Thiên Táng

Chương 6 : Mất mát ở thanh hải

Ngày đăng: 04:05 19/04/20


Khi Zhuoma và Văn từ hồ quay về, họ thấy có hai người đàn ông trong lều, cả hai đều khoác súng trường cắm lưỡi lê. Văn nghĩ họ hẳn là họ hàng của Gela, hoặc có thể là chỗ quen biết của Zhuoma vì cô gái lập tức bắt chuyện với họ. Mấy người đàn ông được cả nhà đón tiếp nồng hậu, nấu cả một tảng thịt cừu to để đãi cơm, mùi thịt nướng và rượu lúa mạch thơm phức cả lều.



Khi mấy người kia đi khỏi, Zhuoma cho Văn biết họ là những lữ khách đang đi hái thuốc. Cả cô lẫn Gela chẳng ai quen biết họ cả, nhưng ở Tây Tạng bất cứ lữ khách nào đi qua cũng đều được đón tiếp nồng nhiệt bởi họ là những người mang tin. Theo truyền thống, người ta đón tiếp họ rất trọng thị, mời ăn những món ngon nhất. Ngựa của họ sẽ được đàn ông kiểm tra, còn phụ nữ chuẩn bị nước và đồ ăn khô cho họ đi đường. Điều đáng buồn là nhóm người này không cung cấp được nhiều thông tin có ích cho cả Gela lẫn Zhuoma và Văn.



Sáng sớm hôm sau, khi những tia nắng đầu tiên trải dài trên mặt cỏ, ai nấy bắt tay làm nhiệm vụ của mình như thường lệ. Đàn ông bắt đầu lùa cừu và bò về phía các triền núi phía Nam. Đây là lúc duy nhất trong ngày khi ba người đàn ông cất giọng. Có một âm sắc ngầm của nỗi hân hoan trong những tiếng gọi đầy khí lực họ vang lên gọi thú, và âm thanh đó hòa lẫn với tiếng rống của bò cùng tiếng be be của lũ cừu. Zhuoma khởi hành đi ra hồ, với Ni và Hồng đi theo vừa bước vừa tán chuyện và cười rúc rích, như thể những cái túi da đựng nước rỗng sau lưng họ đang chất đầy hạnh phúc. Saierbao, Bát và Văn bắt tay vào đánh bơ, giờ Văn cũng đã thành thạo việc này rồi. Cô tràn đầy niềm hy vọng và tự tin mới mẻ. Zhuoma dự tính tặng Gela ít nữ trang của mình để đổi lấy hai con ngựa, và mặc dù Văn chẳng có gì để cho, nhưng cô quyết định sẽ để lại cuốn sách Tuyển tập tiểu luận của Lương Thực Thu. Ít lâu nay, giữa bữa ăn chiều và giờ cầu nguyện, bọn trẻ con thường nài cô đọc to một đoạn trong cuốn sách, và cô đọc trong khi Zhuoma cố dịch lại cho chúng. Thật khó giúp cô gái hiểu được lối văn triết lý của Lương Thực Thu, nhưng nhờ vậy mà cô có thể trau dồi tiếng Trung. Ngày nào cô và bọn trẻ cũng học được điều gì đó mới.



Bất ngờ, Văn thấy Bát đứng như bị hút hồn nơi cửa lều, nhìn đăm đăm ra đằng xa. Ngay cả khi Saierbao gọi cô bé đến phụ đánh bơ, cô bé vẫn không nhúc nhích. Còn lạ hơn nữa là sau đó cô bé đi quanh lều hai lần. Mặc dù Saierbao dường như không lo lắng gì trước cách cư xử của con gái, nhưng Văn thì bối rối. Cô đi lại cửa lều thì thấy ở đằng xa Ni và Hồng đang chạy về phía họ. Chẳng có dấu hiệu gì của Zhuoma.



Khi mấy đứa trẻ rốt cuộc cũng đến được cửa lều, cả hai đều ràn rụa nước mắt. Văn thấy Saierbao tái nhợt đi trong khi chị nghe lũ trẻ kể lại chuyện gì xảy ra, thế rồi chị chạy ra khỏi lều vung tay gọi to về phía Gela, Ge’er và Án đang ở mãi đằng xa. Văn sốt ruột chờ đám đàn ông quay về lều để cô có thể biết chuyện gì đã xảy ra. Nghe những gì bọn trẻ lắp bắp kể, cô chỉ nghe được mỗi một từ “Zhuoma” lặp đi lặp lại nhiều lần.



