Tống Y

Chương 241 : Cuộc hẹn với Quý Phi

Ngày đăng: 19:20 18/04/20


Tống Thần Tông dường như không hề để ý đến cả đám Thái Y quỳ dưới đất, mà chỉ mỉm cười nói: “Đỗ ái khanh! Cái phương thuốc này của ngươi quả nhiên rất hiệu quả, tại sao lúc trước ngươi không sử dụng, mà mãi đến khi Trẫm đến rồi ngươi mới đem ra sử dụng hả?”



“Vi thần không dám làm lỡ mất thời gian chữa trị cho nương nương.” Đỗ Văn Hạo cẩn thận cười nói tiếp: “Vi thần cùng các vị Thái Y của Thái Y Viện đều cố gắng hết sức mình để chữa bệnh cho Đức Phi nương nương, chỉ là có một số tình huống mà bọn thần không biết, dẫn đến những biện chứng chẩn đoán bệnh của chúng thần đều không chính xác, thế nên nương nương uống thuốc vào mà không thấy có hiệu quả gì cả. May mà có những lời nói của thập tam Thái Tử Điện Hạ làm cho thần bừng tỉnh, vỡ lẽ ra biết mình sai ở chỗ nào, vi thần đã điều hòa lại phương thuốc, nên mới có hiệu quả như vậy.”



“Ồ?” Tống Thần Tông cũng tỏ ra vô cùng ngạc nhiên, liếc nhìn Tiểu Hoàng Tử Triệu Nghĩ bé nhỏ đứng cạnh đó một cái, rồi hỏi: “Đỗ đại nhân, rốt cuộc sự tình ra sao, ngươi hãy nói cho Trẫm biết.”



“Tuân chỉ!” Đỗ Văn Hạo ho nhẹ lên một tiếng để chỉnh lại giọng của mình, rồi mới nói: “Trong lần về quê thăm nhà này, mương nương đi qua suối Tử Khê, vì nhớ đến chuyện sinh hạ Hoàng Tử năm đó, mà lưu luyến, bịn rịn quên mất đường về. Bên suối gió to và độc, nên ngấm vào người của nương nương, làm cho nương nương đêm hôm đó về ho và thở gấp. Vì nương nương vốn có bệnh hen suyễn, nên vi thần cho đó là bệnh cũ tái phát, do vậy vi thần mới dùng hai vị thuốc Phê Ba Diệp Cao, Bán Bối Hoàn, để làm mát phổi trị ho, tuy ho có giảm, nhưng hai vị thuốc đó lại làm cho nương nương hô hấp gấp hơn, do vậy thần đã điều chỉnh lại phương thuốc, tuy rằng…”



Tống Thần Tông vội hỏi: “Ngươi dùng phương thuốc gì mau mau nói rõ ra cho ta nghe!”



Đời nhà Tống từ Thái Tổ Hoàng Đế Triệu Khuông Dận đến nay, trải qua bao đời Hoàng Đế, họ đều vô cùng xem trọng y học, nên cũng có đôi chút hiểu biết về y thuât. Có vị Hoàng Đế còn đích thân, tự tay biên soạn và chỉnh sửa các biện pháp, và phương thức chữa bệnh. Tống Thần Tông cũng hiểu biết chút ít về y thuật, nên muốn nghe Đỗ Văn Hạo nói rõ xem phương thuốc của hắn ra sao.



Đỗ Văn Hạo đáp: “Phương thuốc của hạ thần là Ma Hoàng, Hạnh Nhân, Quyền Thang Tử, Cam Thảo, Nga Quản Thạch, Bán Hạ và Trần Bì. Tuy nương nương đã hết ho, nhưng nương nương lại bị mắc phải các chứng như đi ngoài, tim bị rối loạn, mồ hôi ra nhiều, toàn thân nóng và thiếu sức, cộng thêm ăn không ngon miệng..v..v.. Rất nhiều bệnh vặt khác. Sau khi về đến Thái Y Viện, thần tùy theo bệnh tình của nương nương phát tác ra sao mà cho thêm Bạch Thuật, Hoạch Đáp, Nhu Đạo Căn vào để chữa đi ngoài, và ra mồ hôi, không ngờ nương nương uống thuốc vào bệnh lại càng nặng hơn, nằm bẹp trên giường không dậy được. Khi chúng vi thần đang không hiểu tại sao lại như vậy, thì thập tam Thái Tử nói, trước khi Đức Phi nương nương về quê thăm nhà đã bị cảm gió, nên thần mới sực bừng tỉnh, hiểu ra vấn đề.”



