Xuân Yến
Chương 12 : Kỳ chiếu thư tín và sáng tác (1)
Ngày đăng: 00:56 19/04/20
8 giờ rưỡi sáng, tôi bắt tàu hỏa từ ga Thượng Hải đi Kỳ Chiếu.
Tàu không đông khách. Lúc thì ngủ, lúc thì uống nước và ngắm cảnh, lúc lại
suy nghĩ vài chuyện viển vông. Sau chín tiếng đồng hồ, tôi tới Kỳ Chiếu
mùa thu, đúng lúc hoàng hôn buông trùm phương Bắc. Xuống tàu, lên khỏi
đường hầm. Ở cửa ra, hai cánh cổng gỗ mở rộng trông lên một góc trời xám bạc. Sắc chiều dâng bốn bề. Tắc xi và xích lô vãn khách đậu trơ trọi
trên sân ga mênh mông. Những tòa nhà cũ bị nước mưa ngấm rửa thành xám
ngoét, trên biển quảng cáo sừng sững bên đường là những từ ngữ mang hơi
hướm lạc lõng của ba mươi năm về trước. Tôi phấn chấn trong lòng, biết
rằng mình đã đến đúng chỗ.
Kéo va li băng qua sân ga, bước lên một chiếc tắc xi.
Lái xe là một người đàn ông trung niên lặng lẽ. Người gốc Kỳ Chiếu
thường có khuôn mặt dài, mắt hẹp nhọn, trông rất xưa cũ. Ít người có
khuôn mặt tròn hay vuông. Trải qua bao lần nổi chìm biến động, họ phải
hứng chịu nhiều hình dung và đánh giá sai lệch. Dân Kỳ Chiếu lắm kẻ lừa
đảo và tội phạm xảo trá, khét tiếng tồi tệ, bị các tỉnh khác tẩy chai.
Nhưng đồng thời lại giữ gìn được phong thái và khí thế cổ kính: chân
thực, chất phác, phong tục chứa đựng nhiều nét vẻ tao nhã. Người ngoài
sẽ không thấm được điều này trừ phi tự mình trải nghiệm. Bằng không,
trước sau gì những lời đồn thổi lây lan cũng làm họ hiểu lầm mà thôi.
Chiếc tắc xi luồn lách qua những ngõ phố. Khu đô thị mới mở mang trên
ruộng đồng ngoại ô, những tòa nhà mới vươn lên sừng sững, đa phần là cơ
quan nhà nước và trụ sở của các cấp chính quyền. Khu thành cũ xập xệ bệ
rạc, đông đúc dân cư, đậm mùi chợ búa. Các ban công nhồi nhét đồ dùng
sinh hoạt, phơi phóng đủ loại áo quần, dồn đống cây cối tàn héo. Đường
sá lầy lội, người già đặt trẻ con trên những chiếc xe nôi bằng mây tre,
bước trong đám đất cát bắn tung khi ô tô phóng vọt qua. Phụ nữ mặc áo
ngủ xách túi ni lông đựng thực phẩm về nhà, tóc tai chưa chải, mặt mũi
bí xị. Đàn ông thiu thiu gà gật cạnh những rãnh nước bẩn và trong những
tiệm sữa chửa bên lề đường.
Tôi đặt chỗ ở Thanh
Phong Lâu, một quán trọ lâu đời. Quán trọ rẻ tiền, sa sút, chui rúc ở
một góc cổ thành, những gì còn lại chỉ là tiếng tăm xưa cũ. Nằm trong
ngõ hẹp, kết cấu bê tông xám trắng, thuộc loại công trình xây dựng với
tâm lí tạm bợ, được tới đâu hay tới đó. Lễ tân là một người phụ nữ đứng
tuổi phục phịch và chậm chạp, vừa đập dưa vừa xem vô tuyến, vẻ mặt trơ
trơ. Hành lang trải thảm dệt bằng sợi hoá học, màu đỏ rực đến chói cả
mắt. Có lẽ chưa được giặt giũ bao giờ.
Nghe nói người Kỳ Chiếu rất cố chấp, bất kể thành phố này bị chiến tranh hay lũ lụt
tàn phá bao nhiêu lần, thì bấy nhiêu lần họ vẫn xây dựng lại các kiến
trúc ở đúng vị trí cũ như hình ảnh còn lưu trong ký ức. Bởi thế Thanh
Phong Lâu tuy mất đi vẻ cổ kính tàn tạ, không khôi phục được nét phong
tình năm nào, nhưng vị trí thì có lẽ không xe dịch mảy may.Tôi chọn ở
đây chẳng qua chỉ vì một nỗi hoài niệm thơ ngây. Cho rằng tưởng tượng
của mình về thành phố này sẽ thành hình nhờ một không gian được tái tạo
chính xác đến từng mi li mét.
