Tiếu Ngạo Giang Hồ

Chương 118 : Cuộc đấu kiếm giữa Hồ Xung và Lão Nhậm

Ngày đăng: 14:13 18/04/20


Cuộc đấu kiếm giữa Hồ Xung và Lão Nhậm



Lệnh Hồ Xung chấn động tâm thần. Tuy Nhạc Bất Quần đã đuổi chàng ra khỏi sư môn và gửi thư đi khắp thiên hạ công bố chàng là công địch của nhân sĩ võ lâm chính phái, nhưng chàng vẫn nhớ ơn đức sư phụ cùng sư nương nuôi dạy mình từ thuở nhỏ đến ngày khôn lớn và đã coi chàng như con ruột sinh ra, khiến chàng không lúc nào quên được. Bây giờ chàng nghe lão Nhậm buông lời sỉ nhục sư phụ thì không ngăn nổi cơn tức giận, lớn tiếng quát:



- Im miệng! Sư...



Chữ "phụ" tới cửa miệng chàng vội dừng lại, vì chàng chợt nhớ tới Hướng Vấn Thiên dẫn chàng tới Mai trang đã bảo chàng mạo nhận làm sư thúc Nhạc Bất Quần. Nhất là chưa rõ đối phương là thiện hay ác, không nên thổ lộ chân tình với họ.



Lão Nhậm chưa rõ ý nghĩa tiếng quát của Lệnh Hồ Xung, lão liền cười nói tiếp:



- Trong phái Hoa Sơn dĩ nhiên cũng có người tử tế tỷ như Phong lão, như tiểu hữu. Lại còn một người hậu bối của tiểu hữu kêu bằng Hoa Sơn Ngọc Nữ Ninh.. Ninh gì Tắc. À phải rồi! Tên nàng là



Ninh Trung Tắc. Vị tiểu cô nương này khẳng khái hào hiệp đáng là một nhân vật khả kính. Tiếc thay nàng lại đi lấy Nhạc Bất Quần phỏng có khác gì đem đóa hoa tươi cắm vào đống phân trâu, để mình ngọc cho ngây vầy, hồng ngâm cho chuột vọc?



Lệnh Hồ Xung nghe lão Nhậm kêu sư nương mình bằng tiểu cô nương thì không khỏi cười dở khóc dở, nên không trả lời.



Lão Nhậm lại hỏi tiếp:



- Tiểu bằng hữu! Tên họ tiểu hữu là gì?



Lệnh Hồ Xung đáp:



- Vãn bối họ Phong tên gọi Nhị Trung.



Lão Nhậm nói:



- Những người họ Phong ở phái Hoa Sơn đều không phải là tầm thường. Tiểu hữu lại đây để ta lãnh giáo mấy chiêu kiếm pháp của Phong lão.



Trước lão kêu Phong Thanh Dương bằng "lão Phong", sau lão đổi làm Phong lão. Chắc Lệnh Hồ Xung khéo nói làm cho lão vui lòng. Vì thân nên nể cây đa, bây giờ đối với Phong Thanh Dương lão đã tỏ ra lịch sự hơn trước.



Lệnh Hồ Xung nổi tính hiếu kỳ. Chàng vừa nóng coi chân tướng lão vừa muốn biết bản lãnh lão cao minh đến đâu, liền đáp:



- Kiếm pháp thô thiển của vãn bối phô trương với ai thì còn tạm được,nhưng ở trước mặt tiền bối thì thật là múa rìu qua mắt thợ, không bõ làm trò cười. Nhưng Nhậm lão tiên sinh là rồng, phượng trong loài người, vãn bối đã vào đây, có lý nào lại không bái kiến?



Ðan Thanh tiên sinh lại sát bên chàng ghé tai nói nhỏ:



- Lão đệ! Võ công người này rất quái dị mà thủ đoạn thâm độc vô cùng! Lão đệ tỷ kiếm với y thì được nhưng chớ có tỷ thí nội lực mà nguy đấy.



Y nói tới đây bỗng "ồ" lên một tiếng, mừng rỡ tiếp:



- À, nhưng không có chi đáng ngại. Lão đệ chẳng có chút nội lực nào. Cũng vì thế mà đại ca mới ưng thuận cho lão đệ đi tỷ kiếm với hắn.



Y nói khẽ, nhưng bằng một giọng rất thân thiết, tỏ ra con người chí thành.



Lệnh Hồ Xung động tâm tự nghĩ:



- Vị tứ trang chúa này đối với ta thật nhiều nghĩa khí. Vừa rồi ta mỉa mai y mà y chẳng giận dữ chút nào lại vẫn thật tình quan tâm tới sự yên nguy của ta.



Chàng không khỏi ngấm ngầm hổ thẹn trong lòng.



Lão Nhậm ở trong nhà lại gọi:



- Vào đây! Vào đây! Bọn chúng ở ngoài úp mở gì đó? Tiểu hữu ơi! "Giang Nam tứ xú" chẳng tử tế gì đâu. Họ nói câu gì đều là muốn cho tiểu hữu mắc bẫy đó.




Lệnh Hồ Xung nhận thấy kiếm pháp đối phương biến hóa phức tạp vô cùng! Từ ngày chàng học được kiếm pháp "Ðộc cô cửu kiếm" chưa từng gặp phải tay kình địch nào ghê gớm như lão. Kiếm pháp của đối phương thủy chung vẫn kín đáo không tìm đâu ra được chút sơ hở.



Lệnh Hồ Xung đinh ninh ghi nhớ yếu quyết của Phong Thanh Dương dùng "Vô chiêu thắng hữu chiêu", biến ảo theo ý muốn.