Tống Thần Tông kỳ lạ hỏi: “Bị cảm gió với bệnh tình của ái phi có liên quan đến nhau ư?”



“Có quan hệ vô cùng mật thiết” Đỗ Văn Hạo cúi người nói tiếp: “Bệnh của nương nương, bọn thần đều nghĩ là do bệnh cũ tái phát, mà không biết bệnh hen suyễn mà cộng thêm mỏi mệt sẽ làm cho hô hấp khó khăn, như vậy khi khí hàn độc bên ngoài xâm nhập vào kết hợp với hen suyễn, sẽ làm cho phổi bị tê liệt. Mà phổi bị tê liệt thì làm cho khí hàn độc không thoát ra ngoài được, mà phổi lại nối liền với ruột già. Khi khí hàn độc ở phổi bị áp chế, không thoát ra ngoài được, sẽ bị ép đi xuống ruột già, tạo ra chứng đi ngoài của nương nương. Do phổi bị nghẽn nên bị tụ hỏa, làm cho tức ngực, rối loạn tim mạch, cũng chính vì tụ hỏa nên ép cho mồ hôi tuôn ra ngoài cơ thể, nên nương nương mới ra mồ hôi nhiều như vậy. Những triệu chứng này vô cùng ăn khớp với mạch tượng của nương nương.”



“Mạch tượng ăn khớp như thế nào?”



“Hai tay của nương nương mạch mỏng yếu, mạch Nhân Nghênh và Hữu Thốn phù lên và có nhịp đập rõ hơn những chỗ khác. Mạch Nhân Nghênh nằm ở bên tay trái phía trước cổ tay một thốn. Mạch Nhân Nghênh thịnh thì tức là người bệnh mắc chứng cảm gió. Còn trước cổ tay một thốn lại là nguồn của lục phủ, làm tổn hại đến dương khí, nên có biểu hiện khí độc không thoát được ra ngoài. Mặc dù vi thần đã chẩn đoán được bệnh của nương nương, nhưng vẫn không hề biết trước đó nương nương đã bị cảm gió, thế nên đã làm cho thần có những biện chứng sai lệch về bệnh cho nương nương. Hôm nay, thần nghe lời của thập tam Thái Tử, đối chiếu với phản ứng của mạch tượng của nương nương thì mọi việc đã vô cùng sáng tỏ. Đến giờ thần đã hiểu nguyên nhân vì sao mà các Thái Y trước đây chữa đi chữa lại cho nương nương không có hiệu quả, mà ngược lại bệnh ngày càng nặng thêm rồi.”



“Nguyên nhân vì sao?”



“Bệnh của nương nương thực chất là do khí hàn độc bên ngoài kết hợp với hen suyễn bị kết tụ bên trong mà ra. Vậy mà vi thần đã kê nhầm thành những vị thuốc có tính khô và nóng cho nương nương uống, đơn thuốc như vậy sẽ làm cho dịch trong cơ thể bị mất, khi dịch bị yếu đi sẽ làm cho tụ nhiệt và sau đó sinh ra nhiều biến chứng khác. Sau khi vi thần biết rõ nguyên nhân gây bệnh, bèn điều chỉnh phương thuốc của mình, dùng những vị thuốc hàn lạnh để tiệt trừ khí hàn độc, đồng thời giải nhiệt làm tan tụ nhiệt, thúc đẩy sự bài tiết khí độc. Đồng thời trong phương thuốc này, vi thần còn chú ý đến tình hình khí và dịch bị tổn thương trong cơ thể của nương nương. Phương thuốc của thần dùng thêm một chút Nuy Nhuy Thang, nó làm cho khí hàn độc trong người nương nương được thải ra ngoài, tụ nhiệt cũng được giải, thế nên thần trí của nương nương đã tỉnh táo hơn rất nhiều.”
Một lão thái giám đứng trước cổng tẩm cung của Tống Quý Phi trông thấy Đỗ Văn Hạo vội vàng cung kính cúi người chạy đến, miệng cười rạng rỡ nghênh đón hắn: “Đỗ đại nhân, đại nhân đến rồi! Sao đại nhân không sai người đưa thư đến thông báo trước, để bọn nô tài ra nghênh đón đại nhân !”