Sau một hồi tưởng lâu hàng tiếng đồng hồ, mấy người đàn ông vào lều và lắng nghe bọn trẻ kể. Văn dùng cử chỉ để khẩn nài chúng giải thích cho cô hiểu chúng nói gì. Chính Ge’er, như thường lệ, dường như hiểu cô. Lấy một tấm bảng thường được dùng để gia công lông cừu, anh rắc một ít bột lúa mạch lên đó rồi dùng ngón tay vẽ vài bức tranh. Mặc dù thô thiển, các bức tranh cũng khá rõ ràng. Một nhóm đàn ông cưỡi ngựa đã ném một cái bị chụp lên đầu Zhuoma rồi mang cô gái đi. Khi Văn hoàn hồn sau cú sốc khi hiểu ra điều gì, cô ra sức hỏi Ni xem liệu cô bé còn thấy gì nữa không. Ni thả ống tay áo xuống, để lộ mấy vết xước dài trên vai phải. Hồng đặt tay Văn lên đầu chú, ở đó cô cảm thấy có một cái bướu tướng. Cô đoán rằng chúng chắc đã bị thương trong khi giằng co với những kẻ bắt cóc Zhuoma. Văn không biết tại sao lại có người muốn bắt cô ấy đi. Thật không hiểu nổi. Trừ phí đó là một số kẻ thù chưa biết tới của Zhuoma, hoặc là lính Trung Quốc.



Từ đó cho đến hết ngày hôm ấy, Văn cứ hỏi Ni và Hồng nhiều câu hỏi bằng cách dùng cử chỉ, hình vẽ, đồ vật, ra sức tìm hiểu thêm chi tiết về chuyện xảy ra. Hình như Zhuoma và lũ trẻ đang trên đường đem nước về nhà thì có một nhóm đàn ông cưỡi ngựa đến gần họ, dùng thòng lọng tóm Zhuoma giống như tóm ngựa rồi buộc cô gái vào trong một cái bị to bằng vải, loại người ta hay dùng để mang đồ cúng lễ. Bọn trẻ có thể hiểu được đám đàn ông nói gì, nên chắc hẳn đó là người Tây Tạng. Có hai kẻ trong số đó hình như là những người đã tới thăm lều của họ ngày hôm trước. Ni bảo Văn rằng Zhuoma vẫn tiếp tục chống cự, ngay cả khi cô bị vắt lên lưng ngựa. Văn nhớ lại hành vi kỳ lạ của Bát vào buổi sáng xảy ra vụ bắt cóc. Cô bé đã nhìn thấy hay cảm thấy gì chăng? Cô cố gắng hỏi cô bé xem cô bé có biết Zhuoma đang ở đâu không, nhưng Bát chỉ lắc đầu chỉ vào mồm, không nói một lời. Văn không sao hiểu được cô bé muốn nói gì.



Những ngày đó, Gela và Ge’er dành hàng giờ cưỡi ngựa lùng sục khắp vùng xung quanh, cố tìm xem có dấu hiệu gì của Zhuoma và những kẻ bắt cóc cô gái không, nhưng họ đã tan biến vào không khí. Chiều nào cánh đàn ông cũng chán nản trở về. Khi mắt hai bên gặp nhau, Văn hiểu rằng họ không có hy vọng gì tìm được Zhuoma, và họ đang lấy làm tiếc cho Văn, bởi giờ đây cô hoàn toàn đơn độc, không cách gì nói năng cho họ hiểu.



○○○



Khi hè chuyển sang thu, Văn bước vào thời kỳ đen tối nhất trong đời cô. Đêm đêm, cô thường khóc cho người thiếu nữ mà chỗ ngủ bên cạnh cô giờ đây vắng lạnh, nhớ thương lòng can đảm và trí thông minh của người đó. Vào ban ngày, cô cố gắng xoay xở khi không có Zhuoma làm thông dịch. Dăm ba câu chữ lõm bõm bằng tiếng Tây Tạng mà Zhuoma đã cố công dạy cho cô - một vài động từ và những câu như “có” và “không” - cho phép cô cũng làm tạm ổn những nhiệm vụ hàng ngày, nhưng ngoài những việc bình thường đó ra thì cô bị giam cầm trong một thế giới câm lặng. Còn chưa hết, cô thấy chẳng có bao nhiêu hy vọng học thêm được tiếng Tây Tạng. Gia đình Gela xưa nay vẫn sống theo kiểu nói ít hiểu nhiều. Ngay cả khi họ có thì giờ nói chuyện với nhau, cũng hiếm nghe thấy họ trò chuyện. Không có ngôn ngữ, làm sao cô có thể thuyết phục họ giúp cô rời khỏi nhà họ để liều sống một thân một mình trên cao nguyên? Ngoài chuyện cô vẫn giữ bức ảnh Khả Quân, cả nhà này chẳng biết gì về anh cả. Zhuoma đã có lần khuyên cô đừng nói cho họ biết quân đội Trung Quốc đang ở Tây Tạng. Họ sẽ không hiểu được lý do và chuyện đó sẽ làm họ sợ.



Làm sao cô nói được cho họ hiểu rằng cô yêu chồng cô đến nỗi cô sẵn sàng chịu đựng tất cả miễn sao tìm lại được anh?



Văn bị nỗi đau đớn và thất vọng vò xé. Như thể cô đã tới gần được chồng chỉ để lại thấy anh biến mất thêm lần nữa. Cô bị mắc kẹt và không sao tìm được lối thoát.