Chiêu "Phá kiếm thức" trong "Ðộc cô cửu kiếm" tuy là một thế kiếm song nó bao hàm hết thảy những mấu chốt kiếm pháp các môn phái. Tiếng gọi là vô chiêu mà thực ra nó gồm hết căn bản những chiêu số các kiếm pháp khắp thiên hạ.



Lão Nhậm thấy kiếm chiêu của Lệnh Hồ Xung phát huy vô cùng vô tận mà những chiêu biến hóa lại rất kỳ lạ lão chưa từng thấy. May nhờ có kinh nghiệm phong phú, kiến văn quảng bác, lại có trí hơn người, lão hóa giải được hết.



Sau khi trao đổi ngoài 40 chiêu, lão phóng kiếm hơi chậm lại. Lão từ từ vận nội lực vào kiếm gỗ.



Mỗi lần kiếm phóng ra lại vẳng nghe có tiếng rít lên như sấm rền gió cuốn.



Cái kỳ diệu về "Ðộc cô cửu kiếm" là không phải tỷ đấu nội lực với đối phương. Bất luận nội lực địch thủ thâm hậu đến đâu mà gặp phải kiếm pháp "Ðộc cô cửu kiếm" tới độ tinh vi cũng thành vô dụng.



Từ ngày Lệnh Hồ Xung học được kiếm pháp này, đây là lần đầu tiên lòng chàng có ý sợ sệt. Mấy phen nguy hiểm tuy chàng nhờ được kiếm pháp tinh diệu hóa giải mà sau lưng đã toát mồ hôi lạnh ngắt.



Thực ra trong lòng lão Nhậm còn xao xuyến hơn. Mấy lần lão chắc mẩm thủ thắng được rồi vì thấy mình dồn đối phương vào tuyệt cảnh ngoài cách buông kiếm chịu thua không còn đường lối nào khác.



Thế rồi đột nhiên Lệnh Hồ Xung thi triển quái chiêu chẳng những giải thoát được tình trạng khốn đốn mà còn thừa cơ phản kích nữa. Chiêu số lợi hại như vậy thực ra ngoài sự tiên liệu của lão.



Bọn Hoàng Chung Công bốn người đứng xúm xít bên cửa sắt nhìn qua lỗ vuông để quan sát cuộc tỷ đấu. Nhưng lỗ vuông này nhỏ quá chỉ đủ hai người xem cùng một lúc, một người ngó bằng mắt bên tả và một người ngó bằng mắt bên hữu. Hai người này coi một lúc rồi lui ra nhường chỗ cho hai người khác.



Ban đầu bốn người thấy lão Nhậm tỷ đấu cùng Lệnh Hồ Xung kiếm pháp tinh kỳ khiến họ thán phục vô cùng. Về sau kiếm pháp của hai người đi tới chỗ vi diệu khiến họ không thể lĩnh hội được.



Có lúc Hoàng Chung Công coi một chiêu rồi cố nghĩ cho ra chỗ tinh diệu của nó mà phải mất một thời gian khá lâu mới hiểu được thì bên trong hai người đã qua lại thêm mười mấy chiêu nữa rồi. Mười mấy chiêu này chiết giải thế nào tuy lão ngó đấy mà thật ra như chẳng nhìn thấy gì. Lão kinh hãi vô cùng



bụng bảo dạ:



- Té ra kiếm pháp của Phong lão đệ tinh thâm đến trình độ mình không thể lường được. Hồi nãy y tỷ đấu với mình, thực ra mình mới dùng tới một thành nội lực, nhưng đừng nói y toàn thân không có chút nội lực nào, dù y có nội lực cao thâm đi nữa thì phép "Thất huyền vô hình kiếm" trên cây dao cầm



của mình cũng chẳng làm gì được y. Y chỉ cần thi triển ba chiêu kiếm liên hoàn, để ta buông đàn chịu thua. Giả tỷ y quyết đấu sinh tử thì ngay chiêu đầu đã đâm mù cặp mắt của ta rồi.



Phép "Ðộc cô cửu kiếm" đối với địch nhân càng cường mạnh bao nhiêu nó càng lợi hại bấy nhiêu.



Bản lãnh địch nhân mà tầm thường thì chỗ tinh diệu trong "Ðộc cô cửu kiếm" lại không phát huy được.



Bây giờ Lệnh Hồ Xung gặp phải 1 nhân vật bản lãnh kinh thiên động địa trong võ lâm hiện nay.



Võ công lão đã đến trình độ mà kẻ thông thường không biết đâu mà lường nên những chỗ tinh vi ảo diệu trong "Ðộc cô cửu kiếm" càng phát huy đến chỗ lâm ly độc đáo.



Nếu Ðộc cô cầu bại tái sinh mà gặp được tay đối thủ thế này, chắc lão phải hoan hỉ hết chỗ nói.



Nên biết người sử dụng "Ðộc cô cửu kiếm" này ngoài phần kiếm quyết, kiếm thuật, còn một phần



lớn phải trông vào trí tuệ linh mẫn của người sử nó. Người nào sử được một cách tự nhiên không còn



bó buộc trong giới hạn qui củ lề luật mới là chỗ tối cao vô thượng của kiếm pháp. Vậy người sử kiếm trí



tuệ càng cao minh bao nhiêu thì kiếm pháp càng cao minh chừng ấy. Mỗi cuộc tỷ kiếm cũng như nguồn



cảm hứng đến với đại thi gia. Nguồn cảm hứng càng dồi dào thì ý thơ càng lai láng. Bài thơ nghĩ ra có giá trị tương đương với nguồn cảm hứng.