Đỗ Văn Hạo khoát khoát tay, thấp giọng nói: “Trần Mỹ Nhân ở bên trong phải không?”



“Thưa vâng! Trần Mỹ Nhân vừa mới đến được một lúc.”



Tuy Trần Mỹ Nhân cực kỳ xinh đẹp, làm cho người ta nhìn vào cũng đã thấy trong lòng thoải mái vô cùng. Nhưng Đỗ Văn Hạo rất không thích nàng ta, bởi vì hôm trước hắn vừa gặp nàng ta mà nàng ta đã muốn đánh gẫy chân của hắn. Hắn cho đến bây giờ vẫn nhớ mãi chuyện ngày hôm đó.



Bây giờ, lại biết Trần Mỹ Nhân đang ở trong đó, Đỗ Văn Hạo bèn định quay người bỏ về.



Nhưng đi được hai bước, hắn lại dừng chân đứng lại, thầm nghĩ hắn tránh mặt Trần Mỹ Nhân, thì khác nào khiếp sợ nàng ta. Từ lần hắn trổ tài trước mặt Hoàng Thượng ở tẩm cung của Đức Phi nương nương, được Hoàng Thượng khen ngợi hết lời xong, Đỗ Văn Hạo đi lại trong hậu cung không còn nơm nớp lo sợ như hồi trước nữa rồi. Khi hắn đi khám bệnh, không có chuyện gì đặc biệt cũng không cần dẫn theo Hạ Cửu Bà nữa. Lần này, hắn đến đây là để chữa bệnh cho con gái của Quý Phi nương nương, việc gì phải tránh mặt ai. Mấy người phụ nữ bọn họ kéo bè kết đảng tranh giành Hoàng Thượng với nhau, thì có liên quan gì đến hắn đâu cơ chứ. Nghĩ vậy bèn quay người lại, để lão thái giám dẫn đường, bước vào trong tẩm cung.



Vào đến bên trong đến hoa phòng, lão thái giám gọi bọn cung nữ lại hầu hạ Đỗ Văn hạo, còn mình thì vội vã chạy vào trong bẩm báo.



Đỗ Văn Hạo ngồi không cũng chán, bèn đứng dậy đi đi lại lại ngắm hết toàn bộ hoa cỏ nơi đây. Hắn uống xong cả tuần trà cũng thấy nhạt miệng rồi, mà vẫn chưa thấy lão thái giám quay lại. Trong lòng Đỗ Văn Hạo cũng có đôi chút tức giận, bèn chửi thầm: “Mụ Tống Quý Phi này... cũng làm cao gớm.”



Trong lúc hắn đang tức giận, thì từ cổng của hoa phòng có một cái đầu thò vào nhìn. Đỗ Văn Hạo vẫn chưa kịp nhận ra đó là cái gì, thì cả thân mình của cái đầu đó đã chui hẳn vào trong phòng rồi. Hóa ra là một thiếu nữ.



Thiếu nữa này mặc một bộ váy màu hồng, tóc đen dài nhưng dường như không được chải chuốt cẩn thận, xõa ra hai bên vai duỗi thẳng xuống đến hông. Thiếu nữ này tầm mười ba, mười bốn tuổi, khuôn mặt thanh tú, nhưng lại có sắc vàng nhạt, hốc mắt thâm sâu, làm cho người ta trông thấy cũng có đôi chút sợ hãi.



Mắt của thiếu nữ đảo lên đảo xuống nhìn Đỗ Văn Hạo. Hai tay vịn vào cánh cửa, như muốn ngã đến nơi vậy.



Hai cung nữ đang đứng hầu bên cạnh Đỗ Văn Hạo vội vàng tiến đên đỡ thiếu nữ nọ: “Ối chao Công Chúa! Sao Công Chúa lại đi ra ngoài vậy?”