Thành thị phương Đông này sóng sánh không khí yên ổn thịnh vượng của đời sống trần thế, là địa đàng nhân gian, là mê cung của cái đẹp. Đồng thời, nó
giống một quả cây vào thời điểm căng mọng nhất ngay trước giai đoạn rữa
nát, ngào ngạt tỏa hương, khuếch tán đến từng ngóc ngách, bởi biết thời
gian càng hư hao, mình càng lắt lay chực rụng, được sáng chưa chắc thấy
chiều.
Cuối cùng, thành cổ tồn tại ở hình thức tủ
vong; đường phố ngừng cải tạo, ì ạch bất động, tồn tại ở hình thức tụt
hậu. Khác với những thành cổ được nâng niu bảo vệ gìn giữ, Kỳ Chiếu là
một thành thị bị hủy hoại, không thể tái sinh,chỉ còn là một địa điểm mà thôi. Nó bị chiến tranh quét sạch, bị lũ lụt sông hồ nhận chìm hết lần
này đến lần khác. Nước rút đi rồi, bùn đất bưng bít cả thành phố. Các
công trình mới mọc lên trên da thịt cũ. Giống một cái chai, thay vô vàn
loại rượu, chất lỏng chảy cạn, mùi vị bay hết, nhưng cái chai vẫn còn.
Một thành trì bỏ hoang. Một thành trì trống rỗng. Những cuộc đời nó
từng chuyên chở bị đẩy vào đáy sâu năm tháng, đẩy vào hư không vĩnh
hằng. Một tòa thành, một thời đại, một đám đông, gặp nhau nhờ duyên
phận, nhưng số mệnh định sẵn là sẽ tan tành vào một thời điểm nào đó.
Đây chính là tương lai chung của tất cả.
Vẻ mĩ miều của nó giống như hoa trên cỏ. Cỏ rồi sẽ héo, hoa rồi sẽ tàn.
5
Đi Kỳ Chiếu. Việc này đã được lên kế hoạch từ rất lâu. Muốn tìm chỗ sáng
tác, chẳng đâu thích hợp hơn là một đô thành đổ nát. Sáng tác có thuộc
tính tương tự một thành trì rệu rã, đó là quá khứ với những chân tướng
bị thời gian vùi lấp, là hiện tại giãy giụa, ngơ ngác và giậm chân tại
chỗ, là tương lai cuồn cuộn lớp lớp sóng bạc không chốn quay về.
Tôi chưa bao giờ bắt gặp ở Châu Âu hay nơi nào khác một thành cổ mang
vẻ đẹp bi thảm như vậy. Những công trình có tuổi đời năm sáu trăm năm
của họ vẫn kiên cố tráng lệ, thời gian chỉ đào thải được con người chứ
không đào thải được nền văn minh mà con người sáng tạo ra. Đó là một
dạng hài hòa yên ả về tinh thần. Kỳ Chiếu thì ngược lại, liên tục rơi
vào cảnh phá hủy và tái kiến thiết, sống với nhịp điệu nóng nảy thô bạo. Có lẽ người vùng này mang đặc tính của dân du mục, chỉ muốn gắn vận
mệnh mình theo tấm thân lang bạt. Chưa bao giờ ở yên một chỗ, cũng không tuân phục nhựng trật tự vượt trên thế gian.
Tôi
từng cảm thấy Venice là một thành phố đổ nát mà đẹp đẽ, từng sinh lòng
ngưỡng mộ nó. Năm nào thành phố cũng xiêu dần, sụt dần, dịch chuyển dần
ra hướng biển, cuối cùng sẽ bị làn nước mặn tràn qua. Về sau tôi cảm
thấy, cái đẹp đổ nát thực sự không phải là sinh mệnh thoi thóp chờ hủy
diệt, mà là xác tàn đã phai nhòa diện mạo nhưng dáng hình còn nguyên vẹn sau vô vàn lần bị quét sạch, lại vô vàn lần được tái thiết và trùng tu.
Đó là một vẻ đẹp tổn thương.
Không còn nghi ngờ gì nữa.
Đó là Kỳ Chiếu.