Thiên Táng

Chương 7 : Mười ba ngọn núi thiêng

Ngày đăng: 04:05 19/04/20


Suốt những năm Văn ở cùng với gia đình Gela, bà vẫn bám lấy niềm tin rằng một ngày nào đó bà sẽ được tái hợp với Khả Quân. Mặc dù theo nhiều cách bà đã tiếp thu lối sống của đạo Phật và, cũng như nhiều người Tây Tạng khác xung quanh, đã chấp nhận số phận mình, nhưng một phần trong bà không bao giờ chịu từ bỏ cuộc tìm kiếm. Hầu hết mọi suy tư của bà về Khả Quân đều chỉ gói gọn trong cuốn nhật ký, nhưng từ khi bà nói tiếng Tây Tạng khá hơn và cảm thấy có thể diễn đạt cảm nghĩ một cách tinh tế hơn, bà bắt đầu thử giải thích cảm xúc của mình với cả gia đình. Hồng là người đầu tiên được bà nói cho nghe về Khả Quân. Thiên hướng tâm linh mạnh mẽ mà bà nhận ra ở cậu ngay từ khi bà mới đến nhà này đã ngày một lớn lên theo năm tháng, nên bà cảm thấy có thể tin cậy ở cậu. Bà nhớ rằng hồi còn bé, cậu đã rất sợ thấy ảnh Khả Quân. Nay bà lấy ảnh ra chìa cho cậu xem. “Người này là người yêu của cô,” bà nói. “Mặt trời và mặt trăng của cô.”



Dần dần Khả Quân trở thành một phần của cuộc chuyện trò. Cả gia đình thường lắng nghe như bị bỏ bùa khi Văn kể cho họ nghe về cuộc đời trước kia của mình ở Trung Quốc. Đặc biệt là Bát, nay đã thành người lớn, dường như nuốt từng lời những thông tin về cái thế giới rất khác biệt này ở phương Đông. Cuối cùng cũng đến cái ngày Văn chưa bao giờ dám hy vọng tới. Gela đến gặp bà nói rằng cả nhà đã quyết định giúp bà tìm kiếm. Hồng nay đã đủ tuổi để có thể giúp ích cho Gela nên Ge’er có thể rảnh tay. Bát cũng muốn đi cùng họ và Gela đồng ý bởi vì năng khiếu tiên tri huyền bí của cô bé có thể có ích cho Văn. Ông sẽ cho họ ba con ngựa và đầy đủ lương khô để họ có thể đi một thời gian. Khi thức ăn dự trữ cạn, họ có thể cậy vào sự hào phóng của những người Tây Tạng khác và các tu viện.



Khi Văn nghe nói cả nhà đang lên kế hoạch tách nhau ra để giúp đỡ mình, bà òa khóc. Bà không biết nói gì. Không có lời nào đủ để diễn tả hết bà hàm ơn họ bao nhiêu. Họ không chỉ cứu bà thoát chết mà còn nhận bà vào mái ấm gia đình đầy tình yêu thương của mình suốt bao năm qua. Thấy những giọt lệ của Văn, Saierbao lặng lẽ nắm tay bà khẽ vuốt ve. Văn cảm thấy cái thô ráp của làn da Saierbao. Bà đã già đi nhiều. Những quần áo sặc sỡ của bà đã phai màu, nữ trang của bà xỉn đi, nhưng gương mặt bà vẫn ngời sáng.



Buổi chia tay của họ thật trang trọng. Gela và Saierbao lặng lẽ quan sát trong khi Ge’er chất đồ lên ngựa. Saierbao đã chuẩn bị những túi đựng đồ ăn thức uống; có một cái lều, đệm ngủ, dây thừng và thuốc men.



Trong khi Hồng giữ dây cương cho Văn để bà lên ngựa, cậu thầm thì nói riêng với Văn rằng ngay khi Ge’er trở về, cậu dự định sẽ vào một tu viện như các ông anh Ma và Mê. Cậu đã nghiền ngẫm những lời của Văn về Khả Quân: cậu cho rằng cậu hiểu tình yêu của bà là thế nào bởi vì, với cậu, những linh hồn cũng giống như mặt trời và mặt trăng vậy.



Giữa những lời tiễn biệt, Văn tháo chiếc vòng cổ bằng cacnelian mà trước kia Zhuoma tặng bà rồi ấn vào tay Saierbao, cùng với bộ quân phục cũ mà bà chưa bao giờ mặc lại. Hình ảnh gương mặt Ni tràn ngập tâm trí Văn. Bà biết rằng dù có đi đâu, bà sẽ không bao giờ quên cô gái nhỏ chẳng khác nào một chiếc chuông gió xinh đẹp ngày xưa, và cả tình yêu thương thầm lặng của gia đình cô.