Sau khi Zhuoma biến mất, gia đình này dường như có vẻ sợ sệt hơn nhiều. Tiếng cười vui tươi của Ni tắt hẳn, cả cậu bé Hồng hiếu động bất kham giờ đây cũng lặng lẽ bám lấy mẹ thay vì hết nhảy cẫng lên lại nhảy chân sáo quanh lều. Khi đến lúc chuyển tới bãi chăn kế tiếp, Gela dường như chọn một nơi còn xa hơn để lưu lại. Cứ hễ nhìn thấy bóng người ở đằng xa, Gela lại ra hiệu cho gia đình lánh mặt. Một đôi lần, thậm chí anh còn giấu Văn giữa bầy cừu sao cho những lữ khách đi qua không nhìn thấy họ, như thể anh sợ rằng cả cô nữa cũng sẽ bị bắt đi mất. Dường như họ đang bỏ lại thế giới của con người mãi xa đằng sau lưng họ.
“Tôi khỏe.”



Tôi cố khiến cho bà trò chuyện thân mật hơn, để tôi có thể hỏi hàng bao nhiêu câu hỏi mà tôi đã tích tụ suốt ngày hôm đó, nhưng rõ ràng là Văn cho rằng mọi trò chuyện ngày hôm đó đã kết thúc.



Tôi lo rằng thân thể to lớn của bà có thể không vừa với cái giường đơn nhỏ hẹp, nhưng một lần nữa, Văn lại hành động ngoài mong đợi của tôi. Trước khi cởi bộ áo ngoài Tây Tạng, bà lấy các đồ vật của mình ra khỏi nó giống như nhà ảo thuật lấy những con chim ra khỏi một cái mũ vậy. Từ hai cái túi trong bà lôi ra sách và tiền, còn từ túi trong tay áo bà lôi ra mấy túi nhỏ bằng da cừu. Từ trong giày bên phải xuất hiện một con dao, từ giày bên trái là một ít giấy. Bà luồn tay vào trong eo áo dài lấy ra hai cái túi da to, rỗng. Rồi bà cởi cái thắt lưng dài bằng lụa, lại có thêm mấy cái túi da nhỏ và dụng cụ này nọ gắn vào đó nữa.



Tôi quan sát mà kinh ngạc: chiếc áo dài là vali hành lý của bà. Hóa ra nó cũng là cái giường cho bà nữa. Bà trải cái áo dài ra trên giường giống như tấm chiếu, đặt cái thắt lưng lụa lên mấy quyển sách và tờ giấy để làm gối, rồi lộn trái hai ống tay áo ra ngoài. Bà nhồi hết đồ đạc của mình vào trong hai ống tay áo lộn trái đó, ngoại trừ con dao. Nó nằm trên gối bên cạnh bà. Cuối cùng, bà nằm lên trên cái áo, kéo hai vạt áo quấn quanh mình rồi dùng hai cái túi to rỗng để đắp chân. Cả cơ thể bà lẫn đồ đạc của bà đều được bảo vệ hoàn hảo.



Tôi chắc là bà không nhận thấy vẻ trầm trồ trên mặt tôi trong khi tôi trèo lên giường bên cạnh. Tôi cảm thấy như mình vừa trải nghiệm một mẩu nhỏ của đời sống Tây Tạng. Tôi rồi sẽ trải nghiệm được nhiều hơn khi đến Thanh Hải vào năm 1995 để cố hiểu những gì Văn đã trải qua. Ở đó tôi sẽ chứng kiến sự khéo léo của người Tây Tạng, những người đã tìm được cách xoay xở để sống với ít tài nguyên đến thế. Tôi sẽ thấy những hòn đá chất đống để định hướng, thấy đồ ăn được giấu dưới mặt đất đóng băng để lúc nào đó về sau sẽ đào lên hoặc dành cho khách qua đường, thấy gỗ được trữ dưới những tảng đá để làm củi đốt. Tôi sẽ biết được rằng hai cái túi da to và Văn trải ra để đắp chân vốn được dùng để đựng lương khô như bột lúa mạch và thịt hong khô ngoài gió những lúc đi đường.



Đêm hôm đó ở Tô Châu tôi khó lòng chợp mắt. Tôi cứ mong trời sáng mau để tôi có thể hỏi Văn vài câu cứ ong ong trong tâm trí tôi.



“Bà có tìm được Khả Quân không?”



“Bà có biết chuyện gì xảy ra với Zhuoma không?”



“Trong suốt những năm đó tình trạng tinh thần và thể chất của bà ra sao?”



“Làm sao bà quay về được?”



Chưa bao giờ tôi gặp người nào mất liên lạc với thế giới một cách hoàn toàn như vậy. Tôi thấy thật khó hình dung. Khi kể lại chuyện mình, Văn cực kỳ mơ hồ về chuyện thời gian. Cuộc sống của dân du mục là cuộc sống theo các mùa, chứ không phải theo đồng hồ hay theo lịch. Thật khó biết được chính xác bà đã sống bao lâu với gia đình Gela. Bà đã nhắc rằng khi bà mới đến thì Hồng khoảng chín tuổi, còn khi bà đi thì cậu đã thành người lớn. Vậy có nghĩa là bà ở với họ ít nhất mười năm, có thể còn lâu hơn nhiều.



“Điều ấy làm bà thay đổi ra sao?” tôi vừa nghĩ vừa trằn trọc. “Bà sẽ trở thành ai?”