoma. “Chị không thể quên Khả Quân của chị,” cô nói.



Zhuoma gật đầu. “Em cũng vậy, cứ nghĩ đến Thiên An Môn suốt. Em đã thấy gia đình Gela tích góp đồ dự trữ rồi. Nay đã sang hè, có lẽ chị em mình có thể hỏi xin Gela đồ ăn và ngựa. Em sẽ thử nói chuyện với anh ấy.”