Trong khi lên kế hoạch cho chuyến đi, Bát đề nghị với Ge’er họ nên tìm những thợ đẽo đá từng tạc những hòn đá mani trên các ngọn núi thiêng. Những người đó thường tiếp đón đủ mọi hạng người muốn dâng cúng cho thánh thần. Chắc hẳn họ sẽ có tin tức về bất cứ người Trung Quốc nào từng đi qua đường đó trong mấy năm trở lại đây. Ge’er đồng ý rằng họ nên khởi đầu như thế.



Trong nhiều tháng, mọi tìm kiếm của họ đều không đem lại kết quả. Họ rong ruổi từ núi này qua núi nọ, nhưng không một thợ đẽo đá nào mà Ge’er trò chuyện nhận ra được ảnh Khả Quân hoặc từng gặp người Trung Quốc nào. Văn cũng chẳng thu lượm được mấy thông tin về chuyện điều gì đã xảy ra với Quân Giải phóng Nhân dân ở vùng này của Tây Tạng. “Xung đột chấm dứt chưa?” gặp ai bà cũng hỏi. Họ chỉ nhìn bà với vẻ lạ lùng mà không trả lời.



Thế rồi, một ngày nọ, họ bắt gặp một thợ đẽo đá có nhớ rằng từng gặp vài người Trung Quốc. Văn và Bát đợi trong khi Ge’er trèo lên núi để nói chuyện với ông ta. Khi quay lại, Ge’er hào hứng kể rằng nhiều năm trước đây, người thợ đá này có gặp một nhóm người đi qua, trong số đó có vài người Trung Quốc. Toàn bộ nhóm đó đều mặc áo dài Tây tạng, nhưng không khó nhận ra những khuôn mặt không phải Tây Tạng trong số đó bởi họ không có nước da rám nắng màu đồng do bị mặt trời khắc nghiệt vùng cao nguyên thiêu đốt. Mỗi người trong số đó mang một khẩu súng trường gắn lưỡi lê. Có một cái bọc cứ quằn quại suốt trên lưng một trong mấy con ngựa. Ông ta cho rằng trong bọc đó ắt hẳn là có một con vật còn sống. Đám người nọ bảo họ đang đi về phía Đông Bắc.



Văn và Bát nhìn Ge’er sửng sốt. Liệu đó có phải là những người đã bắt cóc Zhuoma không? Văn cho rằng họ nên đi về hướng Đông Bắc để xem có thể thu thập thêm thông tin không, nhưng Ge’er lo rằng nếu làm vậy thì e họ sẽ từ bỏ việc tìm kiếm Khả Quân. Anh đề xuất rằng tốt hơn nên đi về phía Đông Nam, nơi mà theo một số người họ đã gặp thì họ sẽ tìm thấy nhiều người Trung Quốc.



Văn nhìn lên bầu trời xanh thăm thẳm, bàn tay siết lên bức ảnh Khả Quân trong túi trên ngực áo. “Zhuoma đã cứu mạng tôi. Người Trung Quốc chúng tôi hễ có nợ thì muốn trả. Tôi cho rằng nếu Khả Quân biết, anh ấy cũng sẽ muốn tôi tìm Zhuoma trước.”



Con đường về hướng Đông Bắc đưa họ qua những đèo núi cao lộng gió. Ge’er cảnh báo Văn rằng chỉ có thể băng qua những ngọn núi phủ tuyết vào mùa hè, nên họ sẽ phải chờ dưới chân núi cho đến hết mùa đông. Suốt mấy tháng mùa đông họ trú trong lều, tích lũy thêm dần sức mạnh và nghị lực. Ge’er đi săn hươu cùng các con thú hoang khác và hái các loại cây cỏ ăn được. Ông chỉ cho Văn và Bát cách làm sao phân biệt được các loại cây củ thuốc vẫn đang cố sinh tồn giữa tuyết giá.



Đến mùa xuân họ lại lên đường, rong ruổi hàng ngày trời gần như tuyệt đối im lìm, tập trung vào việc dẫn dắt ngựa tiến bước an toàn qua địa hình hiểm trở. Chẳng bao lâu sau khi xuống khỏi một rặng núi, họ gặp một nhóm người hành hương. Những người này buộc quanh trán và quấn quanh bàn tay bàn chân những mảnh vải nỉ dài. Chẳng mấy chốc Văn hiểu ra lý do họ làm vậy. Cứ sau mỗi bước tiến lên, các khách hành hương lại duỗi dài toàn thân trên mặt đất để ngay cả trán họ cũng chạm đất. Rồi họ đứng dậy và lại lặp lại hành vi cung kính bằng toàn bộ thân thể đó. Nhìn thấy Văn và các bạn đồng hành của bà, các khách hành hương đứng lại nghỉ. Họ nói rằng họ đã đi được bốn tháng trong chuyến hành hương đến núi Anyemaqen. Văn biết rằng để tới được núi Anyemaqen thì phải đi ngựa nhọc nhằn mất vài tuần. Với tốc độ đi thế này thì họ phải mất hàng năm. Bà tự hỏi liệu đức tin của bản thân mình có đủ cho bà trụ nổi nếu đi cùng cách đó hay không.



Sau họ chẳng gặp ai nữa. Văn thêm một dòng vào nhật ký, đè lên những chữ mà chính mình đã viết nhiều năm trước. “Giúp em với, Khả Quân ơi! Em biết anh đang dõi theo em, anh đang chờ em!”



Ngay khi đồ ăn thức uống của họ sắp cạn, họ nhìn thấy một túp lều. Ba khách lữ hành kiệt sức được gia đình du mục sống trong lều tiếp đón nồng hậu và lưu lại đó hai ngày hai đêm. Văn thấy điều kiện sống của gia đình này rất khác với gia đình Gela. Họ có nhiều đồ dùng gia đình và dụng cụ làm ruộng bán cơ khí, một chiếc xe đạp và cả một cái máy kéo nữa. Bà chưa hề nghĩ rằng cuộc sống của người Tây Tạng nơi này lại có thể khác nơi kia đến thế.



Chủ gia đình giải thích rằng hết thảy các thứ này đều được mua từ “cửa hàng xe tải” vẫn thường qua lại vùng đất Tây Tạng này trong mấy năm gần đây.



“Mấy cửa hàng đó là của người Trung Quốc ạ?” Văn hỏi.



“Không, họ là nhà buôn Tây Tạng,” người đàn ông đáp.



Ge’er kinh ngạc khi thấy đống máy móc, rón rén sờ sờ vào chúng. Ông cứ hỏi mãi không thôi.



“Mấy cái thứ nho nhỏ bằng sắt này ăn gì?”



“Ban đêm chúng làm gì?”



“Chúng có khi nào nổi giận không?”



“Anh có thể cưỡi xe đạp lên núi không?”




Chính là ở ngọn núi thứ chín nơi họ tìm ra thông điệp của Zhuoma. Ngọn núi đầy những tảng đá mani chồng chất, trên đó có khắc những bài kệ mani và nhiều đoạn kinh phật.



“Đó là kinh Kim Cang,” Thiên An Môn nói. “Cứ mỗi ụ đá là một chương kinh.”



“Tôi sờ vào được không?” Văn hỏi.



“Được,” Thiên An Môn đáp. “Khi đặt ngón tay vào các chữ, chị sẽ cảm nhận được sự có mặt của các linh hồn.”



Trong một lát, hai người tách nhau ra, tha thẩn đi quanh các ụ đá, đọc những lời kinh được lưu giữ trong đá. Khi Văn ngắm nhìn chúng, bà cố hình dung không biết bao nhiêu thế hệ bàn tay đã khắc nên những chữ thiêng kia, chồng chất chúng trên ngọn núi này để được lưu giữ suốt hàng ngàn năm. Bỗng Thiên An Môn gọi to. Văn quay lại. Ông đứng đó, vừa vẫy vẫy một cái khăn khata màu trắng mà ông rút xuống từ dãy phướn cầu nguyện phất phơ trong gió vừa kêu lên cái gì đó không thể nghe ra. Khi Văn lại gần ông, đi xuống con dốc, hầu như ông quá xúc động không nói được. Bà cầm lấy cái khăn từ tay ông. Trên đó có ghi một câu giản dị: “Zhuoma đang tìm Thiên An Môn. Bà ấy đợi ông ở ngọn núi kế cận, gần chỗ lều thợ đẽo đá.”



Tim họ như muốn bật ra khỏi miệng trong khi họ giục ngựa phi về phía ngọn núi kế cận. Thông điệp đó nằm đây bao lâu rồi? Zhuoma có đợi được không? Họ đi mất nhiều ngày. Khi đến được chân núi, họ thấy ở đằng xa túp lều của thợ đẽo đá, bên trong có dáng người một phụ nữ trông như tượng. Khi ngựa của họ phóng ầm ầm về phía người đó, bà ta quay lai. Ấy là Zhuoma.



Mãi một hồi lâu cả ba người đứng lặng. Trong cơn cảm xúc trào dâng, họ không nói được lời nào. Văn xuống ngựa, ôm lấy người bạn đã hai mươi năm không gặp. Sau lưng bà, Thiên An Môn chào người chủ cũ bằng những giọt lệ âm thầm. Ông đã tìm thấy bà, nhưng không thể ôm bà trong tay. Ở Tây Tạng, phụ nữ độc thân chỉ được phép chạm vào bàn tay một người đàn ông nếu người đó đã thề nguyện dâng đời mình cho Phật.



Từ sự im lặng của Zhuoma khi họ nhắc tới chủ đề này, có thể thấy rõ rằng bà không muốn nhắc tới những gì đã xảy ra với mình từ khi bà bị bắt cóc. Văn và Thiên An Môn không bao giờ dám xúc phạm đến lòng tự trọng của bà bằng cách cứ gặng hỏi. Họ chỉ biết được rằng bà đã bị đưa tới thành phố Tây Ninh của Trung Quốc ở góc Đông Bắc tỉnh Thanh Hải, sống ở đó nhiều năm trước khi tìm được cách trốn thoát. Phải mất hai năm bà mới tìm được gia đình của Gela. Khi rốt cuộc bà cũng tìm được họ thì Văn đã ra đi từ lâu rồi.



Làm sao bà đã nghĩ tới chuyện để lại thông điệp trên các ngọn núi thiêng? Văn hỏi, sửng sốt khi thấy số phận hẳn đã run rủi cho Zhuoma hành động giống hệt như bà.



“Một người thợ đẽo đá mani có nói với tôi một điều mà tôi không thể quên,” Zhuoma đáp. Anh ấy nói: ‘Người Tây Tạng luôn luôn tìm lại được ở các ngọn núi thiêng những gì mình đã đánh mất.’ Tôi bèn quyết định rằng hàng năm trời tôi sẽ đến thăm tất cả các ngọn núi thiêng, và nếu trước mùa đông mà tôi không nhận được tin gì, tôi sẽ quay lại ngọn núi đầu tiên vào mùa xuân và lại khởi sự từ đầu. Tôi đã làm như thế,” bà nói, buồn bã nhìn Thiên An Môn. “Tôi đã thăm từng ngọn núi nhiều lần, giờ thì các ngọn núi đã trao cho tôi những gì tôi đã mất.”



Bà quay sang Văn.



“Chị tìm được Khả Quân chưa?”



Văn chỉ biết lắc đầu.



“Thế thì,” Zhuoma nói, “tôi muốn giúp chị tìm lại những gì chị đã mất. Hãy cho tôi biết tôi phải làm gì.”



Văn cảm thấy lời của Zhuoma giống như một món quà tự trên trời ban xuống. Kể từ khi gặp những người Trung Quốc ở Wendugongba, bà luôn ngẫm nghĩ tới những gì đã biết được về sự có mặt của người Trung Quốc ở Tây Tạng.



“Tôi muốn đến Lhasa,” bà nói. “Tôi nghĩ ở đó tôi có thể tìm thấy những người ở trong quân đội Trung Quốc. Có thể họ có hồ sơ ghi lại chuyện gì đã xảy ra với trung đoàn của chồng tôi.”



Zhuoma liếc sang Thiên An Môn vẻ dò hỏi.



“Tôi sẽ đưa cả hai vị đến Lhasa,” ông nói, “nhưng sau đó tôi có nghĩa vụ phải quay về tu viện.”



Phải khó khăn lắm Văn mới có thể nhìn Zhuoma. Bà đau đớn nhận ra rằng người bạn của mình rồi sẽ phải một lần nữa đối mặt với nỗi đau mất người bà yêu.



○○○



Tôi nghĩ đến cảnh Văn và Zhuoma đối diện nhau, tóc bạc, sợ không dám nói quá nhiều, thận trọng không dám hỏi nhau nhiều. Cả hai đều biết có những điều không nên bàn tới. Rằng họ không đủ sức. Rằng sau quá nhiều năm mất mát đổi thay, trái tim họ hẳn không còn đủ sức chịu đựng nữa.



Nhiều lần tôi tự hỏi những gì có thể đã xảy ra với Zhuoma trong những năm xa cách Văn. Có lẽ bà ấy đã bị bắt cóc để làm vợ một ai đó. Chuyện này thường xảy ra ở những vùng dọc theo Con Đường Tơ Lụa. Suốt nhiều thế hệ, người Mông Cổ, người Tây Tạng và người Trung Quốc sống gần Con Đường Tơ Lụa vẫn thường tấn công các thương đoàn để tìm vợ cho mình. Đôi khi, nếu người phụ nữ giàu có, những kẻ bắt cóc sẽ thỏa thuận với bà ta rằng bà ta chỉ cần sống với vợ chồng trong một thời hạn nhất định. Có lẽ đây là trường hợp của Zhuoma. Khi gặp Thư Văn và Thiên An Môn, bà vẫn đang đeo các món nữ trang của tổ tiên. Điều này cho thấy chồng bà có lẽ là một người giàu có, quyền thế, nên tôn trọng tài sản của vợ mình. Dù thế nào đi nữa, và nếu điều tôi đoán là đúng, thì cũng khó hình dung được một phụ nữ có học vấn như Zhuoma phải chịu thống khổ như thế nào trong suốt những năm bị ép làm vợ ấy, hay làm thế nào bà thích nghi được với cuộc sống sau đó.